A. Khám phá sứ điệp Lời Chúa hôm nay
Các bài đọc của Lễ hôm nay cho thấy những ơn phúc mà Chúa đã ban cho Đức Mẹ:
– Bài đọc I trích sách Khải Huyền mô tả những nét huy hoàng của Đức Mẹ: “Một người Phụ Nữ mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao”.
– Bài đọc II trích thư 1 Côrintô ám chỉ Đức Mẹ là người đầu tiên được hưởng ơn sự sống trường sinh mà Chúa Giêsu phục sinh đã khơi mào: “Cũng như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô cũng được Thiên Chúa cho sống”.
– Bài Tin Mừng cho chúng ta biết lý do tại sao Đức Mẹ được nhiều đặc ân như thế: đó là, như lời Bà Êlisabét, “Em thật có phúc, vì đã tin…”
B. Tìm hiểu sứ điệp
1. Bài đọc I (Kh 11,9a; 12,1-6a.10ab)
Trong một thị kiến, tác giả sách Khải huyền nhìn thấy “Một người Phụ Nữ mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao”.
Ý nghĩa đầu tiên của Người Phụ Nữ này là chính Giáo Hội.
Nhưng theo nghĩa áp dụng, Người Phụ Nữ này cũng là Đức Maria, người được Thiên Chúa yêu thương điểm trang bằng muôn vàn đặc ân cao quý.
2. Bài đọc II (1 Cr 15,20-27)
Thánh Phaolô nói với tín hữu Côrintô về ơn sống lại:
– Ơn sống lại này do Đức Giêsu Kitô khai mạc. Ngài là kẻ đầu tiên sống lại từ cõi chết.
– Tiếp theo, tất cả những ai liên kết với Đức Kitô thì cũng được chia xẻ ơn sống lại ấy.
Đức Maria là người liên kết mật thiết nhất với Đức Giêsu Kitô cho nên Người cũng là người đầu tiên được chia xẻ ơn sống lại.
Vì tin như thế nên Giáo Hội công bố tín điều Đức Mẹ lên trời.
3. Bài Tin Mừng (Lc 1,39-56)
Đoạn Tin Mừng này gồm 2 lời ca tụng: bà Êlisabét ca tụng Đức Maria; và Đức Maria ca tụng Thiên Chúa. Cả hai lời ca tụng đều nói đến những đặc ân mà Đức Maria được hưởng:
a/ Bà Êlisabét ca tụng Đức Maria:
– Maria người được chúc phúc hơn tất cả mọi người nữ
– Maria là Thân Mẫu của Đức Chúa
– Sở dĩ Maria được như thế là vì Maria đã tin vào Lời Chúa.
b/ Đức Maria ca tụng Thiên Chúa:
– Tuy Maria chỉ là một nữ tì hèn mọn nhưng đã được Thiên Chúa đoái thương nhìn tới
– Đó là cách làm thường xuyên từ xưa đến nay của Thiên Chúa: Đời nọ đến đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Ngài; Chúa hạ bệ những kẻ kiêu căng và nâng cao những người khiêm tốn.
C. Rao giảng sứ điệp
- Gợi ý giảng
1. Có phúc vì đã tin
Bà Êlisabét đã công nhận một sự thật: Đức Maria là người có phúc hơn tất cả mọi phụ nữ (câu 42). Thực ra Êlisabét nói chưa đủ, phải nói là Đức Maria có phúc hơn tất cả mọi người.
Được Thánh Thần soi sáng (câu 41), bà Êlisabét còn biết do đâu mà Đức Maria có phúc như thế: “Em thật có phúc vì đã tin” (câu 45a).
Tin là lý do để được Thiên Chúa chúc phúc; tin là nguồn hạnh phúc.
Nhưng thế nào là “Tin”? Câu hỏi này sẽ tìm được câu trả lời nơi cách sống của Đức Mẹ:
– Trước hết là không hồ nghi về những điều Chúa hứa (câu 45b): Qua miệng Thiên sứ, Chúa đã hứa “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Lc 1,35). Những lời hứa này quá cao trọng đến nỗi một thôn nữ tầm thường như Maria khó mà tin được. Dù vậy Maria vẫn tin. Chúa còn hứa rằng “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Theo lý thuyết thì đúng là như vậy. Nhưng trên thực tế, ít ai dám tin như Đức Maria, bởi vì có nhiều việc người ta không tin là Thiên Chúa làm được, cho nên người ta tự làm, hay nhờ những kẻ khác làm giúp.
– Tiếp đến, vì không hồ nghi về những điều Thiên Chúa hứa nên phó thác đời mình cho Thiên Chúa dẫn dắt. Đức Maria đã để Thiên Chúa dẫn dắt vào đời sống hôn nhân, để Thiên Chúa cho mình mang thai, để Thiên Chúa xử lý tình huống rắc rối của một thiếu nữ chưa về nhà chồng mà có thai… Tóm lại là để cho ý Chúa luôn thành sự nơi cuộc đời mình (Lc 1,38: “Xin hãy thành sự nơi tôi như lời Thiên sứ nói”)
– Những điều Thiên Chúa đã hứa với Đức Maria (Thánh Thần ngự xuống; Đấng Tối cao rợp bóng) thì Ngài cũng hứa với chúng ta. Lời Thiên Chúa khẳng định với Đức Maria (“Không có gì mà Thiên Chúa không làm được”) thì Ngài cũng khẳng định với chúng ta. Nếu chúng ta cũng tin như Đức Mẹ và cũng phó thác đời mình cho Thiên Chúa dẫn dắt như Đức Mẹ thì chúng ta cũng sẽ hạnh phúc như Đức Mẹ.
2. Có phúc vì “nghèo”
Trong bài ca Magnificat, Đức Maria nhìn nhận rằng mặc dù thân phận Người chỉ là một “nữ tì hèn mọn” (câu 48a) nhưng sở dĩ Người được “hết mọi đời khen rằng diễm phúc” (câu 48b) chỉ vì Chúa quen ưu ái kẻ nghèo hèn (câu 53).
Thế nào là nghèo
Trong Thánh Kinh, người nghèo (anaw) là người không tìm chỗ dựa nơi tiền bạc của cải, nơi tài trí bản thân, nơi uy quyền người thế… mà chỉ dựa hoàn toàn vào một mình Thiên Chúa mà thôi. Mà Thiên Chúa rất hào hiệp, ai dựa vào Ngài thì Ngài hết lòng bảo vệ, chở che và ban muôn hồng phúc.
Do đó “nghèo” cũng là lý do để được chúc phúc và cũng là nguồn hạnh phúc.
Bài ca Magnificat nhắc chúng ta xét lại xem chỗ dựa của chúng ta là đâu.
II. Để tham khảo thêm
1. Vinh quang của Đức Mẹ
Đức Maria là người phàm duy nhất được lên trời cả hồn và xác. Chẳng những thế, Người còn được tôn làm Nữ vương trời đất. Bởi đâu mà Đức Mẹ được hưởng vinh quang cao cả như vậy? Câu chuyện sau đây sẽ giúp chúng ta hiểu được lý do.
Ở một vùng đất xa xôi hẻo lánh kia có một bộ lạc sinh sống. Năm đó trời hạn hán không mưa nên mùa màng thất bát, cuộc sống khổ cực. Dân bộ lạc tổ chức một buổi lễ cầu mưa. Họ cầu nguyện rằng: “Lạy thần linh, xin chỉ cho chúng con biết chúng con đã phạm tội gì để đáng bị trừng phạt như vậy. Và xin dạy chúng con biết phải làm gì để có mưa”. Họ cầu nguyện như thế suốt 3 ngày nhưng trời vẫn không mưa xuống.
Khi đó những người lớn tuổi rủ nhau lên đồi, vì họ nghĩ rằng lên đó họ sẽ nghe được tiếng trả lời của thần linh trong các luồng gió thổi tới. Và quả thực họ đã được nghe câu trả lời: Lý do khiến họ bị hạn hán là vì họ quá ích kỷ: bấy lâu nay họ chỉ biết khai thác đất đai mà không ban lại cho đất cái gì để nuôi dưỡng đất gì cả. Vậy, để khỏi bị trừng phạt thì họ phải lấy những thứ quý giá nhất trong nhà đem đốt đi thành tro rồi rải xuống đất. Mọi người cảm tạ thần linh đã chỉ bảo và hứa sẽ làm theo. Nhưng khi trở về nhà, nhìn những đồ vật quý giá thì họ lấy làm tiếc. Vì thế, thay vì những món đồ quý, họ chỉ lấy những thứ xoàng xỉnh mà đốt. Dĩ nhiên trời vẫn không mưa.
Trong bộ lạc có một cô bé tên là Miriam. Cô có một con búp bê xinh xắn mà cô quý nhất trên đời. Cô bé hiểu được lý do khiến trời không mưa là vì người ta đã tiếc không dám dâng hiến cho thần linh những thứ quý giá nhất. Thế là cô mang con búp bê lên đồi, đốt nó đi, vừa đốt vừa khóc. Đốt xong, cô lấy tro rải lên mặt đất, rồi ngủ thiếp đi. Khi cô tỉnh dậy thì cả ngọn đồi đều mọc đầy hoa, những cành hoa mọc lên từ đám tro của con búp bê mà cô bé đã đốt. Việc làm của cô bé đã khiến dân làng hiểu ý thần linh: họ xấu hổ vì đã không dám hy sinh nghe lời thần linh như cô bé Miriam. Thế là ai nấy về nhà lấy tất cả những thứ quý giá nhất đem đốt. Ngay sau đó thì trời đổ mưa. Mọi người tung hô cô bé Miriam như một vị anh hùng đã cứu sống cả bộ lạc.
Câu chuyện trên chỉ là truyền thuyết và có thể là hư cấu. Nhưng nó giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của ngày lễ hôm nay. Cô bé trong câu chuyện tên là Miriam, cũng giống tên Đức Mẹ Maria; Cô bé Miriam được thần linh tôn vinh bằng cách cho bông hoa trổ đầy trên ngọn đồi nơi cô bé ngủ, cô cũng được dân làng tôn vinh như vị cứu tinh của bộ lạc là vì cô đã dám hy sinh món đồ chơi mà cô quý nhất trên đời. Đức Maria cũng thế, Người được tôn vinh làm Nữ vương trời đất và được lên trời cả hồn và xác là vì Mẹ đã hy sinh tất cả cho Chúa: Chúa muốn gì Mẹ cũng vâng theo: (1) Mẹ muốn sống cuộc đời đồng trinh, nhưng khi Thiên Chúa muốn Mẹ thụ thai sinh hạ Chúa Giêsu, Mẹ đã thưa “Xin Vâng”; (2) Chúa Giêsu là người con duy nhất của Mẹ, là nguồn hạnh phúc của Mẹ trong gia đình và là nơi nương tựa của Mẹ trong tuổi già, nhưng vì Thiên Chúa muốn nên Mẹ cũng sẵn sàng hy sinh để Chúa Giêsu ra đi rao giảng Tin Mừng và chịu nạn chịu chết trên Thánh giá để chuộc tội cho nhân loại. Đúng như lời bà Êlisabét nói trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe hồi nãy, Đức Mẹ có phúc hơn tất cả mọi người là vì Đức Mẹ luôn làm theo ý Chúa, luôn “xin vâng” với Chúa.
Gương Đức mẹ dạy chúng ta 2 điều: (1) Chúng ta thường nghĩ rằng hạnh phúc là do “được”, có được những gì mình mong muốn. Đúng vậy. Nhưng hạnh phúc cũng còn do hy sinh, do dám cho đi, cho đi những gì mình tha thiết nhất. Có khi hạnh phúc bởi cho đi còn sâu đậm và cao cả hơn hạnh phúc do nhận được; (2) Đặc biệt trong tương quan giữa chúng ta với Chúa, chúng ta thường chỉ xin Chúa ban cho chúng ta, khi thì xin điều này khi thì xin điều khác, chỉ xin và xin, chỉ nhận và nhận. Ít khi chúng ta cho Chúa, hy sinh vì Chúa. Thực ra Chúa không cần chúng ta cho Ngài điều gì cả. Những thứ mà chúng ta cho Chúa cũng chẳng đáng gì cả. Nhưng những thứ nhỏ bé mà chúng ta cho Chúa như thế chứng tỏ tấm lòng của chúng ta đối với Chúa. Và để đáp lại, Chúa sẽ ban lại cho ta gấp bội.
Noi gương Đức Mẹ Maria, chúng ta hãy tập lắng nghe tiếng Chúa và tập thường xuyên thưa lại với Chúa 2 tiếng “Xin Vâng” (Viết theo Flor Mc Carthy).
2. Đức Mẹ lên trời và Thánh Truyền
Các sách Tân Ước nói rất ít về Đức Mẹ, lần cuối cùng Người được nói đến là khi Người ở giữa các tông đồ trong nhà Tiệc Ly để đón Chúa Thánh Thần hiện xuống. Sau đó Sách Thánh không nói gì về Người nữa. Nhưng Thánh Truyền thì có nói.
Theo Sách Thánh, trước khi tắt thở, Chúa Giêsu đã trối Đức Mẹ lại cho thánh Gioan chăm sóc. Thánh Truyền cho biết thêm là sau đó thánh Gioan đưa Người về ở chung với mình trong một ngôi nhà ở Êphêxô. Rồi cũng như mọi người khác, Đức Mẹ ngày càng già yếu đi. Nhưng không như mọi người khác, Đức Mẹ được hưởng đặc ân vô nhiễm nguyên tội nên đương nhiên cũng không phải chịu những hậu quả của nguyên tội, tức là không phải bệnh hoạn và không phải chết. Vậy thì Người rời khỏi cuộc sống trần gian này như thế nào Cũng theo thánh truyền, từ khi Chúa Giêsu lên trời, lòng Đức Mẹ lúc nào cũng thương nhớ con mình và rất ước ao được gặp lại con. Những niềm thương nỗi nhớ đó khiến một ngày kia Người lịm đi. Thánh Gioan tưởng là Người đã chết nên cũng lo an táng như mọi người khác, rồi cho người đi báo tin cho các tông đồ. Khi các tông đồ trở về, họ mở mồ Đức Mẹ ra mong được thấy mặt Người lần chót, nhưng khi mở ra thì ngôi mồ trống không: khi đó các ông tin là Chúa đã rước Người lên trời.
Năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tuyên bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời: “Đức Maria, Mẹ vô nhiễm của Thiên Chúa, trọn đời đồng trinh, vào cuối cuốc sống trần gian đã được đưa lên chốn vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác”.
Khi tuyên bố tín điều này, Đức Giáo Hoàng đã chuẩn nhận những dữ kiện Thánh Kinh và Truyền thống sống động của Giáo Hội trải qua nhiều thế kỷ.
Chúng ta nên hiểu cho đúng kiểu nói “được đưa lên chốn vinh quang trên trời”. Đây là kiểu nói của loài người, bị giới hạn trong các phạm trù không gian và thời gian. Khi loài người muốn diễn đạt những điều siêu nhiên (vượt khung không gian và thời gian) thì ngôn ngữ loài người trở thành bất lực. Loài người chỉ biết tạm mượn những cách diễn tả của phạm trù không gian và thời gian ấy, nhưng ta phải hiểu cao hơn và xa hơn. Trong ngôn ngữ loài người chúng ta, “trời” chỉ cái gì tốt đẹp cao cả, còn “đất” chỉ cái gì xấu xa thấp hèn; “lên” chỉ sự tiến tới một tình trạng tốt hơn, còn “xuống” chỉ sự thụt lùi về một tình trạng xấu hơn.
Thành ra nói Đức Mẹ lên trời là nói đến sự thay đổi tình trạng sống của Đức Mẹ, tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, vinh quang hơn. Cho nên hôm nay Giáo Hội mừng Đức Mẹ lên trời là mừng tất cả những hạnh phúc và vinh dự của Người: Người là Mẹ sinh ra Chúa Cứu Thế, Người được đặc ân vô nhiễm nguyên tội, Người được Thiên Chúa đặt làm Nữ Vương vũ trụ, tắt một lời, Người là Đấng hạnh phúc và vinh quang vô cùng…
Do đâu mà Đức Mẹ được diễm phúc như vậy? Trong bài Tin Mừng hôm nay chính Đức Mẹ cho chúng ta biết được lý do: Bài ca Magnificat của Đức Mẹ được các nhà Thánh Kinh gọi bằng một tên khác nữa là “Bài ca của người nghèo”. Trong Thánh Kinh, anaw Yahweh, người nghèo của Yavê, là người không có tiền bạc cho nên không cậy dựa vào tiền bạc, có người cũng có tiền nhưng không dựa vào tiền mà chỉ dựa vào Chúa; người nghèo của Yavê còn là người không có quyền thế địa vị cho nên không dựa vào quyền thế và địa vị, có người cũng có quyền thế địa vị nhưng họ không dựa vào đó mà chỉ dựa vào Chúa thôi; người nghèo của Yavê còn là người không cậy dựa vào tài năng, học thức, sức mạnh… Tóm lại người nghèo của Thiên Chúa hoàn toàn không cậy dựa vào bất cứ thứ gì khác, chỉ cậy dựa vào một mình Thiên Chúa mà thôi. Và đây là chỗ dựa vững chắc và an toàn nhất, vì thế chính Thiên Chúa nâng họ lên, chính Thiên Chúa ban cho họ muôn của cải đầy dư, Chúa làm cho họ biết bao điều trọng đại… Thực ra Đức Maria đâu có gì hơn chúng ta, thâm chí còn thua kém chúng ta nữa: một thiếu nữ quê mùa, yếu ớt, ít học, nghèo nàn sinh trưởng tại làng Nazarét nhỏ bé vô danh… Chỉ vì Đức Mẹ khiêm tốn, biết chọn đúng Thiên Chúa làm chỗ dựa duy nhất cho đời mình nên Thiên Chúa đã làm tất cả những điều cao cả tốt đẹp cho Người. Như lời Người đã hát: “Đấng toàn năng đã làm cho tôi bao điều cao cả… Chúa hạ bệ những kẻ kiêu căng và nâng cao những người khiêm nhượng… Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có đuổi về bàn tay trắng…”.
3. Cảm nghiệm ơn Chúa
Nếu có ai hỏi: Làm thế nào để tiến bộ trên đường đạo đức, thay đổi nếp sống cũ, biết dấn thân mến Chúa yêu người hơn? Tôi xin thưa: điều quan trọng nhất khởi đầu cho một nếp sống mới là: cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa trong đời mình. Khi đã nhận biết mình được Thiên Chúa yêu thương, ta sẽ không thể làm điều gì khác hơn là mong muốn đáp lại tình yêu ấy.
Tình yêu kêu gọi tình yêu. Tình yêu đáp trả tình yêu. Chúa Thánh Thần, nguồn tình yêu của Thiên Chúa, sẽ giúp ta nhận biết tình yêu Thiên Chúa và soi sáng thúc giục ta đáp lại tình yêu ấy.
Sau khi Đức Mẹ ngoan ngoãn nói lên lời “xin vâng”, Chúa Thánh Thần xuống tràn đầy tâm hồn Đức Mẹ. Đức Mẹ mở rộng tâm hồn đón nhận và để mặc Người hướng dẫn cuộc đòi mình. Từ đây, cuộc đời Đức Mẹ hoàn toàn biến đổi. Đức Mẹ trở nên một dụng cụ ngoan ngoãn trong tay Chúa Thánh Thần, hiến dâng trọn vẹn tâm hồn và thân xác để đáp lại tình yêu vô biên của Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy những tác động của Chúa Thánh Thần trên Đức Mẹ.
Tác động thứ nhất: sự vội vã. Vội vã đây không phải là sự vội vàng hấp tấp. Cũng không phải là nôn nóng lo âu. Sự vội vã ở đây có nghĩa là sự nhiệt tình hăng hái. Cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa trong tâm hồn, Đức Mẹ mau mắn, tha thiết muốn đáp trả. Nếp sống của cô thôn nữ Maria đã thay đổi. Từ một thôn nữ dịu dàng, sống êm đềm trong cuộc đời bình dị, Đức Mẹ giờ đây trở nên linh hoạt, nhanh nhẹn, hăng hái đền đáp lại Tình Chúa Yêu Thương. Từ một thôn nữ vui với công việc nội trợ, khép mình trong làng xóm, Đức Mẹ đã mở cửa ra đi. Sự mở cửa ra đi làm ta nhớ tới tác động của Chúa Thánh Thần trên các Tông đồ.
Tác động thứ hai: tâm tình tạ ơn. Cảm nghiệm được tình Chúa thương yêu, lòng Đức Mẹ tràn đầy niềm cảm mến biết ơn. Niềm tri ân cảm tạ đầy ứ trong lòng chỉ chờ dịp tuôn ra thành lời. Cảm nghiệm về ơn lành vô biên của Thiên Chúa cũng là cảm nghiệm về sự thấp hèn bất xứng của mình. Hai cảm nghiệm song song đó càng nâng cao, càng đào sâu niềm tri ân cảm tạ. Cảm nghiệm ấy đã biến đổi Đức Mẹ, từ một cô gái kín đáo, âm thầm trở nên một thi sĩ, một ca sĩ lớn tiếng ca tụng Tình Yêu Thiên Chúa đối với kẻ nghèo hèn. Chúa Thánh Thần đã biến Đức Mẹ thành ngòi bút thi sĩ như lời Thánh vịnh: Tim tôi dâng ý thơ tuyệt diệu. Dệt bài ca cung tiến Đức Vua. Lỡi tôi tựa bút rung vạn điệu. Trong tay những thi nhân anh tài. Khi nghe bà Êlisabét chào, Đức Mẹ đã xuất khẩu tán tụng Chúa bằng bài kinh ca ngợi tuyệt diệu.
Tác động thứ ba: thái độ chia sẻ. Tình yêu Thiên Chúa bao la đã đổ vào tâm hồn Đức Mẹ tràn đầy niềm vui. Niềm vui thánh thiện và lớn lao đã thúc đẩy Đức Mẹ mau mắn lên đường đi thăm bà Êlisabét. Đức Mẹ không đến để khoe khoang, nhưng để chia sẻ. Nhờ Đức Mẹ đến mà bà Êlisabét và thánh Gioan Baotixita được chúc phúc. Đức Mẹ cũng đến để chúc mừng bà chị họ đã được Chúa đoái thương. Tâm hồn được Chúa chiếm hữu đã khiến Đức Mẹ trở nên quảng đại và hiệp thông, sẵn sàng chia vui sẻ buồn với những người chung quanh.
Tác động thứ bốn: dấn thân phục vụ. Niềm tri ân cảm tạ, niềm vui thánh thiện thực sự sẽ không dừng lại ở những bài ca trên môi miệng. Cảm nghiệm về Tình Yêu Thiên Chúa trong trái tim sẽ mau chóng chuyển sang đôi tay. Niềm tri ân cảm tạ sâu xa sẽ nhanh chóng biến thành hành động. Sự đền đáp tình yêu sẽ thúc đẩy ngời được yêu dấn thân phục vụ trong những việc làm cụ thể. Chính vì thế Đức Mẹ đã không ngần ngại ở lại phục vụ bà chị họ trong ba tháng.
Mừng lễ Đức Mẹ lên Trời một cách có ý nghĩa nhất, đó là ta hãy noi gương Đức Mẹ: xin Chúa Thánh Thần đến tràn ngập tâm hồn ta như Ngài đã đến trong lòng Đức Mẹ, giúp ta cảm nghiệm được những ơn lành Chúa ban và giúp ta mau mắn đáp lại tình yêu thương đó.
Xin Đức Mẹ giúp chúng con biết ngoan ngoãn vâng theo ơn Chúa Thánh Thần soi sáng: để vội vã ra đi, để hân hoan tạ ơn, để quảng đại chia sẻ và để dấn thân phục vụ anh em. Amen.
LM. Carolô Hồ Bặc Xái