CHÚA NHẬT 25 MÙA THƯỞNG NIÊN A
Isaiah 55:6-9; Tv 145; Philipphê 1: 20c-24, 27a; Matthew 20:1-16
Lắm lúc nền kinh tế trở nên khó khăn. Nhiều người thất nghiệp và những ai có việc thì phải làm việc rất vất vả suốt cả ngày. Nhưng ngay cả khi thời buổi không mấy gì khó khăn, thì chúng ta cũng phải nể phục những người làm việc chăm chỉ. Chẳng ai lại đi nể phục những kẻ biếng nhác, trốn việc vì như thể chúng ta bẩm sinh ai cũng biết thế nào là công bằng. Chúng ta tin rằng, ai có công việc để làm thì nên làm việc đàng hoàng và rồi được trả công xứng đáng. Nên hôm nay, khi nghe dụ ngôn về những thợ làm vườn nho, chúng ta có vẻ đồng cảm và đứng về phía “những người làm việc cả ngày”. Đấy là những người nói rằng: “chúng tôi làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”. Ai chưa từng làm việc như thế, hoặc ai hiện giờ đang có một công việc giống như vậy?
Trong dụ ngôn của Đức Giêsu, khi những người làm việc trong vườn nho cả ngày thấy những người chỉ làm có một giờ mà cũng lãnh cùng một số tiền công như thế, họ đến phàn nàn với chủ vườn. “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang bằng với chúng tôi”. Cứ như thể ông chủ đã không giữ đúng như thỏa thuận với họ, và thế là họ đâm ra bực tức.
Tôi cho rằng đã có một hợp đồng – nó nằm trong ý định của ông chủ ngay từ đầu. Vì, sau đó, ông vẫn ra đường tìm những người làm thuê, nhưng ông không nói đến việc sẽ trả lương ra sao. Ông nói với nhóm người được thuê lúc bình minh rằng, ông sẽ trả họ “lương như thường nhật”. Với nhóm tiếp theo, ông không nói gì đến lương bổng, nhưng chỉ nói: “tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng”. Với nhóm sau đó nữa, ông cũng chẳng hề đả động đến lương bổng, nhưng chỉ yêu cầu: “hãy vào vườn nho của tôi”. Vì thế, ngay từ lúc đầu đã cho thấy có gì đó bất thường trong dụ ngôn này.
Tôi cho rằng ngay từ đầu chủ vườn đã có ý định trả cho mọi người làm vườn một khoản tiền bằng trọn một ngày công vì họ là những người làm công nhật. Vì tất cả họ là những người nghèo khổ, mỗi người đều cần một ngày tiền công để nuôi gia đình mình. Mỗi ngày, những người làm công nhật đều phải ra ngoài tìm việc làm – ngày nào cũng vậy– đứng quanh quẩn đây đó, hy vọng có người thuê đi làm, cần được thuê đi làm – luôn nghĩ về những người đang đói ở nhà.
Tại sao vẫn có những người đứng tận đến cuối ngày để chờ người ta thuê? Không ai nói với chúng ta họ là những kẻ lười biếng, luôn tìm cách ra đường thật trễ để kiếm vài công việc nhẹ nhàng. Có thể họ không có việc làm vì những người trẻ khỏe hơn đã được mướn trước. Những người không được ai thuê sớm hơn có thể vì đã già, khuyết tật, trẻ em và phụ nữ – trừ những người thực sự khỏe mạnh.
Trong thế giới của chúng ta có câu nói: “làm thế nào trả lương thế ấy”. Hầu hết mọi chỗ làm của chúng ta đều thường xuyên lượng giá công việc của công nhân theo thời gian hoặc theo sản phẩm. Lương tăng dựa trên kết quả công việc của mình. Thường thì có sự nhất trí về tiền lương và mức lương tối thiểu để bảo vệ người lao động. Khi những thỏa thuận này được thực hiện, quý vị được trả lương cho một ngày làm việc thực sự của mình.
Nhưng Đức Giêsu không hề nói đến chính sách lao động và tiền lương của chúng ta. Đây không phải là một dụ ngôn chỉ người ta biết phải cư xử với người làm công như thế nào. Ngài không chỉ cho chúng ta phải trả thế nào cho những việc vặt vãnh. Nhưng đúng hơn, Ngài mô tả việc Thiên Chúa xử với chúng ta thế nào; “vương quốc nước trời” nơi chịu ảnh hưởng của Thiên Chúa và sức mạnh cuả Người sẽ ra sao. Trong nước trời, theo như dụ ngôn hôm nay, nguyên tắc hướng dẫn chính là lòng quảng đại không chút đắn đo. Làm thế nào những người đến làm chút việc dám mơ mình được trả cả một ngày công? Khi đến nhà một người bạn để ăn tối, quý vị nhấn chuông và khi cửa mở thì rất đông những người thân thuộc trong gia đình cũng như bạn bè của quý vị la lên “Ngạc nhiên chưa!” đó là sinh nhật của quý vị. Đó không hẳn là những gì quý vị lên kế hoạch; và có thể quý vị cũng không nghĩ mình đáng được hưởng như thế. Nhưng đã có một bữa như thế cho quý vị, “Ngạc nhiên chưa!”
Tôi không biết về quý vị nhưng tôi cũng không phải là diễn viên nổi tiếng của Đức Chúa. Dòng cuối cùng trong dụ ngôn ngày hôm nay ngụ ý rằng khi tôi cố gắng hết sức, thì tôi cũng không mong được đánh giá chỉ dựa trên mức độ hoàn thành công việc của mình. Có những ngày làm việc vất vả và thành công. Nhưng cũng có những ngày không như mong ước, khi đó tôi không hề muốn việc xem xét dựa trên thành quả trong ngày dành cho Đức Chúa. Một vài ngày tôi chỉ cố gắng chút ít so với những gì lẽ ra tôi phải làm, và nhiều khi tôi biết rằng mình có thể làm tốt hơn rất nhiều. Còn về những khoảng thời gian trong đời mà chúng ta muốn quên đi, những lúc mà chúng ta phải chọn lựa khác và tốt hơn thì sao? Nhưng chúng ta đã không chọn như thế. Sẽ ra sao nếu tất cả những điều đó được lượng định vào giây phút cuối cùng của đời mình?
Tôi hy vọng rằng Thiên Chúa không giống như bức tượng Nữ Thần Công Lý mù quáng, cân đong cuộc sống của tôi trên cán cân công lý. Vào lúc lâm chung, tôi không muốn công bằng của loài người, nhưng tôi muốn sự công bằng của Thiên Chúa. Tạ ơn Chúa, quý vị không thấy bức tượng Nữ Thần Công Lý trong ngôi thánh đường này. Nhưng tôi chắc rằng trong đầu quý vị có một bức tượng như thế và hình ảnh một Thiên Chúa tay cầm cán cân như vậy để đo những việc tốt và việc xấu chúng ta làm.
Hôm nay, Đức Giêsu mô tả một thế giới hoàn toàn khác. Trong dụ ngôn, Ngài mô tả cho thấy tương quan giữa Thiên Chúa và chúng ta. Trong các chi tiết của câu chuyện, lòng quảng đại chính là thước đo dành cho con người. Điều này chẳng ý nghĩa sao? Đó không phải là điều hợp lý. Đó không dựa trên việc chúng ta hành xử thế nào. Tạ ơn Chúa! Với Chúa, tất cả những luật lệ và quy tắc để tính ra những phần thưởng chặt chẽ theo những hành vi thì bị gạt qua một bên. Vì một vài lý do khác lạ, chúng ta không biết và không thể giải thích tại sao, những ai thiếu thốn nhất thì nhận được nhiều hơn những gì họ mong ước. Trong một thế giới như thế, điều gì có thể tách chúng ta khỏi Đấng luôn sẵn sàng ban ân sủng cho chúng ta?
Khi Đức Giêsu nói dụ ngôn này cho chúng ta, thì giống như chủ vườn thuê người làm công – tất cả mọi loại công thợ – và trả cho họ số tiền như nhau. Một số người không thể hiểu được ân huệ đó và cay đắng phàn nàn vì họ không có một tấm lòng đủ quảng đại, hoặc là họ có một chuẩn mực công bằng khác. Nhưng đó là những người cuối cùng nhận được lòng quảng đại. Họ biết mình thiếu thốn và họ cần phải biết rằng họ đã nhận được một món quà – ngay trong tay họ, một ngày lương trọn vẹn. Ai không thấy vui; ai không thấy được chúc lành?
Chính ta nhận lãnh lòng quảng đại đó từ Thiên Chúa. Đức Giêsu trước hết vẽ lên một bức tranh cụ thể về ân sủng. Nếu chúng ta, những người đã nghe dụ ngôn của ngày hôm nay, nhạy bén với những gì được trao tặng cho chúng ta trong Thánh lễ này, chúng ta có thể kết luận, “Làm thế nào tôi có thể quảng đại với tha nhân, như Chúa đã quảng đại với tôi?”
Một phụ nữ được phỏng vấn trên truyền hình. Bà được xem như “người mẹ anh hùng”, một tay nuôi nấng cả một gia đình đông con. Tất cả những đứa con của bà đã sống tốt, trưởng thành với nghề nghiệp tốt và gia đình hạnh phúc của chúng. Câu chuyện của bà đáng được trân trọng và chúc mừng. Người phỏng vấn bà, như thể muốn tìm ra một khuôn mẫu để mọi người có thể bắt chước hầu có một gia đình hạnh phúc, nên dẫn giải rằng: “Tôi cho rằng bà yêu quý mọi đứa con trong nhà như nhau, và chắc chắn tất cả được đối xử như nhau”.
Bà trả lời: “Không phải thế. Tôi yêu tất cả và mỗi đứa con của tôi. Nhưng không bằng nhau. Tôi yêu đứa đang buồn nản cho tới khi nó vui lại. Tôi yêu đứa yếu đau tới khi nó khỏe mạnh. Tôi yêu đứa bị tổn thương cho tới khi nó được chữa lành. Tôi yêu đứa lạc lối cho tới khi nó tìm được đường về.” Trong thế giới của Chúa thì sao? Nước trời thì thế nào? Nó giống như bà mẹ yêu tất cả các con của mình với những thiếu thốn của chúng, và yêu cho tới khi chúng trở lại như chúng được dựng nên – và vẫn tiếp tục yêu chúng.
Chúng ta đã xin Chúa tha thứ và tin rằng hôm nay chúng ta đã nhận được điều đó – dù ta có nghĩ mình xứng hay không xứng nhận được điều đó. Dụ ngôn đã hiện thực trong đời chúng ta. Chúng ta đã cảm nghiệm được tình yêu mà chúng ta có thể không đáng được hưởng, tuy nhiên chúng ta vẫn được tình yêu ấy chúc lành. Dụ ngôn hôm nay sống động trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta làm chút chuyện cho tha nhân, cho một nhóm, và rồi những tác động tốt đẹp tới họ thì hơn cả những cố gắng chúng ta làm cho họ. Chúng ta đã biết dụ ngôn này trong đời sống của mình. Lúc muộn màng, chúng ta mới nhận ra sự hiện hữu và tốt lành của Thiên Chúa. Chúng ta ước rằng mình đã không uổng phí biết bao thời gian không biết Chúa mà giờ chúng ta mới biết. Chúng ta đã nhận ra dụ ngôn này trong đời sống của mình.
Nếu chúng ta cho rằng Thiên Chúa nghĩ và hành động như chúng ta, thì dụ ngôn hôm nay đánh tan ý tưởng đó. Nhưng Thiên Chúa mà Đức Giêsu bày tỏ đã không bắt đầu hiện hữu với những câu mở đầu của Tân Ước. Bài trích sách Isaia đã cho chúng ta thấy như thế. Vị ngôn sứ cho thấy rõ ràng rằng Thiên Chúa không hành xử theo cách của chúng ta.
Chúng ta hay bám lấy quá khứ lỗi lầm và lưu giữ những điều mà người khác làm phiền mình. Chúng ta kết luận rằng Thiên Chúa sẽ đối xử với họ như vậy – rồi tự nhủ, thế mới công bằng. Nhưng lòng nhân từ của Thiên Chúa, như Isaia cho chúng ta biết, thì vô biên và vượt trên mọi toan tính của con người. Khi chúng ta cho rằng Thiên Chúa ban ân sủng và sự thứ tha theo như tiêu chuẩn công bằng của ta, với những gì chúng ta cho rằng một người đáng nhận được, thì ngôn sứ lại tỏ bày một Thiên Chúa, Đấng vượt qua những chuẩn mực của con người, qua tất cả những lý sự và mong ước của chúng ta.
Chính chúng ta có lẽ cũng không xứng đáng hưởng lòng quảng đại vô biên của Chúa, nhưng, dụ ngôn hôm nay mời gọi chúng ta bỏ đi những khiêm nhường giả bộ, nhưng hãy thực lòng khiêm tốn thưa “Vâng” trước lòng quảng đại Chúa ban trong sự tha thứ và tình yêu thương. Với đôi tay trắng, chúng ta đến đón nhận ân sủng dư tràn mà Chúa ban trong Thánh lễ này; bữa tiệc mời gọi chúng ta vào trong tình yêu của Chúa ta, nguồn mạch của sự sống và thánh thiêng, không phải đạt được nhưng được trao ban cho chúng ta ngay trong giây phút này.
Lm Jude Siciliano, OP
Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Gò-Vấp