Lời Ước Phục Sinh

Một thiền sư kia gọi các môn đệ mình đến vào một buổi sớm tinh sương và hỏi: “Làm sao biết đuợc lúc nào đêm chấm dứt và ngày bắt đầu?”

Một môn đệ nhanh nhẩu đáp: “Khi thấy một con vật và biết đó là chiên hay dê.” Một môn đệ khác thưa: “Khi nhìn một cây từ đàng xa và biết đó là cây sồi hay cây dẻ.” Rồi lần luợt từng môn đệ đều ướm thử câu trả lời nhưng vị thiền sư vẫn lắc đầu nguầy nguậy. Cuối cùng tất cả đều đồng thanh hỏi: “Thế thì Thầy hãy nói cho chúng con biết khi nào đêm chấm dứt và ngày bắt đầu?” Vị thiền sư chậm rãi trả lời: “Ngày chỉ bắt đầu khi các con dám nhìn vào mặt mỗi người và nhận biết họ là anh chị em mình. Nếu không, thì dẫu có giữa ngọ trưa đi nữa, đêm vẫn chưa tàn và ánh mắt trời vẫn chưa toả chiếu!!!”

Bài Phúc Âm Chúa Nhật Phục Sinh (Gioan 20,1-9) kể về người phụ nữ đầu tiên mang tên Mai Đệ Liên đến ngôi mộ trống lúc trời vừa mờ sáng. Bóng tối lúc ấy đang còn bao phủ cả vạn vật và cả tâm hồn người thiếu phụ họ Mai đang điếng người vì nghi ngờ và sợ hãi: “Người ta đã lấy xác Thầy ra khỏi mồ!” Chỉ đến khi Chúa Giêsu gọi chính tên mình, Mai Đệ Liên mới hoàn hồn, thấy và hiểu điều phải thấy và hiểu: Chúa đã từ cỏi chết sống lại.

Nghịch lý của mầu nhiệm Phục Sinh -một sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử con người- là đời sống mới không lộ rõ nguyên hình nhưng chỉ tiềm ẩn trong Chúa Kitô. Và đời sống mới ấy chỉ thực sự có ý nghĩa khi dám áp dụng mầu nhiệm ấy vào những môi trường chúng ta đang sống chung quanh.

Chúa đã sống lại nhưng Người không thay đổi thế giới. Con người vẫn cần phải lao động. Vẫn cần phải sống kỷ cương. Vẫn cần phải luôn hy sinh dâng hiến. Nhưng sự phục sinh đã tăng thêm nghị lực để chúng ta có thể “đổ mồ hôi sôi nước mắt” và sống một đời sống dâng hiến kỷ cương.

Mấu nhiệm Phục Sinh cũng không phải là cây đủa thần giải quyết những vấn nạn của thế giới và của đời sống riêng tư. Nhưng qua mầu nhiệm Phục Sinh, chúng ta đã có thể nhìn những vấn nạn trên bằng con mắt đức tin mình.

Shartacos đã nói rằng chính cây thánh giá đã cấy hy vọng cho toàn nhân loại. Khi Chúa Giêsu lê tấm thân tàn đầy bùn nhơ và nước bọt vác thánh giá trên đường lên Núi Sọ, Người đã hiểu thật hiểu thực tế cuộc đời; những đau đớn xác thịt quyện với những xé nát tâm can. Nhưng chính những hy sinh trời biển của Người đã mang lại niềm tin cho ngàn muôn thế hệ: mất mát thiệt hại cho mình lại là hồng ân tuôn đổ xuống tha nhân.David Watson đã viết là “cọng rác trong mắt người phản chiếu cái xà trong mắt ta.”

Chúa đã chết cho mỗi chúng ta được sống và Người đợi đến khi ta nhắm mắt xuôi tay mới thưởng kẻ có công và luận phạt người có tội. Đấng Tạo Thành đã rộng lòng như thế, lẽ nào tạo vật chúng ta lại xét đoán hơn Người?

Khi câu Alleluia đuợc trang trọng xướng hát lên Chúa Nhật này sau 40 mươi ngày lặng tiếng, hãy gắng đưa mắt nhìn và tìm khuôn mặt Chúa đang ẩn hiện chung quanh. Nếu không, bóng tối vẫn còn đang néo kíu tâm hồn và bình minh Phục Sinh vẫn chưa buồn ló dạng…

Lm Nguyễn Khoa Toàn