Thứ Bảy Tuần II PS2
Bài đọc: Acts 6:1-7; John 6:16-21.
Khó khăn và xung đột ý kiến xảy ra ở mọi nơi và mọi thời; nói cách khác, hễ có sống chung, là có đụng nhau. Làm thế nào để giải quyết khi phải đương đầu với những khó khăn hay xung đột? Người khó khăn nóng tính sẽ la hét, chửi rủa, làm cho ra lẽ; rồi sau đó muốn ra sao thì ra. Người thâm trầm ít nói sẽ lặng lẽ rút lui, và chép miệng thở dài: thôi thì đường ai nấy đi cho đẹp cả đôi bên. Nhưng cả hai cách giải quyết đều không đẹp ý Chúa và giúp ích cho tha nhân;vả lại, có đi đâu chăng nữa, con người vẫn phải đương đầu với vấn đề “chung đụng.”
Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta giải quyết vấn đề cách đẹp lòng Chúa và giúp ích cho tha nhân. Trong Bài Đọc I, Sách CVTĐ tường thuật các khó khăn của cộng đồng các tín hữu sơ khai, họ cũng phải đương đầu với thiên vị và ghen tị giữa các tín hữu Do-thái theo văn hóa Hy-lạp và các tín hữu Do-thái bản xứ. Thay vì trốn tránh vấn đề, hay tìm cách ly khai, các Tông-đồ chọn thêm bảy Phó-tế để giúp các ngài lo cho các bà góa Do-thái theo văn hóa Hy-lạp. Mọi người đều vui vẻ với giải quyết khôn ngoan này. Trong Phúc Âm, khi phải đương đầu với phong ba bão tố, các Tông-đồ hỏang sợ, và càng sợ hãi hơn khi thấy một bóng người lướt trên nước tới thuyền của họ, vì các ông tưởng là ma; nhưng Chúa Giêsu lên tiếng trấn an các ông: “Chính Thầy đây! Đừng sợ!”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Biết khôn ngoan giải quyết vấn đề.
1.1/ Vấn đề thiên vị và ghen tị xảy ra trong cộng đòan: “Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên.”
(1) Nhận định vấn đề: Thói quen của con người là bảo vệ những người thân quen mình trước, rồi mới đến những người xa hơn. Vấn nạn trên xảy ra giữa những người Do-thái, nhưng theo những văn hóa khác nhau: các bà góa người bản xứ được cung cấp lương thực đầy đủ hơn những bà góa theo văn hóa Hy-lạp. Nếu không biết cách giải quyết vấn đề, tình trạng thiên vị và ghen tị sẽ ngày càng trầm trọng hơn, sẽ đưa đến việc tách rời giữa hai nhóm, sẽ gây thiệt hại cho sự đòan kết, và sẽ làm gương mù cho các tín hữu khác.
(2) Cách giải quyết: “Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó.”
Một người không thể làm hết, và cũng không tốt để làm hết, vì sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp bằng nhiều người cộng tác. Hơn nữa, việc mở mang Nước Chúa là bổn phận của tất cả mọi người, chứ không phải chỉ là bổn phận của giới lãnh đạo mà thôi. Các Tông-đồ biết sắp xếp các thứ tự ưu tiên: việc rao giảng Tin Mừng là bổn phận hàng đầu không thể xao lãng. Để có người lo cho các nhu cầu của cộng đoàn, cần tuyển thêm các Phó-tế có những đức độ cần thiết. Các Tông-đồ để cho các tín hữu tham gia vào việc tìm kiếm các ứng viên; sau đó các ngài sẽ chuẩn y bằng việc đặt tay, và hướng dẫn họ trong việc phục vụ cộng đoàn.
1.2/ Phẩm trật Hội Thánh dần dần được hình thành: “Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Stephanô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với các ông Philíp, Prochorus, Nicanor, Timon, Parmenas và ông Nicolaus, một người ngoại quê Antioch đã theo đạo Do-thái. Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông.” Đây là 7 Phó-tế đầu tiên của Hội Thánh. Phó-tế Stephanô là thánh tử đạo đầu tiên làm chứng cho Chúa Giêsu trong trình thuật mà chúng ta sẽ được nghe ít ngày nữa.
Số các tín hữu càng đông, phẩm trật của Hội Thánh càng phải được nới rộng để đáp ứng nhu cầu của cộng đoàn và của các tín hữu. Dưới sự hướng dẫn của các Tông-đồ và hoạt động của Chúa Thánh Thần, “Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Jerusalem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin.”
2/ Phúc Âm: Đừng sợ hãi khi phải đương đầu với các khó khăn trong cuộc sống.
Khó khăn trong cuộc sống không thể thiếu trong tiến trình thăng tiến và làm cho con người trưởng thành. Những khó khăn có thể do Thiên Chúa gởi đến để thử thách đức tin hay do tha nhân gây ra qua cuộc sống chung đụng. Trình thuật trong Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến trường hợp thứ nhất.
2.1/ Biển động làm các ông hỏang sợ: Trình thuật này xảy ra sau khi phép lạ Bánh hóa nhiều và dân chúng muốn tôn Chúa Giêsu làm vua của họ. Chúa Giêsu truyền cho các Tông-đồ qua bờ bên kia trước, còn Ngài lên núi cầu nguyện. Đứng trên núi của vùng Tiberias, Chúa Giêsu có thể quan sát rõ ràng thuyền của các ông trong Biển Hồ. Nhiều tác giả của các bài thánh ca đã so sánh Giáo Hội và cuộc đời con người như chiếc thuyền lênh đênh trên biển cả trong hành trình tiến về quê trời; ví dụ: Lạy Mẹ là ngôi sao sáng. Chúa Giêsu có thể đã nhìn thấy trước những khó khăn mà các Tông-đồ phải đương đầu với khi các ông phải hướng dẫn con thuyền Giáo Hội sau này; nên Ngài chuẩn bị cho các ông bằng biến cố biển động hôm nay.
Từ Tiberias, nơi các Tông đồ khởi hành khởi hành, đến Capernaum, nơi các ông muốn tới không xa lắm; nhưng đêm ấy biển động vì gió thổi mạnh. Khi đã chèo được chừng năm hoặc sáu cây số, các ông thấy Chúa Giêsu đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền. Điều này làm các ông hoảng sợ, vì từ trước tới giờ, các ông chưa từng được chứng kiến một con người đi trên nước. Chỉ có ma quỉ với làm được việc ấy. Vì thế, nỗi lo sợ các ông tăng gấp đôi.
2.2/ Chúa Giêsu trấn an các ông: “Thầy đây! Đừng sợ!” Các ông muốn rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc đó thuyền đã tới bờ, nơi các ông định đến. Nhiều lần trong cuộc đời công khai rao giảng, Chúa Giêsu đã nói những lời tương tự với các môn đệ: Khi hiện ra với các Tông-đồ sau khi sống lại, Chúa nói với các ông: “Đừng sợ!” (Matthew 28:10). Những lời từ giã cuối cùng của Ngài với các ông: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (John 14:27).
Hay khi chọn Phêrô để xây dựng Giáo Hội, Ngài đã nói với ông “Phêrô! Con là đá, và trên đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy. Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời và quyền lực của hỏa ngục cũng không thắng được” (Matthew 16:18). Một khi sống trong sự bảo vệ của Ngài, con người không có gì phải sợ hãi nữa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Khi phải đương đầu với khó khăn và xung đột, cả hai thái độ tức giận chửi rủa và từ chối rút lui đều phải tránh. Chúng ta cần phối hợp cả hai: sự trợ giúp tinh thần của Chúa và sự tế nhị trong cách đối xử, để giải quyết vấn đề cách khôn ngoan và bác ái.
– Tất cả các tín hữu đều có bổn phận góp phần trong việc mở mang Nước Chúa. Những nhà lãnh đạo cần biết khôn ngoan hướng dẫn để mọi thành phần của Dân Chúa đều có cơ hội đóng góp tùy khả năng và hoàn cảnh của họ.
– Khi những khó khăn xảy đến, đừng sợ! Hãy bình tĩnh, cầu nguyện, và tìm cách đối phó.
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống