(Mátthêu 25,1-13 – CN XXXII – A)
Người ta có thể đạt tới Nước Thiên Chúa nhờ sự khôn ngoan hoặc mất Nước Thiên Chúa do sự khờ dại.
1.- Ngữ cảnh
Về phương diện văn chương và đề tài, “Dụ ngôn mười trinh nữ” (Mt 25,1-13)[1][1] được đặt trong ngữ cảnh là các chương 24–25. Các chương này thuộc về bài Diễn từ cuối cùng của TM I, ngay trước bài tường thuật về Thương Khó và Phục Sinh (ch. 26–28). Dụ ngôn thứ ba về tỉnh thức này được liên kết với hai dụ ngôn trước bằng các từ móc: “khôn ngoan” (phronimos: x. 24,45), “đến chậm” (chronizô: x. 24,48), “sẵn sàng” ([h]etoimos: x. 24,44), và “chủ/Chúa” (kyrios: x. 24,42.45-50).
Câu truyện có đề tài là một cuộc rước dâu, nhưng ta thấy các nhân vật chỉ có hai: mười trinh nữ và chú rể, giống như trong bài nói về ông chủ và tên đầy tớ (24,45-51), cũng như bài nói về người tôi tớ trung thành và người tôi tớ bất trung và ông chủ: chỉ có các tôi tớ và ông chủ (25,14-30). Trong cả ba bài, có một khoảng thời gian chia cách giữa các cuộc gặp gỡ, khoảng thời gian này được nêu bật do sự chậm trễ cố ý (24,48; 25,5) hoặc sự vắng mặt lâu dài (25,19) của ông chủ hoặc của người đóng vai trò đó.
Đọc từ chương 23 đến đây, chúng ta có thể thấy Mt xác định vị trí của các Kitô hữu ở ngay giữa thời gian Israel đã từ khước Đấng Mêsia và tiếp tục từ khước các sứ giả của Người (23,34) và thời gian chờ đợi Con Người ngự đến (24,4b-14).
2.- Bố cục
Khi đọc bản văn, chúng ta có thể nghĩ đến một vở kịch với hành động ngắn và nhanh, với những thay đổi thường xuyên và với một điểm mở nút xảy ra như hậu quả của một lỗi lúc đầu có vẻ chỉ là một lỗi nhỏ. Bản văn có thể chia làm năm “xen” (cảnh):
1) Cảnh 1: Đầu đề – Giới thiệu (25,1-4): các nhân vật (chú rể và các trinh nữ);
2) Cảnh 2: Hồi xen giữa(25,5): sự chậm trễ và giấc ngủ;
3) Cảnh 3: Điểm nút (25,6-9): lời loan báo và sự xung đột;
4) Cảnh 4: Điểm mở nút (25,10): những cô được vào và .những cô không được vào;
5) Cảnh 5: Hồi cuối cùng (25,11-12): Sự từ chối;
* Kết luận (25,13).
Trạng từ “bấy giờ” cũng như c. 13 thuộc về “khung bên ngoài”.
3.- Vài điểm chú giải
– Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ (1): Câu này không có nghĩa là Nước Trời giống như các trinh nữ, nhưng có nghĩa là “bấy giờ” (tote), khi Nước Trời tỏ hiện ra lần cuối, thì số phận của loài người cũng giống như số phận của các trinh nữ. “Bấy giờ” ở đây chính là “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người” (25,31).
– trinh nữ (1): Đây là những thiếu nữ chưa lập gia đình, là bạn của cô dâu.
– dại … khôn (2): Phronimos, “khôn”, có nghĩa là một người có trái tim (phrên), nghĩa là thông minh. Ở Mt 7,24, người khôn là người biết “xây nhà trên đá”; ở 24,45, người khôn là người biết sẵn sàng theo lệnh của chủ. Còn môros, “dại”, là rỗng, phàm tục, ngu đần, thiếu phán đoán.
– đèn … dầu (3): Dầu và đèn không có ý nghĩa biểu tượng nào, mà chỉ là những chi tiết rất tự nhiên của truyện. Đèn ở đây có thể là những cái bình nhỏ bằng đất nung hoặc là những cây đuốc (một khúc gỗ rỗng, bên trong có một cái bấc nhúng vào dầu). Đây chỉ là những phụ tùng để soi sáng đoàn rước cho thêm phần trang trọng.
– vì chú rể đến chậm (5): Chú rể có thể đến chậm do phải điều đình vào phút chót về những điều khoản của khế ước hôn nhân và những món quà phải biếu cho cha mẹ cô dâu.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Cảnh 1: Đầu đề – Giới thiệu (1-4): các nhân vật (chú rể và các trinh nữ)
Ở đầu đề (c. 1), tác giả giới thiệu các nhân vật: chú rể, các thiếu nữ sẽ tháp tùng chàng trong cuộc rước; các cô phải có mặt lúc chàng đến, với đèn cháy sáng. Ở đây hẳn là Đức Giêsu đã lấy cảm hứng từ tập tục cưới hỏi Do Thái rồi sửa đổi để diễn tả giáo huấn của Người. Vào dịp lễ cưới, tập tục quy định rằng chàng rể đến đón cô dâu tại nhà cha cô rồi cả hai được một đoàn tùy tùng long trọng rước về nhà chú rể, tại đây lễ cưới sẽ được cử hành với một bữa tiệc. Cùng với cô dâu, các cô phù dâu chờ đợi chú rể đến. Các cô có nhiệm vụ cầm đèn hoặc đuốc mà tháp tùng đoàn rước ban đêm. Tuy nhiên, có những lúc do hoàn cảnh, chú rể có thể đến chậm. Ở trong bài này, tác giả không hề nói đến cô dâu, mà chỉ có một đoàn mười cô phù dâu. Chính họ chiếm chỗ của cô dâu và chờ đợi không phải là một chú rể, nhưng chú re (của họ). Trong truyện này, vai cô dâu không cần thiết, bởi vì tác giả chỉ muốn khai thác bài học từ vai các cô phù dâu mang đèn mà thôi.
Vì đã nhận lời mời, các trinh nữ phải nghĩ đến mọi sự cần thiết để có thể chu toàn nhiệm vụ. Cho đến lúc này, mọi chuyện đều xảy ra như nhau cho cả mười cô trinh nữ. Nhưng các cô khác nhau ở điểm là có năm cô “khờ” (môrai), do không biết tiên liệu, các cô này mang đèn mà không có dầu dự trữ, và năm cô “khôn” (phronimoi), do biết tiên liệu, đã mang thêm dầu dự trữ. Độc giả nhớ lại là ở 7,24-27, cũng có nói đến những dung mạo tích cực và tiêu cực để họ có thể ướm cho mình.
* Cảnh 2: Hồi xen giữa (5): sự chậm trễ và giấc ngủ
Vì chàng rể đến chậm nên các cô đều ngủ cả. Trên sân khấu, chỉ có các cô mà thôi. Hầu như không có một hành động nào, hành động bị “treo” lại, không tiến tới. Sự chậm trễ của chú rễ đã khóa diễn tiến của vở kịch lại. Giấc ngủ càng nêu bật tình trạng thiếu vắng hành động. Chúng ta không biết các cô ngủ ở đâu, nhưng dựa theo tập tục cưới hỏi Do Thái, ta co thể nghĩ là tại nhà cô dâu. Như thế, những cô không có dầu đã không biết dùng thì giờ còn có để giải quyết thiếu sót. Sự chậm trễ của chàng rể lẽ ra phải là cơ may để họ chuẩn bị tốt hơn, nhưng lại không phải như thế.
* Cảnh 3: Điểm nút (6-9): lời loan báo và sự xung đột
Đến đây, phần giới thiệu đã xong, chúng ta đi vào cảnh trung tâm của vở kịch. Bất chợt mọi sự chuyển động. Một lời loan báo, một tiếng “hô” vang lên trong đêm đã thức tỉnh dòng chuyển của vở kịch. Tiếng hô bất ngờ vang lên trong đêm khuya khiến câu truyện đầy kịch tính. Thông thường, chàng rể đến giữa tiếng đàn ca, nên người ta có thể nghe được từ đàng xa. Đàng này, tiếng hô đột ngột kéo bật các thiếu nữ ra khỏi giấc ngủ. Hành động đến dồn dập, mười trinh nữ giật mình thức dậy. Các cô lóng cóng chuẩn bị đèn. Khoảnh khắc của sự thật đã đến. Chú rể sắp xuất hiện. Một chút nữa thôi, khi đèn đã được thắp, các cô sẽ đi vào tiệc cưới với chàng. Nhưng sự thiếu sót lúc đầu bây giờ trở nên hệ trọng: số dầu dự trữ không đủ cho cả mười chiếc đèn. Tình thế lưỡng nan thì thật đau đớn: chỉ người nào có đèn cháy sáng mới được theo đoàn rước và dự tiệc cưới; các cô khôn không thể nào hy sinh dầu nếu không muốn phải ở ngoài. Do đó câu trả lời duy nhất các cô có thể nói với các bạn là “không”. Bởi vì hoàn cảnh đang và cứ có tính xung đột, nên mẩu đối thoại cũng có tính xung đột. Các cô khôn không đồng ý, không phải là vì ích kỷ, thiếu thông cảm; câu trả lời của các cô diễn tả một tình trạng bất khả kháng thật sự; chính sự thiếu tiên liệu của các cô khờ đưa tới câu trả lời “không” của các bạn. Khi trả lời “không”, các cô khôn chỉ nêu bật một hoàn cảnh là hậu quả của thái độ thiếu tiên liệu. Bây giờ mọi sự đã quá muộn. Lời xin của các cô khờ đúng là cách giải quyết nhanh nhất cho bế tắc các cô đã rơi vào; nhưng câu trả lời của các cô khôn cũng là giải pháp duy nhất có cô có sẵn trong tầm tay.
* Cảnh 4: Điểm mở nút (10): những cô được vào và những cô không được vào
Các biến cố ào ào kéo đến. Các cô khờ theo gợi ý của các bạn, đi mua dầu. Trong khi đó, động cơ của bài tường thuật được thực hiện: chàng rể đến và đi vào lễ mừng đám cưới. Chỉ những cô đã sẵn sàng với đèn cháy sáng, mới được đi theo chú rể. Cửa được đóng lại. Ba hành động đi theo nhau: chú rể đến, các cô khôn đi vào và cửa đóng lại. Ta không thấy gợi ra một chọn lựa nào cả. Cửa đưa vào tiệc cưới không được mở ra nữa. Các cô khờ không còn có thể đi vào được.
* Cảnh 5: Hồi cuối cùng (11-12): sự từ chối
Sau đó, các cô khờ đến; các cô xin được vào trong phòng tiệc. Đây cũng là một đối thoại mang tính xung đột. Phải chăng các cô nại tới sự quen biết đã từng có với chú rể? Ta không thấy các cô viện tới lý do nào cả. Các cô có nói tới lý do đi mua dầu không? Ta cũng không biết. Các cô có nhận ra sai lầm của mình chăng? Ta cũng chẳng hay. Giọng các cô gọi cửa có nét bi thương; dường như các cô nại tới lòng từ bi thương xót của chú rể–chủ nhà. Nhưng chú rể từ khước; chàng nói rằng chàng không quen biết các cô. Hành động của vở kịch đưa tới một tai họa.
Lời các trinh nữ gọi: “Thưa Ngài! Thưa Ngài! Mở cửa cho chúng tôi với!” khiến chúng ta nhớ đến một đoạn trong Bài Giảng trên núi: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?’ Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (x. Mt 7,21-23). Trong dụ ngôn Tiệc cưới, chuyện được mời vẫn không tránh cho người kia khỏi bị trục xuất vì không có áo cưới (22,12-13); ở đây cũng thế, chuyện được chọn vào đoàn rước vẫn không đảm bảo cho mình được vào phòng tiệc khi đến trễ. Bây giờ chú rể lại trở thành người gác cửa cứng rắn, khẳng định là không biết họ là ai. Do chểnh mảng, các cô đã mất tư cách, các cô không còn thuộc phái đoàn của chàng rể nữa. Đi đến đây, dụ ngôn đã biến thành ẩn dụ. Chàng rể (nymphios) trở thành Đức Kitô; lời thưa gửi với chú rể cũng như lời chú rể trả lời cho thấy như thế (kyrios). Đây chính là Đức Kitô đang tuyên bố phán quyết cánh chung. Lời từ chối có tính dứt khoát, chứ không viện lý do nào cả. Chúng ta có thể giả thiết rằng lỗi của các cô khờ là đã không chu toàn nhiệm vụ tháp tùng đoàn rước, tức là vắng mặt vào lúc phải có mặt. Như thế, được vào/không được vào tiệc cưới là phần thưởng/hình phạt mà chú rể–chủ nhân dành cho người đã sẵn sàng/không sẵn sàng mà hoàn tất công tác được yêu cầu.
* Kết luận (13)
Câu kết “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” (c. 13) tái khẳng định tầm mức của dụ ngôn. Có thể nói câu này đã xuất hiện ở 24,42. Trong dụ ngôn Mười trinh nữ, câu này có vẻ không hợp, bởi vì cả mười cô đều ngủ, vả lại câu truyện không trực tiếp dạy về canh thức, nhưng dạy về việc chuẩn bị dầu đèn sẵn sàng khi Chúa đến. Thật ra, sự canh thức ở đây chủ yếu hệ tại quyết định của các môn đệ là bền bỉ thi hành cụ thể những gì họ đã được kêu gọi thi hành.
+ Kết luận
Chắc chắn theo bản văn của Mt ở đây, chú rể tượng trưng cho Đức Kitô (cũng như ông chủ trong dụ ngôn Các yến bạc và vị vua trong dụ ngôn Phán xét cuối cùng). Mười trinh nữ là cộng đoàn Kitô hữu đang chờ đợi ngày Quang lâm của chủ mình. Cuộc Quang lâm sẽ chậm xảy ra, dù các Kitô hữu đã tưởng là gần kề. Dù được chờ đợi, Đức Kitô sẽ đến vào lúc không ai ngờ (Mt 24,44.50; x. Lc 12,40.46; Mc 13,33-37; 1 Tx 5,2); chẳng một phỏng đoán nào về ngày giờ Quang lâm có thể được coi là có cơ sở cả.
Thuộc về Nước Thiên Chúa không phải là chuyện tự nhiên. Điều này hàm ý có sự phát triển không đương nhiên là đồng đều với mỗi người. Để được như thế, mỗi người cần phải sống phù hợp, cương quyết, có chọn lựa. Với dụ ngôn Mười trinh nữ, Đức Giêsu cho thấy hành động khôn ngoan, biết tiên liệu và hợp lý có trước có sau là chuyện cần thiết đối với mỗi người. Người ta có thể đạt tới Nước Thiên Chúa nhờ sự khôn ngoan hoặc mất Nước Thiên Chúa do sự khờ dại.
Nếu trên trái đất này, cuộc sống là một cuộc chờ đợi, thì trong thế giới bên kia, cuộc sống là một bữa tiệc cưới, thậm chí là một lễ cưới. Để cho các hình ảnh được phi vật chất hóa, Đức Giêsu nói đến các trinh nữ thay vì các cô dâu tầm thường. Đời sống trên trời là một cuộc sống hiệp nhất với Thiên Chúa, nhưng trinh khiết (x. 19,12).
5.- Gợi ý suy niệm
1. Một nửa số thiếu nữ làkhờ. Đây là một lời cảnh giác của tác giả: không phải cứ được gọi gia nhập vào cộng đoàn Kitô hữu là người ta đã có được mọi phẩm chất cần thiết. Các Kitô hữu phải biết đánh giá chính xác thực tại trong đó mình đang sống và có một ý chí cương quyết hành động cho phù hợp. Nếu không chịu áp dụng các giáo huấn của Đức Giêsu vào đời sống mình, mà tiên liệu mọi sự, có thể sẽ quá muộn. Đến khi ấy, có viện dẫn mọi lý do, mọi duyên cớ ra mà thanh minh, đều vô ích.
2. Kết thúc câu truyện hoàn toàn không phù hợp với một đám cưới. Trong một dịp cưới hỏi, hẳn là người ta chẳng để ý là đèn của một vài cô phù dâu bị tắt, với lại nếu thấy thì hẳn cũng chẳng than phiền gì. Hẳn là người ta cũng không từ chối mở cửa cho một vài người đến chậm. Còn chú rể, vì là nhân vật chính, phải lo mừng lễ, hẳn không còn tâm trí đâu mà nói những lời như bài Tin Mừng ghi lại. Bài Tin Mừng chúng ta đọc mang màu sắc cuộc Phán xét chung cuộc.
3. Phán quyết sau này trên cuộc đời ta không phải là chuyện may mắn hay rủi ro vô phương tiên liệu. Không phải là Thiên Chúa có một bản án chuẩn bị trước cho ta, nhưng chính ta thực hiện bản án đó bằng lối sống của mình. Do sự chểnh mảng, các trinh nữ khờ dại đã tự loại mình khỏi niềm vui. Phán quyết chỉ phê chuẩn lối sống này mà thôi.
4. Chúng ta không thể so đo tính toán hơn thiệt trong thời gian chờ đợi Chúa Kitô đến. Bởi vì không biết ngày giờ, chúng ta chỉ còn một việc là luôn luôn sẵn sàng, là vâng phục cho tới cùng và cứ càng lúc càng tha thiết hơn. Khi đó dầu sẽ không bao giờ thiếu trong đèn của chúng ta.
5. Mục tiêu của bài dụ ngôn này là cung cấp một giáo huấn cho Hội Thánh. Độc giả được biết rằng không phải tất cả những người được gọi đến với lễ cưới của chú rể sẽ thật sự được tham dự vào. Đến ngày phán xét cuối cùng, sẽ có một cuộc chia cắt xuyên qua khối các tín hữu để tách những người được chọn với những người được gọi (x. 22,14). Quan trọng không phải là được gọi nhưng là được thử thách, không phải là đèn nhưng là dầu, không phải là tư cách thành viên Hội Thánh nhưng là những việc làm.
Lm PX Vũ Phan Long, ofm
[1][1]A.P. i Trrech,La parabole des dix vierges (AnBi 102; PIB 1983).