Giáo Hội dành Chúa Nhật thứ hai sau Lễ Phục Sinh trong Tuần Bát Nhật để tôn thờ Lòng Thương Xót Chúa (Divine Mercy). Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (Chân Phước Gioan Phaolô Đệ Nhị) thiết lập Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót vào ngày 30 tháng 4, 2000. Cũng là ngày Đức Giáo Hoàng JP II phong thánh cho Chị Maria Faustina Kowalska. Chúa Giêsu đã mặc khải Lòng Thương Xót của chính Ngài cho chị thánh. Những ai tham dự việc cử hành Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa, khi đã xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng thì sẽ được thừa hưởng những ân sủng đặc biệt. Sẽ được tha thứ hình phạt tạm do tội gây nên qua những tội đã xưng thú. Làm việc Sùng kính Lòng Thương Xót Chúa trước sự hiện diện của Chúa trong Bí Tích Thánh Thể nơi Nhà Tạm, đọc Kinh Lạy Cha, Kinh Tin Kính và lời nguyện lòng thương xót “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Ngài” (Merciful Jesus, I trust in you).
Chúng ta hãy học hỏi và nhận biết lòng thương xót của Thiên Chúa qua Lịch Sử Cứu Độ.
Trong Kinh Thánh Cựu Ước có nhiều trích đoạn nói về Thiên Chúa công thẳng, hay báo thù, sửa phạt, hay ghen tương và phán xét nghiêm minh. Con người cảm nhận một Thiên Chúa xa vời và đáng kính sợ. Qua thời gian lữ hành chiêm niệm, cầu nguyện và được thanh luyện, Dân Chúa chọn đã thay đổi não trạng và quan niệm sống hữu thần. Hình ảnh Thiên Chúa yêu thương, từ bi và động lòng trắc ẩn dần dần được mạc khải. Khi ông Môisen xin cho được nhìn thấy vinh quang của Chúa: Người phán: “Ta sẽ cho tất cả vẻ đẹp của Ta đi qua trước mặt ngươi, và sẽ xưng danh Ta là Đức Chúa trước mặt ngươi. Ta thương ai thì thương, xót ai thì xót (Xh. 33,19).
Lòng thương xót (Compassion) của Thiên Chúa trải rộng từ đời này tới đời kia. Qua bao gian nan thử thách, nhiều lần Dân Chúa chống đối, cứng đầu cứng cổ và ngỗ nghịch chạy theo thần dân ngoại, Thiên Chúa vẫn rộng mở cánh tay đón nhận trở về và ôm ấp vào lòng. Chúa không muốn tiêu diệt Dân mà Chúa đã tuyển chọn. Tác giả sách Các Vua diễn tả: Nhưng Đức Chúa tỏ lòng nhân từ và chạnh lòng thương đoái nhìn họ, vì Người đã lập giao ước với các tổ phụ Abraham, Ixaác và Giacóp. Người không muốn diệt trừ họ, và cho đến nay vẫn không xua đuổi họ cho khuất nhan Người (2Vua 13,23). Thiên Chúa là người Cha nhân hậu và rộng lượng từ bi tha thứ. Cho dù Chúa có sửa phạt đôi chút nhưng rồi Chúa lại dẫn đưa về.
Thiên Chúa yêu thương chăm sóc Dân Chúa như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh. Chúa đánh phạt, rồi Chúa lại tha. Chúa để dân chịu khổ sở trong lưu đầy xa xứ, rồi Chúa lại dẫn về quê hương xứ sở. Thiên Chúa như mục tử tốt lành dẫn đàn chiên tới nguồn suối chỗ nghỉ ngơi. Chúa sẽ không bỏ rơi đoàn Dân Chúa nếu họ biết trung thành và nép mình bên Chúa. Sách Sử Biên đã ghi lại từng bước đường Dân đã đi: Thật vậy, nếu anh em trở lại với Đức Chúa, thì các anh em của anh em và con cháu của anh em sẽ gặp được lòng thương xót trước mặt quân chiến thắng và sẽ được trở về đất này: vì Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, là Đấng từ bi nhân hậu, Người sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ, nếu anh em trở lại với người.”(2 Sb. 30.9). Chúng ta biết dù rằng đã bao lần Chúa yêu thương chăm sóc bảo vệ nhưng chứng nào tật ấy, dân chúng cứ ngoảnh mặt làm ngơ. Họ chạy theo thờ lạy các thần ngoại bang và sống theo thói tục của những người vô thần. Họ đã chóng quên đi những kỳ công của Chúa đã thực hiện cho cả dân tộc được chọn. Tiên tri Nêhêmia đã than thở về dân Chúa chọn: Họ giả điếc làm ngơ, cũng chẳng thèm ghi nhớ những kỳ công Chúa làm. Họ cứng đầu cứng cổ muốn phản loạn cùng Ngài, nuôi trong lòng ý định trở lại kiếp làm tôi. Nhưng Chúa là Thiên Chúa luôn sẵn sàng thứ tha, Ngài từ bi nhân hậu, chậm giận, giàu tình thương, đã không bỏ rơi họ (Nh. 9.17).
Trong cơn thử thách lưu đầy, nhiều lần Dân Do-thái cảm thấy như Thiên Chúa vắng mặt và bỏ rơi. Giữ lời Giao Ước, tình yêu của Thiên Chúa luôn ấp ủ thương yêu. Dù bị lưu đầy và tản mát, Chúa vẫn cho dân tộc có cơ hội được đoàn tụ: Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi, nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp (Is. 54,7). Thiên Chúa vẫn tiếp tục thứ tha và đón nhận con dân về quê hương xứ sở. Chúa luôn nhớ lời giáo ước và không hề lãng quên: Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương (Tv. 103,8). Tiên tri Isaia đã diễn tả hình ảnh một Thiên Chúa yêu thương và luôn mong tìm hạnh phúc phúc an vui cho con cái loài người: Vì vậy Đức Chúa đợi chờ để thi ân cho anh em, Người sẽ đứng lên để tỏ lòng thương xót, vì Đức Chúa là Thiên Chúa công minh, hạnh phúc thay mọi kẻ đợi chờ Người!(Is. 30,18).
Các tiên tri tiếp tục được sai đến để mời gọi Dân Chúa hãy ý thức hối cải và trở về bên tình yêu Chúa. Ta sẽ cho các ngươi gặp được lòng thương xót và khiến nó thương xót các ngươi và cho các ngươi trở về đất nước các ngươi (Giêr. 42,12). Thiên Chúa luôn bảo vệ và đứng về phía Dân Ngài. Đôi khi Ngài dùng các dân tộc lân bang để thanh luyện và thức tỉnh lòng dân. Tiên tri Giêrêmia nhắc nhớ về gia nghiệp của Dân Chúa: Nhưng sau khi đã bứng rồi, Ta sẽ lại đem lòng chạnh thương chúng và cho chúng trở về, ai nấy về phần gia nghiệp, về phần đất của mình (Giêr. 12,15). Không có cha mẹ nào lãng quên con mình và dù cha mẹ có quên con thì Thiên Chúa cũng không bao giờ bỏ rơi. Tác giả Sách Ai-ca đã phải thốt lên rằng: Vì quả thật, Đức Chúa chẳng bỏ rơi mãi mãi: có làm khổ, Người cũng xót thương, vì Người vốn từ bi cao cả (Aica 3,31-32).
Các Thánh Vịnh là những lời cầu nguyện chân thành và tâm tình nhất. Mỗi ngày Giáo Hội đã dùng lời Thánh Vịnh để cùng dâng lên Thiên Chúa những lời ngợi khen, cảm tạ và tôn vinh danh Chúa. Qua mọi thời, Thiên Chúa luôn thành tín và rất yêu thương Dân Ngài. Phần Ngài, muôn lạy Chúa, Ngài là Thiên Chúa nhân hậu từ bi, Ngài chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín (Tv. 86,15). Thiên Chúa như người Cha luôn ở cạnh con cái để nâng đỡ, bảo vệ và phù trợ. Thiên Chúa động lòng thương Dân trong mọi trạng huống của cuộc đời. Thiên Chúa là chỗ chúng con nương tựa và ẩn thân: Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn (Tv. 103,13). Thiên Chúa luôn công bằng và chính trực khi xét xử nhưng tình thương bao la của Chúa luôn tỏa lấp cuộc đời: Chúa là Đấng nhân từ chính trực, Thiên Chúa chúng ta một dạ xót thương (Tv. 116,5).
Chúa Giêsu là Con Dấu Ái của Chúa Cha đã giáng trần tiếp tục mặc khải cho chúng ta biết về tình yêu của Chúa Cha. Chúng ta xác tín vào tình yêu thương của Chúa trong mọi giây phút của cuộc đời. Chúa Giêsu biểu tỏ tình thương với hết mọi người, đặc biệt với những ai lầm than vất vả: Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt (Mt. 9,36). Chúa chăm sóc chọ họ từng li từng chút. Ngày xưa trong hoang địa, Thiên Chúa ban cho dân có Manna, chim cút và nước uống trong sa mạc. Nay Chúa Giêsu cảm thương sự đói khát của Dân không những của ăn tinh thần mà cả về thân xác: Đức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường.”(Mt. 15,32).
Chúa Giêsu còn quan tâm đến những vấn đề cá nhân và khổ đau riêng tư về bệnh hoạn tật nguyền. Chúa chữa mắt cho người mù được thấy, chữa kẻ câm nói được, cho người điếc được nghe, kẻ bị phung hủi được lành sạch và mọi thứ bệnh đang hủy phá cuộc sống của con người cả thể xác lẫn tinh thần. Thánh Matthêô viết: Đức Giêsu chạnh lòng thương, sờ vào mắt họ; tức khắc, họ nhìn thấy được và đi theo Người (Mt. 20,34). Chúa chạnh lòng thương đoàn dân đông đảo đói khát sự chữa lành: Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ (Mt. 14,14). Chúa để tâm đến cả những nhu cầu nhỏ mọn của cuộc sống. Chúa nhìn thấu tâm tư khao khát của họ. Chúa đã ôm ẵm và chúc lành cho các trẻ nhỏ. Trong khi vác thánh giá nặng nề, Chúa còn đứng lại yên ủi con thành Giêrusalem. Thánh Phaolô nhận ra lòng từ ái của Chúa qua việc đánh thức tâm hồn Ngài. Phaolô đã hiến dâng cuộc đời còn lại để rao giảng về lòng thương xót của Chúa. Phaolô nhắc nhở mọi người đã người đã được Thiên Chúa là hãy có lòng thương cảm. Qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta trở nên thành viên trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Chúng ta phải sống như những người con được thánh hiến qua các nhân đức: Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại (Col. 3,12).
Chúng ta hãy cậy trông vào lòng từ bi nhân hậu của Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào. Dù hạnh phúc, dù giầu hay nghèo, dù vui buồn sướng khổ, dù gian nan, dù đau khổ, dù đói khát, dù bệnh tật, dù thất vọng, chúng ta hãy giữ đức tin và sự kiên trì. Chúa sẽ không bỏ rơi những ai trông cậy nơi Ngài. Thánh Giacôbê đã lấy gương của ông Gióp để khuyên dạy chúng ta: Phúc thay những kẻ đã có lòng kiên trì! Anh em đã nghe nói đến lòng kiên trì của ông Gióp và đã thấy mục đích Chúa nhắm, vì Chúa là Đấng từ bi nhân hậu (Giac. 5,11). Chúa là cùng đích và là nguồn an vui hạnh phúc của đời con.
Kính thờ Trái Tim Chúa Giêsu bị đâm thâu để tuôn trào nguồn ân phúc cho mọi người. Hai nguồn tia sáng Máu và Nước tuôn chảy từ trái tim Chúa. Hai nguồn tình yêu và hy vọng sẽ sưởi ấm cuộc đời của chúng con. Chúng con sẽ tìm thấy nguồn ủi an và lòng thương xót dịu hiền của Chúa. Bàn tay Chúa dẫn chúng con đi qua mọi nẻo đường. Trái tim Chúa là nơi chúng con ẩn náu nương thân. Xin Lòng Thương Xót của Chúa tuôn đổ trên chúng con nguồn suối lộc chan hòa, để chúng con luôn say mê tình Chúa. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con. Chúng con hoàn toàn tín thác nơi Chúa (Jesus, I trust in you).
Lm. Giuse Trần Việt Hùng