Trong phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh, khi giáo dân tỏ lòng tôn kính Thánh giá, ca đoàn thường hát bài thánh ca “Dân Ta ơi, Ta đã làm gì cho ngươi? Hãy trả lời Ta đi”. Nếu ta phải lập lại bài ca đó trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, thực cũng không có gì quá đáng. Có mấy khi ta hỏi mình đã làm gì cho Chúa, hay ta chỉ mở miệng xin Chúa làm cho con điều này, xin Chúa giúp con điều kia. Những bài đọc hôm nay đã giúp ta đặt những câu hỏi về Chúa và những câu hỏi về ta, để ta hiểu được mối quan hệ giữa Chúa với ta.
1. Thiên Chúa đã làm gì cho anh chị em? (bài đọc Cựu Ước – Đnl 4:32-34.39-40)
Mở đầu cho sách Đệ Nhị luật là những diễn từ ông Mô-sê căn dặn dân Chúa trước khi họ tiến vào Đất hứa. Lo lắng của ông là làm thế nào nhắc nhở Ít-ra-en phải luôn trung thành với Chúa, vì chính Chúa là Đấng đã tuyển chọn họ giữa muôn dân. Do đó, cảm thấy sắp đến ngày về với Chúa, ông đã tụ họp dân chúng và cùng với họ ôn lại lịch sử dân Chúa những năm qua, nhất là về những điều Thiên Chúa đã làm cho họ.
Ông đặt câu hỏi và so sánh giữa Thiên Chúa với các thần ngoại, giữa dân Ít-ra-en và những dân tộc khác, để bắt họ phải đi tới chọn lựa dứt khoát. Ông nhấn mạnh tới việc Thiên Chúa tuyển chọn Ít-ra-en giữa những dân tộc khác để làm dân riêng của Người. Từ ngày kêu gọi Áp-ra-ham, Thiên Chúa đồng hành với nhóm dân nhỏ bé này, bênh vực họ trước những dân tộc hùng mạnh, đem họ sang Ai-cập để học hỏi và trưởng thành. Sự can thiệp của Thiên Chúa trước những đàn áp của Ai-cập là những chứng cớ hùng hồn để dân Ít-ra-en thấy rõ Thiên Chúa là Đấng nào đối với họ.
Khác với các thần ngoại, Thiên Chúa là Thiên Chúa hằng sống. Vì Người hằng sống, nên Người có trái tim để yêu thương, có mắt để đoái nhìn đến dân Người, có tai để lắng nghe con cái Người… Còn các thần ngoại thì trái lại. Thánh Vịnh đã nói nhiều về chúng. Đây là một đoạn tiêu biểu: “Tượng thần chúng chỉ là vàng bạc, chỉ do tay người thế tạo thành. Có mắt có miệng, không nhìn không nói; có mũi có tai, không ngửi không nghe. Có hai tay, không sờ không mó; có hai chân, không bước không đi; từ cổ họng , không thốt ra một tiếng. Ước gì kẻ làm ra hoặc tin ở tượng thần cũng giống như chúng vậy” (Tv 113b:4-8).
Sau khi hỏi dân chúng, ông Mô-sê đưa ra hai điều thực hành: trước hết duy chỉ có Đức Chúa là Thiên Chúa chứ không có thần nào khác; thứ hai, vậy thì ta phải tuân giữ thánh chỉ và mệnh lệnh của Người. Đây không chỉ là điều ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en, nhưng cũng là lời Thiên Chúa nói với toàn thể nhân loại, nhất là với những ai đang lắng nghe Thiên Chúa “nói” qua Đức Ki-tô, Ngôi Hai hoặc Ngôi Lời của Thiên Chúa. Nhìn lại cuộc sống của chính mình, ta nhận thấy mình có rất nhiều thiếu sót trong hai điều thực hành này. Trong tâm hồn ta, nhiều khi không còn chỗ cho Thiên Chúa, nhưng thay vào đó là các thần tượng đủ loại, hoặc nói theo thánh Phao-lô: “Anh em đừng trở thành những kẻ thờ ngẫu tượng” (1 Cr 10:7). Thánh chỉ và mệnh lệnh của Thiên Chúa nhiều khi không còn đủ sức mạnh để ngăn cản ta làm điều dữ, là vì ta không còn nhìn nhận uy quyền của Người nữa. Ta cần phải mở cửa tâm hồn để đón nhận Ba Ngôi Thiên Chúa đến hoạt động trong ta. Tình yêu của Thiên Chúa Cha, ân sủng của Chúa Con và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần có tác động trên ta, thì những điều thực hành ông Mô-sê đưa ra mới có thể được chu toàn.
2. Ta được ân phúc làm con cái Thiên Chúa (bài đọc Tân Ước – Romans 8:14-17)
Qua câu truyện của dân Ít-ra-en, ta hiểu được Thiên Chúa đã làm cho ta tất cả những gì tốt đẹp và lợi ích cho ta. Tuy nhiên có một điều ta không thể tưởng tượng được làm sao Người lại có thể làm cho ta, đó là Người đã ban Thần Khí của Người cho ta, Thần Khí làm cho ta nên nghĩa tử và được quyền gọi Thiên Chúa là Áp-ba! Cha ơi! (Romans 8:15).
Ở đây, thánh Phao-lô muốn nói lên vai trò đặc biệt của Chúa Thánh Thần. Ngài thường nói về Chúa Thánh Thần như Thần Khí Thiên Chúa, hoặc Thần Khí Đức Ki-tô. Như vậy, Chúa Thánh Thần chính là tinh thần của Chúa Cha và tinh thần của Chúa Con, là tinh thần thông hiệp giữa Ngôi Cha và Ngôi Con và được gọi là Ngôi Ba. Tuy nhiên Ngôi Ba không chỉ hoạt động trong mầu nhiệm Ba Ngôi, mà còn hoạt động nơi ta nữa. Người đến với ta để đổi mới căn tính của ta, từ một tạo vật không xứng đáng giờ được nâng lên chức phận làm con Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa bằng một danh hiệu vô cùng thân thương: Cha ơi! Ta cứ tưởng tượng đang nhìn thấy một em nhỏ chơi đùa với ba của nó, thỉnh thoảng nó gọi “ba ơi, ba!” Ôi ngọt ngào và thương ơi là thương! Nếu như ta cũng có thể sống cái tâm tình của em bé đó thì hạnh phúc biết mấy. Tuy nhiên làm sao ta có thể sống tâm tình ấy khi ta không thực sự xác tín rằng Thánh Thần đã đổi mới tinh thần của ta bằng tinh thần của Chúa Ki-tô. Tinh thần của Chúa Ki-tô là tinh thần làm Con Thiên Chúa. Cho nên nếu ta có được tinh thần của Chúa Ki-tô, ta mới có thể gọi Thiên Chúa là “Cha ơi!” như Chúa Ki-tô đã từng gọi, nhất là mỗi khi Người cầu nguyện.
Chúa Thánh Thần đổi mới căn tính của ta, nhưng hơn thế nữa, Người còn cho ta thấy một tương lai tốt đẹp là kết quả của chức phận làm con Thiên Chúa: cùng với Chúa Ki-tô, ta sẽ được hưởng vinh quang Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần là Thần Khí của sự thật, do đó Người cho ta thấy tương lai chắc chắn chứ không phải một hứa hẹn hão huyền. Bảo đảm của tương lai này dựa trên quyền thừa kế vì ta là con Thiên Chúa, giống như Chúa Ki-tô.
Thường thì ta ít quan tâm tới những điều Chúa Thánh Thần làm cho ta, giống như ta chẳng mấy khi quan tâm tới không khí ta hít thở. Hôm nay thánh Phao-lô nhắc nhớ ta về hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chúa Giê-su lúc nào cũng để cho Thánh Thần “thúc đẩy”, “hướng dẫn” là vì Người luôn luôn sống theo Tinh Thần làm Con. Nếu ta cũng được đầy tràn Tinh Thần của Người, ta sẽ sống đúng danh nghĩa con Thiên Chúa vậy.
3. Ta sẽ làm gì cho Thiên Chúa? (bài Tin Mừng – Matthew 28:16-20)
Thiên Chúa Ba Ngôi đã yêu thương ta là tạo vật bất xứng qua những sinh hoạt tạo dựng, cứu độ và thánh hóa của Người. Đáp lại, ta đã làm được gì cho Người? Trước khi lên trời, Chúa Giê-su là Mô-sê Mới đã quy tụ các môn đệ Người trên núi và Người truyền cho họ hai điều phải thi hành, đó là: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Matthew 28:19-20). Hình ảnh này làm ta nhớ lại khung cảnh ông Mô-sê đã khuyên nhủ dân Ít-ra-en trên núi trước khi ông qua đời và trước khi dân Chúa tiến vào Đất hứa. Giờ đây, Chúa Giê-su là Mô-sê Mới, trước khi từ biệt môn đệ, Người cũng nhắn nhủ họ những điều giống như ông Mô-sê đã nói với dân It-ra-en.
Dĩ nhiên đây là sứ vụ đặc biệt Chúa Giê-su trao cho các Tông đồ, là giúp cho người ta “trở thành môn đệ” Người, để cũng như Người, họ là những người nhận biết Thiên Chúa và tuân giữ mệnh lệnh và thánh chỉ của Người. Nhưng đó cũng là sứ vụ ta được chia sẻ với các ngài khi ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội và tham dự vào chức tư tế, ngôn sứ và vua của Chúa Giê-su. Cuộc sống ta phải làm chứng cho mọi người nhận biết Chúa Ki-tô là Con Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần đã cho ta được làm con cái Thiên Chúa. Cuộc sống ta phải thể hiện việc ta “tuân giữ mọi điều Thầy [Giê-su] đã truyền”.
Giống như ông Mô-sê, Chúa Giê-su nói với các môn đệ cùng những điều ông đã nói với dân Ít-ra-en. Nhưng có một điều Chúa Giê-su khác với ông Mô-sê, một điều chỉ có Thiên Chúa làm được, là “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Matthew 28:20). Ông Mô-sê thi hành nhiệm vụ của một ngôn sứ, nhắc nhở dân Ít-ra-en. Còn Chúa Giê-su làm công việc của một vị Thiên Chúa, chẳng những dạy bảo mà còn ở bên cạnh ta qua quyền năng của Chúa Thánh Thần, để dẫn dắt, ban sức mạnh giúp ta nhận biết Thiên Chúa và tuân giữ các giới răn của Người. Như thế, ta không phải lo lắng không thể chu toàn bổn phận, trái lại, có Chúa Giê-su ở cùng và đồng hành với ta như “Trưởng Tử của nhân loại mới”, chắc chắn ta có thể đền đáp tình yêu của Thiên Chúa và được chung hưởng vinh quang với Người.
4. Sống Lời Chúa
Thiên Chúa Ba Ngôi tuy là một mầu nhiệm, nhưng còn là lẽ sống của ta. Cuộc đời ta đã gắn liền với mầu nhiệm này, từ lúc hiện diện trên cuộc đời này cho đến khi được kết hợp mật thiết trong hạnh phúc vĩnh cửu với Người. Mỗi Ngôi Vị Thiên Chúa có một ý nghĩa đặc biệt đối với cuộc đời ta, nhưng ý nghĩa chung vẫn là để biểu lộ Tình Yêu vô điều kiện của Người. Thánh Vịnh lập đi lập lại nhiều lần ý tưởng này, là “tôi sẽ ca tụng tình yêu Chúa đến muôn đời”, hoặc “tình Người yêu thương ta bền vững muôn đời”. Thiên Chúa Ba Ngôi đối với ta là như vậy đó, còn ta là con cái Người, ta đã làm được gì cho Người chưa?
Suy nghĩ: “Áp-ba! Cha ơi!”, đó có phải là lời cầu nguyện đẹp nhất của tôi dâng lên Thiên Chúa không? Đã bao giờ tôi dành một ít phút để suy nghĩ ý nghĩa của những lời này chưa? Chúa Thánh Thần có bị “bỏ quên” trong đời sống thiêng liêng của tôi không? Có khi nào tôi cầu nguyện xin Chúa cho tôi cảm nhận được sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong tôi không?
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Chúa đã sai Con Một là Lời chân lý và sai Thánh Thần, Đấng thánh hóa muôn loài đến trần gian mặc khải cho chúng con biết mầu nhiệm cao vời của Chúa. Xin cho chúng con hằng tuyên xưng đức tin chân thật là nhận biết và tôn thờ mộ Thiên Chúa Ba Ngôi uy quyền vinh hiển. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men. (Lời nguyện Nhập lễ, lễ Chúa Ba Ngôi).
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi