Hiện Diện – Hiệp Nhất – Chia Sẻ

CHÚA NHẬT LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ

(Mc.14,12-16.22-26)

Trong ý nghĩa yêu thương, trước giờ biệt ly, Chúa Giêsu muốn để lại cho loài người một vật kỷ niệm. Người đời trước khi đi xa, thường lưu lại cho người thân thích một món đồ nào đó để ghi nhớ : một cuốn sách, một khăn tay, một tấm hình, một cái áo, một chiếc nhẫn V.v…Đối với Chúa Giêsu, những vật đó hay bất cứ vật nào cũng đều tầm thường quá, hời hợt quá, không đủ nói lên tấm lòng yêu thương nồng nhiệt của Chúa đối với nhân loại. Kỷ vật Chúa muốn lưu lại cho loài người phải hết sức đặc biệt, đó là chính bản thân Chúa.

Nhưng bản thân bằng xương bằng thịt của Chúa lại sắp sửa bị bắt và bị giết chết. Do đó, Chúa đã thực hiện ý muốn trên bằng một thể thức vô cùng linh diệu, là lưu lại bản thân Chúa dưới hình thức nhiệm mầu. Chúa lấy bánh và rượu biến đổi thành Mình và Máu Ngài : “Này là Mình Thầy”, “Này là chén Máu Thầy”. Với những lời ấy, Chúa Giêsu đã lập phép Thánh Thể. Rồi Chúa còn truyền cho các môn đệ : “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, tức là Chúa ban quyền cho các môn đệ được làm việc cao quý này để tưởng niệm đến Ngài.

Như thế, trong bữa tiệc ly và cũng là thánh lễ đầu tiên do Chúa Giêsu cử hành, Chúa đã thiết lập Bí tích Thánh Thể và ban quyền chức linh mục cho các tông đồ. Từ đó trở đi, cho tới ngày nay, và cho tới tận thế, trong thánh lễ, khi linh mục trịnh trọng lặp lại những lời của Chúa Giêsu : “Này là Mình Thầy”, “Nầy là chén Máu Thầy’, tức thì bánh không còn là bánh, rượu không còn là rượu nữa, nhưng là Mình và Máu Chúa Kitô. Đây là một chân lý cao siêu vượt quá sự hiểu biết của trí khôn loài người.

Bởi vì trước và sau khi linh mục đọc lời truyền phép, chúng ta có nhìn xem, đụng chạm tới hay nếm bánh và rượu chưa truyền phép và đã truyền phép, chúng ta chẳng thấy có gì khác nhau. Nhưng theo đức tin thì lại khác xa nhau một trời một vực : một đàng là Mình Máu Thánh Chúa Kitô, một đàng là một tấm bánh nhỏ bé, một chút rượu tầm thường. Vì thế, chúng ta gọi đây là một bí tích và là một mầu nhiệm đức tin.

Như vậy, trong tình yêu và vì tình yêu, Chúa Giêsu đã tìm ra một phương thế để ở lại với các môn đệ; và qua mọi thời gian, ở lại với tất cả những ai tin vào Ngài. Vì thế, Thánh Thể được gọi là bí tích của sự hiện diện. Dưới hình bánh và hình rượu, Chúa Giêsu hiện diện luôn mãi với loài người nơi trần gian.

Thánh Thể còn là bí tích của sự hiệp nhất. Trước hết, Thánh Thể làm cho chúng ta kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô, bởi vì Ngài đến với chúng ta dưới hình bánh hình rượu, làm cho chúng ta sống bằng chính sự sống của Ngài. Đồng thời, khi kết hiệp chúng ta với Chúa Kitô, thì Thánh thể cũng kết hiệp chúng ta với nhau : được qui tụ chung quanh một bàn ăn, chúng ta cùng uống một chén, chia sẻ cùng một của ăn, chúng ta sống bằng chính mầu nhiệm của tình thương, chúng ta càng hiệp nhất với nhau còn hơn là con cái của một gia đình.

Thánh Thể còn là bí tích của sự chia sẻ : bí tích Thánh Thể đã được Chúa Giêsu thiết lập trong bầu khí thân tình của một bữa ăn từ giã. Tấm bánh Chúa Giêsu đã cầm và phân chia cho các môn đệ cũng như chén rượu Ngài đã trao cho các môn đệ là để họ cùng ăn cùng uống trong tình huynh đệ; và chính việc chia sẻ này đã được Chúa dùng như dấu chỉ cho các môn đệ làm để nhớ đến Ngài. Cũng vậy, ý thức chia sẻ đòi buộc mỗi người không được đóng khung những buổi cử hành Thánh Thể bên trong nhà thờ, nhưng phải sống mầu nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm yêu thương ngay trong cuộc sống mỗi ngày. Chúng ta cũng không thể cử hành Thánh Thể một cách trung thực nếu chúng ta sống dửng dưng, ích kỷ, không quan tâm đến những anh chị em chung quanh. Nếu chúng ta nghèo của cải vật chất, chúng ta hãy chia sẻ, hãy cho tình thương, sự thông cảm, vị tha, bác ái dưới mọi hình thức với hết mọi người.

Tóm lại, về Phép Thánh Thể, chúng ta hãy nhớ : Thánh Thể là một bí tích. Trong Thánh Thể, có Chúa Giêsu thật sự. Vì thế, sau khi truyền phép, không còn bánh và rượu trên bàn thờ nữa. Chúng ta hãy siêng năng tham dự thánh lễ. Mỗi lần dâng thánh lễ là chúng ta cử hành việc Chúa lập phép Thánh Thể. Đàng khác, chúng ta hãy cố gắng rước lễ mỗi khi tham dự thánh lễ, bởi vì rước lễ làm cho chúng ta kết hiệp với Chúa Kitô và hiệp nhất với nhau; tăng thêm sức mạnh cũng như nghị lực cho chúng ta trên đường lữ thứ trần gian; và bảo đảm sự sống đời đời của chúng ta. Như thế, bàn tiệc Thánh Thể trở nên điểm hẹn diệu kỳ, nơi đó, chúng ta được nối kết với Chúa Kitô và nối kết với nhau, để cùng nhau xây dựng một thế giới công bằng và tốt đẹp hơn.

Trích Chia Sẻ Tin Mừng Chúa Nhật Năm B

Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.