Chúa Nhật Thứ 22 Mùa Thường Niên, Năm C
|
Chúa nhật hôm nay nói đến tinh thần phục vụ trong khiêm tốn. Khiêm tốn là sống đúng theo con người trung thực của mình và biết tôn trọng mọi người, dù giầu sang hay nghèo khó, dù ở địa vị nào trong xã hội.
Bài đọc I (Sách Huấn Ca 3:19-21,30-31): Khi chúng ta hạ mình xuống để phục vụ thì sẽ làm đẹp lòng Chúa: “Càng làm lớn còn càng phải hạ mình trong mọi sự, và đó là điều đẹp lòng Chúa” và cũng được mọi người yêu qúy. Bài Đọc II (Thơ Do Thái 12:18-19,22-24): Cuộc hành trình Đức Tin của chúng ta là để đi về quê hương thật của chúng ta, và đến với Chúa là Cha chúng ta, cùng muôn vạn Thiên Thần và các Thánh trên trời. Đó là cùng đích cuộc đời sống đạo của chúng ta. Bài Phúc Âm (Luca 14:1,7-14): Chúa Giêsu kể Dụ Ngôn “Tiệc Cưới” để dậy chúng ta bài học khiêm nhường: “Ai đưa mình lên sẽ bị hạ xuống…”Đồng thời Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta hãy lo phục vụ những người “nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù” hơn là lo lấy lòng những người quyền quý. Vì Nước Trời dành cho những ai biết khiêm tốn phục vụ vô vị lợi những người cùng khốn trong xã hội.
Tội kiêu ngạo được kể như tội đứng đầu trong “Bẩy Mối Tội Đầu.” Tổ tông loài người đã phạm tội vì kiêu ngạo “Muốn nên bằng Đức Chúa Trời!” (Sách Khởi Nguyên 3:1-7). Tính tự cao tự đại luôn tiềm ẩn nơi mọi người chúng ta. Ai cũng muốn là một “Ông Vua,” muốn đưa mình lên trên người khác, “Cái Tôi” là nhất và coi thường kẻ khác. Càng ở địa vị cao, chúng ta càng dễ tự cao tự đại, coi mình hơn người khác, khinh dể mọi người. Vì thế mà trong Bài đọc I hôm nay, Sách Đức Huấn Ca đã cảnh tỉnh chúng ta “Càng làm lớn, con càng phải hạ mình xuống trong mọi sự, thì con sẽ làm đẹp lòng Chúa…”
Chính Chúa Giêsu, trong Bữa Tiệc Ly, Bữa Ăn Tình Thương, đã cúi xuống rửa chân cho các Tông Đồ (Gioan 13:4-14) để dạy các Tông Đồ và mọi người chúng ta bài học khiêm tốn phục vụ: “Như Thầy đã nêu gương cho anh em, anh em cũng hãy làm như Thầy đã làm cho anh em.”(Gioan 13:15).
Mẹ Maria khi được Sứ Thần truyền tin, được diễm phúc vô cùng cao cả là Mẹ Đấng Cứu Thế, nhưng Mẹ đã thưa lại với Sứ thần “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Sứ Thần truyền!” (Luca 1:26- 38), và suốt đời Mẹ luôn sống âm thầm, nghèo khó tại ngôi làng quê Nagiaret cùng với Thánh Giuse, người thợ mộc nghèo khó. Khi Đức Mẹ đến thăm bà Elisabeth và được Bà Elisabeth chúc tụng “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ…” (Luca 1:42-45), Mẹ đã khiêm tốn quy hướng tất cả về Chúa trong Bài ca “Linh Hồn Tôi Ngợi Khen Chúa …” (Luca 1:46-55).
Thánh Giuse được diễm phúc làm Cha nuôi Đấng Cứu thế, nhưng suốt đời Ngài cũng sống âm thầm, khiêm tốn và vâng theo thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh và đã chết trong thầm lặng.
Thánh Gioan Baotixita khi được dân chúng kéo đến rất đông để nghe Ngài giảng và ban phép rửa thống hối, Ngài đã không tự đưa mình lên, nhưng Ngài đã thẳng thắn nói với dân chúng: “Tôi chỉ ban phép rửa bằng nước, nhưng Đấng quyền thế hơn tôi đang đến. Tôi không xứng đáng cởi dép cho Người!” (Luca 3:16).
Khi Thánh Phêrô chữa một người què, dân chúng kéo đến và cho là do quyền năng của Ngài mà chữa được người què. Nhưng Ngài đã phải cải chính ngay “đó là do quyền năng của Thiên Chúa…”(Công Vụ 3:1-16).
Thánh Phaolô, vị Tông Đồ đã hy sinh cả cuộc đời bôn ba khắp nơi để xây dựng và phát triển Giáo Hội Chúa lúc ban đầu, nhưng Ngài luôn khiêm tốn coi mình là kẻ “sinh non,” là kẻ đã “bách hại Đạo Thánh Chúa lúc ban đầu,” và tự nhận mình yếu đuối, mỏng dòn như chiếc “bình sành” (2Côrintô 4:7…)
Đức Giáo Hoàng là người được Chúa chọn để kế vị Thánh Phêrô, làm vị Đại diện Chúa ở trần gian, làm đầu Giáo Hội; địa vị thật cao trọng và được biết bao tín hữu tôn kính, nhưng luôn xưng mình là “Tôi tớ của các tôi tớ.” (Servus Servorum).
Cuộc đời âm thầm của Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh đều dạy chúng ta bài học khiêm tốn phục vụ mọi người.
Tính kiêu ngạo gây ra tị hiềm, tranh chấp, nói hành nói xấu và chia rẽ, thù hằn. Trái lại lòng khiêm tốn, biết tôn trọng người khác, là nền tảng để xây dựng Hòa Bình trong xã hội. Ngay trong gia đình, tội kiêu ngạo cũng gây ra bao bất hòa, tranh chấp giữa vợ chồng và nhiều khi đưa đến ly tán. Trái lại nếu biết noi gương Mẹ Maria và Thánh Giuse, vợ chồng cùng khiêm tốn tôn trọng lẫn nhau và yêu thương phục vụ con cái thì cuộc sống gia đình thật hạnh phúc biết bao đúng như câu nói “Mái Ấm Gia Đình.”
Xin Chúa, nhờ lời Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh chuyển cầu, chúc lành cho mọi người chúng ta, gia đình chúng ta, và giúp chúng ta luôn biết sống khiêm tốn, yêu thương và phục vụ lẫn nhau, nhất là phục vụ những người nghèo khó, bịnh tật, những người cần sự giúp đỡ của chúng ta.
Linh Mục Anphong Trần Đức Phương