Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu 28:16-20)
Trước khi về trời, Chúa Giê-su đã long trọng ban cho các môn đệ một lệnh truyền. “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Khi truyền lệnh như vậy, chắc chắn Chúa Giê-su đã cho họ thấy rõ họ phải làm việc gì và làm việc ấy cho ai và vì ai.
Vậy các môn đệ Chúa phải làm gì, hoặc sứ mệnh của họ là gì? Đó là làm cho muôn dân trở thành môn đệ, dĩ nhiên là môn đệ của Chúa Giê-su như chính Người đã kêu gọi và làm cho họ trở thành môn đệ của Người. Họ phải đi rao giảng về Chúa Giê-su và Tin Mừng của Người, để những người không có cơ may đích thân gặp Chúa và nghe Người giảng đều có thể biết về Chúa. Sứ mệnh của người rao giảng không chỉ nói cho người ta biết về Chúa, mà còn giúp người ta yêu mến và tuân giữ các điều răn của Chúa nữa (Gio-an 14:15). Nói khác đi, họ phải giúp người ta xây dựng một mối tương quan yêu thương cá nhân với Chúa Giê-su, bởi vì chỉ có tình yêu đích thực mới là động lực chính đáng giúp họ thực hành lời giảng của Người và giữ các điều răn của Người. Từ biết tiến tới yêu mến, rồi từ yêu mến tiến tới giữ các điều răn, đó là con đường bất cứ ai muốn làm môn đệ Chúa cũng phải bước theo.
Ngoài ra, việc làm cho muôn dân trở thành môn đệ Chúa đã xác định tính cách phổ quát của sứ mệnh rao giảng Tin Mừng. Rao giảng Tin Mừng phải nhắm vào toàn thể nhân loại, không loại trừ ai, không giới hạn trong một miền hay một quốc gia. Ai cũng cần được kêu gọi làm môn đệ Chúa, không phân biệt ngôn ngữ hay chủng tộc, thành phần xã hội hay văn hóa.
Sứ mệnh làm cho muôn dân trở thành môn đệ thật là khẩn thiết, nhưng dấu chỉ nói lên một người đã được làm môn đệ cũng không kém phần quan trọng, đó là họ được rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi.
Tất cả chúng ta đều đã được rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi, nhưng có lẽ ít khi nào chúng ta suy nghĩ thêm một chút về ý nghĩa của “nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Đúng vậy, phải là nhân danh Chúa Ba Ngôi, thì cuộc sống Ki-tô hữu của chúng ta mới mang ý nghĩa đầy đủ. Trước hết là mục đích cuộc đời Ki-tô hữu đều quy hướng về Ba Ngôi. Chúa Cha tạo dựng chúng ta là để chúng ta được chia sẻ hạnh phúc vĩnh cửu với Người. Chúa Con cứu chuộc chúng ta là để chúng ta được làm con Thiên Chúa và được cùng Người đồng thừa kế gia nghiệp Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần tiếp tục công việc cứu độ của Chúa Giê-su, dẫn dắt chúng ta sống theo căn tính mới là con Thiên Chúa và ban sức mạnh cho chúng ta được trung thành với ơn gọi làm con Thiên Chúa. Tất cả ba Ngôi Thiên Chúa đã tích cực trong kế hoạch cứu độ để giúp chúng ta đạt tới cứu cánh của con người. Mọi công việc tích cực ấy đều được thực hiện dưới một động lực duy nhất là tình yêu. Vì thế, chúng ta chắc chắn có thể nói rằng được rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi cũng chính là được rửa tội nhân danh Tình Yêu.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Được rửa tội nhân danh tình yêu mà lại không sống yêu thương thì quả thực là mỉa mai! Được rửa tội là khởi đầu cho cuộc sống mới của người môn đệ, vì từ nay họ phải sống “nhân danh Ba Ngôi”, tức là nhân danh tình yêu. Họ được sai đi để làm nhân chứng cho tình yêu. Chúa Giê-su đã được sai đến trần gian và “được trao toàn quyền trên trời dưới đất”. Toàn quyền của Người chính là sự thật và tình yêu. Người đã thi hành quyền năng và sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa để thiết lập một cuộc tạo dựng mới. Chúng ta cũng được Thiên Chúa Ba Ngôi mời gọi cộng tác vào cuộc tạo dựng mới ấy bằng cách sống và làm chứng cho sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa.
Chúng ta đừng sợ hãi trước sứ mệnh này, vì Chúa Giê-su đã hứa “ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”. Nếu chúng ta có Chúa Giê-su là tình yêu Thiên Chúa nhập thể ở cùng chúng ta, nhất định chúng ta sẽ chu toàn được sứ mệnh!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi