CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN B
Ga 1, 35-42
Tuần lễ khai mạc sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu được xem như tuần lễ đầu tiên trong cuộc tạo thành mới. Trong đó ba ngày đầu tiên ghi đậm dấu ấn vai trò của Gioan Tẩy giả trong việc làm chứng cho Đấng Cứu thế. Thật vậy, Gioan Tẩy giả không chỉ là chứng nhân, không chỉ là vị Tiền hô của Thiên Chúa, ông còn là người thầy chuẩn mực, canh cánh trong lòng là làm sao hướng học trò của mình về chính nguồn Ánh Sáng – người mà ông từng tâm niệm rằng mình không xứng đáng cởi quai dép cho Người. Hôm nay thấy bóng Người xuất hiện, ông hãnh diện giới thiệu cho các học trò : “Đây Chiên Thiên Chúa” để rồi sau đó cuộc đời ông dường như tan biến đi, lu mờ dần để cho Đấng ông từng loan báo được lớn lên cùng với sứ vụ của Người.
Từ “cú hích” đầu tiên của thầy, hai môn đệ trong đó có Anrê đi theo Chúa Giêsu mà không cần thăm dò ý kiến của thầy. Bởi hơn ai hết, hành động dứt khoát bước theo Chúa Giêsu của các môn đệ được Gioan Tẩy giả xem đó là một quyết định đúng đắn và lấy làm mãn nguyện. Sứ vụ của ông là chuẩn bị, là dọn đường và vì thế, ông vui mừng vì bao năm tháng các môn đệ được ông dạy dỗ đã không uổng công. Từng ấy năm tháng, một mặt ông lo chu toàn bổn phận Tiền hô của mình, nhưng mặt khác, ông không ngừng giúp cho các học trò hiểu rõ về Đấng mà ông có sứ mệnh loan báo và chuẩn bị cho công cuộc cứu rỗi của Người. Thế nên khi nghe lời giới thiệu : “Đây Chiên Thiên Chúa” của thầy, các môn đệ của ông đã hiểu mọi sự, giả từ thầy bước theo Chúa Giêsu mà không cần thêm lời giải thích nào khác. Là con người, khi các học trò giả từ mình bước theo Chúa Giêsu, chắc Gioan Tẩy giả cũng buồn lắm, thế nhưng ông hiểu rằng, tương lai của các học trò, dưới sự dạy dỗ của Chúa Giêsu, chắc chắn sẽ tiến bộ không ngừng. Vì thế, ông an vui vững tin vào sự tín thác này.
Về các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu, nếu để ý chúng ta sẽ thấy có sự khác biệt giữa Tin mừng Nhất lãm và Tin mừng Gioan. Thật vậy, ở Nhất Lãm, Chúa Giêsu đích thân kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên là Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan trong khi đó, ở Tin mừng Gioan, thì việc đó phát xuất từ phản ứng dây chuyền. Đầu tiên là Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa là Chiên Thiên Chúa, hai môn đệ của ông trong có có Anrê liền đi theo Chúa ngay lập tức và ở lại với Chúa cả ngày hôm đó. Sau đó ông Anrê đến gặp em mình là Simon về việc ông và một số người khác đã gặp Đấng Mêsia đồng thời dẫn Simon đến gặp Chúa. Tại đây Chúa đã “đổi tên mới” của Simon thành Phêrô- nghĩa là đá tảng. Nếu tiếp tục theo dõi câu chuyện, chúng ta sẽ thấy phản ứng này tiếp tục được lan truyền từ Philípphê đến Nathanaen,… và mãi được tiếp tục…
Như thế, ngọn lửa loan truyền Tin mừng phải được chuyền đi từ người này sang người khác. Gặp Chúa, chúng ta – như các môn đệ xưa, hăng hái giới thiệu Chúa cho người khác để họ cũng đến để tìm hiểu và rồi đi theo Chúa. Đây là một việc làm hết sức tự nhiên, chẳng cần phải săn đón, chẳng cần phải sợ sệt gì cả. Cứ nói về Chúa cho những người chưa biết Chúa một cách thật tự nhiên như vậy đấy, nói về Chúa cho những người chưa biết Chúa trong môi trường mình đang sống. Thế nhưng để làm được điều đó, thiết tưởng mỗi người chúng ta cần phải bước ra khỏi cái tôi nhỏ nhen ích kỷ của mình, bước theo Chúa Giêsu, cảm nghiệm được sự sống thần linh thân mật với Chúa Giêsu. Bước theo Chúa Giêsu, nghĩa là hiểu rõ giáo huấn và sứ mệnh cứu độ của Người, không ngừng học hỏi, bắt chước các nhân đức của Người. Bước theo Chúa Giêsu, là bước theo khổ giá và tử nạn, là bước theo sự từ bỏ, bước theo sự tự khiêm tự hạ để danh Chúa được tôn vinh.
Giới thiệu Chúa cho người khác, dĩ nhiên đó là trách nhiệm của mỗi người Kytô – những người đã được thánh hiến trong Chúa Thánh Thần qua bí tích rửa tội. Tuy nhiên, để giới thiệu Chúa một cách trọn vẹn và đầy đủ, chúng ta cần phải “có” Chúa trước đã. Bởi “không ai cho cái mình không có”. Các môn đệ đi theo, đến xem và ở với Chúa để rồi hăng hái ra đi giới thiệu Chúa cho người khác. Còn chúng ta thì sao…?
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb