Lòng Bao Dung của Thiên Chúa

Chúa Nhật Thứ 24 Mùa Thường Niên, Năm C

Luca (Lc 15, 1-10)

Để đối phó với người phạm tội, giải pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới là trừng trị bằng nhiều hình phạt thích đáng.

Tùy theo mức độ nặng nhẹ, luật pháp các quốc gia thường đưa ra những hình phạt khác nhau: phạt tiền, giam nhốt trong các nhà tù hay xà lim, lưu đày biệt xứ hoặc trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng thì đem ra xử tử để vĩnh viễn loại trừ người lỗi phạm khỏi thế giới loài người.

Trong khi đó, để đối phó với tội nhân, Thiên Chúa không muốn trừng phạt (trừ phi tội nhân quyết dùng tự do của mình khước từ lời mời gọi của Thiên Chúa và tự chọn án phạt cho mình) mà chỉ muốn giúp tội nhân ăn năn hối cải quay về đường lành. Từ ngàn xưa, Thiên Chúa phán qua miệng ngôn sứ Ê-dê-kiên: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết nhưng muốn nó ăn năn sám hối mà được sống” (Ê-dê-kiên 18, 23 và 33, 11)

Đối với Thiên Chúa, mỗi người là một của báu vô giá, cần phải được trân trọng và yêu thương. Dù con người có đắm chìm trong lầm lạc và tội lỗi, Thiên Chúa không bỏ rơi, không hủy diệt họ, nhưng tìm mọi cách đưa họ trở về.

Dụ ngôn người đi tìm chiên lạc trong Tin Mừng Luca (Lc 15, 4-7) chứng tỏ cho chúng ta thấy điều đó:

Người chăn chiên tốt hết lòng yêu thương quý mến từng con trong đàn, bất kể đó là chiên tốt hay chiên xấu, mập hay gầy, già hay non. Và khi phát hiện ra một con chiên trong đàn mất tích, anh ta quên cả những con còn lại, tất tả kiếm tìm cho bằng được con chiên lạc với bất cứ giá nào. Và khi đã tìm thấy, anh vác chiên lên vai, mừng vui hớn hở trở về, kêu mời bà con làng xóm đến chia mừng với anh.

Qua dụ ngôn trên đây, Chúa Giê-su tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa xem mỗi người chúng ta là của báu vô giá nên nếu có người nào lạc mất đi, thì phải tìm về cho bằng được.

Dụ ngôn trên cũng cho thấy cung cách ứng xử rất khoan dung và đầy thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân.

Thay vì trừng trị hoặc trừ khử các tội nhân như các tòa án khắp nơi thường làm, Thiên Chúa Ngôi Hai đã rời bỏ ngai trời vinh hiển, vượt qua khoảng cách gần như vô tận giữa trời và đất, hạ mình xuống thế, trở nên người phàm để đi tìm kiếm từng người trong nhóm họ.

Thay vì tống giam các tội nhân vào ngục, bắt họ mang gông cùm xiềng xích, Chúa Giê-su rất tôn trọng và quý mến tội nhân, tìm nhiều cách hoán cải họ; có khi Người còn đến ở lại trong nhà người tội lỗi, cùng ăn uống đồng bạn với họ, trở nên bạn bè của họ, nhằm lấy tình bạn mà cảm hóa họ trở về.

Thay vì kết liễu mạng sống của các tội nhân ác nghiệt, bắt họ phải đền nợ máu họ đã gây ra như các tòa án nhân loại thường làm, Chúa Giê-su đã đổ máu châu báu của mình ra để chết thay cho họ, để rửa sạch họ khỏi muôn vàn tội lỗi và cho họ được sống đời đời.

Lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân, ngay cả những tội nhân bầm dập, khốn cùng nhất, đã được Chúa Giê-su khẳng định trong Tin Mừng Mat-thêu: “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng.” (Mt 12, 20 và Is 42, 3)

Lạy Chúa Giê-su,

Hôm xưa, Chúa đã rong ruổi tìm kiếm từng con chiên lạc để vác chiên về. Hôm nay, để tiếp tục sự nghiệp đó, Chúa đã dùng bí tích Thánh Tẩy để tháp nhập chúng con vào Thân Mình Chúa, cho chúng con trở thành một chi thể sống động trong Thân Mình Chúa để chúng con đồng hành với Chúa trên hành trình tìm kiếm và đưa về đàn nhiều con chiên lạc trong thôn xóm chúng con.

Xin cho chúng con trở nên đôi chân của Chúa, rảo bước không mệt mỏi trên vạn nẻo đường đời để tìm kiếm và đưa về những anh em lạc xa đường Chúa.

Xin cho chúng con trở nên đôi vai của Chúa để làm chỗ dựa tinh thần cho những con người lâm cảnh khốn cùng đang cần một chỗ tựa nương. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà