Chúa Nhật Thứ 10 Thường Niên, Năm C
St 14, 18-20; 1 Cr 11, 23.26; Lc 9, 11b-17
Mở đầu Thánh Lễ, lời của một Cha giáo hết sức dễ thương:
“Anh chị em thân mến ! Mỗi một lần chúng ta tham dự Thánh Lễ là mỗi một lần chúng ta biến đổi cuộc đời chúng ta nên một với Đức Kitô. Nếu chúng ta tham dự Thánh Lễ mà chúng ta không để cuộc đời chúng ta nên một với Đức Kitô thì Thánh Lễ chúng ta tham dự ra vô ích. Nguyện xin Đức Giêsu Kitô – Đấng đang có mặt ở đây với ta biến đổi cuộc đời của ta nên một với Ngài”.
Hình như Thánh Lễ nào Ngài cũng mời gọi cộng đoàn dân Chúa như vậy. Ai nào đó nghe nhiều sẽ cảm thấy khó chịu và có thể bảo là nhàm. Nhưng không ! Không nhàm. Nếu chúng ta để tâm hồn chúng ta lắng đọng suy nghĩ lời dẫn ấy một chút thì ta thấy lời dẫn ấy hết sức ý nghĩa. Thánh Lễ mà chúng ta tham dự không phải là một bữa tiệc bình thường mà là bữa tiệc của Giao Ước, bữa tiệc của tình yêu. Giao Ước cũ đã bị đỗ vỡ để rồi Giao Ước mới hàn gắn. Tình yêu ngày xưa trao cho con người và con người đã đánh mất. Chính Chúa Giêsu bằng máu và thịt của mình đã lập nên giao ước mới, giao ước của Tình Yêu.
Chính Thánh Phaolô đã chân nhận điều ấy qua dòng thư gửi tín hữu Côrintô mà chúng ta vừa nghe: Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.
“Loan truyền Chúa đã chịu chết”. Chắc có lẽ không cần phải nói nhiều và cũng chẳng cần phải giải thích nhiều lời về cái chết của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không phải chết vô duyên, Chúa Giêsu cũng chẳng chết một cách vô ích. Ngược lại, cái chết của Chúa Giêsu mang một ý nghĩa vô cùng vô tận đó là cái chết của Tình Yêu. Cũng chỉ vì Tình Yêu mà Chúa đã chết như vậy. Qua cái chết ấy Chúa Giêsu đã đổ máu đào để minh chứng tình yêu của Ngài cho nhân loại. Tình yêu của Chúa Giêsu là một tình yêu mà không ai có thể hiểu nổi. Tình yêu ấy là tình yêu huyền nhiệm hay ta có thể nói huyền nhiệm thay với tình yêu của Chúa Giêsu.
Thật thế, khi nhìn lại tất cả các tôn giáo trên thế giới này thì chẳng có đạo nào như đạo Công Giáo cả. Không có đạo nào giống đạo Công Giáo vì lẽ khi người ta đến nhà thờ, đến nhà chùa, đến đền đài để cầu nguyện thì sau khi người ta cầu nguyện, người khấn vái xong thì người ta đi về. Khi người ta đi về thì đường ai nấy đi như cái kiểu “anh đường anh – em đường em”. Công Giáo thì lại khác, mỗi một lần lên Đền, mỗi một lần lên đường đi lên nhà Chúa là mỗi một lần người tín hữu được mời gọi đi dự tiệc. Bàn tiệc mà người Công Giáo tham dự cũng khác với những bàn tiệc khác của người đời. Người đời đi dự tiệc để no thoả thân xác nặng trình trịch năm bảy chục ký đầy mỡ và đầy da. Người kitô hữu, người mang danh Chúa Kitô đi dự tiệc thì chỉ nhận được vỏn vẹn một miếng bánh mà lại là miếng bánh nhỏ bé được làm bởi lúa mì không men. Nhỏ bé ấy, không men ấy nhưng ngược lại nó lại mang một ý nghĩa vô cùng to lớn vì trong cái nhỏ bé ấy lại mang một tình yêu vô cùng to lớn và trong cái không men ấy lại chất chứa một thứ men tuyệt vời đó chính là men tình yêu.
Những ai khi được mời gọi “cầm cùng một bánh và chấm cùng một chén” thì cũng phải chiếu toả Tình Yêu mà mình vừa cầm vừa chấm. Tình Yêu ấy bao la vô cùng, Tình Yêu ấy phân phát cho mọi nước, mọi dân, mọi nhà, mọi người và không bao giờ phân biệt giai cấp địa vị.
Bằng chứng hết sức dễ thương về việc phân phát Tình Yêu ấy ngày hôm nay chúng ta vừa nghe Thánh Luca thuật lại qua phép lạ hoá bánh ra nhiều. Phép lạ hoá bánh ra nhiều này Chúa Giêsu mời gọi con người không nên dừng lại ở cái no thoả vật chất nhưng phải đi một bước xa hơn nữa là no thoả tâm hồn và Chúa thì lúc nào cũng ban dư tràn ân phúc bằng chứng là sau khi ăn mà người ta còn thu được cả đến 12 thúng đầy. Con số 12 là con số tròn đầy muốn biểu lộ một tình yêu bao la không bờ bến của Thiên Chúa.
Thật sự ra không phải chỉ ngày hôm đó Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều. Ngày hôm nay Chúa Giêsu vẫn làm phép lạ hoá bánh ra nhiều nhưng chuyện quan trọng là con người không nhận ra. Ngày hôm nay Thiên Chúa vẫn ban cho con người dư đầy tình yêu của Ngài nhưng con người vốn ích kỷ đã không đón nhận, đã khép lòng lại với Tình Yêu của Thiên Chúa. Nếu như người ta yêu Chúa thật thì người ta cũng sẽ biến đổi cuộc đời của người ta nên một với Thiên Chúa vậy. Khi rước Chúa vào lòng, khi rước Tình Yêu vào lòng thì khi ấy người ta và Chúa là một, khi ấy người ta sống trong Chúa và Chúa sống trong người ta. Nếu thật sự là như thế thì tình yêu hết sức tuyệt vời.
Nhớ lại cũng câu chuyện ngày xưa của Cha giáo thật hay. Ngài kể lại như thế này:
“Những ngày ấy, thời còn là sinh viên, chúng tôi ở trọ chung với nhau 6 anh em trong 1 phòng. Tối hôm ấy, anh em chúng tôi không ngủ được với cái anh chàng tên là Hoàng vì anh ta thức khuya thật là khuya. Chúng tôi hỏi tại sao Hoàng lại thức khuya như vậy thì Hoàng mới nói rằng chiều hôm nay, khi đi trú mưa thì Hoàng gặp và quen một nàng tên là Nương. Hoàng nói là Nương thích thơ nên tối hôm nay Hoàng thức để làm thơ mai đi gặp Nương và tặng cho Nương.
Sau ngày ấy, anh em chúng tôi thấy anh chàng Hoàng làm sao ấy. Mọi hôm, anh chàng Hoàng uống nước bằng rô-bi-nê thì từ ngày ấy anh chàng Hoàng uống nước bằng ly. Anh em hỏi sao thế thì Hoàng trả lời: “Nương bảo thế !”. Nương bảo là con trai lớn rồi, uống nước phải uống bằng ly, uống bằng rô-bi-nê xấu lắm !
Rồi đến phiên Hoàng nấu cơm. Hôm ấy Hoàng xào rau muống. Mọi hôm Hoàng đậy nắp cho rau mau chín thì hôm nay Hoàng lại mở nắp. Anh em hỏi tại sao thì Hoàng bảo là: “Nương bảo thế !”. Nương bảo xào rau mà đậy nắp rau nó không có xanh, ăn không có ngon.
Một hôm, một chàng cùng phòng bị đau. Hoàng pha nước chanh cho bạn mình. Thấy Hoàng pha hơi khác khác là bỏ chút muối. Anh em ngạc nhiên hỏi tại sao pha nước chanh lại cho thêm muối ! Hoàng mới nói: “Nương bảo thế !”. Nương bảo là pha nước chanh cho chút muối uống ngon lắm !
Thế đấy ! Từ ngày trú mưa chung với cô nàng tên là Nương về đấy thì Hoàng như người mất hồn. Khi ấy, Hoàng sống trong Nương và Nương sống trong Hoàng. Khi ấy không còn là hai nữa nhưng chỉ là một mà thôi. Trong Hoàng có Nương và trong Nương có Hoàng”.
Câu chuyện Cha giáo kể hết sức hấp dẫn. Vì tình yêu mà Hoàng có Nương và Nương có Hoàng. Từ ngày ấy, tất cả cuộc đời của Hoàng đã thay đổi và cuộc đời của Nương cũng đổi thay. Chẳng ai có thể hiểu được Hoàng bằng Nương và cũng chẳng có ai có thể hiểu được Nương bằng Hoàng. Từ ngày ấy, Hoàng và Nương nên một với nhau.
Bí tích Thánh Thể, Bí tích Tình Yêu có lẽ cũng thế ! Khi ta rước Chúa Giêsu Thánh Thể thì ta cũng kết hợp nên một với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ở trong ta và ta ở trong Chúa nhưng chuyện quan trọng là ta có hành xử, có sống như Chúa Giêsu hay không ?
Xem quả thì biết cây ! Chẳng cần phải nhiều lời, chỉ cần nhìn vào lời ăn tiếng nói, nhìn vào lối cư xử của mỗi người, người ta sẽ nhận ra ngay là người ấy có Chúa hay không. Nếu người ấy có Chúa thật thì cả cuộc đời của họ được diễn tả bằng ánh mắt, bằng nụ cười và hơn cả là bằng tình yêu của Chúa.
Tình yêu của Chúa thật bao la, thật huyền nhiệm. Chỉ những ai cảm nghiệm được tình yêu ấy mới có thể sống, mới có thể diễn tả Tình Yêu ấy trong cuộc đời của người đó mà thôi.
Lm. Anmai, CSsR