TRONG NĂM THÁNH PHAOLÔ: 28/6/2008 – 29/6/2009
Để hưởng ứng việc Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI công bố Năm Thánh Phaolô, Đức Cha Michael Saltarelli, Giám Mục Wilmington đã viết một thư mục vụ vào ngày 25 tháng 1 năm 2008, trong đó ngài đưa ra sáu đề tài giúp các tín hữu Công Giáo sửa soạn học tập và sống tinh thần của Thánh Phaolô trong năm Thánh Phaolô này. Chúng tôi xin mạn phép chuyển ngữ sang tiếng Việt Nam để đóng góp vào những tài liệu học tập của tín hữu Việt Nam trong năm này.
Mở Đầu
Vào chiều lễ kính Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ được cử hành ngày 28 tháng 6 năm 2007 tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành, Đức Thánh Cha Bêneđictô XVI đã công bố trong bài giảng vào buổi Kinh Chiều rằng: “Anh chị em thân mến, giống như thời Hội Thánh sơ khai, ngày nay chúng ta cũng cần những tông đồ sẵn sàng hy sinh. Chúng ta cần những nhân chứng và tử vì đạo như Thánh Phaolô. Thánh Phaolô, một người trước kia đã bắt đạo cách tàn nhẫn, nhưng sau khi bị ngã xuống đất và bị ánh sáng của Thiên Chúa làm chóa mắt trên đường đi Đamascô, đã không ngần ngại đổi sang bên Đấng Chịu Đóng Đinh, đã đi theo Người mà không bao giờ hối tiếc. Ngài sống và làm việc cho Đức Kitô, chịu đau khổ và chết vì Người. Gương sáng của Ngài thích hợp với thời đại của chúng ta biết bao! Chính vì lý do này mà tôi hân hạnh chính thức công bố rằng chúng ta sẽ dành một Năm Thánh cho Thánh Tông Đồ Phaolô từ ngày 28 tháng 6 năm 2008 đến ngày 29 tháng 6 năm 2009, trong dịp kỷ niệm đệ nhị thiên niên ngày sinh nhật của Ngài, mà các sử gia cho là khoảng năm thứ 7 đến thứ 10 sau công nguyên. Chúng ta có thể mừng ‘Năm Thánh Phaolô’ cách đặc biệt ở nơi quan tài của Ngài là chỗ mà theo ý kiến của nhiều nhà chuyên môn và truyền thống không thể chối cãi được, đã giữ hài cốt Thánh Tông Đồ Phaolô dưới Bàn Thờ của Vương Cung Thánh Đường này trong 20 thế kỷ qua.”
Năm Thánh Phaolô này cung cấp cho chúng ta nhiều cơ hội để truyền bá đức tin Công Giáo của mình trong và ngoài Giáo Phận Wilmington này. Tôi viết cho anh chị em trước Năm Thánh Phaolô ngõ hầu dân chúng trong Giáo Phận có thể tìm cách tốt nhất để học hỏi, cầu nguyện và mừng cuộc đời, các bút tích được linh hứng, linh đạo và tinh thần truyền giáo của Thánh Phaolô.
Tôi xin đưa ra sáu đề tài để anh chị em học hỏi:
I. Kinh Nghiệm Hoán Cải của Thánh Phaolô trên Đường Đamascô và việc Hoán Cải của Mỗi Người trong Chúng Ta trong Năm Thánh Phaolô
“Ta là Giêsu, người mà ngươi đang bách hại. Hãy đứng dậy và vào thành, ở đó ta sẽ cho ngươi biết ngươi phải làm gì.” (TĐCV 9:5-6)
Thánh Phaolô là người đồng lõa trong việc giết Thánh Têphanô, vị tử vì đạo đầu tiên, mà chúng ta mừng lễ vào ngày 26 tháng 12. Sách Tông Đồ Công Vụ cho chúng ta biết rằng những kẻ ném đá Thánh Têphanô đã “để áo choàng của họ dưới chân một thanh niên tên là Saulô.” (TĐCV 7:58).
Khuôn mặt sáng sủa và bình thản của Thánh Têphanô và việc ngài tha thứ cho những kẻ bách hại ngài khi ngài chết phải để lại một ấn tượng không thể phai nhòa được trong Saulô, và sửa soạn chàng để cảm nghiệm được Chúa Phục Sinh trên đường Đamascô, khi mà tất cả cá tính hăng say được dồn hết vào việc bách hại các Kitô hữu trước đây đột nhiên được dồn vào việc truyền bá Kitô giáo. Trong một tia sáng làm mù mắt, Chúa Phục Sinh đã đi thấu vào nội tâm con người của Saulô – mà từ nay được gọi là Phaolô – và đánh tan những kháng cự của Ngài, làm cho tâm trí và tâm hồn của Ngài hoàn toàn thay đổi, một metanoia,[1] biến Ngài trở thành “đầy tớ” và “tông đồ” của Đức Chúa Giêsu Kitô (Romans 1:1).
Chúng ta không bao giờ được đánh giá thấp quyền năng của đời sống Kitô hữu khi sống cách trọn vẹn và sống động. Chúng ta có thể ảnh hưởng được bao nhiêu “Thánh Phaolô” tương lai bằng quyền năng của Đức Kitô từ đời sống nội tâm sâu sa của chúng ta như Thánh Têphanô đã làm? Việc đổi bên của Thánh Phaolô thật là quyết liệt và hoàn toàn đến nỗi những người đương thời với Ngài không thể tưởng tượng nổi. Khi Chúa nói với ông Ananias trong một thị kiến, ông đã thưa: “Lạy Chúa, con đã được nghe nhiều người nói về người này, anh ta đã làm những việc dữ tợn thế nào cho các đấng thánh của Chúa ở Giêrusalem” (TĐCV 9:13). Dường như Ananias hỏi Chúa cách lịch sự rằng Người có biết người ấy là ai không!
Thần học gia và tác giả thời danh của Hội Thánh ở Nước Anh, Đức Hồng Y Gioan Newman, đã suy niệm về việc Thánh Phaolô trở lại để sửa soạn cho ngài trong vai trò truyền giáo của ngài: “… Sự tàn bạo và mù quáng, tính tự tin, cứng đầu, và giận dữ hung tàn của Ngài chống lại những người tôn thờ Đấng Mêsia chính hiệu, sau đó đến cuộc trở lại lạ lùng của Ngài, rồi thời gian kéo dài trước khi Ngài được truyền chức cách trọng thể, trong thời gian ấy Ngài một mình suy niệm về tất cả những gì đã xảy ra, và dự trù cho tương lai – tất cả những điều ấy làm thành cuộc sửa soạn ddặc biệt cho vai trò rao giảng cho một thế giới bị hư mất và chết trong tội lỗi. Một mặt, nó cho Ngài một cái nhìn thật xa đến những cách thế và các chương trình của Đấng Quan Phòng, và, một cách khác, vào hoạt động của tội lỗi trong lòng con người, và những cách thức suy nghĩ mà trong đó người ta có thể thực sự đào luyện tâm trí.”[2]
Có quá nhiều truyện về Hội Thánh thời Sơ Khai có thể được bắt nguồn từ tâm hồn chiêm niệm và hăng say của Thánh Phaolô, được phát sinh từ sự kết hợp mật thiết với Đức Kitô Phục Sinh của Ngài. Thánh Phaolô hiểu tội lỗi hoạt động thế nào trong bản tính con người và Chúa Thánh Thần có thể biến đổi hoàn toàn thói quen hư đốn thế nào. Thánh Phaolô cũng hiểu đức ái ảnh hưởng đến não trạng của những người ngoài Kitô giáo và những người chống Kitô giáo ra sao để có thể dùng đức ái làm công cụ soi sáng tâm trí người khác.
Cách tốt nhất để mừng năm Thánh Phaolô là chạy đến cùng Chúa Phục Sinh và xin Người chỉ cho chúng ta biết Người muốn chúng ta hoán cải sâu xa và mật thiết thế nào.
Chúng ta được biết từ đời sống Thánh Phaolô rằng ở trung điểm của việc hoán cải là phó thác hoàn toàn cho tình yêu của Chúa Phục Sinh. Bất cứ một di chuyển nào trong lòng dẫn từ kiêu căng đến khiêm nhường, từ nóng giận đến ôn hòa, từ tham lam đến từ bỏ, từ tà dâm đến tinh thần trong sạch, từ ghen tương đến việc vui mừng vì người khác có tài năng, từ lười biếng đến hăng say, từ mê (ăn uống, kể cả internet, TV, điện toại cầm tay…) đến điều độ đều là phó thác cho quyền năng của Tình Yêu Đức Kitô ở trong chúng ta. Tình yêu này cho phép chúng ta trút bỏ việc sợ phó thác hoàn toàn cho Đức Kitô[3] để chúng ta có thể nhìn tha nhân với cặp mắt của Đức Kitô.[4]
II. Sống và Cầu Nguyện cùng Đức Kitô trong Năm Thánh Phaolô
“Tôi sống nhưng không còn là tôi sống mà Đức Kitô sống trong tôi” (Galatians 2:20).
Nhiều vị Thánh vĩ đại đã xây dựng đời mình trên câu Galatê 2:20 này: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà Đức Kitô sống trong tôi.” Nghe đi nghe lại những lời này trong suốt đời sống của chúng ta thì thật dễ nhưng thực ra chúng ta không bao giờ hiểu nổi tính chất cách mạng của câu này.
Đức Kitô sống trong chúng ta. Người muốn dùng diện mạo, giọng nói, và ngay cả cử chỉ của chúng ta để bày tỏ chính Người. Thánh Phaolô ý thức được sự yếu đuối của mình, sự giới hạn của trí khôn và cá tính của mình, cuộc vật lộn không tên với “cái gai đâm vào thịt Ngài” (2 Corinthians 12:7). Nhưng ý thức khiêm nhường này về những yếu đối của Ngài làm cho Ngài thêm tín thác vào Đức Kitô: “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng làm cho tôi được mạnh mẽ” (Philippians 4:13). Sự hiểu biết của Ngài về những yếu đuối của mình làm cho Ngài mở lòng ra để đón nhận sự hiện diện và quyền năng của Đức Kitô trong Ngài.
Khi chúng ta ý thức được sự hiện diện của Đức Kitô cách này, chúng ta có thể nhóm ngọn lửa này lên bằng nhiều cách: qua việc cầu nguyện, suy niệm, Thánh Lễ và các bí tích, cùng thánh hóa các việc làm thường nhật của chúng ta,[5] qua đời sống gia đình đầy niềm vui và hy sinh. Rồi ánh sáng của Đức Kitô sẽ tỏa ra cách tự nhiên từ chúng ta có thể trở thành ánh sáng chiếu soi nhiều loại người khác nhau, dù họ là các tín hữu khác, hay những người thiện tâm sẽ đi trên đường đức tin hoặc họ là những người vô thần hay theo thuyết vô tri. Tất cả những người mà chúng ta gặp sẽ cảm thấy có một điều gì khác lạ nơí chúng ta và đưa họ đến vỉệc tự mình đặt những câu hỏi có thể thay đổi đời sống và định mệnh của họ.
Chúng ta đã thấy điều này không những trong đời sống của các Thánh như Thánh Têphanô và Thánh Phaolô, nhưng còn trong đời sống của nhiều người khác. Hãy nghĩ đến Thánh Thomas More, là Quan Thầy các Công Chức, các Chính Trị Gia, và các Luật Sư, cùng gương nhân đức của Ngài trong việc cai trị và đời sống gia đình.[6] Hãy nghĩ đến Thánh Vincent đệ Phaolô và Thánh Louise đệ Marillac phục vụ người nghèo trên đường phố Paris. Hãy nghĩ đến Chân Phước Đamien phục vụ những người phong hủi ở Molokai. Hãy nghĩ đến Chân Phước Têrêxa thành Calcutta phục vụ những người khốn cùng và xấu xí trên các đường phố trên thế giới ngay cả khi Ngài can trường lèo lái đời mình vượt qua những giai đoạn khô khan của đời sống nội tâm của Ngài. Hãy nghĩ đến gương mặt rạng ngời và vui tươi của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong những chuyến tông du của Ngài. Hãy nghĩ đến hàng triệu tín hữu Công Giáo qua nhiều thế kỷ đã sống bí tích Hôn Phối cách anh hùng cùng đã rạng chiếu Đức Kitô cho các thế hệ đi trước và sau họ. Tất cả các cuộc sống này đều là những minh chứng hùng hồn và cụ thể cho lời chứng của Thánh Phaolô rằng, “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống mà Đức Kitô sống trong tôi.”
Năm Thánh Phaolô là thời điểm cho chúng ta đứng sánh vai với các Thánh Công Giáo qua các kỷ nguyên và sống những lời đổi đời của Thánh Phaolô nói lên sự cần thiết của việc nên thánh trên thế giới trong thế kỷ thứ 21 này.
III. Cầu Nguyện, Học Hỏi và Sống Lời Chúa trong năm Thánh Phaolô
“Lời của Thiên Chúa không thể bị xiềng xích” (2 Timothy 2:9).
Đức Thánh Cha Bênnêđictô XVI viết trong diễn từ đọc trước Hội Nghị Thế Giới để kỷ niệm 40 năm Dei Verbum[7], Hiến Chế về Mặc Khải của Thiên Chúa của Công Đồng Vaticanô II:
“Tôi muốn đặc biệt nhắc đến và đề nghị truyền thống cổ Lectio divina: chăm chú đọc Thánh Kinh đi kèm với cầu nguyện đem lại một cuộc đối thoại nội tâm mà trong đó người đọc nghe Thiên Chúa nói, và đáp lại lời Ngài với tâm hồn phó thác rộng mở trong khi cầu nguyện (x. Dei Verbum 25). Nếu được cổ võ cách hiệu quả, tôi xác tín rằng, cách thực hành này sẽ đem lại cho Hội Thánh một mùa xuân mới về tâm linh. Như là một ưu điểm của mục vụ Thánh Kinh, Lectio divina có thể được khuyến khích thêm nữa, cũng như việc dùng các phương pháp mới đã được suy nghĩ chín chắn và hợp với thời đại. Không bao giờ được quên rằng Lời Chúa là ngọn đèn dõi bước và là ánh sáng soi đường chúng ta” (x. TV 119[118]:105).
Tôi xin nhắc lại lời ĐTC Bênêđictô khuyên người Công Giáo thực hành cách suy niệm Thánh Kinh theo Lectio divina mỗi ngày như là phương thế để đào sâu sự hiệp thông giữa chúng ta với Thiên Chúa và đạt được những hiểu biết tinh thần. “Nguyện cho Lời Đức Kitô ngự trị cách dồi dào trong anh em” (Colossians 3:16). Việc cầu nguyện bằng suy niệm Thánh Kinh này vận dụng tư tưởng, óc tưởng tượng, cảm tình và lòng muốn. Việc vận động những khả năng này của chúng ta làm cho việc hoán cải của cho lòng chúng ta thêm sâu đậm và củng cố quyết tâm đi theo Đức Kitô của chúng ta.[8]
Chú tâm cách đặc biệt vào Lời Chúa tỏ cho chúng ta chân lý căn bản của Công Giáo trong câu chuyện trên đường Emmau của Thánh Luca.[9] Để thực sự thuộc về Thánh Kinh thì cũng phải đồng thời thực sự là bí tích và Thánh Thể. Bất cứ đầu tư nào để hiểu biết và cầu nguyện cách nào với Thánh Kinh cũng đồng thời là đầu tư vào một tham dự đầy đủ hơn, linh hoạt hơn và ý thức hơn vào Thánh Lễ của Công Gíao và các phụng vụ bí tích.
Thánh Giêrônimô diễn tả sự kết hợp giữa Lời Chúa và Thánh Thể: “Thịt Chúa là của ăn thật và Máu Chúa là của uống thật; đây là điều tốt lành thật sự của chúng ta ở đời này: là nuôi mình bằng thịt và uống máu Người không những chỉ trong Thánh Thể mà còn trong việc đọc Thánh Kinh. Quả thật, Lời Thiên Chúa, được rút ra từ sự hiểu biết Thánh Kinh là của ăn và thức uống thật sự của chúngt ta.”[10]
Thêm vào việc đọc Thánh Kinh cầu nguyện theo Lectio divina, Năm Thánh Phaolô còn cho chúng ta một dịp để khám phá ra nghành nghiên cứu Thánh Kinh hiện đại của Hội Thánh Công Giáo. Tiếp cận khoa học của Hội Thánh trong việc nghiên cứu Thánh Kinh biểu thị bằng việc sử dụng cách giải thích Thánh Kinh theo lịch sử, theo quy điển[11] và nhiều học cụ tinh vi khác để giải thích các bản văn thánh, được ghi chép cẩn thận trong tài liệu “Giải Thích Thánh Kinh theo Hội Thánh” mà Ủy Ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh công bố năm 1993, được đăng trên website của Toà Thánh Vatican.
Đương nhiên là Dei Verbum tiếp tục là nguồn tài liệu tốt nhất để hiểu cách Hội Thánh tiếp cận Thánh Kinh:
“Thánh Kinh và Thánh Truyền làm thành một Kho Tàng Thánh của Lời Chúa, được trao phó cho Hội Thánh. Bằng cách nắm vững kho tàng này, toàn thể dân thánh kết hợp với các mục tử của mình luôn trung thành với giáo huấn của các Tông Đồ, trong đời sống cộng đồng, trong việc bẻ bánh và trong cầu nguyện (x. TĐCV 2:42), để rồi nhờ việc giữ lấy, thực hành và tuyên xưng gia tài Đức Tin, nó trở thành một phần của cố gắng duy nhất chung của các giám mục và các tín hữu. Nhưng nhiệm vụ giải thích cách xác thực Lời Thiên Chúa được trao phó riêng cho Huấn Quyền của Hội Thánh, mà quyền hành của Huấn Quyền này được thực thi nhân danh Đức Chúa Giêsu Kitô. Chức năng giáo huấn này không ở trên Lời Thiên Chúa, nhưng phục vụ Lời Chúa, bằng cách chỉ dạy những gì đã được trao lại, lắng nghe những điều này cách đạo đức, gìn giữ cách cẩn thận và giải thích cách trung thành theo như Chúa đã truyền lại và nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, rút ra từ một kho tàng Đức Tin duy nhất tất cả những điều mình trình bày để tin như là được Thiên Chúa mặc khải” (Dei Verbum 10).
Sự phổ thông của các sách và phim ảnh gần đây, nhằm mục đích trình bày lịch sử Hội Thánh hoặc thách đố đức tin của chúng ta, được coi là lời cảnh tỉnh trong việc dạy Giáo Lý để quảng bá sự hiểu biết về Thánh Kinh và học hỏi Thánh Kinh mỗi ngày, cũng như hiểu biết về giáo huấn của Công Giáo về Mặc Khải theo những nguyên tắc Công Giáo về sự kết hợp và hoà hợp giữa Đức Tin và Lý Trý.[12]
IV. Nâng Cao Thánh Giá của Đức Kitô trong Năm Thánh Phaolô
“Tôi nhất quyết rằng khi nào tôi còn ở cùng anh chị em, thì tôi sẽ không nói về một điều nào khác ngoài Chúa Giêsu và Đấng Chịu Đóng Đanh” (1 Corinthians 2:2).
Thập giá của Đức Kitô nằm ngay ở trung tâm của mọi việc Thánh Phaolô làm. Ngài dạy chúng ta đương đầu với những khó khăn và đau khổ trong cuộc đời. Thánh Phaolô đã trải qua tất cả: bị từ bỏ, tai ương, coi thường, đắm tầu, tù đày và cuối cùng là tử vì đạo được biểu tượng trong nghệ thuật bằng việc Ngài cầm một thanh gươm.[13]
Thánh Giá ảnh hưởng đến tất cả mọi liên quan đến Thánh Phaolô. Ngài nói: “Tôi giảng dạy về Đức Kitô và Đấng Chịu Đóng Đinh.” Thánh Giá đã biến đổi giáo huấn của Ngài và cho phép Ngài truyền giáo cho người khác bằng cách giúp họ giải thích ý nghĩa của sự đau khổ của chính họ. Ngài cũng dùng một câu lạ lùng: “Tôi tự hào trong Thánh Giá của Đức Kitô” (Galatians 6:14). Ngài đặt Thánh Giá của Đức Kitô trên cám dỗ trở nên tự hào và kiêu căng. Thánh Giá là nguồn mạch thật sự của các hiệu quả của việc tông đồ.
Các thư của Thánh Phaolô cho chúng ta thấy một cá tính chủ động mãnh liệt. Văn liệu trong các thư của Ngài cũng cho thấy việc Ngài phấn đấu với tính nóng nảy của Ngài. Dễ bị tổn thương, Ngài có khuynh hướng đe dọa nhất là khi các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi không sống xứng hợp với Tin Mừng. Cuộc chiến đấu nội tâm của ngài cho chúng ta can đảm và sức mạnh để tiếp tục phấn đấu đối với tính tình và sự nóng nảy của chúng ta.
Cùng với Thánh Phaolô, chúng ta chiến đấu một cuộc chiến anh hùng, cố gắng làm cho Tám Mối Phúc Thật, các nhân đức đối thần và tự nhiên, các việc làm thương linh hồn và thương xác, và nhất là để Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cai trị chúng ta. Chết cho chính mình và sống lại trong Đức Kitô, chúng ta ôm lấy Thánh Giá và nhớ rằng: “Đức ái chấp nhận tất cả, tin tất cả, hy vọng vào tất cả, chịu đựng tất cả. Đức ái không bào giờ cùng” (1 Corinthians 13:7-8).
Thánh Giáo Hoàng Clêmentê I trong thư của ngài gửi tín hữu Côrinthô, đoạn 5,[14] diễn tả Thánh Phaolô tiến bộ trong những phấn đấu này thế nào: “Nhờ lòng nhiệt thành và những va chạm mà Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta thấy con đường đến phần thưởng của sự kiên trì. Ngài bị xiềng xích bảy lần, bị lưu đầy, bị ném đá; là một người tiền phong cả ở đông phương lẫn tây phương, Ngài đã được tiếng tốt nhờ Đức Tin của Ngài. Ngài dạy sự công chính cho cả thế gian, và Ngài đã đến tận cùng của thế giới tây phương, Ngài làm chứng trước mặt những người quyền thế; rồi Ngài từ bỏ cõi đời này và được đưa về nơi thánh, một gương sáng ngoại hạng về sự chịu đựng.”
Thông Điệp gần đây của Đức Thánh Cha Bêneđictô XVI về nhân đức cậy tựa đề Spe Salvi có nhiều trích dẫn về cách sống Đức Cậy của Thánh Phaolô khi Ngài ở trong lao tù[15] và cho chúng ta thấy sự linh hứng mà thủ bút của ngài cung cấp cho các Thánh sau này như Thánh Augustinô,[16] Thánh Từ vì Đạo Lê Bảo Tịnh, người Việt Nam (+1857)[17] và Thánh Giôsêphine Bakhita, một nữ tu người Phi Châu.[18]
Trong năm Thánh Phaolô, mỗi người chúng ta được mời gọi để nâng cao cây Thánh Giá của Đức Kitô và vác Thánh Giá này bằng lòng can đảm, quyết tâm và tín thác và kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa của Thánh Phaolô.[19]
V. Phục Hồi Tình Yêu đối với Thánh Thể và Hội Thánh trong Năm Thánh Phaolô
“Chén hồng phúc mà chúng ta chúc tụng, không phải là sự dự phần vào Máu Đức Kitô sao? Tấm Bánh mà chúng ta bẻ ra không phải là sự dự phần vào Thân Thể Ðức Kitô sao?” (1 Corinthians 10:16).
Một trong những hình ảnh cổ điển thuộc về học thuyết Thánh Phaolô là hình ảnh Nhiệm Thể Đức Kitô là một sự hiệp thông của nhiều cá nhân với những đặc sủng và tài năng riêng để xây dựng Nhiệm Thể. Thánh Phaolô cho chúng ta thấy rằng Bí Tích Thành Thể là nguồn mạch của sự hợp nhất, hòa đồng và hiệp thông của Nhiệm Thể. Việc chúng ta lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể cách kính cẩn là mồi lửa lớn của hoạt động truyền giáo dẫn đưa chúng ta đến tận cùng trái đất như Thánh Phaolô.
Trong Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia năm 2003, ĐTC Gioan Phaolô II đã lồng những giáo huấn của Thánh Phaolô vào trong bài suy niệm của ngài về Thánh Thể:
“Lời của Thánh Tông Đồ Phaolô đưa chúng ta trở lại khung cảnh cảm động mà trong đó Bí Tích Thánh thể được sinh ra… Về phần ngài, Thánh Tông Đồ Phaolô nói rằng một cộng đồng Kitô hữu mà chia rẽ và coi thường người nghèo thì ‘không đáng tham dự vào Bữa Tiệc của Chúa’” (x. 1 Corinthians 11:17-22; 27-34).
Công bố cái chết của Chúa ‘đến khi Người trở lại’ (1 Corinthians 11:26) đòi buộc tất cả những ai dự phần vào tiệc Thánh Thể phải quyết tâm thay đổi đời sống mình và làm cho đời sống một cách nào đó hoàn toàn là ‘đời sống Thánh Thể’” [số 20].
Học hỏi và cầu nguyện theo các thư của Thánh Phaolô về Bí Tích Thánh Thể giúp chúng ta “nhóm lại sự kinh ngạc của chúng ta về Bí Tích Thánh Thể”[20] và ý thức rằng mỗi Thánh Lễ “có ý nghĩa phổ quát”[21] Mỗi Thánh Lễ được “cử hành trên Bàn Thờ của Thế Giới.”[22] Khi chúng ta nhóm lại ngọn lửa Đức Tin vào Bí Tích Thánh Thể của mình, chúng ta sẽ kính sợ và ngạc nhiên về chân lý của sự Hiện Diện Thật, đời sống hôn nhân và gia đình của chúng ta cũng lại được bùng cháy trong Đức Kitô. Ơn gọi linh mục và tu trì sẽ được nhúm lại. Một tinh thần truyền giáo và dạy Giáo Lý cách hiệu quả trên mọi mức độ sẽ được khơi dậy. Như đã đề cập đến ở trên, một sự sùng kính Lời Linh Hứng của Thiên Chúa cũng được nhúm lại, và kết quả sẽ là “một mùa xuân mới về tâm linh.” Chúng ta nhúm lại một cách sống cụ thể về việc tôn trọng sự sống và công bằng xã hội đối với người nghèo, tù nhân, ngoại kiều và các trẻ em đang trong bụng mẹ của Công Giáo.
Trong Tông Huấn Sacramentum Caritatis, năm 2007, ĐTC Bênêđictô XVI tóm tắt quyền năng của Bí Tích Thánh Thể như sau: “Chúng ta không chỉ lãnh nhận Ngôi Lời nhập thể cách thụ động, nhưng chúng ta còn được tích cực lôi cuốn vào sự tự hiến của Người”. Người “cuốn hút chúng ta vào trong Người”. Sự biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Thánh Chúa đưa vào các thụ tạo một nguyên nhân biến đổi tận gốc, giống như một thứ “bùng nổ hạt nhân”, theo kiểu nói quen thuộc của thời đại chúng ta, sự biến đổi thấm nhập vào trong tâm của thực tại nhằm khởi động một tiến trình biến đổi thực tại, hướng tới mục đích cuối cùng là biến đổi toàn thể vũ trụ cho đến khi Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự” (x. 1Cr 15,28).[23]
Nhờ lời cầu bầu của Thánh Phaolô, chúng ta cũng có thể trở thành những tông đồ của Sự Hiện Diện Thật của Đức Kitô trong Bí Tích Thánh Thể trên thế gian.
VI. Lời Mời Gọi Phổ Quát về Nên Thánh và Truyền Giáo của Năm Thánh Phaolô
“Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Corinthians 9:16).
Đức Hồng Y Oscar Andres Rodriguez Maradiaga, SDB, Tổng Giám Mục Tegucigalpa ở Hunduras, viết cho tôi một thiệp Giáng Sinh mà trên đó có đề những dòng chữ này:
“Que el ano de San Pablo, evangelizador infatigable sea la occasion para renovar nuestro Corazon misionero. ‘Ay de mi si no evangelizo’ (1 Cor 9,16)” [“Chớ gì Năm Thánh Phaolô, nhà truyền giáo không biết mệt, thành thời điểm để chúng ta canh tân tâm hồn truyền giáo của chúng ta. ‘Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng’” (1 Cor 9,16)”]
Tôi chắc chắn rằng một trong những mục đích của ĐTC Bênêđictô XVI khi công bố Năm Thánh Phaolô là để cho mỗi người Công Giáo đưa gương lên soi và đời sống mình và tự hỏi: Tôi có quyết tâm và hăng say truyền bá Đức Tin Công Giáo như Thánh Phaolô không? Có phải việc truyền bá Đức tin bằng gương sáng và bằng việc đối thoại với bằng hữu của chúng ta là điều chúng ta quan tâm đến không?[24]
Điều gì chúng ta có thể làm cách đặc biệt để truyền đạt một lòng yêu mến Chúa Giêsu và một sự hiểu biết về Đức Tin của chúng ta trong trái tim và tâm trí của những người trẻ là tương lai của Hội Thánh chúng ta? Qua những ẩn dụ chứa đầy nghị lực và có tính cách thể thao của Ngài, gương của Thánh Phaolô phải lôi cuốn giới trẻ cách đặc biệt, khuyến khích các em dùng nghị lực và lòng hăng say vào việc truyền bá Tin Mừng của Đức Kitô.
ĐTC Gioan Phaolô II luôn luôn nhắc nhở chúng ta rằng Đức Tin Công Giáo của chúng ta chỉ có thể lớn lên khi chúng ta ý thức và tận tâm chia sẻ đức tin này với tha nhân. Đức Kitô sẽ nhìn đến mỗi người chúng ta với đôi mắt từ bi của Người khi phán xét riêng và hỏi rằng chúng ta đã cố gắng làm những gì trong cuộc đời mình để mời gọi người khác đến hiệp thông với Đức Chúa Giêsu Kitô và Hội Thánh Người. Chúng ta có nhạc nhiên chút nào không khi ĐTC Gioan Phaolô bắt đầu Thông Điệp của ngài về hoạt động truyền giáo Redemptoris Missio, năm 1990, bằng một lời nhắc đến Thánh Phaolô không? Ngài viết:
“Sứ vụ này của Đức Kitô, Đấng Cứu Thế, được trao phó cho Hội Thánh vẫn còn lâu lắm mời được hoàn thành. Khi mà thiên niên thứ hai sau khi Đức Kitô đến sắp hết, một cái nhìn tổng quát về nhân loại cho thấy rằng sứ vụ này mới chỉ bắt đầu và chúng ta phải quyết tâm hết lòng phục vụ nó. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng thúc đẩy chúng ta rao truyền công trình vĩ đại của Thiên Chúa: ‘Vì nếu tôi rao giảng Tin Mừng, thì không có lý do gì để tôi tự hào, mà đó là một nhiệm vụ tôi phải làm. Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!’ (1 Corinthians 9:16). Nhân danh toàn thể Hội Thánh, tôi cảm thấy có một nhiệm vụ khẩn thiết để nhắc lại lời kêu gào này của Thánh Phaolô.”
Chớ gì mỗi người chúng ta đang sống trong thế kỷ thứ 21 này cảm thấy có cùng một nhiệm vụ nhắc lại lời kêu gào của Thánh Phaolô. ĐTC Gioan Pholô II đã chỉ cho chúng ta rằng tinh thần siêu nhiên và truyền giáo phải song hành với nhau và lời mời gọi nên thánh phổ quát được liên kết chặt chẽ với lời mời gọi truyền giáo phổ quát.[25]
ĐTC Phaolô VI tóm tắt tâm hồn của Thánh Phaolô trong một đoạn của Tông Huấn Evangelii Nuntiandi:
“Mẫu gương truyền giáo là Tông Đồ Phaolô đã viết những lời này trong thư gửi tín hữu Thessalônica, và cũng là chương trình cho tất cả chúng ta: ‘Chúng tôi đã yêu mến anh em tha thiết, đến nỗi sẵn sàng chia sẻ với anh em, không những chỉ Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả chính mình chúng tôi, vì anh em đã trở nên rất thân yêu đối với chúng tôi’ (1 Thessalonians 2:8). Tình yêu này là gì? Tình yêu ấy phải hơn tình yêu của một vị thầy; đó là tình yêu của một người cha; và cũng là tình yêu của một người mẹ. Đó chính là tình yêu mà Chúa mong mỏi nơi mỗi người rao giảng Tin Mừng, nơi mỗi người xây dựng Hội Thánh. Một dấu hiệu của tình yêu là quan tâm ban phát chân lý và đưa người ta đến hợp nhất. Một dấu hiệu khác của tình yêu là một lòng tận tụy rao giảng Đức Chúa Giêsu Kitô, mà không hạn chế hay quay đầu trở lại.”[26]
Còn gương sáng nào hơn gương của Đức Cha Fulton J. Sheen, một Thánh Phaolô của Nước Mỹ chúng ta, mà cuộc điều tra phong thánh đang được tiến hành. Sống trong buổi bình minh của thời đại truyền hình, ngài nhận ra được tiềm năng của những phương tiện kỹ thuật tân tiến để truyền bá Tin Mừng. Hãy tưởng tượng xem Thánh Phaolô sẽ dùng vệ tinh truyền thông, Internet và YouTube như thế nào. Ở khuôn viên của Trường Truyền Giáo Rôma, một chủng viện đào luyện các linh mục cho Thế Giới Thứ Ba, có một trung tâm tĩnh tâm mà ở phòng chính có một tượng bán thân của Đức Cha Fulton Sheen được đặt ở giữa phòng. Tôi không thể nghĩ ra một hình ảnh nào diễn tả ngọn lửa truyền giáo của Thánh Phaolô hơn là [vị giám mục] Người Mỹ Cao Quý trong thế kỷ 20 này, một ngọn lửa được lan tràn đến tận cùng trái dất ảnh hưởng đến việc đào luyện không biết bao nhiêu linh mục và tu sĩ ở Phi Châu, Á Châu và Ấn Độ.
Nguyện xin lửa mà Chúa Thánh Thần đã đổ xuống lòng Thánh Phaolô, làm cho lòng ấy soi sáng thế gian, đốt cháy lòng chúng ta để chúng ta trở thành những nhà truyền giáo sống động và hữu hiệu trong Năm Thánh Phaolô và suốt đời chúng ta.
Mười Cách để Mừng Năm Thánh Phaolô
1. Cầu nguyện với Chúa Thánh Thần về kinh nghiệm hoán cải “Con đường Đamascô” riêng biệt và mật thiết của bạn mà Chúa Thánh Thần mời gọi bạn trong năm Thánh Phaolô.
2. Sống câu Galatê 2:20 “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà Đức Kitô sống trong tôi” cùng học hỏi về đời sống của các Thánh từ Thánh Phaolô, Á Thánh Mẹ Têrêxa thành Calcutta, là những vị đã sống lời linh hứng này.
3. Đọc và cầu nguyện theo Sách Tông Đồ Công Vụ và các Thư của Thánh Phaolô trong Tân Ước. Cũng tham khảo nhiều sách giải thích Thánh Kinh và các nghiên cứu chung về Thánh Phaolô đang sẵn có và sẽ có trong Năm Thánh Phaolô.
4. Hãy chấp nhận thách đố của ĐTC Bênêđictô XVI và thực hành việc suy niệm Thánh Kinh theo Lectio divina để Hội Thánh có một “mùa xuân mới” trong việc phát triển đời sống tâm linh và truyền giáo. Hãy khám phá theo cách riêng của cá nhân bạn rằng “Lời Thiên Chúa không thể bị xiềng xích!” Để biết nhập môn về Lectio divina, làm ơn đọc: www.valyermo.com/ld-art.html.
5. Học hỏi các giáo huấn của Hội Thánh về Mặc Khải và giải thích Thánh Kinh trong những tài liệu của Hội Thánh và tài liệu tham khảo như:
- Hiến Chế về Mặc Khải của Thiên Chúa (Dei Verbum) của Công Đồng Vaticanô II.
- Tài liệu của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh: Giải Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh (1993).
- Các chương trong Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo về Thánh Kinh (Phần thứ Nhất: Phần 26-184, trang 13-50) và Sách Tổng Lược Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (Các câu hỏi 1-32).
- Sách Chúa Giêsu Nadareth của ĐTC Bênêđictô XVI.
6. Học hỏi và cầu nguyện qua giáo huấn của Thánh Phaolô về quyền năng của Thánh Giá của Đức Kitô. “Hãy rao giảng Đức Kitô chịu đóng đanh” theo cách bạn vác Thập Giá và theo cách bạn giúp người khác vác Thập Giá của họ.
7. Đào sâu thêm một lòng kính mến Bí Tích Thánh Thể và Nhiệm Thể Đức Kitô theo kiểu của Thánh Phaolô. Hãy đọc và cầu nguyện:
- Tông Thư Dies Domini của ĐTC Gioan Phaolô II, năm 1998.
- Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia của ĐTC Gioan Phaolô II, năm 2003
- Tông Huấn hậu thượng hội đồng Giám Mục Sacramentum Caritatis.
8. Tham dự các Thánh Lễ của Giáo Xứ và Giáo Phận trong Năm Thánh Phaolô cho ngày Đại Lễ kính Thánh Phaolô và Phêrô (Chúa Nhật, 29 Tháng 6, năm 2008 và Thứ Hai 29 tháng 6, 2009), Lễ Thánh Phaolô Trở Lại (Chúa Nhật ngày 25, tháng 1 năm 2009), và Lễ Thánh Têphanô, Thánh Tử Vì Đạo tiên khởi (Thứ Sáu, ngày 26 tháng 12, năm 2008). Làm một cuộc hành hương đến một nhà thờ Thánh Phaolô (như giáo xứ Thánh Phaolô ở Wilmington, giáo xứ Thánh Phaolô ở Delaware City và giáo xứ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô ở Easton, MD. Nều bạn có dịp đến Rôma năm nay, cố gắng đến thăm Một Thánh Phaolô tại Vương Cung Thánh Đường Tháh Phaolô Ngoại Thành. Nhân viên Tòa Thánh Vatican công bố trong tháng 12, 2006 rằng dưới bàn thờ chính của Vương Cung Thánh Đường chừng vài mét và bên cạnh một bàn thờ nhỏ hơn, người ta đã tìm thấy một cái quan tài bằng cẩm thạch thô dưới một bảng có viết: “Tông Đồ Phaolô Tử Vì Đạo.” Người ta đã rời bàn thờ nhỏ đi và thay vào đó bằng một cửa sổ nhỏ để khách hành hương có thể thấy cái quan tài. Đồng thời cũng thăm viếng nhà nguyện đại kết mới nằm ở góc Tây Nam của Vương Cung Thánh Đường (nơi mà trước đây là nguyên đường rửa tội từ thập niên 1930). Trong khi cầu nguyện ở đó, hãy xin Thánh Phaolô cầu bầu cho tiến bộ về đại kết và sự hợp nhất Kitô giáo hoàn toàn.[27]
9. Xin Thánh Phaolô cầu bầu cho bạn trở thành một nhà truyền giáo có nhiều nghị lực hơn trên thế giới. Hãy đáp lại lời mời gọi Nên Thánh và Truyền Giáo phổ quát. Hãy nghiên cứu những văn kiện cổ điển của Hội Thánh về tinh thần truyền giáo và Phúc Âm hóa bàn về đời sống và sứ vụ của Thánh Phaolô như Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Hội Thánh, Ad Gentes Divinitus, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của ĐTC Phaolô VI, năm 1975, Thông Điệp Redemptoris Missio của ĐTC Gioan Phaolô II, năm 1990, và Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Ecclesia in America của ĐTC Gioan Phaolo II, năm 1999.
10. Học hỏi và cầu nguyện trước các hình ảnh cổ điển về Thánh Phaolô như Hình Thánh Phaolô ngồi trước Bàn viết của Rembrandt (1629-1630), Thánh Phaolô Trở Lại của Caravaggio (1600), Thánh Phaolô của El Greco (1606), Saolô Trở Lại của Michelangelo (1542-1545), Thánh Phaolô giảng tại Athens của Raphael. Để xem những hình ảnh và tác phẩm nghệ thuật đặt trọng tâm vào Thánh Phaolô, hãy vào website: www.jesuswalk.com/philippians/artwork-st-paul.htm. Và cũng xem phim Chariots of Fire, năm 1981 (và những phim khác có đề tài về Thánh Phaolô) là phim nghiên cứu xem Eric Liddell, một nhà điền kinh Thế vận hội Scot 1924, sống và nói về cuộc “chạy đua” đức tin và “cảm thấy niềm vui của Thiên Chúa” theo kiểu Thánh Phaolô khi anh chạy. Phim này là một chú giải sống động về Galatê 2:20.[28]
Chúng ta có thể khám phá ra nhiều đề tài khác về Thánh Phaolô trong Năm Thánh Phaolô và nhiều tư tưởng mới lạ khác ngoài mười tư tưởng ở trên sẽ giúp chúng ta sống Năm Thánh Phaolô cách tốt đẹp. Tôi tin tưởng rằng các bạn sẽ học hỏi những đề tài này và khám phá ra trong khi cầu nguyện nhiều ý tưởng. Tôi tin tưởng rằng các bạn sẽ khai triển, truyền bá và sống những ý tưởng ấy.
Sử gia Công Giáo Pháp thời danh Henri Daniel-Rops đã tóm tắt đặc sủng của Thánh Phaolô cách này:
“Thánh nhân gần gũi với chúng ta làm sao, con người mà ánh sáng của Thiên Chúa quật ngã trên đường Đamascô này đã chịu thua, nhưng chính nhờ chịu thua, bị đè bẹp bởi một sự thúc đẩy mạnh mẽ của ân sủng – bởi vì, rốt cuộc, chính chúng ta cũng đang bước đi trên đường Đamascô hôm nay! Sau Chúa Giêsu, Thánh Phaolô là một nhân vật sống động và đầy đủ nhất trong tất cả các gương mặt của Tân Ước, một con người mà người ta có thể hình dung ra diện mạo cách rõ ràng nhất . . . Và mỗi khi chúng ta lắng nghe những lời ít quan trọng nhất của Ngài, chúng ta nhận ra một giọng tin tưởng không thể quên được chỉ có thể đạt được bởi những người đã liều tất cả những gì mình có.”[29]
Chớ gì bạn và tôi liều tất cả những gì mình có cho Tin Mừng trong Năm Thánh Phaolô. Cho tôi bày tỏ tình yêu của tôi đối với các bạn như Mục Tử theo lời của chính Thánh Phaolô: “Chúng tôi có cần thư giới thiệu với anh em như vài người khác, hoặc thư giới thiệu của anh em không? Chính anh em là thư giới thiệu của chúng tôi, được viết trong tâm hồn chúng tôi, mà mọi người đều nhận ra và đọc được, chứng tỏ anh em là bức thư của Ðức Kitô được trao cho chúng tôi quản thủ, không phải viết bằng mực, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải được khắc trên những bia đá, nhưng trên những bia thịt của con tim.” (2 Corinthians 3:1-3).
Lạy Thánh Phaolô Tông Đồ, Tử Đạo, Bí Nhiệm và Truyền Giáo, xin cầu cho chúng con.
+ Đức Cha Michael Saltarelli, Giám Mục Wilmington
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
[1] Xem. Roch A. Kereszty Jesus Christ: Fundamentals of Christology (Staten Island, NY: Communio Books), 40.
[2] John Henry Newman, Parochial and Plain Sermons, Sermon 9, Việc Trở Lại của Thánh Phaolô nhìn theo Chức Vụ của Ngài, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại (San Francisco: Ignatius Press, 1997), 290-291.
[3] X. Bài giảng của ĐTC Bênêđictô XVI trong Thánh Lễ Đăng Quang, 24 tháng 4, 2005.
[4] X. Thông Điệp Deus Caritas Est của ĐTC Bênêđictô XVI’s 2005, số 18.
[5] Xem Thư Mục Vụ về Sự ThánhThiện trong thế giới lam việc (Pastoral Letter Holiness in the World of Work) của ĐGM Michael Saltarelli, ngày 30 tháng 8, 2001 phát hành trên The Dialog và trên website của GP Wilmington www.cdow.org. Thư Mục Vụ này cũng được phát hành toàn quốc trên Origins dưới cùng một đề tài vào ngày 30 tháng 8, 2001 (Vol. 31: No. 12), 217-220.
[6] Xem Kinh Cầu Thánh Thomas Moore, Tử Đạo, Quan Thầy các Công Chức, Chính Trị Gia và Luật Sư của ĐGM Michael Saltarelli ngày 30 tháng 9, 2004 và lời công bố kèm theo Kinh cầu này được ấn hành trên The Dialog và trên website của GP Wilmington www.cdow.org. GP Wilmington có thói quen cầu nguyện bằng kinh cầu này trong tháng 10 là tháng Tôn Trọng Sự Sống, và ở cuối Thánh Lễ Đỏ (Red Mass) mà Hội Thánh Thomas More cử hành với ĐGM mỗi tháng 10.
[7] Bản văn Tiếng Anh của Dei Verbum những tài liệu khác của Hội Thánh được đề cập đến trong thư này có thể được tìm thấy bằng mục tìm kiếm của website Vatican: www.vatican.va/phome_en.htm.
[8] X. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, câu 2708
[9] X. Tông Thư Mane Nobiscum Domine cho Năm Thánh Thể (tháng 10/2004 – tháng 10/2005) của ĐTC Gioan Phaolô II’s ngày 7 tháng 10, 2004
[10] S. Hieronymous, Commentarius in Ecclesiasten, 313: CCL 72, 278 như được dẫn chứng ở Lineamenta cho Thượng Hội ĐồngGiám Mục của Hội Thánh Hoàn Vũ về Lời Thiên Chúa trong Đời Sống và Sứ Vụ Hội Thánh sẽ đươc tổ chức ở Roma từ 5-26 tháng 10, 2008.
[11] X. Sách Chúa Giêsu Nadareth của ĐTC Bênêđictô XVI (New York: Doubleday, 2007), xviii: “Mục đích của cách giải thích Thánh Kinh này (theo quy điển) là để đọc từng đoạn trong tính toàn thể của Thánh Kinh, là điều soi ánh sáng mới trên tất cả các câu riêng biệt. Đoạn 12 của Hiến Chế về Mặc Khải của Thiên Chúa của CĐ Vaticanô II đã nhấn mạnh cách rõ ràng cách này như một nguyên tắc căn bản của việc giải thích theo Thần Học: Nếu bạn muốn hiểu Thánh Kinh trong Thần Khí là Đấng viết Thánh Kinh, thì bạn phải chú ý đến nội dung và sự thống nhất của toàn thể Thánh Kinh.”
[12] X. Thư Mục Vụ Go and Teach: Facing the Challenges of Catechesis Today (Hãy Đi và Dạy: Đương Đầu với những Thách Đố của việc Dạy Giáo Lý Hôm Nay) của ĐGM Michael Saltarelli, ngày 15 tháng 9, 2005 được ấn hành trong The Dialog và trong website của GP Wilmington: www.cdow.org. Mục Vụ này cũng được phát hành toàn quốc trong Origins với tựa đề A Vision for Catechesis (Một Viễn Tượng cho Việc Dạy Giáo Lý ngày 27 tháng 10, 2005 (Vol. 35: số 20), 329-334.
[13] Xem 2 Corinthô 11:23-29.
[14] Xem Bài Đọc trong Kinh Nhật Tụng cho ngày 30 tháng 6 – Ngày Lễ Kính các Thánh Tuư vì Đạo tiên khởi của Hội Thánh Rôma.
[15] Thông Điệp Spe Salvi của ĐTC Bênêđictô XVI 4.
[16] Thông Điệp Spe Salvi của ĐTC Bênêđictô XVI 33.
[17] Thông Điệp Spe Salvi của ĐTC Bênêđictô XVI 37.
[18] Thông Điệp Spe Salvi của ĐTC Bênêđictô XVI 3.
[19] Xem Suy Niệm về Thập Giá của Đức Kitô trong kinh nghiệm của chúng ta về ngày 11 tháng 9, 2001, trong Tuyên Bố Mục Vụ “Bài Học Tinh Thần của Ngày 11 Tháng 9 (The Spiritual Lessons of September 11)” của ĐGM Michael Saltarelli ngày 5 tháng 9, 2002 được đăng trên The Dialog và trên website của GP Wilmington: www.cdow.org.
[20] Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia năm 2003 của ĐTC Gioan Phaolô II, 6.
[21] Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia năm 2003 của ĐTC Gioan Phaolô II, 8.
[22] Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia năm 2003 của ĐTC Gioan Phaolô II, 8.
[23] Tông Huấn Hậu THĐ Giám Mục Sacramentum Caritatis của ĐTC Bênêđictô XVI, 2007, số 11.
[24] Xem Thư Mục Vụ “Làm Sao Để Giơ Tay Ra cho Những Người Công Giáo Không Còn Giữ Đạo ở Nước Hoa Kỳ Ngày Nay của ĐGM Michael Saltarelli, ngày 13 tháng 1, 2000 được đăng trên The Dialog trên website của GP Wilmington www.cdow.org. Thư Mục Vụ này cũng được đăng trên toàn quốc trong Origins dưới nhan đề Làm Sao Để Giơ Tay Ra Cho Những Người Công Giáo Không Còn Giữ Đạo ngày 27 tháng 1, 2000 (Tập. 29: số 32), 514-518.
[25] Xem Thông Điệp Redemptoris Missio của ĐTC Gioan Phaolô II 1990, số 90.
[26] Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của ĐTC Phaolô VI, 1975, số 79.
[27] Xem Báo cáo của Cindy Wooden trong Catholic News Service, ngày 19 tháng 12, 2007.
[28] Xem Thư Mục Vụ Chiêm Ngắm Dung Mạo Đức Kitô trong Phim (Contemplating the Face of Christ in Film) của ĐGM Saltarelli, ngày 1 tháng 4, 2004 đăng trong The Dialog và trong website của GP Wilmington www.cdow.org. Thư Mục Vụ này cũng được đăng trên toàn quốc trong Origins dưới cùng một nhan đề, ngày 15 tháng 4, 2004 (Tập 33: Số 44), 764-767.
[29] Henri Daniel-Rops The Church of Apostles and Martyrs (Volume 1) (New York: Image Books, 1962), 72.