Chúa Nhật 30 Thường Niên B
Mc 10, 46-52
Chúa Giêsu cùng các môn đệ tiếp tục vượt chặng đường dài tiến về Giêrusalem. Giờ đây Thầy trò đang dừng chân tại thành phố Giêrikhô. Giêrikhô là một thành phố cổ, cách Giêrusalem khoảng 30 cây số về phía đông. Chính tại nơi đây, xưa kia ông Giôsuê lãnh đạo dân Dothái, vượt sông Jordan và chiếm thành (x. Gs 6). Nay chính Chúa Giêsu cũng dừng chân nơi đây, trước khi lên Giêrusalem và phép lạ cho người mù thành Giêrikhô được sáng xảy ra. Phép lạ Giêrikhô chính là lời tụng ca danh thánh Chúa Giêsu, Đấng cứu chuộc trước khi Người tiến về thành Giêrusalem chịu khổ nạn.
Thánh Máccô ghi lại rõ ràng tên của người hành khất là Batimê, con ông Timê đang ngồi bên vệ đường trong tình trạng mù loà. Tình trạng này chứng tỏ anh hoàn toàn bị gạt ra bên lề xã hội. “Ngồi bên vệ đường” diễn tả tình trạng của một con người hoàn toàn vô dụng, bị xã hội khinh chê, loại trừ. Thế nhưng, thật trái ngược, trong đám đông dân chúng rầm rộ bước theo Chúa Giêsu – họ là những người được xem là sáng mắt- lại hóa nên mù loà trước ánh sáng “vô hình” mà chỉ có anh mù Batimê thành Giêrikhô nhận ra. Thật vậy, những người sáng mắt không thể nhận biết Chúa Giêsu là ai, họ bị “mù” trước con người Giêsu Cứu thế. Trái lại, anh mù thành Giêrikhô thì lại “thấy” rõ ràng chính Chúa Giêsu là Con Vua Đavít – một danh hiệu chỉ về Đấng Mêsia. Tiếng kêu lớn tiếng của anh đồng thời cũng là một lời tuyên xưng niềm tin vào chính Chúa Giêsu – người mà anh tin là sẽ cho anh phục hồi sự sáng.
Tình trạng của anh mù khi ấy có thể sẽ tồi tệ hơn nếu như Chúa Giêsu không can thiệp. Cũng giống như trước đây, chính các môn đệ đã la mắng các em bé, không cho chúng đến với Chúa Giêsu (x. Mc 10, 13-16); nay thì chính đám đông cũng muốn gạt người hành khất mù loà này khi họ quát nạt bắt anh phải im miệng. Họ không cho anh đến gặp Chúa vì lẽ anh là một bệnh nhân bị xã hội loại trừ. Tuy thế, Batimê không chịu thua, anh càng kêu to hơn như thể phản đối đám đông đồng thời cũng tạo sự chú ý cho Chúa Giêsu. Kết quả là, Chúa Giêsu cho gọi anh đến, còn đám đông thì thay đổi thái độ từ cứng rắn sang mềm mỏng : “cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy”!
Đứng trước tiếng gọi của Chúa, người mù thành Giêrikhô vất áo choàng và đứng phắt dậy. Cử chỉ của anh mù thật ý nghĩa. “Vất áo choàng” – một biểu lộ của sự giải phóng, thoát khỏi tình trạng bị xã hội loại trừ. “Vất áo choàng” cũng đồng nghĩa với việc vất đi một thứ tài sản quý nhất của người nghèo. Nó quý không chỉ bởi được dùng vào việc ăn xin, dùng để đựng những thức ăn xin được; mà nó còn là một vật dụng được Lề luật bảo vệ. Thật vậy, trong sách Xuất hành chúng ta thấy, áo choàng là một tài sản không được đem đi cầm cố vào ban đêm (x. Xh 22, 25tt). Thấy được như thế, chúng ta mới thấy sự can đảm của anh mù thành Giêrikhô khi anh dám vất bỏ tài sản quý nhất của mình để bước theo Chúa Giê-su. Điều này trái ngược hẳn với những gì mà người thanh niên giàu có đã không dám bán tài sản của mình, cho người nghèo để theo Chúa (x. Mc 10, 17-22). “Đứng phắt dậy” là một hành động diễn tả thoát khỏi một tình trạng xấu, chuyển sang một tình trạng tốt. Anh mù thành Giêrikhô giờ đây không còn trong tình trạng “ngồi bên vệ đường” nữa, mà “đứng phắt dậy” để hoà nhập vào cuộc sống xã hội.
Chính Chúa Giêsu đã thực hiện điều kỳ diệu này khi lệnh truyền cho anh “Hãy đi”. Anh mù thành Giêrikhô giờ đây không còn bị loại trừ nữa, anh hoà chung vào dòng người đông đảo để bước theo Chúa Giêsu. Anh không chỉ “đi theo” – một kiểu nói quen thuộc đối với môn đệ Chúa Giêsu, mà còn hơn thế nữa. Thánh Máccô cho chúng ta biết là anh đi “trên con đường” Chúa Giêsu đi. Nghĩa là từ nay, chính anh là người cùng với Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem để chứng kiến những giờ phút cuối cùng của Chúa khi Người đón nhận cuộc khổ nạn, chịu chết và phục sinh. Điều này cũng có nghĩa là anh chứ không ai khác sẽ là chứng nhân Tin mừng về Chúa Giêsu, bước theo Chúa và chấp nhận con đường của Chúa. Lời Chúa mời gọi mỗi người chúng ta không ngừng phản tỉnh. Phép lạ Giêrikhô là một bài học lớn cho chúng ta. Theo gương anh mù Batimê, để được chữa lành khỏi mù loà, chúng ta cần phải vất bỏ “áo choàng” chính là những ràng buộc do bởi những tham vọng, những ước muốn thấp hèn, làm cản trở bước đường theo Chúa. Con mắt đức tin của chúng ta cần được Chúa chiếu soi, thoát khỏi cảnh tăm tối mù loà để có thể bừng sáng như anh mù Batimê, nhờ đó chúng ta được Chúa thúc đẩy, hăng hái ra đi, rao giảng tình yêu của Chúa cho muôn người.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb