Lòng Thương Xót Chúa (5)
Lòng Thương Xót, sự thánh thiện, sự công chính và trung thành của Thiên Chúa
(dongten.net) 04/10/2015
Lòng thương xót của Thiên Chúa được trải dài trong lịch sử cứu độ, từ công trình sáng tạo đến các cuộc mạc khải của Ngài cho Mô-sê, và các tiên tri cũng đã khám phá lòng thương xót của Chúa, đặc biệt là tiên tri Hô-sê. Nơi tiên tri Hô-sê, lòng thương xót của Thiên Chúa liên hệ chặt chẽ với sự thánh thiện của Thiên Chúa. Kasper còn nhấn mạnh thêm rằng, lòng thương xót gắn liền với sự thánh thiện của Thiên Chúa. Qua đó, sự thánh thiện của Chúa nói lên sự khác biệt và sự vượt trổi của Thiên Chúa so với những gì thuộc về trần thế, và thuộc về sự dữ. Sự thánh thiện này, tiên tri I-sai-a đã nhắc đến với ba lần cao rao:“Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!” (Is 6,3). Trước những lời tung hô đó, con người cần phải cẩn trọng, không được xúc phạm đến Thiên Chúa, không được coi thường Ngài và lòng thương xót của Thiên Chúa. Hơn nữa, con người cũng không được phép biến Thiên Chúa thánh thiện và tràn đầy lòng thương xót, thành một người ngốc nghếch không biết gì. Và con người cũng không được phép lấy Thiên Chúa ra làm trò cười cho mình, hay chế diễu Thiên Chúa. Con người là ai? Trí thông minh con người lớn cỡ nào? Sức con người mạnh đến mấy? Một cơn gió thổi qua cũng đủ làm cho những con người thông minh nhất, kiêu hãnh nhất và mạnh mẽ nhất có thể gục ngã. Thiên Chúa thương xót con người. Đó là một điều rất tuyệt vời, mà con người cần chiêm ngắm và cảm tạ. Trong chính lòng thương xót của Chúa, Chúa chỉ cho chúng ta thấy bản chất thánh thiện của Ngài.
Vì sự thánh thiện này, Thiên Chúa luôn chống lại sự dữ. Thánh Kinh nhắc đến sự giận dữ của Thiên Chúa. Tiên tri Nakhum đã nói rằng: “Đức Chúa là Thiên Chúa ghen tương và báo oán, Đức Chúa là Đấng báo oán: Người nổi cơn lôi đình, Đức Chúa báo oán những kẻ thù địch, những kẻ thù của Người, Người tỏ lòng oán hận” (Nk 1, 2).
Chắc chắn có nhiều người không thể chấp nhận hình ảnh của Thiên Chúa giận dữ như vậy. Điều đó cũng đúng thôi. Tuy nhiên, sự phẫn nộ này của Thiên Chúa không phải là sự tức giận mang tính cách tình cảm (emotionel), mà là thái độ mạnh mẽ của Thiên Chúa chống lại tội lỗi và những bất công. Cho nên, tức giận ở đây có thể nói là một cách thức diễn đạt đầy năng động và mạnh mẽ về sự thánh thiện của Thiên Chúa. Vì thế, mà sứ điệp của ngày Chúa phán xét không được phép bỏ qua trong các chú giải.
Sự thánh thiện của Thiên Chúa luôn tương hợp với sự công chính của Ngài. Trong Cựu Ước, suy nghĩ về luật lệ và sự công chính luôn là những suy nghĩ nền tảng và quan trọng. Vì sự thánh thiện của Thiên Chúa, nên Ngài không thể làm gì hơn, là trừng phạt sự dữ và ân thưởng sự tốt lành. Nhưng người đạo đức của Cựu Ước luôn hy vọng vào sự mạc khải về sự công chính mang tính cách toàn cầu của Thiên Chúa (x.Tv 5 – 9; 67,5; 96,13; 98,9). Một niềm hy vọng cánh chung mong chờ ngày Đấng Mê-si-a công chính sẽ đến: “Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở. Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà” (Is 11,3-4).
Sự công chính và công lý ở trong một thế giới bất công, đã là một hành động của lòng thương xót đối với những người thấp cổ bé miệng. Như vậy, sứ điệp của lòng thương xót không phải là một ân ban rẻ tiền. Thiên Chúa cũng chờ đợi nơi con người chúng ta hành động đúng đắn theo luật lệ và sự công chính: “Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn” (Am 5,24). “Ngựa có phi được trên đá lởm chởm không? Người ta đem trâu bò đi cày ngoài biển sao? Thế mà các ngươi đã biến lẽ phải thành thuốc độc, đổi công lý nên ngải đắng!” (Am 6,12). Như thế, lòng thương xót không đối nghịch với sự công chính và công lý. Trong lòng thương xót, Thiên Chúa dừng cơn giận dữ của Ngài lại, và ban tặng cho con người những cơ hội mới để sám hối ăn năn trở về. Lòng thương xót của Thiên Chúa ban tặng cho người tội lỗi thời gian ân huệ, và mong muốn sự quay về của họ. Cuối cùng, lòng thương xót là ân sủng giúp con người ý thức ăn năn sám hối trở về với Đấng yêu thương.
“Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi,
nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp.
Lúc lửa giận bừng bừng,
Ta đã một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi,
nhưng vì tình nghĩa ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót,
Đức Chúa, Đấng cứu chuộc ngươi, phán như vậy.
Ta cũng sẽ làm như thời Nô-ê: lúc đó, Ta đã thề rằng
hồng thủy sẽ không tràn ngập mặt đất nữa,
cũng vậy, nay Ta thề sẽ không còn nổi giận và hăm doạ ngươi đâu.
Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay,
tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi,
giao ước hoà bình của Ta cũng chẳng chuyển lay,
Đức Chúa là Đấng thương xót ngươi phán như vậy” (Is 54, 7-10).
Với lời này, tiên tri I-sai-a muốn diễn tả rằng, lòng thương xót chính là sự công chính rất năng động và đầy sức sáng tạo của Thiên Chúa. Lòng thương xót vượt trên những lô-gíc sắt đá của cuộc đời là mang tội thì bị phạt. Nhưng lòng thương xót không bao giờ đối nghịch với sự công chính và công lý. Hơn nữa, lòng thương xót phục vụ cho sự công chính và công lý. Thiên Chúa xót thương không phải là một quan toà nghiêm khắc xét xử mọi người theo lề luật đã được đặt sẵn. Thiên Chúa cũng không phải là một quan chức thực thi theo những quy định đã được đề ra. Ngài thực hiện luật lệ với quyền năng của Ngài. Sự tự do đầy quyền năng của Thiên Chúa cũng không phải là sự tự do tuỳ tiện, và cũng không mang tính cách theo hứng, mà là một hành động của sự trung thành của Thiên Chúa. Thật vậy, lòng thương xót của Thiên Chúa luôn gắn liền với sự trung thành của Ngài, như tiên tri Hô-sê đã diễn tả. Thiên Chúa luôn luôn và hoàn toàn đáng tin cách tuyệt đối trong sự tự do tuyệt đối của Ngài. Con người có thể tin tưởng vào Thiên Chúa, trong mọi hoàn cảnh con người có thể cậy dựa vào Ngài. Niềm tin tuyệt đối luôn được hướng về Thiên Chúa. Niềm tin không đơn giản có ý nghĩa là công nhận điều gì là thật. Niềm tin có ý nghĩa là trong sự chân nhận sự thật, con người tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa, đặt trọn niềm tin của mình vào Ngài, hoàn toàn bám chặt vào Chúa, và đứng vững trong Chúa. Nói khác đi, niềm tin là tín thác hoàn toàn vào sự trung thành và lòng thương xót của Thiên Chúa.“Nếu các ngươi không vững tin, thì các ngươi sẽ không đứng vững” (Is 7,9). “Cứ tin tưởng vào Người, các ngươi sẽ tồn tại” (2Sb 20,20). [x. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 59-621]
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ