“Một linh đao Thánh Thể là một liều thuốc giải độc thật sự cho cá nhân chủ nghĩa “
Ancona, Ý, ngày 11 tháng 9, 2011 (Zenit.org) – Dưới đây là bản dịch bài huấn từ của các Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong Thánh Lễ Bế Mạc Đại Hội Thánh Thể Quốc Gia Ý lần thứ 25
Anh chị em rất thân yêu!
Sáu năm trước đây, cuộc hành trình tông đồ đầu tiên ở Ý của triều đại giáo hoàng của tôi đã dẫn tôi đến Bari dự Đại Hội Thánh Thể Quốc Gia lần thứ 24. Hôm nay tôi được đến để long trọng kết thúc Đại Hội lần thứ 25, tại đây ở Ancona. Tôi cảm tạ Thiên Chúa vì những giây phút cảm động này của Hội Thánh, là những giây phút gia tăng tình yêu của chúng ta đối với Thánh Thể và nhìn thấy nhau hợp nhất chung quanh Bí Tích Thánh Thể! Bari và Ancona, hai thành phố dễ thương nằm cạnh bờ biển Adriatic; hai thành phố có lịch sử và đời sống Kitô hữu phong phú; hai thành phố mở ra về phía Đông, với nền văn hóa và đời sống tâm linh của chúng; hai thành phố được trở nên gần gũi hơn nhờ những chủ đề của các Đại Hội Thánh Thể: Ở Bari, chúng ta đã được nhắc nhở rằng “chúng ta không thể sống mà không có Chủ Nhật” như thế nào; hôm nay chúng ta tụ họp dưới nhan đề “Bí tích Thánh Thể cho cuộc sống hàng ngày.”
Trước khi cống hiến anh chị em một vài suy tư, tôi muốn cám ơn anh chị em vì sự tham gia nhiệt tình của anh chị em: Trong anh chị em tôi ôm hôn toàn thể Giáo Hội tại Ý trong tinh thần. Tôi xin nói lên lời chào mừng biết ơn đối với chủ tịch của hội đồng giám mục, Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, vì những lời ưu ái ĐHY đã dành cho tôi thay cho tất cả anh chị em; đối với vị Đại Diện tôi tại Đại Hội này là ĐHY Giovanni Battista Re; Đức TGM Ancona-Osimo, Đức Cha Edoardo Menichelli, giám mục của thành này, của tỉnh Marche và rất nhiều người tụ tập từ tất cả các phần của đất nước. Cùng với họ, tôi chào đón các linh mục, phó tế, các tu sĩ nam nữ, và các tín hữu giáo dân, trong đó tôi thấy có nhiều gia đình và người trẻ. Tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn đối với các cơ quan dân sự và quân sự cùng tất cả những người, tùy theo khả năng khác nhau, đã góp phần vào sự thành công của biến cố này.
“Lời này chói tai quá! Ai mà nghe được?” (Ga 6:60). Trực diện với bài giảng của Chúa Giêsu về Bánh Hằng Sống, trong Hội Đường Do Thái ở Capernaum, phản ứng của các môn đệ, nhiều người trong họ đã bỏ Chúa Giêsu, không mấy khác xa sự kháng cự của chúng ta trước món quà hoàn toàn tự hiến mà Người đã ban. Bởi vì trên thực tế, chấp nhận món quà này có nghĩa là quên đi chính mình, để cho mình bị thu hút vào và biến đổi đến độ sống bởi Người, như Thánh Tông Đồ Phaolô nhắc nhở chúng ta trong Bài Đọc Thứ Hai: “Nếu chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà chúng ta có chết cũng là chết cho Chúa. Vì vậy, dù sống hay chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa.”(Romans 14:08).
“Lời nói này chói tai quá!” Nó chói tai vì chúng ta thường nhầm lẫn giữa tự do với việc không bị xích xiềng, với một xác tín có rằng tự mình có thể làm được mọi việc mà không cần đến Thiên Chúa, Ngài bị coi như là một sự hạn chế đối với sự tự do. Đây là một ảo tưởng mà chẳng bao lâu sẽ trở thành ảo mộng, tạo ra tình trạng bất ổn cùng lo sợ, và điều nghịch lý là nó sẽ đưa đến việc ao ước những xiềng xích trong quá khứ như dân Israel đã làm trong sa mạc “Ước gì chúng tôi chết vào tay Đức Chúa tại Ai Cập,” (Xh 16:03), như chúng ta đã nghe. Trên thực tế, chỉ nhờ mở lòng ra cho Thiên Chúa, trong việc chấp nhận món quà của Ngài, mà chúng ta mới thật sự được tự do, tự do khỏi ách nô lệ của tội lỗi là điều đã làm méo mó con người và khả năng để phục vụ lợi ích thực sự của anh em.
“Lời nói này chói tay quá!” Chói tai bởi vì con người thường có ảo giác rằng mình có thể “biến đá thành bánh”. Sau khi loại Thiên Chúa ra ngoài, hoặc khoan hồng coi Ngài như một sự lựa chọn riêng tư mà không được can thiệp vào đời sống công cộng, như một số ý thức hệ chủ trương tổ chức xã hội bằng sức mạnh của quyền lực và kinh tế đang làm. Lịch sử cho chúng ta thấy một cách bi thảm rằng mục tiêu đảm bảo sự phát triển, hạnh phúc vật chất và hòa bình cho mọi người, được thực hiện mà không có Thiên Chúa và mạc khải của Ngài, đã dẫn đến việc cho người ta những hòn đá thay vì bánh. Anh chị em thân mến, bánh là “kết quả của lao công con người,” và trong chân lý này bao gồm tất cả mọi trách nhiệm được Thiên Chúa trao vào bàn tay và tài khéo léo của chúng ta; nhưng trước hết bánh cũng là “kết quả của hoa mầu ruộng đất,” nhận được ánh sáng mặt trời và mưa từ Trời Cao: Đó là một món quà cần cầu xin, là điều lấy đi tất cả sự kiêu căng và làm cho chúng ta cầu xin với lòng tín thác của khiêm nhường: “Xin Cha (…), cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” (Matthew 6:11).
Con người không có khả năng ban sự sống cho chính mình và chỉ hiểu được mình nhờ Thiên Chúa: chính mối liên hệ với Ngài cung cấp cho nhân loại chúng ta tính thống nhất cùng làm cho cuộc sống của chúng ta nên tốt lành và công chính. Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu xin cho Danh Ngài được cà sáng, cho Ý Ngài được thể hiện. Điều đầu tiên là chúng ta phải phục hồi tính ưu việt của Thiên Chúa trong thế gian và trong cuộc sống của mình, bởi chính tính ưu việt này cho phép chúng ta tái khám phá ra sự thật về con người mình là ai, và nhờ biết và làm theo Thánh Ý Thiên Chúa mà chúng ta tìm thấy sự tốt lành thật của mình, để dành thì giờ và không gian cho Thiên Chúa, ngõ hầu Ngài trở thành trung tâm sống còn của cuộc đời chúng ta.
Chúng ta phải bắt đầu từ đâu như nguồn mạch để phục hồi và tái khẳng định tính ưu việt của Thiên Chúa? Từ Thánh Thể: Ở đây Thiên Chúa biến chính Mình gần như thành của ăn cho chúng ta, ở đây Ngài trở thành sức mạnh trên con đường thường thì khó khăn, ở đây Ngài biến Mình thành sự hiện diện thân tình có khả năng biến đổi con người. Lề Luật ban cho ông Môsê được coi như “bánh bởi Trời”, nhờ đó dân Israel đã trở thành dân Thiên Chúa, còn trong Chúa Giêsu, Lời cuối cùng và dứt khoát của Thiên Chúa làm người, đến để gặp gỡ chúng ta như một Người. Người, Ngôi Lời Hằng Hữu, là manna thật, là Bánh Hằng Sống (x. Ga 6:32-35) và thực thi những công việc của Thiên Chúa là tin vào Ngưới (x. Ga 6:28-29). Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu tóm tắt toàn thể cuộc sống của Người trong một cử chỉ được ghi trong nghi thức Chúc Tụng Thiên Chúa của Lễ Vượt Qua, một cử chỉ nói lên rằng Người sống như Chúa Con tạ ơn Chúa Cha vì tình yêu bao la của Ngài. Chúa Giêsu bẻ bánh và chia sẻ, nhưng với một chiều sâu mới, bởi vì Người ban chính Mình Người. Người cầm lấy chén rượu và chia sẻ nó để tất cả có thể uống từ nó, nhưng với cử chỉ này Người đã ban cho chúng ta “giao ước mới trong máu Người”, Người cho đi chính Mình Người. Chúa Giêsu làm trước công việc yêu thương tột cùng, trong sự vâng phục Thánh Ý Chúa Cha: Hy Tế Thập Giá. Sự sống của Người sẽ bị cất đi trên Thập Giá, nhưng giờ đây Người đã tự mình dâng hiến sự sống ấy. Như thế cái chết của Đức Kitô không đơn thuần là một cuộc hành quyết bạo tàn, nhưng đã được Người biến đổi thành một hành động tự nguyện, tự hiến yêu thương; Người đi đến chiến thắng qua chính cái chết và xác nhận sự tốt lành của tạo vật đến từ tay Thiên Chúa, bị ô nhục bởi tội lỗi và cuối cùng được cứu chuộc. Chúng ta đến được với món quà vĩ đại này trong Bí Tích Thánh Thể: Thiên Chúa hiến Mình cho chúng ta, để mở cuộc đời của chúng ta ra cho Người, để liên kết nó với mầu nhiệm của tình yêu Thập Giá, để biến nó thành một tham dự viên trong mầu nhiệm muôn đời từ đó chúng ta đến và nếm trước điều kiện mới của cuộc sống sung mãn trong Thiên Chúa, trong sự mong đợi cuộc sống ấy mà chúng ta sống.
Tuy nhiên, việc bắt đầu từ Thánh Thể để tái khẳng định tính ưu việt của Thiên Chúa đòi hỏi những gì nơi cuộc sống hàng ngày của chúng ta? Các bạn thân yêu, sự hiệp thông Thánh Thể (rước Lễ) tách rời chúng ta khỏi cá nhân chủ nghĩa của mình, truyền đạt tinh thần của Đức Kitô đã chết và phục sinh, làm cho chúng ta nên giống Người, kết hợp chúng ta mật thiết với anh em trong mầu nhiệm hiệp thông là Hội Thánh, nơi mà một Tấm Bánh duy nhất làm cho nhiều người trở nên một thân thể (x. 1 Corinthians 10:17), thực hiện lời cầu nguyện của cộng đồng Kitô hữu thời sơ khai được tường thuật trong sách Didache (Giáo Huấn của các Tông Đồ): “như bánh này bị bẻ ra nằm rải rác trên các ngọn đồi, và được kết hợp thành chỉ một điều, như thế Hội Thánh của anh chị em từ những biên giới của thế gian được tụ tập trong Nước Thiên Chúa “(IX, 4). Thánh Thể nâng đỡ và biến đổi toàn bộ cuộc sống hàng ngày. Như tôi đã nhắc nhở trong thông điệp đầu tiên của tôi, “Sự hiệp thông Thánh Thể bao gồm thực tại của cả việc đang được yêu thương và yêu thương tha nhân”, ví lý do đó mà “một Thánh Thể mà không vượt đến việc thực hành cụ thể đức ái thì tự bản chất đã bị phân chia thành nhiều mảnh” (“Deus Caritas Est, “14).
Hai ngàn năm lịch sử của Hội Thánh đầy những vị thánh nam nữ mà cuộc đời của các ngài là một dấu chỉ hùng hồn cho việc hiệp thông với Thiên Chúa, từ Bí tích Thánh Thể phát sinh ra một tinh thần mới và nhiệt thành sẵn sàng lãnh nhận trách nhiệm ở tất cả mọi mức độ của đời sống cộng đồng; như thế nảy sinh từ đó một sự phát triển xã hội tích cực, trong đó con người ở trung tâm, đặc biệt là những người nghèo đói, bệnh tật và cùng cực. Được nuôi dưỡng bởi Đức Kitô là cách sống không xa lạ và dửng dưng với số phận của anh em mình, nhưng dấn thân vào chính lý lẽ của tình yêu và món quà hy lễ của Thập Giá, người nào có thể quỳ gối trước Thánh Thể, rước Mình Thánh Chúa, thì trong đời sống thường nhật, không thể không quan tâm đến những tình trạng bất xứng đối với con người, có thể cúi mình xuống để chăm sóc những người nghẻo túng, có thể bẻ bánh của mình mà chia sẻ với những người đói, chia nước của mình với những người khát, cho những người rách rưới ăn mặc, thăm viếng những người đau yếu và bị tù đày (x. Matthew 25:34-36). Người ấy sẽ có thể thấy trong tất cả mọi người chính Chúa, là Đấng đã không ngần ngại ban toàn thể con người của Mình cho chúng ta và để cứu độ chúng ta. Do đó, một linh đạo Thánh Thể là một liều thuốc giải độc thực sự đối với cá nhân chủ nghĩa và tính ích kỷ thường biểu thị cho cuộc sống hàng ngày, và dẫn đến tái khám phá ra việc cho đi một cách nhưng không, là trung tâm của các liên hệ, bắt đầu với gia đình, với quan tâm đặc biệt để hàn gắn những vết thương của các gia đình bị đổ vỡ. Một linh đạo Thánh Thể là linh hồn của một cộng đồng hội thánh thắng vượt được những chia rẽ và chống đối cùng đề cao tính đa dạng của các đặc sủng và các thừa tác vụ khác nhau được dùng mà phục vụ sự hợp nhất, sức sống và sứ mệnh của Hội Thánh. Một linh đạo Thánh Thể là một cách để khôi phục phẩm giá lại cho những ngày của con người và, do đó, công việc của họ, trong việc tìm kiếm sự dung hòa giữa những thời gian mừng lễ và gia đình, cùng trong các quyết tâm vượt qua sự bấp bênh của tạm bợ và nạn thất nghiệp. Một linh đạo Thánh Thể cũng sẽ giúp chúng ta để tiếp cận các hình thức khác nhau của sự yếu đuối của con người với ý thức rằng chúng không làm xáo trộn những giá trị của người, nhưng đòi hỏi sự gần gũi, chấp nhận và giúp đỡ. Được rút ra từ Bánh Hằng Sống là sức sống của một khả năng giáo dục được canh tân, chú tâm đến việc làm chứng cho các giá trị cơ bản của đời sống, của việc học tập, cùng di sản tinh thần và văn hóa; sức sống của nó sẽ làm cho chúng ta sống trong những thành phố của con người với lòng sẵn sàng lăn mình vào chân trời công ích để xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ hơn.
Các bạn thân mến, chúng ta hãy rời vùng đất Marche này với sức mạnh của Thánh Thể trong sự thẩm thấu liên tục giữa mầu nhiệm mà chúng ta cử hành và những hoàn cảnh sống hàng ngày của chúng ta. Không có gì là thực sự nhân bản mà không tìm thấy nơi Thánh Thể một cách hợp lý để sống trong sự viên mãn: do đó cuộc sống hằng ngày trở thành một nơi thờ phượng trong tinh thần, để sống theo sự ưu việt của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, trong sự liên hệ với Đức Kitô và như một của lễ dâng lên Chúa Cha (x. Tông Huấn hậu THĐ “Sacramentum Caritatis,” 17). Phải, “người ta không chỉ sống bởi bánh, nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Matthew 4:4): Chúng ta sống nhờ vâng nghe Lời này, là Bánh Hằng Sống, đến độ phó thác chính mình, như Thánh Phêrô, với sự hiểu biết nhờ tình yêu: “Lạy Chúa, chúng con sẽ theo ai? Thầy có những lời ban sự sống đời đời. Chúng con đã tin và xác tín rằng Thầy chính là Ðấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6: 68-69).
Như Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta hãy trở thành một “cung lòng” sẵn sàng hiến tặng Chúa Giêsu cho dân chúng của thời đại chúng ta, làm thức tỉnh niềm mong ước thầm kín tận đáy lòng một ơn cứu độ chỉ đến từ Người. Chúc anh chị em, toàn thể Hội Thánh ở nước Ý, một cuộc hành trình tốt đẹp với Đức Kitô là Bánh Hằng Sống!
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
8For whether we live, we live unto the Lord; or whether we die, we die unto the Lord. Therefore, whether we live, or whether we die, we are the Lord's.
11Give us this day our supersubstantial bread.
17For we, being many, are one bread, one body, all that partake of one bread.
34Then shall the king say to them that shall be on his right hand: Come, ye blessed of my Father, possess you the kingdom prepared for you from the foundation of the world.
35For I was hungry, and you gave me to eat; I was thirsty, and you gave me to drink; I was a stranger, and you took me in:
36Naked, and you covered me: sick, and you visited me: I was in prison, and you came to me.
4Who answered and said: It is written, Not in bread alone doth man live, but in every word that proceedeth from the mouth of God.