Chúa Nhật 2 Mùa Phục Sinh năm B
Ga 20, 19-31
Quan tổng trấn Philatô tra vấn Đức Kitô. Đức Kitô đứng yên lặng không trả lời. Philatô lên tiếng:
Ông không biết là tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao?
Đức Kitô lên tiếng:
Ông không có quyền gì trên nói nếu Thiên Chúa không ban cho ông. Gn 19,10
Đức Kitô nhắc Philatô quyền hành ông hiện nắm giữ trên tay không phải tự ông có được mà chính là do ơn Trên ban cho. Vì là ơn trên ban cho nên có ngày ông cũng sẽ mất quyền đó. Chính vì nhận biết quyền đó không tồn tại suốt đời, không nắm vững trọn đời nên tốt hơn hết là xử dụng quyền đó một cách chân thành. Dùng quyền hành trong khả năng để bảo vệ sự sống, cổ võ công bình và sống thật thà, ngay thẳng.
Cuộc đối thoại giữa Đức Kitô và tổng trấn Philatô tưởng đâu đã đi vào quyên lãng, không ngờ mẩu đối thoại trên tồn tại cho đến ngày nay. Nó tồn tại đến ngày nay là vì nó liên quan đến Đức Kitô. Ngày nào còn có người tin vào Đức Kitô ngày đó mẩu đối thoại kia còn tồn tại. Không phải chỉ có mẩu đối thoại kia tồn tại mà chính những giáo huấn của Chúa cũng tồn tại. Đức Kitô sống lại từ cõi chết nên những gì lên quan đến Ngài cũng sống lại từ cõi chết. Giáo huấn của Ngài, việc Ngài làm, điều Ngài nói tất cả đều tồn tại và sống động. Những điều trước kia người ta sợ không dám loan truyền rộng rãi sau khi Đức Kitô sống lại từ cõi chết tất cả đều được phô bày, dù nói nơi kín đáo, dù nói trong cung điện. Tất cả đều bộc lộ, đều được phơi bày ra ánh sáng. Nếu không được phô bày làm sao ngày nay chúng ta còn được nghe thuật lại những mảu đối thoại nơi cung cấm xưa.
Sự kiện Đức Kitô sống lại làm sống lại những gì câm nín trước kia. Tất cả dù tin hay không tin đều vướng vào vòng tranh biện về cái chết và sự sống lại của Ngài. Kẻ tin thì mau mắn rao giảng Tin Mừng cho muôn dân như được truyen dậy trước kia. Kẻ không tin, chống lại thì ngày đêm suy nghĩ tìm mưu, tính kế chống phá lại giáo huấn của Ngài. Như thế không ai có thể nói rằng, không biết, không nghe đến Đức Kitô. Chính những kẻ chống đối và câm nín nhiều nhất lại là người nghe được nhiều nhất. Nhóm đầu tiên tự thú chính là viên đội trưởng thi hành lệnh hành hình Đức Kitô. Đứng dưới chân thập tự ông chứng kiến giờ Đức Kitô sinh thì, trời u ám, đất rung chuyển. Vị đội trưởng đấm ngực ăn năn tự thú:
Người này quả là người công chính Lc 23,47
Kế đến là nhóm chống đối và cũng là nhóm ra lệnh giết Đức Kitô đó là các Kinh Sư đền thờ và hàng qúi tộc nắm quyền sinh sát trong tay. Ba ngày trước đó họ tuyên án, ra lệnh cho thuộc hạ thi hành bản án ngay lập tức mà không thể đình vì sợ có thay đổi ngoài dự tính của họ. Họ vỗ ngực tự nhận là kẻ chiến thắng. Chiến thắng tồn tại đúng ba ngày họ hạ hối lộ thuộc cấp ra lệnh cho thuộc cấp phao tin thất thiệt.
Các ngươi cứ nói là trong lúc chúng tôi ngủ môn đệ ông Kitô đến trộm xác. Nếu việc này đến tai quan tổn trấn đã có chúng ta lo, các ngươi sẽ không liên luỵ gì. Mat 28,15
Quả là lạ, quan quân hoàng gia, vũ khí trong tay lại thua các tông đồ tay không, chân đất. Quân canh, ngủ gục, không làm tròn trách nhiệm được cấp trên bao che. Bất công từ trong tổ chức đi ra. Lạm dụng quyền hành từ đầu đến cuối. Khởi đầu cuộc xét xử quan tổng trấn không cần biết sự thật. Ngài tuyên bố tha kẻ đó vô tội; ngài tuyên án kẻ đó có tội.
Nhóm lãnh đạo không thể giải thích lí do nào khiến môn đệ Đức Kitô chạy tán loại khi Ngài còn sống nhưng lại tụ họp lại, liên kết lại sau khi Đức Kitô qua đời. Lời nói mất tiền mua chuộc quân lính có quá nhiều kẽ hở cho công luận nhận xét.
Những kẻ không tin chắc chắn không nghe được tiếng nói lặng câm của Thánh Thần Chúa. Chính tiếng nói âm thầm thúc đẩy những người tin theo Đức Kitô mạnh dạn tiến ra ánh sáng, đối diện với sự thật dù có phải bách hại, đau khổ và kết án họ cũng sẵn sàng hy sinh để làm nhân chứng sống động cho Đức Kitô. Trước Kia họ chạy trốn vì chưa nghe được tiếng nói lặng câm kia. Nghe được họ cất tiếng ca ngợi Lậy Chúa, Lậy Thiên Chúa.
Chúng ta cầu xin nghe được tiếng Thánh Thần Chúa.
Lm Vũđình Tường