Dựa trên các bài đọc chúa nhật XXII mùa thường niên, năm C.
Phúc Âm Lc 14,1.7-14: kẻ dò xét bị Chúa dò xét.
Trong Tin Mừng Luca, có những người Pharisêu quí mến Chúa Giêsu.
13,31: người Pharisêu nói nhỏ cho Chúa Giêsu biết là Hêrôđê đang tìm giết Chúa, liệu mà lánh đi.
14,1:Một ngày Sabbat, Chúa Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa.
Nhưng có một bóng mờ: họ cố ý dò xét Người.
Chuyện thứ nhất là họ dò xét thái độ của Chúa trong việc giữ luật về ngày Sabbat. Có lẽ họ cố ý đưa một người mắc bệnh phù thũng đặt trước mặt Chúa. Chúa lật mặt trái của họ bằng một câu hỏi:
– “ngày Sabbat có được chữa bệnh không”? (dĩ nhiên quan điểm của họ là không được)
Họ làm thinh. Chúa đỡ lấy người bệnh, chữa khỏi và cho về.
– Chúa lại hỏi họ về ngày Sabbat: “Ngày Sabbat, con trai của ông hay con bò của ông sa xuống giếng, ông có kéo lên ngay không?”. Họ lại làm thinh.
Thế là Đấng dò xét tâm hồn mọi người phanh phui những ý nghĩ trong lòng kẻ muốn dò xét Người.
(x. Tv 138). Chúa phanh phui những gì họ nghĩ về việc giữ ngày Sabbat, và muốn chữa lành cho họ như chữa người mắc bệnh phù thũng.
Chúa tiếp tục phanh phui những ý nghĩ trong lòng họ: Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ…
Chúng ta có thể hình dung tình huống dở khóc dở cười mà Chúa vẽ ra như một bức tranh họat họa. Chúa rút ra bài học khôn ngoan trên bình diện đời thường: phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối hay được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.
Sau đó dạy bài học ở bình diện cao hơn:
Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.
Bị AI hạ xuống, được AI tôn lên?
Trong Sách Thánh, khi nói trống ở thể thụ động, thì chủ thể hành động là Thiên Chúa.
Chính Chúa Giêsu khi nhập thể làm người đã hạ mình xuống đến cùng và đã được Thiên Chúa tôn lên tột cùng à Phil.2,5-11.
Đó là phía khách mời. Còn phía chủ nhà, người đãi tiệc thì sao? Nhìn khách dự tiệc thì thấy ngay họ toàn là người “máu mủ” của chủ nhà hay người “có máu mặt” ở chung quanh. Chúa lại dạy một bài nữa.
Khách mời của ông toàn là những người có khả năng mời lại ông, thế thì ông đâu có mất gì đâu? “Ông mất chân giò, bà thò chai rượu”. Nay ông mời người ta, mai người ta mời ông. Thế là chỉ luân phiên, đổi chác với nhau thôi.
Ông có muốn được lại cái gì hơn thế không?
“Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt đui mù.
Họ không có gì đáp lễ, và như thế ông mới thật có phúc
Vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”
Họ không có gì đáp lễ ông bây giờ. Ông sẽ được AI đáp lễ? Chính Thiên Chúa đáp lễ. Khi nào?
Khi Chúa sinh ra thì những người đầu tiên được báo Tin Mừng và mời đến gặp là những người chăn chiên thức đêm canh giữ đàn chiên ở ngoài đồng. Họ là những người nghèo, người bên lề xã hội.
Khi công bố chương trình hành động tại hội đường Nadaret, Chúa mượn lời sách Isaia:
“Chúa đã xức dầu cho tôi để tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo” (4,18).
Khi Chúa công bố các mối phúc thì mối thứ nhất là:
“Phúc cho anh em là những người nghèo, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (6,20).
Khi Chúa được cất lên trời, thì Chúa đích thân dẫn một tử tội bị đóng đinh vào dự tiệc. Chúa là Đấng vô tội đã đến chịu cùng một khổ hình với anh, khiến anh có thể thân mật gọi Chúa: “Giêsu ơi! Nhớ đến tôi nhé!”
Trong Cựu Ước có chuyện ông Giuse ở tù, giải mộng cho ông quan dâng rượu của Pharao và nhặn, khi ông được phục chức thì nhớ đến tôi với nhé, tôi cũng bị tù oan đấy. Nhưng khi ông quan được phục chức thì ông không nhớ, ông quên Giuse (St 40,23).
Chúa Giêsu thì không những không quên mà còn cho theo liền:
“Ngay hôm nay anh sẽ được ở trên thiên đàng với tôi”.
Bữa tiệc của Nước Thiên Chúa mở ra trong ngày các kẻ lành sống lại. Ông phải chịu khó chờ tới “ngày các kẻ lành sống lại”.
Ngày đó ông sẽ được đáp lễ, vì ông sẽ được mời vào dự tịệc với họ trong Nước Thiên Chúa.
Nhưng đừng sợ phải chờ lâu, vì cuộc sum họp và các món khai vị đã bắt đầu ngay từ bây giờ rồi, như được bài đọc thứ hai mô tả. Ngay bây giờ ông đã được sum vầy với chủ nhà và khách dự tiệc. Ông hãy làm quen với chủ nhà và các vị khách khác đi. Hội vui này không bao giờ tàn.
Bài đọc thứ nhất đã cho bí quyết: “càng tự hạ càng đẹp lòng thiên Chúa”.
Chúa đã dò xét con và Chúa đã biết con… (Tv 138).
Nếu trong lòng con nảy sinh những ý nghĩ kiêu căng, những ham muốn được ăn trên ngồi tước… thì Chúa bíêt hết.
Chúa có cười con không?
Các môn đệ tranh cãi với nhau dọc đường. Chúa cứ để cho họ tranh cãi. Khi về đến nhà Chúa chỉ hỏi “dọc đường các anh tranh luận cái gì thế?”
“Các ông làm thinh vì khi đi đường các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn nhất.”
Lạy Chúa, mỗi buổi tối mà Chúa hỏi con “hôm nay con làm gì thế? Con nghĩ gì thế?” liệu con có thể mở miệng nói hay con cũng phải theo các môn đệ “làm thinh” vì mắc cỡ? Hu hu!
Con có chịu đi với người nghèo, với con nhà nghèo hay con chỉ thích gần người giàu có sang trọng?
Con nhà nghèo tanh hôi lắm và thường cũng không lễ phép lắm vì cha mẹ nó không có thời giờ chăm sóc dạy dỗ…
Con hỏi Chúa nhé: Hồi đó Chúa đem em bé đang lê la trên vỉa hè nhà thánh Phêrô, đặt giữa các môn đệ rồi ôm vào lòng, nó có thơm, có sạch không?
Đám đông đến với Chúa toàn là để được chữa bệnh, chắc toàn là những người không có tiền mua thuốc, hoặc như người đàn bà lọan huýêt đã tiêu tán cả gia tài mà chỉ tiền mất tật mang, phải không? Rồi họ đói Chúa lại làm bánh hóa nhiều cho họ ăn.
LM. Nguyễn Công Đoan