Lễ Giáng Sinh (Lễ Đêm)


Niềm Vui Thân Ái
(Lc. 2,1-14)

Hằng năm, cứ vào dịp trước Lễ Giáng Sinh, chúng ta thường gửi các thiệp chúc mừng cho những người thân quen hay chúng ta thường nhận được các thiệp chúc mừng của những người khác. Dù là những lời cầu chúc nào thì nội dung vẫn là: “Chúc mừng một lễ Nô-en, một lễ Giáng Sinh tràn đầy niềm vui”. Lời chúc mừng mà chúng ta cầu chúc cho nhau như thế, không phải là một câu khách sáo, xã giao hay chỉ là một sự biểu lộ tình cảm rất thông thường, nhưng là một lời cầu chúc đầy ý nghĩa và đáng cho chúng ta suy nghĩ.

Long trọng mừng lễ Giáng Sinh là chúng ta nhắc lại một biến cố trọng đại: Chúa Kitô đến trần gian để cứu chuộc chúng ta. Sự kiện giáng sinh của Ngài đã chia lịch sử nhân loại ra làm hai phần. Ngày sinh ra của Ngài đã thành mục tiêu để tính thời gian và mở ra cho nhân loại một kỷ nguyên mới. Năm nay là năm 2005 tức là Chúa Giêsu đã giáng sinh được 2005 năm. Và kỷ nguyên chúng ta đang sống là kỷ nguyên được sống, được hưởng ơn cứu độ của Ngài.

Quả thực, một đứa trẻ sinh ra vào một đêm đông giá rét, trong thôn xóm nhỏ bé Bê-lem, thuộc một nước ở vùng cận đông, dưới con mắt người đương thời, không những bình thường mà còn tầm thường hơn những hài nhi khác. Nhưng sự chào đời của Hài Nhi này lại là một niềm vui cao cả, trọng đại, đặc biệt. Một niềm vui là khởi điểm của tất cả các niềm vui và vượt lên trên hết các niềm vui. Bởi vì đây chính là Đấng Cứu Thế, chính ơn cứu độ mà nhân loại đã mòn mỏi chờ mong, trông đợi từ bao nhiêu thế kỷ, nay đã đến, Ngài đã giáng sinh.

Chúa Kitô đã giáng sinh. Đó là niềm vui to lớn, vĩ đại nhất, như lời sứ thần nói với các mục đồng: “Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân: Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít. Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa”. Quả thực, đó là tin vui mừng nhất mà thế giới có thể nhận được, đó là khởi điểm của mọi tin mừng, và các biến cố xảy ra sau tin vui này, không có biến cố nào quan trọng hơn.

Khoảng 30 năm sau, người ta lại thấy một thanh niên rảo khắp các nẻo đường nước Pa-lét-tin, rao giảng Tin Mừng và cuối cùng chết nhục nhã trên thập giá. Đó không phải là một con người bình thường nhưng là một nhân vật khác thường của thế giới và làm thay đổi cả thế giới.

Từ đó đến nay, không ai đã để lại dấu tích sâu đậm trong lịch sử bằng Ngài. Không nhà cách mạng nào đã biến đổi thế giới như Ngài. Không vị cứu tinh nào đã được nhân loại mong chờ hằng bao đời như Ngài. Không có tên ai năng được nhắc đến như tên Ngài. Không vua chúa nào có thể tự hào được thần dân tùng phục cách trung tín như Ngài. Không có vị ân nhân nào dám tưởng mình được người ta yêu mến, say mê cuồng nhiệt như Ngài. Cho nên, Chúa Giêsu không phải chỉ là một nhà cách mạng, một nhà hiền triết, một vị thủ lãnh hay bất cứ một thứ người quan trọng nào, nhưng Ngài là Con Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa, làm một với Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa nhập thể làm người để cứu chuộc loài người.

Thực ra, muốn cứu chúng ta, Chúa Giêsu đâu có cần phải xuống thế, phải nghèo, phải khổ, phải nhục, phải chết. Nhưng tất cả những sự ấy, Ngài đã lãnh nhận chỉ vì Ngài yêu chúng ta, yêu đến tận cùng, yêu không bờ bến. Vì thế, trong các nhà thờ cũng như trong tất cả những gia đình tin kính Ngài, luôn có ảnh tượng Thánh Giá, để nhắc nhở mọi người nhớ đến tình yêu cao cả và trọn vẹn của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Lễ Giáng Sinh là đại lễ, là ngày hội vui của tình thân ái. Thiên Chúa là Đấng đã bắc lên nhịp cầu thứ nhất, nối kết trời với đất, Thiên Chúa với con người khi Con Một xuống thế làm người. Rồi chính Ngài cũng bắc một nhịp cầu thứ hai, nối kết những ai đến với Ngài lại với nhau. Nói rõ hơn, Chúa yêu thương mọi người, Chúa muốn mọi người đáp lại tình thương của Ngài bằng việc yêu mến Ngài và yêu thương nhau.

Hôm nay chúng ta hân hoan vui mừng nói lên, ca hát lên: “Em-ma-nu-en”: Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Thiên Chúa yêu thương con người nên đã làm người. Ngài đã đến để chung sống, đồng hành, chia sẻ cuộc đời với chúng ta. Ngài là Thiên Chúa, nhưng đã trở thành anh em với chúng ta, Chúng ta hãy cảm tạ Chúa và xin Chúa hãy dùng chúng ta như những cánh cửa nhỏ luôn luôn mở rộng, để Chúa có thể bước qua gặp gỡ mọi người, để mọi người có thể kết thân, quen biết Chúa, quen biết nhau, yêu mên Chúa và yêu mến nhau.

Trích Chia Sẻ Tin Mừng Chúa Nhật Năm B

Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.