Chúa nhật 20 thường niên A
Mt 15 21-28
Thời Chúa Giêsu, Tia và Xiđon- ngày nay là miền nam Libăng, được xem là miền đất dân ngoại. Vì thế, việc Chúa Giêsu và các môn đệ lui về đây không chỉ để tránh tai mắt của nhóm Biệt phái hay tránh sự cuồng nhiệt của dân chúng muốn tôn Ngài làm vua ngay sau sự kiện hoá bánh ra nhiều (x. Ga 6, 15), mà còn mang một ý nghĩa thần học theo dụng ý của tác giả Mátthêu. Theo đó, ơn cứu độ lẽ ra chỉ dành cho Israel, nhưng vì họ từ chối, thì nay ơn cứu độ đó được mang đến cho dân ngoại mà người phụ nữ Canaan là một đại diện.
Nói đến Canaan, không người Dothái nào lại không biết đến mảnh đất mà cha ông họ đã chiếm làm lãnh thổ cho riêng mình. Miền đất này được xem là miền đất hứa, miền đất của sữa và mật, vì thế, để chiếm được nó, người Dothái phải đổ không ít xương máu mới có được. Chính vì thế, nói đến miền đất Canaan và con người Canaan là không chỉ nói về một chiến tích, nói về một thời hào hùng của dân tộc mà còn nói đến một mối thù “truyền kiếp” giữa hai dân tộc. Người Dothái vốn xem người Canaan là dân ngoại, là những kẻ dơ bẩn cần phải tránh xa bao có thể. Sự khinh thường này đôi khi thái quá và làm cho hố ngăn cách ngày càng thêm sâu đậm khó có thể hoà giải một sớm một chiều. Sự kiện người phụ nữ Canaan đến gặp Chúa Giêsu và các môn đệ cũng không nằm ngoài hố ngăn cách này.
Trước khi đến gặp Chúa Giêsu, chắc hẳn người phụ nữ Canaan đã lường trước những thách đố mà mình sẽ gặp khi “chạm trán” với những người mà bà biết họ chẳng ưa thích gì khi có sự hiện diện của mình. Nhưng biết làm sao được. Bởi động cơ dẫn lối đưa đường bà đến gặp Chúa Giêsu chính là cô con gái yêu quý của bà đang ngày đêm khổ sở vì bị quỷ ám. Vì tình mẫu tử, bà đã vượt qua mọi cản ngăn để đến gặp Chúa Giêsu với hy vọng Người sẽ cứu giúp con bà.
“Lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm”. Không một lời lên tiếng. Im lặng bao trùm. Quả đúng như những gì bà đã lường trước. Người bà đang cần sự giúp đỡ chẳng mặn mà gì. Sự im lặng của Người đến khó hiểu. Còn các môn đệ của Chúa Giêsu xem ra cũng khó chịu khi có sự hiện diện của bà, nên không ngừng hối thúc Thầy mình đuổi bà ấy về cho khỏi chướng tai gai mắt. Mặc dù vậy, người phụ nữ Canaan vẫn kiên trì. Bà biết mình phải làm gì trong trường hợp không lấy gì làm dễ chịu này.
“Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”. Tiếng bà lại vang lên khi toàn thân bà phục xuống bái lạy Chúa Giêsu với hy vọng Người sẽ đoái thương. Phủ phàng thay, câu trả lời của Chúa Giêsu, vô hình trung, như gáo nước lạnh giữa trời đông xối vào mặt bà. “Không nên lấy bánh của con cái mà ném cho lũ chó con”. Cho đến lúc này, Chúa Giêsu vẫn trung thành với điều mà Người đã nói trong lúc khai mạc sứ vụ rao giảng Tin mừng. Theo đó, sứ mệnh của Người chỉ dành cho “con chiên lạc nhà Israel” mà thôi. Vì thế, câu nói của Chúa Giêsu xem ra sỗ sàng, khiến người khác phật lòng nhưng lại nói lên lòng mong mỏi của Người dành cho nhà Israel.
Liên tiếp phải hứng chịu sự thật phủ phàng, người phụ nữ Canaan không mảy may dao động hoặc tức giận tháo lui. Trái lại, bà còn dùng ngay chính sự thật phủ phàng này để trả lời Chúa Giêsu một cách hết sức khôn khéo và tế nhị. “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Thưa bà Canaan! Chúng tôi không biết tên bà. Nhưng có thể tên bà là đại diện cho một dân tộc hay đại diện cho toàn khối dân ngoại. Câu nói của bà không chỉ là câu nói hay nhất, tế nhị và khôn khéo nhất mà còn là một lời tuyên xưng niềm tin của bà đối với người mà bà đang đối diện. Chính niềm tin mãnh liệt của bà đã làm cho Chúa Giêsu kinh ngạc nếu không nói nó gây nên một cú xốc cho Người. Thưa bà Canaan! Với niềm tin mãnh liệt, bà đã thắng Thiên Chúa.
“Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”. Lời của Chúa Giêsu không chỉ là lời tán thưởng, lời ban bình an và xua đuổi tà thần mà còn là lời xoá đi mọi trở ngăn, mọi thứ lề luật nhỏ nhen thấp hèn do con người tạo nên. Từ đây, nhờ niềm tin, người phụ nữ Canaan – một hạng dân ngoại, một kẻ dơ bẩn được Thiên Chúa đón nhận, cho làm bạn nghĩa thiết với Người. Niềm tin mãnh liệt đó đã làm cho bà trở nên người đáng được tôn vinh, làm cho bà từ một khách lạ trở thành người nhà của Thiên Chúa và còn hơn thế nữa, từ nay “lũ chó con” kia được đồng bàn với chủ, được hưởng mọi ân lộc của chủ, được hưởng ơn cứu độ chứ không phải chỉ ăn những mảnh vụn từ bàn chủ rơi xuống.
Người phụ nữ Canaan là mẫu gương cho mỗi người chúng ta. Chính đức tin của bà làm cho mỗi người chúng ta phản tỉnh. Với những gì mà người phụ nữ Canaan đã làm, chúng ta hãy xem chúng ta đang ở đâu trong bàn tiệc Thiên Chúa, trong Giáo hội và trong lòng nhân loại?
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb