Hiệp Nhất

Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một (Ga 17,22).

Trong các lời nguyện nhập lễ, linh mục đọc lời kết: Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Ba Ngôi Thiên Chúa hiệp nhất nên một trong tình yêu. Mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá trên mình, chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Chúng ta được thánh hóa và lãnh nhận ân xá trong tình yêu của Thiên Chúa.

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ: Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi (Ga 14,16). Chúa Thánh Thần là nguồn sự thật và là nguồn hiệp nhất. Ngài là Đấng bảo Trợ và Đấng An Ủi dịu hiền. Chúa Giêsu đã sai Chúa Thánh Thần đến để dạy chúng ta tất cả sự thật về ơn cứu độ. Muốn hiểu sự thật, chúng ta phải ở lại trong Chúa Kitô: Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy (Ga 15,4).
 
Hiệp nhất trong Chúa Thánh Thần là hiệp nhất trong tình yêu và chân lý. Thánh Phaolô trong thơ gởi cho giáo đoàn Ephêsô đã viết: Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng (Eph 4,4). Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội là chúng ta đã được tháp nhập vào Nhiệm Thể Chúa Kitô. Chúa Kitô là đầu và chúng ta là chi thể. Chúng ta cùng chia sẻ một niềm tin và hưởng chung một ân sủng từ Chúa Ba Ngôi. Tất cả các tín hữu hiệp nhất trong cùng một nguồn sống: Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người (Eph 4,5-6).
 
Chúng ta không thể tách rời Nhiệm Thể Chúa Kitô. Chỉ nơi Ngài, chúng ta có sự sống thật và có ơn cứu độ. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh cây nho và cành nho để nói lên sự kết hợp nhiệm mầu: Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được (Ga 15,5). Cành nho phải luôn kết hợp với thân cây nho. Nhựa sống lưu chuyển từ gốc rễ vào thân nho. Cành tách biệt ra khỏi cây, cành sẽ bị khô héo. Thân nho là hình ảnh chính Chúa Kitô. Chúa Kitô là trung tâm và cội rễ của mọi tạo vật. Chúa Kitô đã thiết lập Giáo Hội hữu hình để tuôn đổ hồng ân sự sống. Giáo Hội Chúa Kitô gồm mọi thành phần liên kết với nhau trong cùng một đức mến. Thánh Phaolô viết: Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo (Col 3,14).
 
Kết hợp với Chúa Kitô là kết hợp với Giáo Hội hữu hình. Giáo Hội có cơ cấu và phẩm trật liên đới với nhau. Chúng ta không thể tách rời và cũng không thể sống biệt lập. Nguồn ân sủng tuôn chảy qua các Bí tích, sự cầu nguyện và việc bác ái của mọi thành phần trong Giáo hội. Sự liên kết với Giáo Hội trực tiếp hoặc gián tiếp đều bắt nguồn từ chính Chúa Kitô là nguồn mọi ân sủng. Giáo lý căn bản của Đạo Công Giáo gồm tóm trong 2865 số mục. Chúng ta cần học hỏi và tìm hiểu ý nghĩa sâu xa về giáo lý đức tin, về bí tích, luân lý và đời sống Kitô hữu. Để duy trì sự hiệp nhất giữa Giáo Hội, mỗi thành viên phải chu toàn bổn phận và ơn gọi của mình. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau (Eph 4,3). Ăn ở thuận hòa là đầu mối của sự bình an và thanh thản.
 
Hiệp nhất với Giáo Hội là tuân theo những giáo huấn và chỉ thị của Giáo Hội. Giáo Hội có kỷ luật hướng dẫn để nên hợp nhất trong cách thế sống đạo. Đạo Công Giáo Rôma có Bộ Giáo Luật gồm 1752 điều đã được sửa đổi và kiện toàn vào năm 1983. Bộ Giáo Luật bao gồm tất cả các hướng dẫn như Kim Chỉ Nam giúp chúng ta sống đạo và sinh hoạt mục vụ. Chúng ta có thể tìm thấy mọi chi tiết liên quan đến việc học đạo, giữ đạo, sống đạo, hành đạo và truyền đạo. Luật lệ là để giúp cho chúng ta cùng đi theo một hướng và cùng hiểu đạo một cách. Tuy nhiên trong thực hành cụ thể, chúng ta biết rằng mỗi Giáo hội địa phương có những luật trừ áp dụng tùy theo hoàn cảnh sống.
 
Luật lệ giúp chúng ta sống tốt và sống khuôn mẫu. Chúng ta không giữ luật vị luật nhưng vì lòng yêu mến. Luật sẽ bảo vệ chúng ta đi trong trật tự và đưa dẫn vào sự hiệp nhất. Chúa Giêsu phán: Ngày sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabát (Mc. 2,27). Chúng ta có thể tin đạo trong mọi nơi và mọi lúc. Khi sống đạo và hành đạo là chúng ta phải sống cụ thể tại một địa chỉ và thuộc một cộng đoàn hay một giáo xứ. Là tín hữu, chúng ta cần gắn bó với giáo hội địa phương của mình. Kitô hữu không phải là những người không nhà. Tất cả mọi giáo xứ đều mở của đón chào các Kitô hữu. Chúng ta có thể gia nhập bất cứ cộng đoàn hay giáo xứ nào nơi chúng ta sinh sống.
 
Nhà thờ là trung tâm sống đạo của giáo xứ. Nhà thờ là nơi chúng ta tụ họp để thờ phượng Thiên Chúa và là nhà chung của chúng ta. Mỗi Kitô hữu có bổn phận và quyền lợi bảo vệ và xây dựng. Chúng ta đều là con Chúa và con của Hội thánh. Biết rằng được sống đạo là một hạnh phúc tuyệt vời. Xây dựng Giáo hội địa phương là chúng ta đang cộng tác làm phát triển giáo hội hoàn vũ. Từng cộng đoàn liên đới với giáo xứ và các giáo xứ gắn kết với giáo hạt. Các giáo hạt hợp chung thành giáo phận. Các giáo phận liên kết với nhau làm thành Tổng giáo phận và toàn thể cộng đồng dân Chúa làm nên Giáo Hội hoàn vũ.
 
Đôi khi chúng ta ngần ngại bước theo hướng dẫn của Giáo Hội. Nghĩ rằng chúng ta có thể trực tiếp đến với Chúa để múc tận nguồn ân sủng. Chúng ta gạt qua quyền giáo huấn của Giáo hội để làm theo ý riêng mình. Có một số người chủ trương tin vào mặc khải cá nhân và muốn tự tạo cho mình một hướng đi riêng. Trải qua lịch sử Giáo hội, chúng ta nhận biết có rất nhiều giáo phái và các nhóm hội tách rời. Có một điều lạ là bất cứ nơi đâu có các giáo phái hoặc các nhóm tách lìa, đều có nhiều người tin theo và ủng hộ nhưng lại thiếu sự hiệp nhất với thân nho. Nhìn lại hình ảnh cây nho, chúng ta sẽ thấy cành nho luôn liên kết với thân nho, sẽ sinh nhiều hoa trái. Từng những lá non đến những lá già, những nụ hoa cho tới những chùm qủa và mọi nhánh mọi cành đều phải dính liền với thân cây. Bất cứ một thành phần nào tách rời khỏi thân đều mất nhựa sống và bị khô héo.
 
Đời sống Giáo hội tại thế cũng giống như cây nho sai trái. Mọi tín hữu gắn chặt với Chúa Kitô qua Giáo Hội của Ngài, ân sủng sẽ tuôn tràn và nhân đức sẽ triển nở. Trong Giáo Hội, Chúa ban cho các tín hữu có những đặc sủng và ơn gọi khác nhau. Mỗi người tùy theo khả năng của mình để sinh lợi ích cho toàn thân. Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy (1Cor 12,12). Chúng ta đều là Kitô hữu. Kitô hữu được mang danh Chúa Kitô. Chúa Kitô là Con Thiên Chúa. Chúng ta được nâng lên địa vị làm con Chúa. Chúng ta không thể sống như những người chư dân, họ không nhìn biết Thiên Chúa.
 
Những đức tính cần thiết giúp chúng ta bước theo con đường của Chúa. Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau (Eph 4, 2). Trong bất cứ hoàn cảnh sống nào, chúng ta đều là nhân chứng cho Chúa Kitô. Như trong Kinh Lạy Cha, chúng ta thường đọc: Nguyện cho danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến. Nước của Chúa trị đến không phải là nước trần gian nhưng Nước Chúa ngự trị ngay trong tâm hồn chúng ta. Luôn ý thức rằng trong mọi phút giây đều là hồng ân sự sống. Chúng ta hãy sinh lợi với tất cả số vốn Chúa đã trao ban. Hãy làm sáng danh Chúa qua cuộc sống hạnh phúc hiện tại dẫn đến hạnh phúc mai sau. Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!(Mt. 25,23).
 
Hạnh phúc biết bao khi chúng ta được sống trong nguồn ân thiêng của Chúa. Chúng ta được mang danh Chúa Kitô và được liên kết với nhau trong cùng một niềm tin. Nguồn suối ân sủng trào dâng thấm nhập vào mỗi tâm hồn. Đẹp thay những phút giây chúng ta được quây quần bên nhau trong Nhà Chúa. Cùng dâng Chúa lời tụng ca, tôn vinh và cảm tạ. Chúa chính là nguồn hoan lạc của tuổi xuân và là thuẫn che đời chúng con. Tác giả thánh vịnh đã vui mừng thốt lên: Ca khúc lên Đền của vua Đavít. Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau (Tv. 133,1).
 
Niềm vui của các Kitô hữu là được hưởng nếm tình yêu và sự bình an trong tâm hồn. Sự bình an và tình yêu đích thực chỉ tìm thấy nơi Chúa Kitô. Đấng đã hy sinh mạng sống để cứu độ chúng ta. Tất cả công ơn cứu độ đều tuôn chảy qua lễ hy sinh trên thập giá. Nơi Chúa Kitô, chúng ta tìm được ý nghĩa của cuộc sống và nguồn ơn cứu độ. Tất cả mọi lời ca ngợi và tung hô đều quy về Chúa Ba Ngôi. Kết thúc Kinh Nguyện Thánh Thể, linh mục nâng Mình và Máu Thánh Chúa lên, xướng lời ngợi khen: Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Chúng ta đồng thanh thưa Amen.
 
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York.