Chúa Nhật 1 Mùa Vọng A
Mt 24, 37-44
Mùa xuân mới của năm Phụng vụ được khai mở bằng Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng. Năm Phụng vụ A cũng là năm Giáo hội mời gọi con cái mình bước theo hành trình với Chúa Kytô dưới ánh sáng Tin mừng theo Thánh Mátthêu- một người thu thuế và cũng là một Tông đồ nhiệt thành của Chúa. Mùa xuân mới của Phụng vụ Giáo hội không bắt đầu từ vườn hoa Anh Đào, từ vườn hoa Mai, nơi chờ đón con người đến viễn du thưởng thức mà lại bắt đầu từ mảnh vườn trên núi Ôliu- nơi theo thánh sử Luca, Chúa Giêsu đã hấp hối, bị bắt và lên trời (x. Lc 22,39-52)! Một chân lý trong những điều xem ra “nghịch lý”! Tại nơi đây, giáo huấn của Chúa Giêsu về thời cánh chung được thánh Mátthêu ghi lại khá chi tiết. Tin mừng hôm nay ghi lại một trong những giáo huấn đó.
Giáo huấn của Chúa Giêsu được Giáo hội mời gọi con cái suy chiêm thật rõ ràng, phù hợp không chỉ với với khung cảnh Phụng vụ mà còn thích hợp cho mọi thời đại: Hãy tỉnh thức và sẵn sàng! Vâng, người Kytô chúng ta sống Mùa Vọng không gì khác hơn là sống tâm tình chờ mong, trông đợi ngày Chúa Kytô giáng lâm lần thứ hai hiển vinh. Thế nhưng, ngày đó là ngày nào? Vấn đề đặt ra không những với các Tông đồ xưa mà còn cho con người ngày nay nữa.
Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi này. Bởi lẽ đó là công việc của Chúa Cha. Tuy nhiên, Người cũng khẳng định chắc chắn rằng ngày giờ đó sẽ phải đến. Vì thế, vấn đề ở chỗ là không phải hỏi khi nào, giờ nào mà là phải luôn luôn ở trong trạng thái sẵn sàng. Lý do đặt chúng ta trong sự chuẩn bị sẵn sàng là vì “chính vào giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.
Thái độ sẵn sàng được Chúa Giêsu khắc họa qua hai dụ ngôn, câu chuyện của ông Nôe và kẻ trộm ban đêm. Chúng ta nhớ lại vào thời Nôe, đang khi dân chúng vẫn ăn chơi trác táng, dựng vợ lấy chồng, thì Nôe lại sẵn sàng chuẩn bị cho gia đình mình giờ khắc Giavê Thiên Chúa đến. Giờ khắc đó, nhân loại bị nhấn chìm, còn gia đình Nôe được “đem đi” trên chiếc thuyền theo dòng nước ngày một dâng cao. Ông Nôe và gia đình được Thiên Chúa cứu thoát vì đã biết sẵn sàng chờ đón.
Cũng như ngày Giavê Thiên Chúa bất ngờ đến trong trận Hồng thủy, thì việc kẻ trộm âm thầm khoét vách lẻn vào cũng không hề được báo trước như vậy. Vì không được biết trước chính xác ngày giờ, nhưng biết rằng trộm chắc chắn sẽ đến, nên chủ nhà cũng như mọi người trong nhà không thể không cảnh giác, canh thức để bất cứ giờ nào trộm đến, bất cứ động tĩnh gì khác lạ, đều đã được chuẩn bị cách chu đáo. Người Kytô chúng ta cần phải tỉnh thức và sẵn sàng như thế nào? Chắc chắn đó không phải là thái độ sẵn sàng và tỉnh thức trong sự sợ hãi; không phải là thái độ của những người lo đi mua sắm đèn dầu, lương thực tích trữ như đã từng xảy ra trong năm 2000! Thái độ cần thiết, đó là sự chuẩn bị tâm hồn, sống trong sự thanh thản bình an, sống trong niềm hy vọng, niềm tin mãnh liệt và sự mừng vui hoan hỷ vì Chúa sẽ đến viếng thăm. Chúng ta nên biết trước điều này, rằng ngày tận cùng thế giới sẽ không ai biết được, ngoài Chúa Cha, nhưng ngày “tận thế” của mỗi người, ngày con người đối diện với cái chết, ngày Thiên Chúa đến đem chúng ta đi, là điều chắc chắc không thể tránh khỏi. Chính vì thế, chúng ta cần không ngừng canh tân đời sống, chuẩn bị tâm hồn trong sạch, tránh xa đàng tội lỗi, chuyên chăm cầu nguyện để khi Thiên Chúa đến gõ cửa linh hồn, chúng ta sẵn sàng đón tiếp và bước theo Người.
“Hãy tỉnh thức và sẵn sàng”, lời mời gọi khẩn thiết của Thiên Chúa, của Giáo hội muốn gửi đến mỗi người chúng ta. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta đáp lại lời mời gọi đó để không ngừng canh tân đời sống, chuẩn bị tâm hồn đón chờ ngày Hồng phúc của Thiên Chúa, ngày Con Người Giáng lâm vinh hiển, đến viếng thăm.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb