Bài giảng thánh lễ Đêm Giáng Sinh năm 2004 tại nhà thờ Chánh Toà Long Xuyên Chúng ta đang mừng lễ Chúa Giáng Sinh.
I. Theo tôi, chúng ta mừng lễ Chúa Giáng sinh, không có nghĩa là chúng ta nhớ lại hoặc kỷ niệm một Noel đã xảy ra hơn 2000 năm trước đây. Mà là chúng ta đón nhận Chúa Giáng sinh đang đến với chúng ta hôm nay. Người thực sự đang đến với bản thân mỗi người chúng ta, đang đến với gia đình chúng ta, đang đến với Quê Hương chúng ta, đang đến với thế giới chúng ta, đang đến với Hội Thánh chúng ta. Người đang đến hôm nay. Người đang đến lúc này.
Tình hình hôm nay nói chung có nhiều điều tốt, nhưng cũng có nhiều điều đáng ngại. Đáng ngại nhất là về mặt bình an và về mặt đạo đức.
Chính trong một tình hình như thế mà Chúa đến với chúng ta.
Người đến vì mục đích gì? Thưa mục đích đó đã được khẳng định trong kinh Tin Kính: “Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã trừ trời xuống thế”. Nghĩa là Chúa Giáng sinh xuống trần là vì mục đích cứu độ chúng ta. Đó là mục đích chúng ta rất mong chờ.
Mục đích của Chúa Giáng sinh là như thế. Còn hành trình ta đón nhận Người sẽ phải thế nào?
II. Theo tôi, hành trình của chúng ta cũng phải tương tự như hành trình các mục đồng ở Belem xưa. Các mục đồng ở Belem xưa có một hành trình đơn sơ gồm 4 điểm:
1/ Họ lắng nghe thiên thần từ trời báo: “Hôm nay, Đấng Cứu thế đã sinh ra cho anh em” (Lc 2,11).
2/ Nghe vậy, các mục đồng liền vui mừng ra đi. Kinh Thánh nói: “Họ hối hả ra đi” (Lc 2,16).
3/ Đến hang đá, họ ngạc nhiên thấy một Hài nhi nằm trong máng cỏ, trong cảnh nghèo nàn. Tuy vậy, họ tin Hài nhi đó là Đấng Cứu thế. Kinh Thánh kể: “Họ vừa ra về, vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa” (Lc 2,20).
4/ Họ cảm được sự bình an sâu lắng, mà các thiên thần hát khen trước đó: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2,14).
Trên đây là hành trình sơ lược của các mục đồng Belem xưa. Hành trình này cũng đang diễn lại tương tự nơi những ai muốn đón nhận Chúa Giáng sinh hôm nay. Trong đời tôi, tôi đã gặp vô số trường hợp như vậy.
Trước hết, Chúa báo tin mừng cho họ qua một vài sự việc rất nhỏ. Như một gặp gỡ tốt, một trang sách đạo, một bài giảng gây chú ý, một tấm ảnh Chúa, một vài soi sáng nội tâm vv…
III. Tiện đây, tôi xin phép chia sẻ kinh nghiệm của riêng tôi: Chính tôi đã thường được đón Chúa Cứu thế vào lòng tôi và đời tôi, cũng qua những chi tiết tương tự. Điều quan trọng là phải có thiện tâm, thiện chí.
Ơn cứu độ là một ơn rất trọng, Chúa sẵn sàng ban cho mọi người. Nhưng Chúa không áp đặt, không ép buộc ai phải nhận. Ai muốn nhận, thì phải biết lắng nghe tiếng Chúa kêu mời, phải chịu khó lên đường, phải khiêm tốn nhận ra Chúa Cứu thế, cho dù Người đến dưới hình thức nghèo hèn, ẩn dật. Sau cùng phải biết gìn giữ sự bình an Người ban cho.
Anh chị em thân mến,
Lễ Noel trước năm 1955, tôi đã sống trong một tình hình đạo đời gây nhiều lo âu. Tôi đã cầu nguyện rất nhiều, để Chúa Giáng sinh ban ơn cứu độ.
Lễ Noel trước năm 1975, tôi cũng đã sống trong một tình hình đạo đời gây nhiều bất ổn. Tôi cũng đã cầu nguyện rất nhiều, để Chúa Giáng sinh ban ơn cứu độ.
Hôm nay, lễ Noel trước năm 2005, tôi có một cảm tưởng tốt hơn, nhưng cũng không vắng những lo âu về nhiều mặt. Nhất là lo âu cho sự bình an và đời sống đạo đức xã hội, gia đình, Hội Thánh và các cộng đoàn.
Nhưng trong tình hình lo âu, tôi vẫn nghe tiếng thiên thần báo tin “Hôm nay, Đấng Cứu độ đã sinh ra cho anh em” (Lc 2,11).
Tôi mong anh chị em cũng lắng nghe được lời báo đó, biết tìm đến Chúa Cứu thế, biết tin vào Chúa, và biết đón nhận ơn bình an Chúa chia sẻ cho những người thiện tâm, thiện chí.
Với vài tâm tình đơn sơ trên đây, cùng với Đức Cha Già Micae và Đức Cha Giuse, Đức Giám Mục giáo phận, tôi xin thân ái chúc anh chị em một lễ Giáng sinh và một mùa Giáng sinh tốt đẹp nhất.
Được gợi ý, họ khát khao đi tìm Chúa. Có nhiều cách tìm, như: Cầu nguyện tự phát, làm quen với người sống đức tin, đi vào nhà thờ, gặp gỡ những người có vài nét như Đức Mẹ và thánh Giuse. Rồi, dần dần, họ được ơn đức tin.
Sau cùng, tâm hồn họ được bình an như một dấu chỉ họ đã có Chúa Cứu thế đến trong lòng họ.
Tất cả mọi chi tiết như thế đều diễn ra một cách âm thầm, không ồn ào, không tốn kém.