Chúa Nhật Năm VII Thường Niên A
Trả thù, báo oán là cách ứng xử man rợ, thiếu đạo đức.
Luật trả thù báo oán kiểu “mắt đền mắt, răng đền răng” là thứ luật đã lỗi thời, không còn thích hợp nữa, thế mà ngày nay không ít người vẫn muốn cư xử với nhau theo thứ luật rừng man rợ đó. Ai móc mắt tôi, tôi móc mắt người đó. Ai đánh gảy răng tôi, tôi đánh gảy răng người đó…”
Trước hết, đây là cách ứng xử thông thường của loài vật, như gà chọi chẳng hạn: Con nầy đá qua, con kia mổ lại, đấu đá nhau cho đến khi cả hai đều gục xuống, kiệt sức, mình mẩy đầy máu me!
Đây cũng là phản ứng tự nhiên của những con trâu điên, của những con chó dại: Trâu nầy húc qua, trâu kia báng lại cho đến khi cả hai không còn hơi sức.
Những cách ứng xử như trên là man rợ, rừng rú, chỉ thích hợp cho một số loài động vật hung hãn. Là người, chúng ta không thể sống theo bản năng hạ cấp mang đầy thú tính như vậy.
Nhiều cuộc xung đột trên thế giới được giải quyết theo kiểu “mắt đổi mắt răng đền răng”, tức giải quyết bằng chiến tranh, trả thù, báo oán và đã đưa đến hậu quả vô cùng bi đát. Lịch sử chiến tranh giữa các dân tộc qua bao thời đã cho thấy điều đó.
Bao dung tha thứ cho kẻ thù là thượng sách.
Qua trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su muốn nâng nền luân lý nhân loại lên một tầm cao mới. Người đề xuất một giải pháp tối ưu cho mọi tranh chấp xung đột giữa người với người, đó là: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” và “Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5, 39.44) Trước lời dạy nầy, những người nông nổi cho là nhu nhược, là hèn nhát, là yếu đuối; chỉ những ai khôn ngoan sâu sắc mới nhận thấy đây là giải pháp tối ưu để giải quyết mọi xung đột và đem lại an hòa.
Khi người ta quai búa tạ vào tảng đá cứng, đá sẽ dùng sự cứng rắn của mình để kháng cự lại búa, hậu quả là đá sẽ nứt vỡ ra, bị nghiền tán ra. Đá bị thất bại hoàn toàn! Nhưng khi người ta quai búa giáng mạnh xuống hồ nước, nước sẽ dùng sự mềm mại của mình để vô hiệu hoá sức mạnh của búa. Nước không hề hấn gì nhưng búa thì sẽ bị chìm lĩm xuống tận đáy hồ. Thế là nước thắng lợi vẻ vang!
Khi gặp bão táp cuồng phong, những cây cổ thụ cao lớn cứng cáp dùng sự cứng rắn mạnh mẽ của mình để kháng cự lại bão tố. Hậu quả là chúng bị gảy cành, trốc gốc. Trong khi đó, những rặng tre, những cây lau sậy không hề kháng cự lại bão tố, nhưng dùng sự mềm dẻo của mình để uốn theo chiều gió nên chúng được an toàn.
Hiểu được quy luật đó nên Lão tử đã dạy môn sinh từ mấy ngàn năm trước: “nhu thắng cương, nhược thắng cường.” Vị sư tổ của môn phái Judo cũng đã dựa vào quy luật nầy để sáng lập nên môn phái Judo (nhu đạo), một môn võ thuật lấy mềm dẻo chiến thắng hung bạo cứng rắn.
Thay phần kết luận:
Gia đình ông A và ông B sống gần nhau và cùng trồng dưa trên hai lô đất kế cận. Gia đình ông A đam mê rượu chè, bài bạc, không chăm sóc vườn dưa nên vườn dưa xơ xác, không thu hoạch được gì. Trong khi đó, gia đình ông B chăm sóc vườn dưa chu đáo nên được bội thu, tiền vào như nước, sắm sửa được nhiều thứ trong nhà. Nổi máu ghen tị, ông A xúi con qua phá hoại vườn dưa của ông B, vừa hái trái ăn vừa nhổ cây, gây thiệt hại nặng nề cho gia đình ông B.
Trước sự gây hấn đó, gia đình ông B giận sôi gan, chuẩn bị mài dao mài rựa tìm cách báo thù. Buổi tối trước khi ra tay hành động, ông B nằm suy nghĩ miên man và may thay, câu Lời Chúa ông vừa nghe trong thánh lễ ban sáng chợt vọng về: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”… “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.” (Mt 5, 44. 38-39).
Sáng hôm sau, nhờ Lời Chúa tác động, ông B bàn với vợ con cứ đến lúc trời mới tờ mờ sáng thì kéo nhau ra vườn dưa ông A, không phải để phá hoại trả thù, nhưng là chăm sóc, tưới nước, xịt thuốc, bón phân cho cả vườn dưa. Chẳng bao lâu sau, vườn dưa của ông A trở nên xanh tốt không kém gì dưa nhà ông B.
Khi biết được việc làm cao đẹp của ông B, cả gia đình ông A hết sức hối hận vì việc làm của mình, rồi dắt nhau qua tận nhà ông B để tạ lỗi. Từ đó, hai gia đình kết nghĩa anh em, thề nguyền yêu thương gắn bó với nhau cho đến mãn đời.
Thế đó, Lời Chúa là giải pháp tuyệt vời cho các xung đột giữa đôi bên.
Lm. Ignatiô Trần Ngà