Khi ân huệ Chúa bị lấy đi…

Chúa nhật 27 thường niên A

Mt 21, 33-43

Trước sự sách nhiễu và lộng hành của nhóm thượng tế và kỳ mục Dothái, Chúa Giêsu không ngừng kêu mời nhóm lãnh đạo này duyệt xét lại trách nhiệm mà Thiên Chúa đã giao phó, đồng thời Người cũng mạnh mẽ lên án và chỉ trích những hành động cố chấp của họ sẽ lãnh nhận hậu quả khôn lường. Tuy nhiên, suy niệm dụ ngôn “những tên tá điền sát nhân” hôm nay, đối tượng không hẳn chỉ có mấy ông thượng tế và kỳ mục Dothái, mà rất có thể, mỗi người chúng ta cũng nằm trong số đó…

Đọc dụ ngôn, chúng ta có thể thấy sự quan tâm lo lắng của ông chủ đối với vườn nho của mình. Trồng được nho đã khó, nhưng những công việc liên quan đến bảo vệ vườn nho, quy trình làm ra sản phẩm từ nho cũng không đơn giản chút nào. Chính vì thế, ông chủ cố gắng, bao có thể, để chung quanh vườn có được rào giậu chắc chắn nhằm bảo vệ cây nho, tránh những kẻ “đi ngang về tắt” ảnh hưởng đến sự phát triển của chúng. Ông còn xây bồn và tháp canh để bảo vệ vườn nho hầu mong sản phẩm được làm ra sẽ được nhiều người ưa thích. Ông chủ yêu mến và trân quý vườn nho bao nhiêu, ông lại đặt niềm hy vọng của mình vào những viên tá điền- những người thay ông chăm sóc vườn nho, bấy nhiêu. Ông kỳ vọng vào họ là phải. Bởi vườn nho mà ông ra sức đầu tư cũng cần đến sự cộng góp của nhóm người này, ít nữa cũng là vì lợi ích cho chính bản thân họ.

Mùa hái nho cũng là mùa mà ông chủ nhận ra bộ mặt ác nhân của những tên tá điền vốn là những người được ông đặt trọn niềm hy vọng. Theo sách Lêvi, chúng ta được biết, mùa hái nho tức là vào năm thứ năm sau khi trồng nho. Theo đó trong ba năm đầu, dù nho có trái nhiều hay ít, tốt hay xấu cũng không được ăn, bởi lề luật quy định rằng, đó là hoa quả chưa “cắt bì”, nghĩa là còn trong tình trạng ô uế, chưa được thanh tẩy, và do đó, chớ có đụng vào! Đến năm thứ tư, hoa trái đó phải được thánh hiến công khai, nghĩa là được diễn ra trong một dịp lễ mừng Giavê. Đến năm thứ năm, mới được phép thu hoạch để sử dụng (x. Lv 19, 23-25). Chờ đợi hoa trái trong năm năm, một thời gian không quá dài nhưng cũng không quá ngắn đối với ông chủ vườn nho. Điều đó cũng không đáng gì so với việc những tên tá điền đã trở mặt, sách nhiễu, lộng hành đối với những người được ông uỷ thác, sai đến để thu hoa lợi nhằm chiếm đoạt vườn nho do ông gầy dựng.

“Ác giả ác báo”, đó là kết luận chính xác phát xuất từ miệng mấy ông thượng tế và kỳ mục Dothái. Vô hình trung, đó cũng là lời lên án, cách nào đó, họ tự kết án chính mình. Hơn ai hết, họ biết rằng họ cũng chỉ là những công cụ được sai đến để canh tác vườn nho mà thôi. Thế nhưng họ đã lợi dụng điều đó để củng cố chức vụ, củng cố quyền lực, tác quai tác quái, thu vén lợi lộc,… Nếu có ai đó trong dân chúng đứng về phía sự thật để chỉ cho họ thấy những sai trái, hầu mong họ quay về nẻo chính đường ngay, thì ngay lập tức họ “đánh đập, ném đá và giết chết”. Những ai không đứng về phía họ, họ luôn tìm cách để thủ tiêu, dù cho người đó là ai, đến từ đâu, cũng mặc. Ngay cả Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, họ cũng chẳng từ.

Như đã nói, dụ ngôn hôm nay không chỉ nhắm vào những thượng tế và kỳ mục Dothái, mà còn cho mỗi người chúng ta nữa. Con cái Giáo hội ngày hôm nay hãy coi chừng trước cạm bẫy quyền lực và lợi lộc. Và, các mục tử của Giáo hội, xin nhìn lại trách nhiệm của mình để khỏi rơi vào tình trạng chiếm đoạt ân huệ của Thiên Chúa nhằm củng cố quyền lực và gia tăng lợi lộc cho cá nhân mình. Chúng ta những Kytô hữu, hãy xét mình liên lỉ để khỏi rơi vào tình trạng “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa và trao cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi”.

Xin cho Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta nhận chân giá trị này: đứng trước công trình của Thiên Chúa, hãy để Thiên Chúa thực hiện, còn chúng ta, dù là ai, cũng chỉ là công cụ bất xứng của Người. Đừng lợi dụng chức vụ, quyền lực Thiên Chúa ban và những thủ đoạn nhân loại để mưu cầu cho cá nhân hay cho một nhóm người nào đó. Hãy nhớ rằng nếu chúng ta không làm lợi cho Thiên Chúa, làm lợi cho Giáo hội, làm lợi cho hội dòng, làm lợi cho gia đình và xã hội, sẽ đến lúc ân huệ đó, Thiên Chúa sẽ lấy đi… Điều gì sẽ xảy đến khi ơn Thiên Chúa không còn ở trong Giáo hội, Hội dòng, gia đình, xã hội và mỗi người trong chúng ta?…

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb