CHÚA NHẬT 7 MÙA THƯỜNG NIÊN A
Không chỉ riêng quý vị cảm thấy lúng túng đối với đoạn chọn từ Bài Giảng Trên Núi hôm nay. Chẳng phải là mọi Kitô hữu đều cảm thấy khó chịu khi nghe Đức Giêsu nói: “Đừng chống cự người ác”, “giơ cả má bên trái”, “đưa cả áo bên ngoài”, “đi thêm một dặm”, “yêu thương kẻ thù”…hay sao? Chúng ta thực sự muốn giơ tay phản đối khi Đức Giêsu kết luận: “Hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”. Tôi có thể nghe một số người nói: “Thôi nào ông Giêsu, thực tế chút đi!”.
Thoạt tiên khi nghe, chúng ta có thể hiểu vì sao bài Phúc Âm hôm nay, thực ra là trọn vẹn Bài Giảng Trên Núi, làm cho Kitô giáo giống như một lối sống không thực tế và thực tiễn trên thế gian này. Hôm nay, thánh Phaolô diễn tả điều ấy như sau: “Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa…”. Chúng ta nói thêm rằng: “Và sự khôn ngoan của Thiên Chúa là sự điên rồ trước mắt thế gian”.
Vì vậy dựa vào sự khôn ngoan của mình, phản ứng ban đầu của thế gian đối với Bài Giảng là xem lời dạy của Đức Giêsu hoàn toàn vô lý: phi thực tế trong “thế giới hiện thực”. Nhưng “thế giới hiện thực” chỉ là tình trạng hỗn độn và sự khôn ngoan của thế gian đã gây ra tình trạng hỗn độn ấy. Vì thế, trước khi con người vội vã ngoảnh mặt đi trước sự khôn ngoan của Thiên Chúa được mạc khải trong Bài Giảng, thì có lẽ họ muốn dừng lại và xét xem đâu là sự khôn ngoan đích thực. Các bài đọc Kinh Thánh cho thấy rõ tình yêu của Thiên Chúa có sức biến đổi. Trong đức tin, những ai đã từng cảm nghiệm, từng nhận ra và hiện nay hoàn toàn ở lại trong tình yêu ấy thì đều là những người có thể đáp trả như Thiên Chúa đã làm – yêu vô điều kiện. Đức Giêsu đang nói về một tình yêu đặc biệt – tình yêu chia sẻ. Đó là loại tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chúng ta chỉ có thể trao tặng người khác một tình yêu như thế khi chúng ta thực sự biết về tình yêu đó, vì chính chúng ta đã cảm nghiệm nó từ chính Thiên Chúa.
Là những tín hữu, chúng ta cần hướng lòng mình để lắng nghe và tin tưởng vào những điều được loan báo hôm nay. Thật dễ hiểu rằng, cả trong bài đọc của Lêvi và Mát-thêu đều dạy chúng ta phải yêu thương những người thân cận. Nhưng Đức Giêsu xóa bỏ ranh giới giữa người thân cận và người không thân cận. Không có giới hạn nơi những người chúng ta yêu. Do đó, Ngài cho chúng ta biết rằng tình yêu của chúng ta không được giới hạn ở những người tốt (“đừng chống cự người ác”), không giới hạn ở gia đình và bạn bè (“yêu thương kẻ thù”) hay chỉ những người yêu thương chúng ta (“…nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi?”). Điểm cốt yếu là, theo gương Đức Giêsu, chúng ta phải yêu thương tha nhân như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta.
Chúng ta cần trợ giúp để luôn lắng nghe và thấu hiểu sứ điệp Tin Mừng: Đức Giêsu là bằng chứng tích cực về tình yêu nhưng không của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chỉ những ai đón nhận và hoàn toàn ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa thì mới có thể nghĩ đến việc đáp trả tình yêu đó bằng cách thi hành điều Thiên Chúa dạy – yêu thương tha nhân, kể cả kẻ thù cách vô điều kiện.
Chúng ta hãy xem bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay. Trong sách Xuất Hành (21,24) có “luật báo oán” – dạy rằng con người được yêu cầu xử phạt và đền bù tùy theo thiệt hại. Luật này thường được cộng đồng sử dụng để phân xử và đưa ra mức hình phạt. Hình phạt không được vượt quá tội. Nếu hình phạt vượt quá tội thì sẽ có nguy cơ càng gây ra thêm thù hận và ý muốn báo thù vô cùng tận. Hôm nay, Đức Giêsu dạy chúng ta không được có bất cứ kiểu báo thù nào. Nghĩa là chúng ta không thể để cho người khác định đoạt chúng ta sẽ đáp trả bằng cách nào. Có lẽ, Đức Giêsu đang nhấn mạnhvấn đề, nhưng Ngài đã rất cố gắng khi dạy chúng ta biết giơ cả má bên phải ra nữa.
Áo choàng là chiếc áo dài người ta mặc cả ngày. Nó cũng giữ ấm cho con người vào ban đêm. Một lần nữa Đức Giêsu lại nhấn mạnhvấn đề khi Ngài nói về việc đưa cả áo ngoài của mình cho ai muốn lấy áo trong. Không có áo ngoài thì con người sẽ trần truồng! Có lẽ Ngài muốn nói rằng người Kitô hữu không chỉ quan tâm đến quyền lợi của mình, nhưng còn cho đi nhiều hơn cả những gì luật công bình đòi buộc.
Lính La-mã có thể bắt những người thường dân phải phục vụ họ. Như vậy, họ có thể yêu cầu một người vác vật nặng đi một dặm – nhưng không được hơn. Đức Giêsu nói rằng: khi anh em bị yêu cầu làm như thế thì hãy đi thêm một dặm nữa. Nếu người Kitô hữu làm những điều quá phi thường, như chúng ta đang nói là “đi thêm một dặm”, thì điều đó sẽ có tác dụng thế nào trên người lính La-mã, là người sẽ nghĩ rằng mình có trách nhiệm với hoàn cảnh và con người?
Nó sẽ có tác dụng ra sao trên con người hiện đại, là những người nghĩ rằng họ có trách nhiệm với những hoạt động hay cuộc sống của chúng ta, nếu chúng ta tự quyết định đi thêm một dặm nữa?
Liên quan đến những người hành khất hay những ai đến với chúng ta trong lúc khó khăn: Luật tôn giáo đòi hỏi người Do Thái cho vay mà không đặt lãi. Điều này giúp ích cho những ai gặp khó khăn. Thay vào đó, Đức Giêsu không bảo các môn đệ của mình “cho vay”, nhưng là “cho”. Dường như Ngài đang mời gọi các môn đệ của mình tập thói quen quảng đại. Nếu chúng ta làm như thế thì hành động của chúng ta sẽ nổi bật lên, biểu hiện cho thứ khôn ngoan thách thức sự khôn ngoan của thế gian.
Chúng ta đã biết nhiều người vượt qua những ranh giới của lòng quảng đại thường ngày. Người già với số tiền trợ cấp mua đồ dùng cho các cha mẹ đơn thân; người thợ ở lại sau những giờ làm việc để giúp huấn luyện những thợ mới mà không cần thêm lương; những luật sư và giáo viên hy sinh thời gian của mình để giúp những người thất nghiệp và ít học…
Hôm nay chúng ta nghe từ sách Lê-vi lời yêu cầu: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình”. Nhưng sách Lê-vi không nói ngươi phải “ghét kẻ thù”. Có lẽ đó là điều được thêm vào bởi lòng nhiệt thành quá mức và cực kỳ yêu nước vào thời Đức Giêsu. Tuy nhiên, “người thân cận” lại ám chỉ đến người trong cộng đồng. Đức Giêsu không mời gọi chúng ta sản sinh ra thứ tình yêu dựa trên cảm xúc để dành cho người chúng ta không thích hay thậm chí là ghét. Thay vào đó, Ngài mời gọi chúng ta làm điều thiện cho con người – cho dù người đó là kẻ thù. Ngài nói với chúng ta: ngay cả người ác cũng đối xử tốt với đồng bạn. Vậy chúng ta cũng phải tiến xa hơn trong việc đối xử với tha nhân.
Sau cùng, chúng ta phải trở nên “hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”. Chúng ta không thể thánh thiện như Thiên Chúa, vì thế Đức Giêsu không kêu gọi chúng ta đạt tới kiểu hoàn thiện đó. Nhưng, chúng ta phải tập noi theo tình yêu của Thiên Chúa và loại bỏ những đường lối và những chuẩn mực về yêu thương theo kiểu thế gian. Thiên Chúa yêu cả người tốt lẫn kẻ xấu – chúng ta cũng thế. Thiên Chúa tha thứ cho những người tội lỗi – chúng ta cũng tha thứ cho anh chị em mình. Thiên Chúa đáng tin cậy – chúng ta cũng vậy.
Cùng với giáo huấn này, chúng ta có thể thấy rằng Đức Giêsu không quan tâm đến các môn đệ thiếu nhiệt tình hay nửa vời. Chúng ta cũng không phải là những Kitô hữu chỉ tốt ở nhà và khi tụ họp ở nhà thờ. Không có ranh giới cho tình yêu của người Kitô hữu, vì Thiên Chúa không bị giới hạn hay vạch ra những ranh giới cho tình yêu của Thiên Chúa – một số người bị ở trong phạm vi của tình yêu, còn số khác thì không. Chúng ta phải nhìn vào và bắt chước cách thức yêu thương của Thiên Chúa, chứ không phải cách thức yêu của người ta.
Tôi có một vị thầy dạy thần học luân lý, người chia sẻ với chúng tôi về Bài Giảng Trên Núi. Khi chúng tôi bắt đầu cảm nhận được điều Đức Giêsu đang đòi hỏi chúng tôi thì vị thầy đã thấy nơi chúng tôi sự bối rối và chán nản. Cứ như thể là chúng tôi đang nói: “Ai có thể sống như vậy?”. Ông nói với chúng tôi rằng Bài Giảng sẽ đưa chúng tôi đến một lời nguyện rất giản dị và ông đã minh chứng. Ông giơ tay lên không trung, ngước mắt lên với giọng nói làm cho lớp học bên cạnh hoảng hốt, rồi la lớn: “Hãy cứu tôi!”. Thế rồi ông nói: “Đó là một lời kinh tuyệt vời để cầu nguyện khi bạn đọc Bài Giảng Trên Núi”.
Trở lại với sách Lê-vi, Thiên Chúa dạy Mô-sê nói với dân: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh”. Có lẽ trong lúc nghe những lời này, người ta muốn làm theo những gì mà vị thầy dạy thần học của tôi dạy chúng tôi về lời cầu nguyện: giơ tay lên cao, ngước mắt lên trời và kêu “Hãy cứu tôi!”.
Nhưng sự thánh thiện của Israel không đến từ bất cứ đức hạnh có tính cố hữu và trịch thượng nào, hay chỉ là nỗ lực trong vai trò của con người. Thay vào đó, sự thánh thiện của Israel được hình thành là bởi Thiên Chúa đã thiết lập mối tương quan với họ. Thiên Chúa đã chọn họ, giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ và thiết lập với họ một giao ước. Trong cảnh nô lệ, dân có thể kêu cầu với Thiên Chúa “Xin hãy cứu tôi!”; họ không thể tự cứu lấy mình. Họ cũng không thể tự mình tuân giữ một bộ luật nghiêm khắc về thái độ ứng xử như thế. Nhưng họ không đơn độc – Thiên Chúa đã chọn họ. Họ thuộc về Thiên Chúa và vì thế, nếu họ chịu mở lòng ra thì sự thánh thiện của Thiên Chúa sẽ thanh tẩy họ.
Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã bước vào một giao ước mới với chúng ta. Khi nghe những mệnh lệnh của Bài Giảng Trên Núi, chúng ta có thể giơ tay lên trong sự bối rối và chán nản, hay chúng ta có thể hướng về Đức Giêsu và cất lên lời cầu nguyện – “Xin hãy cứu con!”. Đức tin của chúng ta đảm bảo rằng trong mối tương quan với Ngài, chúng ta sẽ có thể làm như Ngài đã làm và những gì lúc này Người hướng dẫn chúng ta: hãy quảng đại với những ai khốn khó; đừng trả thù khi bị xúc phạm; cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi chúng ta và thậm chí, với ân sủng của Thiên Chúa, hãy tha thứ cho kẻ thù của chúng ta.