CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN -C-
Ông là thầy dạy của người trẻ (57,23-30) và ông muốn bảo tồn niềm tin của người Dothái giữa những thế hệ thày dạy và hiền nhân tiếp theo. Bài giảng về lòng khiêm nhường của Ben Sira là về sự từ bỏ và tín thác nơi Thiên Chúa. Người khiêm nhường thì mở lòng mình ra, học hỏi đường lối của Thiên Chúa và thực thi đường lối ấy. Chẳng phải Đức Giêsu cũng từng nói về Người như là một con người khiêm hạ đó sao? Những ai có thể nhận ra Người như Đấng Chúa sai đến cũng sẽ có một trái tim khiêm hạ.
Hiền nhân viết bài đọc thứ nhất hôm nay không dạy môn đệ của mình hay chúng ta nhún nhườngg khi chúng ta đối mặt với sự dữ và cái ác. Nhưng hoàn toàn ngược lại: người khiêm hạ cúi mình trước thiên Chúa và mở lòng đón nhận thánh ý của Ngài, sẽ đứng thẳng bảo vệ chân lý – biết rằng Thiên Chúa, Đấng Công Chính, luôn đứng về phía những ai khiêm nhường và khát tìm chân lý. Kẻ khiêm nhường muốn cộng tác với Thiên Chúa; thái độ khẳng khái như thế sẽ tăng cường và khơi lên chân lý trong lòng họ và rồi họ “sẽ tìm thấy niềm vui trong Chúa”.
Tin mừng Luca có nhắc đến rất nhiều bữa tiệc. Hôm nay, chúng ta thấy Đức Giêsu ở một bữa tiệc khác. Ngay phần mở đầu câu chuyện thánh Luca đã đưa ra một tình trạng căng thẳng. Đức Giêsu đến dự tiệc ở nhà một “thủ lãnh Pharisêu.” Chúng ta đoán Người sẽ gặp rắc rối khi nghe thánh Luca cho biết “họ cố dò xét Người.”
Tôi cũng mới dự một tiệc cưới rất tuyệt. Ngay khi bước vào phòng tiệc, tôi đã thấy có một cái bàn và trên đó có sơ đồ ghi tên và chỗ ngồi của tất cả các vị khách mời. Tôi đến và tìm xem tôi sẽ ngồi bàn nào. Tôi đã thật sự vui mừng vì thấy mình được sắp xếp ngồi cùng bàn với một số bạn cũ và vài người tôi chưa từng quen biết. Mãi đến khi chúng tôi ăn tiệc và trò chuyện, tôi mới nhận ra rằng chúng tôi có cùng một sở thích và địa vị giống nhau. Tôi biết chủ tiệc cưới đã thận trọng sắp xếp tôi ngồi cùng với những vị khách mà chúng tôi có thể cùng nhau thưởng thức tiệc cũng như chia sẻ niềm vui của bữa tiệc.
Vào thời Đức Giêsu và trong nền văn hóa của Người, việc sắp xếp chỗ ngồi trong bữa tiệc là rất rõ ràng. Chủ tiệc phải sắp xếp khách mời vào “vị trí xứng hợp.” Người quan trọng nhất sẽ ngồi vào chỗ cao nhất và nổi bất nhất. Những người khác sẽ lần lượt ngồi vào những vị trí thấp hơn tùy theo tầm quan trọng của mình. Một khi mọi người đã yên vị, tất cả những gì anh chị em cần làm là nhìn quanh để thấy rọ tầm quan trọng của mỗi thực khách trong mắt chủ tiệc.
Đức Giêsu là một vị khách trong nhà của một vị Pharisêu quan trọng. Có thể chúng ta không biết Đức Giêsu được xếp ở vị trí nào, là một thày giảng và một người nổi bật, có thể Người được mời vào một vị trí nổi bật trong bàn tiệc – chúng ta không biết rõ điều này. Điều chúng ta biết chắc là Người ngồi vào một nơi không mấy gì là thiện cảm, Người cũng không bị tác động bởi “những kẻ quan sát Người.” Người bắt đầu nhìn quanh và chỉ dạy cho những kẻ đang tìm chỗ ngồi quan trọng trong bàn tiệc. Người là một vị khách, nhưng hành xử như ông chủ tiệc, sắp xếp khách khứa vào những chỗ nên ngồi trong bữa tiệc.
Đức Giêsu đưa ra một bữa tiệc khác cho những ai có cái nhìn thiển cận và chẳng bao giờ thỏa mãn. Giống như tác giả sách Huấn ca, Đức Giêsu là một hiền nhân, chỉ cho người ta thấy đâu là sự mãn nguyện đích thực: đó không phải là những chỗ quan trọng trong bữa tiệc, nhưng là việc lắng nghe thông điệp cứu độ của Người. Một khi họ lắng nghe và sống những điều này, bằng cách nhận ra và trân trọng “người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù,” thì họ sẽ nhận được chỗ ngồi danh dự trong bàn tiệc đời đời mà Thiên Chúa chuẩn bị cho chúng ta. “Vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày những kẻ lành sống lại.”
Những người mà Đức Giêsu nói đến thì cũng không tham vọng gì hơn con người ngày nay. Nếu họ nhận được ân huệ từ một nhân vật quan trọng, một vị trí cao trong bàn tiệc, thì họ cũng sẽ tổ chức một buổi tiệc để đáp lễ. Như chúng ta thường nói: “Có qua có lại” – cả hai đều nhận được cái gì đó từ phía người kia.
Nhưng Đức Giêsu đang chuẩn bị cho chúng ta một yến tiệc mà nơi đó những kẻ bần cùng sẽ nhận được sự trân trọng cùng với tất cả sự dư đầy. Vì thế, chúng ta cần thực hành những “hành động thuộc nước trời” ngay bây giờ: hành vi trong cuộc sống của chúng ta sẽ phản ảnh vương quốc mà chúng ta là công dân trong đó. Hành vi của chúng ta phải làm sáng tỏ niềm tin của chúng ta, những cảm nghiệm của chúng ta. Chúng ta chưa làm được gì; chẳng có địa vị xã hội hay danh xưng cao sang nào có thể giúp ta trở thành phần tử trong vương quốc của Đức Giêsu. Nhưng, nếu chúng ta áp dụng dụ ngôn vào cuộc đời chúng ta, thì chúng ta thấy Người đã để ý đến chúng ta và nhu cầu của chúng ta, đồng thời mời gọi chúng ta vào vị trí ưu tiên. Chúng ta không đạt được điều đó, nhưng chúng ta nhận được điều đó. Đó là ân sủng.
Nếu chúng ta tin mình nhận được quà tặng này, một chỗ ngồi trong bàn, không phải do tài cán của chúng ta, nhưng do lòng nhân từ của Thiên Chúa, thì chúng ta có thể tỏ ra bằng hành vi tương tự: bằng cách mời vào cuộc đời chúng ta, một cách cụ thể, những người thấp bé và bị bỏ rơi. Hay nói cách khác, chúng ta hành xử như ông chủ tiệc mà Giêsu mô tả trong dụ ngôn, dành chỗ nhất cho những ai bé nhỏ nhất. Và sau khi làm như thế, chúng ta trở thành người phục vụ cho những người chúng ta mời – vì Người cũng dạy chúng ta làm như thế.
Tôi cũng mới thấy dụ ngôn này tái hiện trong chương trình tin tức trên truyền hình buổi tối. Chương trình kết thúc với cảnh nói về một ông chủ nhà hàng Ý ở Anaheim, California. Tên ông là Bruno Serato, và nhà hàng của ông chuyên phục vụ những người giàu có và nổi tiếng ở Quận Cam, ngay bên cạnh Disneyland. Ông đồng thời cũng quản lý Câu lạc bộ Boys & Girls trong vùng, đó là một tổ chức quốc gia để giúp đỡ những trẻ em nghèo. Trong khu vực đó, có rất nhiều trẻ em nghèo đang sống cùng gia đình trong những nhà trọ rẻ tiền. Năm 2005, bà Caterina, mẹ của ông, đến thăm vùng quê này, sau khi đưa bà đến nhà hàng đắt tiền, ông đưa bà đến thăm những đứa trẻ ở Câu lạc bộ. Khi bà thấy những đứa trẻ nghèo đói này, bà quay lại đứa con đang làm ông chủ và bảo ông “Cho chúng ăn!” Và đó chính là công việc ông làm mỗi ngày trong suốt năm năm qua.
Bruno phục vụ trẻ em mỗi ngày một bữa, không phải với thịt băm và rau xào, nhưng là một bữa tối thịnh soạn y chang thức ăn mà ông phục vụ ở nhà hàng đắt tiền. Chủ nhiệm câu lạc bộ nói: “Những đứa trẻ thích như thế! Chúng tôi giúp một số trẻ em nghèo nhất ở Anaheim thưởng thức một trong những nhà hàng ngoại hạng mỗi tối.”
Với việc suy giảm kinh tế, thì số trẻ em ăn tối của Bruno tăng lên, nhưng thực khách của nhà hàng giảm đi. Vì thế ông lỗ, và phải thế chấp căn hộ của mình để nuôi những đứa trẻ. Nhưng ông vẫn khẳng định sẽ không bao giờ ngừng việc cung cấp thức ăn cho những đứa trẻ, ông nói: “Không Bao Giờ!”
Bruno đã hóa thân vào dụ ngôn mà Đức Giêsu dạy chúng ta hôm nay mà chẳng mất mát gì. Như chương trình phỏng vấn trên TV, ta thấy kết quả trong cuộc sống của Bruno là ông nhận được quà tặng của niềm vui “… khi tổ chức tiệc, ông hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù: như thế ông thật có phúc vì họ không có gì để đáp lại, và ông sẽ được đáp lễ trong ngày những kẻ lành sống lại.”
Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Gò Vấp