Chúa Nhật 11 Thường Niên C
Lc 7,36- 8,3
Chúng ta biết trong Tin mừng Luca, không ít lần tác giả đã ghi lại những lần Chúa Giêsu được những người thuộc nhóm Pharisêu mời dùng bữa – điều không hề xảy ra nơi Tin mừng Máccô và Mátthêu. Điều này không có gì khó hiểu. Bởi thánh sử Luca vốn được xem là “văn sỹ ca tụng lòng nhân từ và khoan dung của Chúa Giêsu”. Mặt khác, vì là môn đệ của thánh Phaolô – một Pharisêu “thứ thiệt”, nên có lẽ thánh sử đã có cái nhìn mềm dẻo và thiện cảm hơn với nhóm người này. Tuy nhiên, nếu để ý chúng ta sẽ thấy Tin mừng hôm nay không hề ca ngợi tấm lòng mến khách của chủ nhà Pharisêu mà đề cập nhiều đến “vị khách không mời mà đến”- người đàn bà tội lỗi. Vì sao có sự kiện trái ngược này? Chúng ta cùng xem.
Khi Chúa Giêsu đang dùng bữa cùng với chủ nhà Pharisêu và các quan khách thì bên ngoài, một người phụ nữ dường như không quan tâm đến bữa tiệc thịnh soạn có gì, chủ nhà là ai hay khách mời gồm những vị nào,… ngoài Chúa Giêsu- người được bà ân cần đón tiếp cách khác thường. Chúng ta có thể thấy điều khác thường này và, cũng chính điều “khác thường” này làm nên điều kỳ diệu.
Điều “khác thường” đó là gì? Chúng ta có thể thấy trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với người Pharisêu. Khi được hỏi ai là người yêu mến chủ nợ nhiều hơn trong hai con nợ? Chủ nhà Pharisêu đã trả lời chính xác rằng “kẻ đã được tha nhiều” thì dĩ nhiên sẽ yêu mến chủ nhiều hơn. Trở lại với người phụ nữ. Chúng ta thấy sở dĩ Chúa Giêsu ngợi khen chị có lẽ không bởi vì chị đã khóc sướt mướt hay tốn nhiều tiền để mua dầu thơm xức chân và không ngừng âu yếm hôn chân Người. Bởi nếu chỉ dừng lại ở khía cạnh này, sẽ có khối người làm được như chị mà có khi còn làm hơn chị nữa. Chúng ta nên nhớ phong tục hiếu khách của người phương Đông thời đó mỗi khi có khách đến nhà liền lấy nước rửa chân cho khách không phải là chuyện hiếm (x. St 18,4;19,2).
Vấn đề ở đây là gì? Người đàn bà này không chỉ biểu hiện lòng mến khách bằng việc xã giao bên ngoài mà còn bằng tấm lòng yêu mến rất chân tình. Lòng yêu mến chân tình của bà đã được Chúa Giêsu ghi nhận. Lòng yêu mến chân tình đó biểu lộ rất rõ lòng thống hối ăn năn về những hành vi bất chính trong quá khứ của bà. Tin mừng nêu đích danh bà vốn là người tội lỗi mà. Thế nên, với Chúa Giêsu, yêu mến Thiên Chúa đồng nghĩa với việc nhận ra thân phận tội lỗi để rồi từ đó quyết tâm trở về nẻo chính đường ngay, lãnh nhận ơn hoà giải và lòng bao dung của Thiên Chúa tình yêu. Thiên Chúa hẳn không quan tâm quá khứ của con người với những hành vi sai trái lỗi lầm; điều Người mong đợi ở con người chính ở sự cố gắng hướng thiện của họ. Và mỗi khi con người cố gắng hướng thiện trở về nẻo chính, tội lỗi của họ lập tức được thứ tha.
Còn với người Kytô hôm nay thì thế nào nhỉ? Có lẽ sẽ không có nhận định nào chuẩn xác cho bằng những nhận định gần đây của Đức Thánh Cha Benedict 16 khi ngài cho rằng con người thời đại hôm nay đánh mất dần cảm thức về tội lỗi. Thật thế, con người thời nay dường như không còn thấy xấu hổ hay mặc cảm tội lỗi nữa. Bởi có những thứ tội được nhiều quốc gia hợp pháp hoá đàng hoàng như phá thai, kết hôn đồng tính, an tử,… Thật đáng sợ làm sao khi con người thời nay phạm những tội tày đình như thế mà vẫn xem là bình thường, vì họ được thứ luật pháp quái quỷ kia bảo vệ mà! Nhìn ra được như thế, chúng ta mới thấy vua David trong bài đọc 1 và người đàn bà tội lỗi trong Tin mừng hôm nay quả là những con người dũng cảm khi đối diện với những lỗi lầm và không ngừng thống hối cách chân thành.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết thành tâm thống hối, chân nhận những lỗi lầm đang có nguy cơ biến chúng ta thành những đồ đệ của thế lực ác thần, rời xa tình thương của Thiên Chúa. Người đàn bà tội lỗi trong Tin mừng hôm nay là bài học cho mỗi người chúng ta. Thiên Chúa luôn khoan dung từ ái, sẵn sàng tha thứ và quên hết mọi lỗi lầm nếu chúng ta biết chân nhận và thành tâm ăn năn thống hối, thực sự trở về từ chính nội tâm chứ không phải mang dáng vẻ hình thức bên ngoài.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb