Không Phải Thế Đâu

CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY C

Xh 3: 1-8a, 13-15; Cr 10: 1-6, 10-12; Lc 13: 1-9

Dù chúng ta tự coi mình là những người hiện đại, đôi khi chúng ta có thể vẫn có những ý tưởng lạc hậu. Có thể chúng ta không dám đi dưới cầu thang hay chỗ con mèo mun vừa chạy qua vì sợ xui xẻo. Có thể chúng ta bắt chéo ngón tay, cầu mong chuyện rủi ro của người khác không xảy đến với mình. Chúng ta có thể không có những hành động mê tín như thế, vậy những hành động dưới đây thì sao? Khi thấy ai đó làm điều sai trái, chúng ta liền cảnh cáo: “Coi chừng Chúa phạt!” Đôi khi nhiều bậc cha mẹ cũng dùng lời này để đe doạ, sửa sai cho con mình (việc dạy bảo con cái là một công việc khó khăn, đòi hỏi sự cố gắng hy sinh cả đời. Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy có càng nhiều sự trợ giúp trong việc này càng tốt, họ thậm chí nại tới danh Thiên Chúa như một đồng minh để răn dạy con).

Có những người tôi ước gì Chúa sẽ phạt họ ngay lập tức. Tôi có sẵn một danh sách các nhà độc tài, những kẻ hà hiếp bóc lột người nghèo, những nhà tài phiệt ăn cắp tiền tiết kiệm của dân…Nhưng trong thực tế, Thiên Chúa đã không hành động theo cách đó. Nhiều người trong chúng ta vẫn còn bám vào niềm tin bình dân ngày xưa: điều rủi ro là hình phạt của Thiên Chúa vì một tội nào đó. Một bà quả phụ đã từng nói với tôi rằng: “Tôi không biết mình đã làm gì sai trái mà Thiên Chúa lại phạt tôi và cất đi người chồng của tôi?”

Chúng ta có thể cảm nhận hơi hướm của niềm tin kiểu này trong bài Tin Mừng hôm nay, các tai hoạ xảy ra chính là hình phạt của Thiên Chúa vì người ta làm điều sai trái. Rõ ràng tháp Si-lô-ac đã đổ và mười tám người đã bị đè chết (một sự kiện nhỏ làm nhiều người liên tưởng tới đại hoạ ở Haiti vừa qua) và Phi-la-tô đã ra lệnh xử tử vài người Ga-li-lê. Những người đương thời với Đức Giêsu kết luận ra sao? Họ nói rằng những nạn nhân tội nghiệp này đã bị phạt vì tội của họ. Hiển nhiên, Chúa Giêsu đã phải đặt lại vấn đề. Ngài hỏi, phải chăng những người Ga-li-lê bị giết chết đó, hay những người bị tháp Si-lô-ác đè chết, là những kẻ “tội lỗi hơn những người khác”…? Nói cách khác, phải chăng họ bị phạt vì tội của họ? Nếu ai đó muốn đặt tựa đề cho bài Tin Mừng hôm nay và treo trước cửa nhà thờ, thì đó phải là câu trả lời của Chúa Giêsu, “Không phải thế đâu!”.

Điều Chúa Giêsu đòi hỏi thính giả của Ngài, những người tường thuật cho Ngài những thảm kịch mới xảy ra, là phải thay đổi lối nhìn. Thay vì vội vã kết luận những nạn nhân kia đã phạm tội, họ cần phải nhìn vào chính mình và hậu quả họ phải chịu vì tội của bản thân.

Có vẻ như nhiều người đã trải qua cuộc đời giàu có sung sướng này mà không phải chịu bất kỳ hậu quả xấu do việc gian ác họ làm. Nhưng, tội vẫn để lại những hậu quả thực sự, không chỉ ở đời sau, mà ngay trong chính cuộc đời hiện tại.

Mỗi người có thể tự liệt kê một loạt những hậu quả của tội trong cuộc đời mình, nhưng tôi cũng xin gợi nên một vài trong số đó: nếu chúng ta thờ ơ trước những đau khổ của người nghèo thì làm sao con tim trai đá của ta có thể dệt nên mối tương quan yêu thương, nồng ấm? Nếu chúng ta nói dối hay bơm phồng sự thật vì lợi bản thân, hỏi rằng còn ai dám tin tưởng mà chia sẻ cuộc đời của họ với chúng ta? Nếu chúng ta gian dối trong công việc để trục lợi hay để tiến thân, thì hỏi rằng liệu chúng ta còn cơ hội tìm thấy sự tín nhiệm của các bạn đồng nghiệp không? Nếu chúng ta giải quyết những tình huống khó khăn bằng những lời nói thô bạo, những hành động bạo lực, hỏi rằng liệu có ai dám dành thơi gian và sức lực để thăng tiến tình bạn hay kết hôn với ta – và đâu là những hậu quả mà hành động này sẽ để lại gì nơi con cái chúng ta khi chúng cũng gặp phải những khó khăn trong các mối tương quan? Nếu các nhà lãnh đạo trong Giáo Hội bao che những hành vi lạm dụng của hàng giáo sĩ và việc sử dụng các nguồn quỹ không đúng mục đích, thì hỏi làm sao chúng ta có thể xây dựng một cộng đoàn tín hữu vững mạnh được? Nếu chính phủ đổ dồn nhiều tiền của vào vũ khí hơn là vào việc giáo dục, các dịch vụ săn sóc sức khoẻ và nhu cầu của các công dân nghèo, thì hỏi rằng liệu những người bị lãng quên này có sẵn sàng trở thành những công dân đóng góp tích cực trong tương lai cho đất nước không?

Phải chăng những người bất hạnh đang phải chịu hình phạt vì tội của họ? “Không phải thế đâu!” Sự bất hạnh không phải là bằng chứng về tội của một người hay một quốc gia. Haiti xảy ra trận động đất kinh hoàng không phải do, như Pat. Robertson nói, “họ thoả thuận với sự dữ.” Dầu vậy, như chúng ta vẫn cảm nghiệm trong cuộc sống của mình, tội lỗi có thể có những hậu quả thật tàn khốc hoặc thi thoảng ngay trong hiện tại, hoặc trong tương lai không quá xa.

Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta xét lại đời sống mình và sám hối vì những tội mình đã phạm. Nếu dám bỏ ra ít phút để suy gẫm, chúng ta dễ thấy được những hệ quả xấu do tội của chúng ta gây ra. Điều gì đang đổ vỡ trong cuộc đời chúng ta? Điều gì gây đau lòng? Chúng ta đang bị mắc kẹt ở đâu trong hành trình tâm linh của mình?

Thiên Chúa của Mô-sê trong bài đọc một đã khẳng định cho mình một danh tính. Vị Thiên Chúa mà Mô-sê đã nghe tiếng Người trong bụi gai cháy cũng chính là vị Thiên Chúa đã gọi tổ tiên dân It-ra-en ra khỏi ách nô lệ để đến với một tương lai mới, tươi sáng hơn, một nơi trao ban sức sống mới. Thiên Chúa hứa với Mô-sê sẽ giải phóng dân khỏi ách nô lệ Ai Cập và dẫn đưa họ đến một vùng đất mênh mông, xanh tươi, “một vùng đất chảy sữa và mật” Đó chẳng phải là một hình ảnh ám chỉ khá hay về việc tha tội hay sao? “Một vùng đất rộng rãi chảy sữa và mật.” Thiên Chúa giải thoát chúng ta ra khỏi vùng đất chật hẹp và tù túng của tội lỗi và những hậu quả của nó, rồi dẫn chúng ta vào vùng đất của sự thứ tha – một đời sống mới, mát mẻ và tự do.

Để làm mới cuộc xuất hành mới Thiên Chúa đang trao ban cho chúng ta, Chúa Giêsu đã dùng một dụ ngôn. Chúng ta đừng vội tìm xem dụ ngôn này muốn ngụ ý điều gì, theo kiểu Thiên Chúa là ông chủ vườn, là người muốn chặt bỏ những kẻ tội lỗi – những cây không có trái. Hãy lắng nghe toàn bộ dụ ngôn và hãy cảm nhận hiệu quả của nó. Cho đến nay, cây vả vẫn chẳng có giá trị gì. Một cây ăn trái mà lại chẳng có trái thì liệu có ích gì không? Nó đã được cho rất nhiều thời gian để sinh trái; ông chủ vườn nói rằng ông đã đến tìm trái cây vả đến ba năm rồi. Ông ta thật kiên nhẫn.

Nhưng chính lúc chúng ta hết kiên nhẫn, thì các tình tiết của câu truyện lại khiến chúng ta ngạc nhiên. Cuối cùng, trình thuật này là một dụ ngôn, chứ không phải là một trình thuật về một người nông dân bình thường với một cây ăn trái không giá trị. Cây vả đã được cho thêm thời gian và sự săn sóc. Liệu điều đó có khiến đầu óc thực tế và tằn tiện của chúng ta sao kinh ngạc hay không? Tại sao lại phải mạo hiểm tốn kém thời gian, sức lực và tiền của vào điều mà tới nay vẫn là một thất bại? Điều đó chẳng ý nghĩa gì! Nhưng đối với các bậc làm cha mẹ thì nó thật sự mang nhiều ý nghĩa nếu họ không mất hy vọng vào những đứa con bướng bỉnh, ưa chống đối; nếu họ tiếp tục bỏ công sức ra để cứu một đứa con mà những người khác nói họ đừng hy vọng gì ở nó nữa. Các bậc cha mẹ và những người yêu nhau “hiểu” dụ ngôn này.

Và chúng ta cũng vậy, nếu trong suốt mùa chay này chúng ta lại đối diện với tội của mình và cảm thấy lưỡng lự hoặc thấy mình không thể thay đổi. Dụ ngôn chính là một cái huých nhẹ của ân sủng. Đó là một giọng nói lôi kéo, như giọng nói Mô-sê đã nghe thấy, mời gọi chúng ta ra khỏi nơi bị tội lỗi kiềm chế để bước vào một “vùng đất rộng rãi, thoáng mát và tự do”. Thế nào là sự tha thứ tội lỗi? Đó như một vùng đất hứa, một “vùng đất chảy sữa và mật ong.”

Thiên Chúa của chúng ta đầy lòng thương xót, qua Đức Giêsu, đã tỏ lộ cho chúng ta sự kiên nhẫn của Người và cho chúng ta thêm thời gian. Có lẽ chúng ta đã hết kiên nhẫn với một số người và tự hỏi, “Tại sao Thiên Chúa lại không phạt kẻ xấu xa đó?” Áp dụng vào chính mình chúng ta thậm chí có thể nói rằng, “Tôi không thể tin được Thiên Chúa lại tha tội cho tôi vì tôi đã phạm đi phạm lại một tội cũ.” Nhưng dụ ngôn mà chúng ta nghe hôm nay lại là một dụ ngôn về lòng thương xót vô biên và luôn có cơ hội thứ hai – tới một giới hạn. Có lẽ hạn định, “xin cứ để nó lại năm nay nữa,” không hẳn là một lời răn đe cho bằng đó là một ân huệ.

Tôi không biết các bạn thế nào, chứ còn tôi thì chắc chắn tôi sẽ làm việc hết sức khi tôi biết hạn chót của mình. Các trường học cũng vậy: các bài thi cũng phải được hoàn thành vào một ngày ấn định. Nếu bạn không nộp bài vào ngày đó, điểm số của bạn sẽ bị trừ bớt một số phần trăm theo quy định. Dụ ngôn có một kết thúc đáng ngại. Người làm vườn xin thêm một năm nữa để anh có thể chăm sóc, vun trồng và bón phân cho cây. Khi đó, hạn định được đặt ra. Nếu cây ra trái, nó sẽ có một tương lai. Hãy nghe tiếng của người làm vườn, “nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.” Điều đó có lẽ đã mồi lên một đống lửa bên dưới chúng ta! Có thể đó là một ân huệ, một ngọn lửa khiến chúng ta phải chuyển động, phải thay đổi.

Chúng ta không hành động đơn độc một mình. Sau cùng, đó là một dụ ngôn tin mừng và là Tin Mừng về ân sủng. Chúng ta sẽ được giúp, nếu chúng ta muốn thay đổi. Chúng ta được “săn sóc” ân cần bởi một người làm vườn đầy tình thương, là người sẽ giúp chúng ta trổ sinh hoa trái của sự hoán cải và sống đúng với cương vị người môn đệ. Thời khắc thay đổi chính là lúc này đây. Chúng ta không biết mình còn được bao nhiều thời gian. Như những người trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, thời khắc kết thúc cuộc đời họ đến thật nhanh và không hề được báo trước – như một toà tháp bất ngờ ập xuống.

Đó cũng không nói về cái chết. Chúng ta cần quan tâm đến những dấu hiệu cảnh báo trong tương quan của chúng ta và những ưu tiên. Chúng ta đang dồn hết sức lực của mình vào đâu? Điều đó sẽ trổ sinh hoa trái hay chúng ta lại trở thành một cây cằn cỗi, không hoa không trái? Chúng ta sẽ gặp một kết cục nào: một cuộc hôn nhân thất bại, một đứa trẻ bướng bỉnh, một tình bạn bị đánh mất. Hay liệu có kịp giúp một người thiếu thốn mà trước đây chúng ta vẫn thờ ờ làm ngơ không?

Lm. Jude Siciliano, OP
Anh em Học Viện Đaminh Gò Vấp chuyển ngữ