Lạy Chúa, Ngài Vẫn Ngủ Sao?

Chúa Nhật 12 Thường Niên B

chuaNgu

Mc 4, 35-41

Trong hành trình rao giảng Tin mừng, Biển hồ Galilê là nơi thường xuyên chứng kiến những phép lạ Chúa Kytô thực hiện. Phép lạ Chúa Kytô thực hiện hôm nay không ngoài mục đích củng cố đức tin cho các môn đệ, đồng thời biểu lộ uy quyền của Thiên Chúa vượt trên mọi thế lực ác thần.

Ý định băng qua bên kia Biển hồ vào lúc trời đã về chiều của Chúa Giêsu quả là một ý định táo bạo nếu không muốn nói là liều lĩnh, bất chấp hiểm nguy. Lý do là vì, theo quan niệm thời đó, biển luôn được xem là biểu hiện cho những gì nguy hiểm, tối tăm và sợ hãi. Và, biển động sóng gào biểu trưng cho một thế giới hỗn loạn và phường tội lỗi như Ngôn sứ Isaia loan báo (x. Is 57, 20). Mặt khác, sang bờ bên kia, tức phía đông Biển Hồ, thuộc miền Thập tỉnh vào thời điểm trên không chỉ tạo điều kiện cho ma quỷ xuất hiện quậy phá- vốn ưa thích màn đêm, mà còn là miền đất thuộc dân ngoại vốn thù hằn với dân Dothái.

Mặc dù thế, Chúa Giêsu không chỉ đem theo các môn đệ mà còn dẫn theo một số thuyền khác vượt đại dương giữa trời đêm. Phải chăng đây là dụng ý của thánh sử Máccô đưa một số thuyền khác đi theo Chúa Giêsu và các môn đệ như là những đồng chứng nhân với các môn đệ? Vâng, đúng thế. Chúng ta biết, những phép lạ Chúa Giêsu thực hiện quanh Biển hồ không chỉ cho các môn đệ, mà còn cho dân chúng, cho người Dothái, cho dân ngoại nữa. Chính vì thế, phép lạ Chúa Giêsu sắp thực hiện giữa Biển hồ rất quan trọng không chỉ cho đức tin các môn đệ mà còn cho cả dân chúng – những người “liều mạng” bước theo Người.

Con thuyền lướt sóng ra khơi, hướng về bờ bên kia rẽ sóng giữa màn đêm vây kín. Và, những gì đến tất sẽ đến. Bão tố cuồng phong bỗng dưng ập đến. Xung quanh ngập tràn tiếng thét gào của mãnh lực thiên nhiên. Tất cả như muốn nuốt chửng con thuyền vốn hom hem nhỏ bé chẳng đáng gì trước trận cuồng phong. Các môn đệ, dù kinh nghiệm về biển có thừa vẫn hốt hoảng lo lắng cho số phận không biết sẽ ra sao. Riêng một mình Chúa Giêsu vẫn an nhiên tự tại, đắm chìm trong giấc ngủ như không có gì xảy đến. Lạ quá, lạy Chúa, đến nước này mà Ngài vẫn ngủ sao? Các môn đệ cuống cuồng lo lắng và tự hỏi. Lẽ ra Người phải thức tỉnh cùng các ông để cùng nhau bàn tính lèo lái con thuyền vượt qua cơn hiểm nguy này chứ. Thế mà… Người vẫn ngủ!

“Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”. Tiếng nài van của các môn đệ cất lên trong nổi tuyệt vọng. Khi con người đối diện với những gian nan khốn khó, đối diện với những mãnh lực ác thần, họ mới thấy tài hèn sức yếu của mình. Đứng trước số phận ngàn cân treo sợi tóc, họ mới thấy cần biết bao đến quyền năng của Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ ra tay đúng lúc để đáp ứng tiếng van nài của họ. Chúa Giêsu thức dậy, và Người ra lệnh cho sóng biển lập tức lặng yên. “Im đi! Câm đi!”. Phép lạ phát sinh hiệu quả. Sóng yên biển lặng như tờ. Chúng ta thấy Chúa Giêsu ra lệnh cho sóng biển giống như Người đã ra lệnh cho quỷ xuất khỏi người bị thần ô uế ám ở Caphácnaum (x. 1, 25). Cho hay, phép lạ Người thực hiện hôm nay- cách nào đó, cho thấy ma quỷ vẫn luôn luôn rình rập để hãm hại con người. Vì thế, điều cần thiết, là con người hãy giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa để có thề thắng vượt trước mọi sự dữ.

Cuộc sống trần gian, tự nó đã là một gian nan khốn khó; bước theo Chúa Kytô, vâng lệnh Người, nhổ neo cuộc đời ra khơi, lại càng không ít những khó khăn thử thách. Thế nhưng Tin mừng hôm nay làm chúng ta an tâm. An tâm, bởi con thuyền cuộc đời chúng ta ra khơi, giữa phong ba bão táp, giữa những thử thách gian truân vẫn luôn có Chúa là viên thuyền trưởng, hướng dẫn con thuyền vượt sóng. An tâm, bởi Chúa luôn xuất hiện đúng lúc đúng thời để ra tay nâng đỡ chúng ta trước những khó khăn. An tâm, bởi chúng ta biết chúng ta tin vào Đấng chiến thắng mọi thế lực ác thần và sự chết. An tâm, bởi từ nay, cuộc đời chúng ta đã trao vào tay Chúa, tín thác mọi sự trong sự quan phòng của Thiên Chúa, vì như thánh Phaolô, “tôi biết tôi tin vào ai” (2 Tm 1, 12).

Xin cho Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta vững tin vào sự hiện diện của Chúa. Để trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, chúng ta luôn có Chúa ở vị trí hoa tiêu để hướng dẫn và can thiệp kịp thời, giúp chúng ta đến bến bờ bình an.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb