Chúa Nhật 1 Mùa Chay C
Lc 4,1-13
Chúng ta đang cùng đồng hành với Chúa Giêsu sau khi từ sông Giođan trở về để được Thánh Thần dẫn đưa vào hoang địa 40 đêm ngày để chịu cám dỗ của ma quỷ. Tại đây, khi Người đã thấm mệt và đói thì cũng chính là lúc ma quỷ “tung cú chưởng” nặng chùy hơn nhằm hạ gục Chúa bằng ba cơn cám dỗ đặc trưng, xảo quyệt và manh ma nhất của chúng.
Chúng ta dễ dàng nhận ra cơn cám dỗ đầu tiên mà ma quỷ đưa ra nhằm lôi cuốn Chúa Giêsu vào cuộc là một cám dỗ rất thực tế, “rất nhân sinh”, nó liên quan đến sự sống còn của con người, đó chính là vấn đề ăn uống. Hẳn giống quỷ này phải thuộc giống tinh ranh mới có thể đưa ra trò tinh quái này. Chưa hết, nếu theo dõi cả ba cơn cám dỗ, chúng ta còn thấy đây là giống quỷ thuộc Kinh thánh làu làu cũng như rất rành về lịch sử dân Dothái. Bằng chứng là hắn hoặc dòng giống nhà hắn đã từng thành công trong việc cám dỗ dân tộc này trong 40 năm trường trong hoang địa, giờ đây hắn lại lấy chiêu bài cũ nhằm lôi kéo người mà hắn dư biết là “Con Thiên Chúa”- lời Chúa Cha nói với Chúa Giêsu khi Người chịu phép rửa, : “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!”. Có thể nói tính độc đáo của văn chương
Tin mừng chính là chỗ lần đầu tiên Chúa Giêsu dùng Kinh thánh Cựu ước để phản lại chiêu bài của ma quỷ. Thật vậy, không giống như dân Dothái xưa, khi gặp cơn đói khát giữa sa mạc cằn khô, đã nhất quyết đả đảo Môsê, đả đảo Giavê Thiên Chúa, trách móc Thiên Chúa sao lại đưa họ vào chỗ “khỉ ho cò gáy” thế này, để cho họ chết dần chết mòn. Lần đó Thiên Chúa đã ra tay để cho dân có Manna và chim cút đủ dùng. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”. Trích từ sách Đệ nhị luật, Chúa Giêsu muốn nhắc lại giai đoạn lịch sử này để cho ma quỷ biết chân lý này: rằng ở trên đời, chuyện cơm áo gạo tiền không phải là cái đáng quý nhất. Lịch sử dân Dothái cũng như bao thế hệ Kytô giáo đã minh chứng cho chân lý này. Sức mạnh của con người chính ở chỗ tín thác vào Lời Chúa, vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa, chứ không phải chỉ quẩn quanh với cái bụng, với cái bao tử ham ăn non nghĩ.
Với cơn cám dỗ thứ hai, ma quỷ mong muốn Chúa Giêsu suy nghĩ thật kỹ để có thể chia sẻ quyền hành với nó nhằm thống trị thế gian này. Đây chính là đòn cân não nguy hiểm nhất mà Chúa Giêsu gặp phải. Lý do là vì nó không chỉ đơn thuần là quyền cao, chức trọng để có thể thống lĩnh toàn bộ như ma quỷ đề nghị, mà chính ở chỗ, với chiêu thức này, ma quỷ muốn khoét sâu vào mối quan hệ giữa Chúa Cha với Người nhằm cắt đứt mối quan hệ Cha – Con, một mối tương quan bất khả phân. Hẳn chúng ta còn nhớ trong lịch sử Dothái, hơn một lần giống quỷ này đã thành công khi tách rời mối tương quan giữa Giavê Thiên Chúa với dân Người khi dân chúng không muốn thờ lạy Giavê mà chỉ muốn thờ lạy con bò vàng do chính tay mình tạo ra. Lần này, Chúa Giêsu đã chiến thắng vì Người biết rằng quyền hành mà Người có không đến từ tay của những kẻ cơ hội, những kẻ “đục nước thả câu” mà đến từ chính bàn tay của Chúa Cha. Chính Chúa Cha mới là người nắm giữ toàn quyền thống trị và trao ban những đặc ân này cho những ai tuân hành thánh ý Người.
Cơn cám dỗ sau cùng của Chúa Giêsu được kết thúc tại thành thánh Giêrusalem. Đối với Luca, Giêrusalem được em là nơi kết thúc sứ vụ của Chúa Giêsu sau khi trải qua cuộc Thương Khó và cũng là nơi khởi đầu cho sứ vụ rao giảng Tin mừng của các Tông đồ như được nói trong sách Công vụ Tông đồ. Với cơn cám dỗ này, Luca còn muốn tiên báo một cơn cám dỗ sau hết mà ma quỷ dành cho Chúa khốc liệt hơn, tinh quái hơn khi nó dùng miệng của dân chúng, sỹ quan và nhất là tên gian phi hô hào : “Ông không phải là Đấng Kytô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi nữa”. Với chiêu thức này, ma quỷ nghĩ rằng chúng sẽ thành công, bởi vì lời lẽ trong Thánh vịnh 90 mà chúng trích dẫn không nói về Đấng Mêsia mà nói về bất cứ người Dothái nào tín trung, tuân giữ lệnh truyền của Giavê Thiên Chúa, vì thế họ luôn luôn nhận được sự trợ giúp đến từ Giavê Thiên Chúa. Không những thế, hẳn ma quỷ còn biết sự thật lịch sử đã từng xảy ra trong dân Dothái, khi dân trải qua những ngày tháng sống không có nước uống. Lần đó, ngay tại Rơphiđim mà sau này ông Môsê đặt tên là Maxa và Mơriva, dân chúng đã ta thán, gây sự với ông Môsê nhằm thách thức Giavê Thiên Chúa để thử xem có thật Giavê ở giữa họ hay không. Dân chúng đã thử thách Giavê Thiên Chúa, bắt Người thực hiện điều họ muốn (x. Xh 17,1-7).
“Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. Chúa Giêsu không rơi vào cạm bẫy của ma quỷ bởi vì Người hiểu rằng, tin vào Thiên Chúa không có nghĩa là bắt Thiên Chúa biểu diễn ma thuật, làm những điều kinh thiên động địa mà chính là niềm tín thác cậy trông. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn biết rằng, là Con, Người không có quyền thử thách Cha mình, tất cả đều do Cha an bài, định liệu. Thử thách Cha, bắt Cha làm theo ý mình, là phản bội, là quay lưng lại với tình yêu của Người.
Những cạm bẫy mà Chúa Giêsu chịu hôm nay cũng chính là những cạm bẫy mà chúng ta sẽ gặp phải trên đường đời. Chúa Giêsu đã chiến thắng những cạm bẫy của ma quỷ không nhờ vào sức riêng mình mà chính do niềm tín thác trọn vẹn trong tình yêu Thiên Chúa là Cha Người. Xin cho mỗi người chúng ta cũng biết lấy đó làm thước đo, làm kim chỉ nam cho cuộc sống ngõ hầu trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng có thể hoá giải tất cả những cạm bẫy mà ma quỷ giăng ra hòng lôi kéo chúng ta xa rời tình thân với Thiên Chúa.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb