CHÚA NHẬT II CHAY –B
Sáng thế 22: 1-2, 9a, 10-13, 15-18; Tv 116; Rmr 8: 31b-34; Máccô 9: 2-10
Có lần tôi đến thăm một tù nhân mang án chung thân, tám năm sau chuyến viếng thăm đó, anh trở thành một người bạn của tôi. Anh ta là một người Công giáo và siêng năng tham dự Thánh lễ hàng tuần tại một nhà Nguyện nhỏ trong tù. Anh nói rằng mình có một vài thắc mắc về những thói quen trong mùa chay đó là: tôi không thể hiểu vì sao chúng ta lại ăn chay. Anh cho rằng “Thực phẩm là cái tốt lành, là quà tặng từ Thiên Chúa. Nhưng tại sao chúng ta lại ăn chay và hãm mình ép xác?”
Thức ăn ở nhà tù thì thật khủng khiếp, không thể ăn được, anh bạn tôi họa hiếm lắm mới có được bữa cơm vừa ý. Khó khăn lắm mới đọc được kinh tạ ơn vì thức ăn được dọn ra trong bát đĩa sứt mẻ; còn thức ăn, theo lời mô tả của bạn bè tôi, thì thường xuyên có mùi ôi, hoặc bữa nào ngon lắm không bị nặng mùi, nhạt nhẽo. Một người tù, hay đúng hơn là người cha như anh đã chật vật lắm mới nuôi đủ gia đình, đương nhiên những người trong gia đình này không thể mời gọi tinh thần chay tịnh trong Mùa Chay được. Chúng ta cũng vậy. Và ăn chay không chỉ đơn thuần là ăn kiêng để giảm vài cân!
Nhưng, nếu chúng ta lựa chọn ăn chay trong mùa Chay này, thì đó là cách giúp tập trung sự chú ý của mình trong việc đáp trả mỗi ngày lời mời gọi của Tin Mừng hôm nay từ đám mây rằng, “Đây là con ta yêu dấu. Hãy vâng nghe lời Người.” Nếu bụng chúng ta thấy đói thì chúng ta mới cảm nhận được những người bạn đặc biệt của Đức Giêsu, họ là những người nghèo trên thế gian này và vất vả tìm kiếm cái ăn. Cái đói thể lý của chúng ta cũng sẽ làm cho chúng ta ý thức về sự thiếu thốn và khao khát Thiên Chúa. Theo cách suy nghĩ này, cái đói thể lý và cái đói tinh thần nó dễ dàng liên hệ với nhau. Vì vậy, khi ý thức được mình khao khát Thiên Chúa, thì vấn đề đặt ra là, “Chúng ta sẽ làm gì để thỏa lòng khao khát đó?” Tin Mừng chỉ ta tìm đến Đức Giêsu và hướng dẫn ta “Hãy vâng nghe lời Người.”
Các môn đệ xuống núi rồi băn khoăn về những gì đã nghe được và họ tranh luận với nhau dọc đường xem “từ cõi chết sống lại nghĩa là gì.” Họ đã đi nhiều nơi với Đức Giêsu; khi thì lắng nghe lời giảng dạy của Người; khi thì chứng kiến Người trải qua cuộc khổ nạn và chịu chết; khi thì được biến đổi nhờ sự phục sinh. Các môn đệ bắt đầu biến đổi đời mình qua tiến trình lắng nghe. Thoạt đầu, họ không tiếp nhận ngay, nhưng Đức Giêsu không bỏ rơi họ và cuối cùng, họ sẽ hiểu được việc trở thành môn đệ của Đức Giêsu nghĩa là gì. Vì thế, họ sẽ là những người chịu biến đổi; họ sẽ được thay đổi và bắt đầu vâng nghe những gì Đức Giêsu đã truyền dạy cho họ – họ sẽ vác lấy thập giá và bước theo Người.
Tin Mừng hôm nay trình bày một bản tóm tắt về đời sống của người Kitô hữu. Trải nghiệm ở núi là những gì mà chúng ta đang làm hôm khi họp nhau để thờ phượng và nuôi dưỡng đời sống đức tin. Trong đó, thung lũng biểu tượng cho nơi mà chúng ta đi đến sau thánh lễ này để sống ơn gọi làm Kitô hữu của mình. Thung lũng là nơi thánh thiêng, nơi đó chúng ta vác thập giá để theo Đức Giêsu trong công việc phục vụ tha nhân.
Điều chẳng phải là cách nhiều người trong chúng ta quan niệm về sự thánh thiện thế nào, với bao điều hằng ngày chất vấn chúng ta sao? Nuôi con? Đến cơ quan hay xí nghiệp? Tìm việc làm? Ngồi vào máy tính? Giải quyết việc thế chấp?… Vâng, có lẽ mùa Chay này sẽ giúp chúng ta cúi xuống nhìn ra bên dưới của bề mặt cuộc sống hằng ngày nơi đó sự hiện diện của Thiên Chúa đang tỏ lộ ra cho chúng ta – như sự diện mạo của Thiên Chúa được tỏ lộ trên núi khi các môn đệ nhìn thoáng qua vinh quang của Người đằng sau việc đồng hành với Đức Giêsu.
Hôm nay chúng ta không đưa ra một danh sách về những gì cần “làm hay không làm.” Nhưng có lẽ chúng ta cũng cần một danh sách như thế để chúng ta biết chính xác người môn đệ đối với chúng ta có ý nghĩa gì. Thay vào đó, Tin Mừng nói với chúng ta, “Hãy vâng nghe lời Người.” Lắng nghe là một trong những món quà quí giá nhất mà ta có thể trao tặng cho bất cứ ai. Xã hội chúng ta đầy rẫy sự ồn ào và huyên náo, bao quanh chúng ta là những bản tin tức và thường xuyên xảy ra những cuộc trao đổi vô vị trên Twitter, chẳng hạn như “Một lát Pizza cho buổi ăn trưa.” Có gì đó chúng ta có thể thực hành cho mùa Chay này: hãy trở nên người lắng nghe kiên nhẫn hơn đối với gia đình và bạn bè. Họ thực sự đang nói gì với chúng ta? Liệu chúng ta có lắng nghe họ không?
Chúng ta cũng cố lắng nghe thế giới rộng lớn hơn xung quanh chúng ta. Thế giới đó với những diễn đàn công cộng và danh tiếng nơi công chúng thường xuất hiện ở những trang đầu, và được nhắc đến trong các bản tin và trên các trang blog. Chúng được nghe thấy. Nhưng tiếng nói của của những ai không bao giờ được lắng nghe? Ai lên tiếng cho các nạn nhân? Ai lên tiếng cho những người nghèo? Tìm đâu tiếng nói thay cho môi trường bị suy thoái của chúng ta? Làm sao và ở đâu chúng ta có thể nghe được tiếng Chúa nói thay cho họ?
Điều này quả thật là khó có thể thực hiện trong một thế giới bị đàn áp, liệu chúng ta có cần tạo nên một nơi và một lúc cho việc thinh lặng, cầu nguyện và suy niệm Thánh Kinh không? Liệu chúng ta có tranh thủ được những khoảng thời gian mỗi ngày để tập lắng nghe Lời Chúa tích cực hay không? Hoàn toàn có thể thực hiện được, nếu chúng ta cố gắng. Tôi có một người dì được cho là người nghiện công việc. Thú thật không còn cách nào khác để diễn tả về dì tôi. Nhưng dì luôn giữ một cuốn Tân Ước đã nhàu nát trên băng ghế phía trước của xe hơi. Khi đến bãi đậu xe tại tòa nhà cơ quan, trước khi bước ra khỏi xe, dì đọc một đoạn ngắn trong cuốn Tân Ước, rồi suy nghĩ một vài phút và sau đó đi đến văn phòng để bắt đầu một ngày làm việc dài dằng dặc. Dì là một trong những người nhân hậu nhất, không chỉ giúp đỡ bạn bè và thành viên trong gia đình khi họ thiếu thốn, mà cả những người xa lạ. Chúng tôi khám phá nhiều về lòng rộng lượng của dì từ những người xa lạ đến dự canh thức dì. Tôi nghĩ dì đã “lắng nghe họ” và đã trở thành người môn đệ của Đức Giêsu qua những gì mà dì lắng nghe trong lời Người từ cuốn Tân Ước nhàu nát đặt trong ghế xe hơi.
Bài đọc một nói về Abraham, trích sách Sáng Thế, được xem như gương mẫu về niềm tin của tổ phụ vào Thiên Chúa. Thiên Chúa đã hứa với ông và Sarah rằng họ sẽ có con cháu đông như sao trên trời. Nhưng Thiên Chúa lại yêu cầu Abraham hiến tế Isaac, người con của lời hứa. Đối với những Kitô hữu, sự sẵn lòng hiến tế Isaac của Abraham là hình ảnh báo trước về việc hiến tế của Đức Giêsu.
Nhưng xem này, đó không phải là những gì mà cộng đoàn sẽ nghe. Họ sẽ nghe rằng Thiên Chúa đang yêu cầu một người cha giết con trai mình. Điều này liệu có ích gì khi giới thiệu bài đọc với một hoàn cảnh nào đó? Các nhà chú giải Thánh Kinh giải thích rằng câu chuyện này như một cách thức để hủy bỏ lối thực hành trong các văn hóa cổ xưa về việc hiến tế con người. Trẻ con được hiến tế cho các vị thần trong những lúc khó khăn hoặc trước một trận đánh lớn. Cách thực hành này đã ảnh hưởng đến niềm tin độc thần của người Dothái, và vì thế câu chuyện Abraham-Isaac được xem như là một sự bài trừ cách thực hành hiến tế đó. Dân Israel biết rằng họ không phải làm dịu lòng Thiên Chúa để thuyết phục Người thuận theo họ. Thiên Chúa luôn luôn ở với họ và không bao giờ có thể bị lôi kéo.
Thêm vào đó, những nhà chú giải Dothái truyền thống về đoạn văn này đã đưa ra lập trường rằng Thiên Chúa biết rõ lòng trung thành của Abraham và vì thế, Thiên Chúa đã cho ông ta một cơ hội để diễn tả lòng trung thành đó. Sau này, trong lịch sử dân Dothái, họ xem việc “trói Isaac” như một hình ảnh ẩn dụ về việc họ phải trải qua cuộc bách hại, và xem đau khổ như là kết quả lòng trung thành của họ đối với Thiên Chúa trong Lề Luật.
Lm Jude Siciliano, OP
Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Gò-Vấp