Thứ Hai Tuần V PS.
Bài đọc: Acts 14:5-18; John 14:21-26.
Có một sự khác biệt vô cùng lớn lao giữa tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa với tư tưởng và đường lối của con người. Vì thế, cũng có một sự khác biệt lớn giữa cách hoạt động của những người dưới ảnh hưởng của Ba Ngôi Thiên Chúa, và những người hoạt động theo cách thức của người phàm.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật những khác biệt này. Trong Bài Đọc I, Phaolô, với sức mạnh của Thánh Thần và nhân danh Đức Kitô, có thể làm cho người bại liệt từ lúc mới sinh đứng dậy đi lại được. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ về sự liên hệ giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và con người: Nếu con người vâng lời giữ các giới răn của Chúa Giêsu, sẽ được cả Ba Ngôi yêu mến; và người đó sẽ có cả Ba Ngôi trong người mình.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Các Tông-đồ hăng hái rao giảng Tin Mừng giữa những đe dọa bắt bớ.
1.1/ Phaolô chữa người bại liệt từ lúc mới sinh: Theo lời Chúa Giêsu căn dặn: “Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác” (Matthew 10:23); Phaolô và Barnabas
bỏ Iconium lánh sang các thành miền Lycaonia là Lystra, Derbe, và các vùng phụ cận; khi hai ông biết những người ngoại và những người Do-thái, cùng với các thủ lãnh của họ, mưu toan làm nhục và ném đá mình. Đi đến đâu, hai ông loan báo Tin Mừng tới đó.
Tại Lystra, có một người bại hai chân ngồi đó; anh ta bị què từ khi lọt lòng mẹ, chưa hề đi được bước nào. Anh nghe ông Phaolô giảng. Ông nhìn thẳng vào anh và thấy anh có lòng tin để được cứu chữa, thì lớn tiếng nói: “Anh trỗi dậy đi, hai chân đứng thẳng!” Anh đứng phắt dậy và đi lại được.
1.2/ Hai ông sửa chữa sai lầm của dân chúng sau khi chứng kiến phép lạ: Thấy việc ông Phaolô làm, đám đông hô lên bằng tiếng Lycaonia: “Thần linh mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta!” Họ gọi ông Barnabas là thần Zeus, ông Phaolô là thần Hermes, vì ông là người phát ngôn. Thầy tư tế đền thờ thần Zeus ở ngoại thành đem bò và vòng hoa đến trước cổng thành, và cùng với đám đông, muốn dâng lễ tế.
Zeus và Hermes là hai thần của người Hy-lạp. Zeus được xem như vua của các thần Hy-lạp, và quan thầy của những người làm nghề trồng cấy. Có lẽ vì lý do này mà Phaolô muốn nói với dân thành: không phải Zeus ban mưa từ trời và mùa màng; nhưng là chính Thiên Chúa trong câu 17. Hermes là con của Zeus với Maia; được xem là quan thầy của những người lữ hành, tội nhân, và gái điếm. Hermes là sứ giả và đem những sứ điệp của các thần cho con người.
Thấy phản ứng của họ, Barnabas và Phaolô xé áo mình ra, xông vào đám đông mà kêu lên: “Hỡi các bạn, các bạn làm gì thế này? Chúng tôi đây cũng chỉ là người phàm, cùng thân phận với các bạn. Chúng tôi loan Tin Mừng cho các bạn, là hãy bỏ những cái hão huyền này đi, mà trở lại cùng Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó.
Trong những thế hệ đã qua, Người để cho muôn dân đi theo đường lối của họ. Tuy vậy Người không ngừng làm chứng cho mình, khi thi ân giáng phúc, ban mưa từ trời và mùa màng sung túc cho các bạn, và cho các bạn được no lòng, được an vui.”
2/ Phúc Âm: Mặc khải của Chúa Giêsu về sự liên hệ giữa Chúa Ba Ngôi và con người
2.1/ Liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con: Đây là mối liên hệ lý tưởng để con người bắt chước. Trong mối liên hệ này, yêu mến và vâng lời không thể tách rời nhau.
– Yêu mến: Cha yêu Con và Con yêu Cha. Hơn nữa, tình yêu không chỉ giới hạn giữa Cha-Con; nhưng lan tràn đến nhân loại: khi Chúa Giêsu yêu mến ai, Cha Ngài cũng yêu mến người ấy.
– Vâng lời: Con luôn vâng lời Cha bằng cách làm theo những gì Cha muốn.
Mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và con người cũng phải được họa theo mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và Cha của Ngài.
– Yêu mến: Chúa Giêsu yêu mến ai vâng lời Người. Khi Chúa Giêsu yêu ai, Chúa Cha sẽ yêu mến người ấy. Cha và Con sẽ đến và ở lại với người ấy. Ngài sẽ tỏ mình ra cho người ấy.
– Vâng lời: Ai có và giữ các điều răn của Chúa Giêsu, người ấy mới là kẻ yêu mến Ngài. Con người vâng lời Chúa Giêsu là vâng lời Chúa Cha, vì Lời con người nghe không phải là của Chúa Giêsu, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Con.
Ông Judah, không phải Judah Iscariot, nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” Lý do là vì thế gian không yêu mến Chúa Giêsu, nên họ không giữ lời Ngài; cho dù Ngài muốn tỏ mình đi nữa, họ cũng không đón nhận Ngài.
2.2/ Liên hệ giữa Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần: Chúa Giêsu nói: “Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.”
(1) Chúa Thánh Thần sẽ dạy các tín hữu mọi điều: Những gì còn thiếu nơi Đức Kitô, Thánh Thần sẽ dạy con người tất cả. Một số điều hiển nhiên chúng ta đã nghe nhiều trong những ngày vừa qua:
– Chúa Thánh Thần dùng sự kiện Chúa Phục Sinh để soi sáng cho các môn đệ hiểu biết những lời Cựu Ước và những lời Chúa Giêsu đã báo trước về Cuộc Khổ Nạn, cái chết, và sự Phục Sinh của Đức Kitô, để các ông giảng giải cho dân chúng, như trong Bài Giảng của Phêrô (Acts 3:11-26) và của Phaolô (Acts 13:16-41).
– Ngài cũng giúp các môn đệ nhận ra sự sai trái của Thượng Hội Đồng và Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, để kêu gọi họ ăn năn sám hối trong Hai Bài Giảng này.
– Ngài giúp các ông nhận ra nhu cầu phải dùng các Phó-tế để cộng tác làm việc (Acts 6:1-7); cho Dân Ngoại chịu Phép Rửa mà không cần phải cắt bì (Acts 10:44-48), và giúp các ông giải quyết khác biệt như trong trường hợp của Phaolô (Acts 9:26-30).
(2) Chúa Thánh Thần sẽ làm cho các môn đệ nhớ lại mọi điều Chúa Giêsu đã nói với họ: Chúa Giêsu đã dạy các ông rất nhiều điều, nhưng các ông không tiếp nhận được tất cả. Có những điều các ông quên, Ngài sẽ làm cho các ông nhớ lại. Có những điều các ông không hiểu, Ngài sẽ làm cho các ông hiểu. Có nhưng điều các ông chưa tin, Ngài sẽ làm cho các ông tin.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Ba Ngôi Thiên Chúa không hoạt động riêng lẻ; nhưng các Ngài cùng nhau hoạt động nơi con người. Khi chúng ta có một là có cả ba, khi chúng ta không có một là cũng không có cả ba.
– Điều kiện để có Ba Ngôi là vâng lời Chúa Giêsu bằng cách thực thi những gì Ngài muốn. Khi chúng ta hoạt động trong sự hướng dẫn của Ba Ngôi, kết quả sẽ vô cùng khác biệt.
– Yêu mến và vâng lời không thể tách biệt trong mối liên hệ giữa con người và Chúa Giêsu; nếu chúng ta yêu mến Chúa Giêsu, chúng ta phải vâng giữ các giới răn của Ngài.
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP