Lạy Thầy, Con Muốn Nhìn Thấy Được!

CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN (B)

Gr 31: 7-9; Tv 126; Dt 5: 1-6; Mc 10: 46-52

Thưa quí vị,

Những ngày này chắc chắn có nhiều điều phấn khởi ở Florida ! Khi tôi đang viết bài chia sẻ này thì cũng đang diễn ra giải xổ số của tiểu bang trị giá 100 triệu USD. Người ta từ các bang lân cận đang đổ dồn về Florida để mua vé số. Nhiều người hy vọng rằng thắng được số tiền lớn như thế sẽ thỏa mãn được mơ ước cả đời của mình và giải quyết được mọi vấn đề. Nhưng như một câu ngạn ngữ cổ như thế này: “Cẩn trọng với những mong ước của bạn.”

Khoảng một năm trước tôi có đọc một câu truyện trên báo viết về những người trúng số độc đắc. Hẳn rằng, có nhiều người trúng số, nhưng thay vì hưởng được cuộc sống hạnh phúc vô biên với tất cả những giấc mơ thành hiện thực, thì lại có một kinh nghiệm hoàn toàn ngược lại. Câu truyện của một số người này thật bi thảm: có người phải li dị; rồi những xung đột xảy ra giữa các thành viên trong gia đình; mất bạn bè; có người bị ám sát, người khác lại bị đe dọa – vài người khác sau khi trúng số ít lâu lại đối mặt với việc bị phá sản ! Chỉ là người ta không thể xoay sở với gia tài mới có được này, nơi họ, tất cả đã thay đổi. Hơn một lần “người may mắn trúng số” này đã than thở “Phải chi tôi đã không trúng số! Ước gì tôi có lại được cuộc sống như xưa!”

Ba-ti-mê được gọi là “người ăn xin mù” nhưng đó không phải tất cả thân phận của anh. Thực ra, đó chỉ là một phần hoàn cảnh của anh ta – anh ta đã nhìn ra nhiều thứ. Anh biết nhu cầu của mình, anh biết mình mù lòa và biết phải dựa vào đâu. Anh không thất vọng vì tiếng nói ồn ào xung quanh của những người muốn át tiếng anh, muốn anh phải im lặng. Thực vậy, chính sự trái nghịch đó đã làm nổi bật vấn đề. Hoàn cảnh của anh đúng như câu tục ngữ Ba-tư rằng: “Người mù mà thấy, mà biết thì tốt hơn kẻ sáng mắt mà mù tịt.” Batimê có thể bị khiếm khuyết ánh sáng thể lý nhưng anh lại có cái nhìn tinh thần sáng suốt, anh đã gọi đức Giêsu bằng danh hiệu của đấng Messia: “Lạy Con Vua Đavít.”

Batimê xin được nhìn thấy, đối với chúng ta, đó phải là một yêu cầu rất can đảm. Nhiều người không muốn thấy những cái sờ sờ ngay trước mắt mình: vấn nạn hôn nhân, tham việc đến độ làm phương hại đến gia đình, con cái nghiện ma túy, bạn bè với những giá trị đáng ngờ, … Phải can đảm mới dám xin được sáng mắt vì nó sẽ đòi ta phải thay đổi – có khi là những thay đổi tận căn mà người ta có thể chưa chuẩn bị hoặc chưa sẵn sàng thực hiện.

Ngày kia tôi đến hiệu thuốc gần nhà và những trang trí Giáng sinh đã đập vào mắt tôi. Giáng sinh đến ngày càng sớm hơn. Những dây đèn nháy và biển quảng cáo sáng rỡ. Không chỉ trẻ em mới bị quảng cáo lôi cuốn. Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng bị hút vào đó để rồi chợt nhận ra những nhu cầu mà chúng ta chưa hề nghĩ là mình có. “Những nhu cầu” – Thực ra chúng ta không cần tất cả mọi nhu cầu đó.

Batimê biết những nhu cầu của mình và khi đức Giêsu hỏi “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” anh đã trả lời ngắn gọn và rõ ràng: “Lạy Thày, xin cho tôi nhìn thấy được.” Thỉnh cầu của Batimê với Đức Giêsu phải là lời cầu nguyện của chúng ta khi mà mùa Giáng sinh của người Công giáo đang đến sớm hơn và sự sao nhãng ngày càng mạnh hơn: “Lạy Thày, xin cho con nhìn thấy được!” Lời nguyện này chúng ta có thể cất lên ở những giây phút khác trong đời, khi chúng ta vật lộn với khủng hoảng gia đình, khi cố gắng quyết định về việc chăm sóc người bạn hay cha mẹ đang ốm nặng; khi đối diện với những căng thẳng vợ chồng; liên quan đến những tranh luận nảy lửa với bạn bè; hay khi loay hoay tìm cách giản lược cuộc sống chúng ta để có thể đáp ứng những nhu cầu của người khác, …

Những lời của Batimê có thể là lời nguyện của chúng ta khi đứng trước ngã rẽ cuộc đời mình – khi ta cố gắng đưa ra những quyết định liên quan đến công việc, khóa học, và thậm chí là bạn trăm năm trong tương lai. Những lúc đó, chúng ta cùng với Batimê khẩn nài: “Lạy Thày, con muốn nhìn thấy được!” Những quyết định thường ngày của chúng ta ở nhà, ở trường học, chỗ làm hay ở nhà thờ có vẻ trần tục và nếu nói thật ra thì chẳng quan trọng gì. Nhưng những quyết định đó cũng vẫn phải có và trong mức độ nào đó, làm nên cuộc sống chúng ta – “Lạy Thày, con muốn nhìn thấy được!”

Giờ chúng ta đã có đủ kinh nghiệm để nhận ra trong quá khứ ta đã có những quyết định mù quáng. Chúng ta nhìn lại và xem xét kết quả của chúng; chúng ta ước rằng đã hành động sáng suốt hơn; nhìn rõ hơn. Nếu chúng ta có thể quay lại quá khứ và làm lại những gì chúng ta đã làm; đi một con đường khác; có những chọn lựa tốt hơn. Nhưng, không gì có thể đảm bảo là chúng ta lại không đưa ra những quyết định ngớ ngẩn, chúng ta có thể cũng lại chọn lựa sai lầm. Nhưng cảm giác có Chúa trong những quyết định lớn, nhỏ ảnh hưởng đến đời sống chúng ta và cả những người xung quanh. Lời nguyện của Batimê: “Lạy Thày, con muốn nhìn thấy được!” là lời thú nhận thường ngày rằng chúng ta không nhìn thấy rõ ràng nơi chính chúng ta và vì thế cần có ánh sáng của Chúa trong cuộc đời chúng ta.

Đức Giêsu đặt cho Batimê một câu hỏi đầy quyền năng: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Đó cũng là câu hỏi mà Người đang hỏi chúng ta – hãy lắng nghe xem? Đó là lời mời gọi tin tưởng và tín thác vào lời hứa rằng: nếu chúng ta xin được sự hiểu biết để hướng dẫn cuộc đời mình, chúng ta sẽ nhận được. Có thể chúng ta nhận được ngay lập tức – nhưng thường thì, trong suốt cuộc đời chúng ta – ngày qua ngày, từng bước một, và từng chút từng chút.

Đức Giêsu gặp Batimê trên đường lên Giêrusalem. Đó là nơi chúng ta gặp Người – khi chúng ta du hành trong cuộc đời chúng ta, đôi khi thấy chính mình trong chính thành Giêrusalem của mình, nơi của khốn khổ và cùng tận. Nơi đó chúng ta bị mất phương hướng và bối rối trước những thay đổi chúng ta phải chịu và tiêu hủy kế hoạch của chúng ta, chúng ta lại phải gào lên lời khẩn nguyện: “Lạy Thày, con muốn nhìn thấy được!” Chúng ta muốn gặp được Giêsu trong hoàn cảnh mới mẻ này; chúng ta muốn biết rằng mình không bị bỏ rơi một mình đối diện với kết cục đáng sợ này. Kết thúc của câu chuyện Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một niềm hy vọng. Sau khi Batimê được thấy, anh đã đi theo đức Giêsu “trên con đường Người đi”, con đường dẫn lên Giêrusalem. “Con đường”, là khái niệm đầu tiên để chỉ những môn đệ của Đức Giêsu. “Con đường” là viết tắt của từ đường lối của Đức Giêsu. Thánh Maccô muốn nói rằng, anh mù đó đã trở thành môn đệ của thày Giêsu nhờ qua ánh sáng mà Đức Giêsu ban cho anh. Chúng ta những môn đệ của Đức Giêsu tin rằng, dù gặp phải bất kỳ cảnh ngộ nào trên hành trình cuộc đời, Đức Giêsu luôn đi phía trước chúng ta, biết nỗi khổ đau của chúng ta đồng hành với chúng ta từng bước “trên đường.” Khi chúng ta lên đường, chúng ta cầu nguyện không ngừng: “Lạy Thày, con muốn nhìn thấy được!”

Nhưng hãy sẵn sàng! Hãy nhớ câu cổ ngữ rằng: “Cẩn trọng với những gì mình ước ao?” Vâng, chúng ta cũng có thể nói: “Cẩn trọng với những gì chúng ta cầu xin.” Nếu chúng ta xin được nhìn thấy, thì sẽ được thấy. Nhưng chúng ta cần can đảm và dứt khoát để thực hiện những gì mà “ánh sáng Chúa ban” tỏ lộ cho chúng ta biết và chấp nhận những thay đổi mà ánh sáng hiểu biết mới đòi hỏi nơi chúng ta. Đó là điều mà chúng ta cầu xin trong Tiệc Thánh Thể hôm nay – xin được nhìn thấy – và rồi xin được can đảm và có quyết tâm để thực thi những gì giờ đây chúng ta thấy cần phải thực hiện trong cuộc đời mình.

Batimê là thánh bảo trợ của chúng ta ngày hôm nay, nếu chúng ta cũng: ngồi bên vệ đường; hướng về phía trước; dám nhận ra nhu cầu ánh sáng nhận biết của chúng ta trong thế giới phúc tạp này. Chúng ta là những người có đức tin, là có ánh sáng mà trước đây Batimê đã nhận được; như Batimê, chúng ta theo Đức Giêsu lên “ Đường.” Đường của việc đón nhận những người ngoại; tha thứ cho những ai làm mất lòng ta; đón nhận mọi người bình đẳng như nhau; trở nên một cộng đoàn trong đó chúng ta xem nhau là anh chị em, và như những người môn đệ cùng nhau “lên đường.” Amen.

Lm. Jude Siciliano, OP
Chuyển ngữ Hoàng Vinh, OP