Ta không biết gì về việc Chúa rước Đức Mẹ hay Đức Mẹ rời cuộc sống trần gian bằng cách thức nào. Chỉ có một văn bản ngụy thư “Đức Mẹ đi vào giấc ngủ” (Mary’s Dormition), thế kỷ thứ V, cho biết, những giây phút cuối đời của Đức Mẹ, khi các tông đồ vây quanh để cầu nguyện thì Chúa Kitô đến đưa Đức Mẹ về Thiên Đàng. Dù sao truyền thống của Hội Thánh và một vài hình ảnh mà nhiều bản văn Kinh Thánh gợi lên, củng cố cho cho đức tin của chúng ta trong việc nhìn nhận Người Mẹ Thật của chúng ta đã tiên phong hưởng hạnh phúc cả hồn lẫn xác.
I. Truyền thống đức tin của Hội Thánh.
Niềm tin Đức Mẹ được triệu hồi cả hồn lẫn xác về trời bắt nguồn từ truyền thống xa xưa của Hội Thánh. Đến thế kỷ VI, Hội Thánh phương đông Đã sớm cử hành lễ Đức Mẹ Đi Vào Giấc Ngủ vào khoảng giữa tháng giêng. Sau này, hoàng đế Maurice (582-602) xác định dứt khoát lễ nay cử hàng ngày 15 tháng 8. Với lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt, Đức Giáo hoàng Theodore (642-649) đã muốn thiết lập lễ này cho nghi lễ Rôma ngay thế kỷ sau đó, thế kỷ thứVII. Năm 813, Công Đồng Mayence truyền cho toàn Châu Âu cử hành lễ này với tên gọi là Lễ Mông Triệu (Thiên Chúa triệu hồi Đức Mẹ về trời), chính thức nhìn nhận cách mặc nhiên Đức Mẹ được triệu hồi về trời.
Đến năm 1854, sau khi đức Piô IX công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm, thì phong trào sùng kính Đức Mẹ vốn đã mạnh mẽ từ lâu trong Hội Thánh, nay như được dịp khuấy động dữ dội hơn. Chỉ trong vòng chưa đầy một trăm năm sau, tính đến năm 1945, khắp thế giới có khoảng tám triệu thỉnh nguyện thư của các tín hữu và khoảng gần 100. 000 thỉnh nguyện thư khác đến từ các giám mục, linh mục, các tu sĩ, các nhà thần học xin Tòa Thánh chính thức xác định tín điều về Đức Bà Mông Triệu Thăng Thiên hay Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Trước những lời thỉnh cầu tha thiết ấy, để có thể quyết định một cách thận trọng nhất trước vấn đề đức tin quan trọng này, Đức Piô XII công bố Thông Điệp Deiparae Virginis để xin ý kiến Giám mục đoàn trên khắp thế giới. Thật lạ lùng, sau năm năm hỏi ý kiến, chỉ có sáu giám mục nghi ngờ về tính chất ‘mặc khải’ của việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Dù niềm tin Đức Mẹ hồn xác về trời đã có từ rất lâu trong truyền thống Hội Thánh, nhưng mãi đến ngày 1.11.1950, tức vào ngày lễ các thánh Nam Nữ, bằng một phán quyết long trọng: “Chúng tôi khẳng định, chúng tôi tuyên bố và chúng tôi minh định như một tín điều được Thiên Chúa mặc khải rằng Đức Maria Vô Nhiễm trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa, sau khi hoàn tất cuộc sống trần gian, đã được cất nhắc về vinh quang trên trời cả xác lẫn hồn” (tông hiến Munificentissimus Deus).
Đức Giáo hoàng đã không chọn ngày nào, lại chọn ngày lễ các thánh Nam Nữ để công bố tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời. Tôi thấy có một ý nghĩa lớn: Giữa hàng ngũ các thánh của Chúa, Đức Maria trổi vượt trên tất cả về sự thánh thiện và lòng yêu mến Chúa. Sự thánh thiện tuyệt vời của Đức Mẹ đã mở đường cho Đức Mẹ đi tiên phong trước mọi thụ tạo, tiến về cùng Chúa, hưởng vinh quang nơi Chúa bằng toàn bộ con người, gồm cả xác lẫn hồn của Đức Mẹ.
II. Vài hình ảnh gợi ý trong các bản văn Thánh Kinh của ngày lễ.
Ta chú ý lời của Đức Maria trong Tin Mừng: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, lòng tôi hoan hỷ trong TYhiên CHúa, Đấng Cứu Độ tôi” (Lc 1, 46-47). Chính Đức Mẹ̣ – Đức Mẹ chứ không phải bất cứ tập thể hay cá nhân nào, dù là Hội Thánh hay chúng ta – đã ca ngợi Chúa, ca ngợi lòng thương xót của Chúa. Đức Mẹ đã tuyên xưng hành động cứu độ của Chúa, và gọi Chúa là “Đấng Cứu độ tôi”. Những chữ “Đấng Cứu độ tôi”, quả thật là lời quy hướng về Chúa. Đức Mẹ đã nhìn nhận, đã tin tưởng thực sự rằng: Chỉ có Chúa, chỉ trong Chúa, Đức Mẹ mới được vinh quang và hạnh phúc vô cùng như thế.
Lời ca ngợi quy hướng về Thiên Chúa của Đức Mẹ” “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, lòng tôi hoan hỷ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi”, còn được hỗ trợ bởi nhiều lời Kinh Thánh khác. Chẳng hạn, lời thánh Phaolô trong bài đọc II:: “Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của nhữn kẻ yên giấc…Hoa quả đầu mùa là Đức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Đức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng, khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực” (1Cr 15, 20tt). Đã từng có ai thuộc về Chúa Kitô như Đức Mẹ? Bởi thế, nếu Chúa Kitô là hoa quả đầu mùa, đã trở về trời cả hồn và xác, thì Đức Mẹ, người thuộc về hoa quả đầu mùa ấy một cách trọn vẹn, cũng được đưa về trời hồn xác, không có gì là điều khó hiểu. Bởi chính Đấng Cứu Độ đã thực thi ơn cứu độ trên khắp nhân loại, chắc chắn sẽ thực thi cách hoàn hảo nhất hành động cứu độ ấy trên chính người mẹ của mình.
Bài đọc I, trích sách Khải Huyền kết thúc: “Nay sự cứu độ, quyền năng, vương quyền của Thiên Chúa chúng ta và uy quyền của Chúa Kitô của Người đã được thực hiện” (Kh 12, 10). Đây là lời nhấn mạnh sự chiến thắng trong ơn cứu độ của Chúa Kitô. Chắc chắn như chúng ta, Đức Mẹ đã không thể làm gì ngoài sức mình. Nhưng Đức Mẹ biết dùng sức mình để chiến đấu trong ơn thánh Chúa. Đức Mẹ đã không sống hay làm một mình, nhưng phó thác đời mình cho Chúa, để nhờ Chúa mà Đức Mẹ chiến thắng. Bởi Đức Mẹ tin chắc rằng, dù phải sống trong đau thương đến đâu, thậm chí nỗi đau đớn đến cùng cực như người mang thai “kêu la chuyển bụng, và đau đớn sinh con”, hay sự dữ ập đến hãi hùng như “con rồng đỏ khổng lồ” đang đe dọa dữ dội, thì sự cứu độ của Chúa và vương quyền của Chúa Kitô đã được thực hiện. Mà sự cứu độ của Chúa đã được thực hiện, thì sự cứu độ ấy, chắc chắc bao trùm lên chính cuộc đời của Đức Mẹ. Đức Mẹ đã sống và chiến đấu với mọi thử thách trong Chúa. Ơn cứu độ dành cho tất cả những ai kiên trì chiến đầu và chiến thắng. Ơn cứu độ ấy thật xứng đáng trước tiên dành cho Mẹ của Chúa Kitô, người phụ nữ chiến thắng.
Điểm qua ba bài đọc, ta nhận ra: cùng đích của mọi ơn lành là chính Chúa Kitô. Bởi thế, dù là lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, nhưng Hội Thánh lại mời gọi ta hướng về Thiên Chúa, hướng về Chúa Kitô. Bởi chỉ nhờ ơn cứu độ do Chúa Kitô thực hiện trong cuộc phục sinh vinh hiển của Người, theo ý Thiên Chúa, Đức Meï môùi ñöôïc đưa ra khỏi trần gian, được trọng thưởng đặc biệt hồn xác lên trời. Bởi vậy, mừng lễ hôm nay là mừng sự nối kết gần gũi hết sức giữa niềm tin Mông Triệu của Đức Mẹ và niềm tin phục sinh của Chúa Kitô, người Con một yêu dấu của Đức Mẹ. Đó là sợi dây liên kết tất yếu giữa Mẹ và Con. Bởi như Chúa đã phục sinh thế nào, thì Mẹ của Chúa cũng là người trước hết hưởng vinh quang phục sinh của Con mình thế ấy. Chúa đã không để Đức Mẹ chịu cảnh hư nát, vì Đức Mẹ là Mẹ của Chúa, Đấng Vĩnh Cửu. Vì vậy, chúng ta tôn vinh Đức Maria hồn xác lên trời, cũng đồng thời là lúc chúng ta tôn vinh mầu nhiệm phục sinh cao cả của Chúa Kitô.
Đức Mẹ đã về trời, đó là dấu chỉ hữu hiệu cho đức tin của ta: Tương lai không còn là điều đáng ngại lo lắng, nhưng trở nên điều đáng quan tâm xây dựng, và cuộc sống này trở thành những ngày chuẩn bị cho tương lai ấy. Chúng ta chuẩn bị bằng cách bắt chước Đức Mẹ sống lành thánh trong tin yêu, sống niềm phó thác tuyệt đối trong tay Chúa, biết lắng nghe, thực thi Lời Chúa, sống tư cách làm con Chúa trong đời sống bác ái với anh em… Chúng ta hãy nhìn lên Đức Mẹ để thấy rằng, Đức Mẹ dù là người Nữ của chiến thắng, người Nữ vinh quang với triều thiên sao sáng, nhưng bị vây bủa đầy chông gai, thử thách. Nhìn lên Đức Mẹ như thế, để nhận ra chính mình mà vững niềm cậy trông. Bởi chúng ta cũng phải cam chịu nhiều thử thách. Vinh quang chỉ có thể lớn lên từ trong thử thách mà thôi.
Lạy Chúa Giêsu, nhờ công nghiệp của Đức Mẹ, xin thánh hóa toàn bộ cuộc đời chúng con, để chúng con cùng được như Đức Mẹ, xứng đáng lãnh lấy phần thưởng đời đời trên thiên quốc. Amen.
Lm. VŨ XUÂN HẠNH