CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN-C
Amos 6:1,4-7; Tv 146; 1 Timothy 6:11-16; Lc 16: 19-31
Có nhiều thắc mắc liên quan đến dụ ngôn hôm nay; những thắc mắc chưa được trả lời. Cũng có những chi tiết bất thường khiến chúng ta phải vò đầu bứt tai. Chẳng hạn như: tài sản của người giàu có kia từ đâu mà có? Phải chăng ông ta được thừa kế hay đã vất vả làm lụng cực nhọc mới có được sau bao năm vất vả, làm ngày học đêm để có công việc tốt? Hay ông ta đã khôn ngoan đầu tư để bây giờ hưởng lợi?
Lại một vấn nạn nữa khiến ta khó hiểu. Tại sao Lazarô lại trở nên quá nghèo khổ như vậy? Phải chăng anh ta quá chây lười đến nỗi không thể tự mình vươn lên được? Hay anh ta sinh ra đã là một trong 95% những người nghèo khổ thời Chúa Giêsu? Hay anh ta bị tai nạn khi làm việc ngoài đồng nên giờ chẳng làm được việc gì để kiếm sống? Anh ta bị mù từ lúc sinh ra hay bị khuyết tật gì chăng? Hay anh ta bị bệnh tâm thần, hay còn gọi là “bị quỷ ám” và bị những người thân quen xua đuổi?
Cũng xin lưu ý rằng, câu chuyện cũng không nói Lazarô là một người đặc biệt tốt nên được ngồi vào lòng Abraham. Chúng ta không thể đọc thấy điều đó vì Đức Giêsu không hề kể cho chúng ta những đức tính của Lazarô. Có một người phụ nữ đưa cho tôi 5 đô la ở ngay của nhà thờ và nói: “Xin cha đưa tiền này cho người thực sự nghèo.” Thế là, bà ấy để mặc tôi làm thẩm phán quyết định xem ai xứng đáng nhận số tiền đó. Bà ấy muốn tôi phải phân biệt “những người nghèo bất xứng” và “những kẻ nghèo xứng đáng.” Giả như tôi đang ngoài đường, thực sự đói và lạnh, tôi nghĩ mình phải chôm chỉa cái gì đó để lấy tiền mua bánh mì cho tôi và cho gia đình của tôi. Phải chăng như thế thì bà ấy sẽ xem tôi như “người nghèo bất xứng”?
Dụ ngôn không cho biết Lazarô là người tốt hay xấu hay anh ta tuy “nghèo nhưng tốt” hoặc anh ta có tiền án tiền sự hay không. Lazarô chỉ là một người nghèo ngồi ở vệ cửa và bị lãng quên – một người nghèo vô hình. Anh ta chẳng có tấm áo choàng như của Harry Porter để mà tàng hình. Anh trở thành tàng hình đối với ông nhà giàu kia, người có nhiều việc cấp bách hơn để quan tâm. Lazarô chỉ là một phần trong cảnh thường ngày của ông nhà giàu kia. Có thể chúng ta cũng thấy và chẳng mấy chốc cũng chẳng để ý đến những người nghèo ở ngay bên cạnh chúng ta.
Câu chuyện còn cho chúng ta thấy đời sau của họ. Rất nhiều thay đổi đối với họ – một thay đổi lớn lao. Lazarô giờ đây rất thoải mái và an toàn, trong “lòng tổ phụ Abraham.” Đối với người Dothái, quý vị chẳng thể nào có được vị trí cao hơn thế. Ông nhà giàu giờ đây phải đau khổ. Nhưng có gì đó vẫn chưa thay đổi, nơi ông nhà giàu, ngay cả khi đang ở nơi khốn khổ ông vẫn muốn một đầy tớ hầu hạ mình. “Lạy tổ phụ Abraham, xin thương xót tôi. Xin sai Lazarô nhúng ngón tay vô nước, nhỏ trên lưỡi tôi cho mát, vì ở đây tôi bị lửa thiêu đốt khổ lắm.” Ông ta vẫn là ông nhà giàu cũ, thậm chí không thèm nói trực tiếp với Lazarô. Cũng có một đấng khác không thay đổi: Thiên Chúa chưa từng thay đổi.
Trong tất cả những dụ ngôn mà Đức Giêsu kể cho chúng ta: người đàn bà nhào bột; người nông dân gieo giống; ông chủ thuê thợ gặt, thì đây là dụ ngôn duy nhất mà nhân vật được đặt tên. Thật chẳng giống như thế giới của chúng ta; chúng ta biết tên của những người giàu có và nổi tiếng còn những người nghèo thì vô hình và vô danh. Thế nhưng, trong dụ ngôn này, người giàu có lại vô danh còn kẻ nghèo khó lại có một cái tên. Tên của anh ta là Lazarô – nghĩa là “người được Chúa giúp.” Vâng, Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta trong dụ ngôn rằng: Thiên Chúa không hề thay đổi. Thiên Chúa biết đến những người bị lãng quên. Chúa giữ những người không quan trọng như thể là quan trọng. Chúa sẽ an ủi những ai bị người đời bỏ rơi trong nghèo khổ. Như thấy trong dụ ngôn, Thiên Chúa biết tên của người nghèo và yêu thương họ. Cái chết của hai người này được mô tả thật khác nhau. Thiên thần đón Lazarô và đặt anh vào lòng Abraham; còn ông nhà giàu chỉ đơn giản “chết và được người ta đem chôn.” Đó là kết cục của đời ông ta.
Dụ ngôn có thể gây sốc, như đồng hồ báo thức đánh thức người ta dậy. Dụ ngôn hôm nay kể về ông nhà giàu và Lazarô ngụ ý thật quá rõ ràng, nó thức thỉnh chúng ta và cho chúng ta biết tấm lòng của Thiên Chúa ở nơi đâu. Dụ ngôn cho thấy rằng: giàu có và sung túc không phải là bằng chứng được Chúa chúc phúc. Cái mà chúng ta gọi là “đời sống tốt” và “ơn sủng” không hẳn chứng minh rằng chúng ta đã được Thiên Chúa đóng dấu chuẩn nhận. Hay nói cách khác, việc có nhiều của cải không thể chứng minh chúng ta đang sống trong ân huệ của Thiên Chúa.
Qua dụ ngôn, Đức Giêsu nói rằng: “Hãy tỉnh dậy đi! Anh em vẫn còn thời gian. Để ý và hành động qua những gì mình thấy. Người nghèo ở ngay ngưỡng của nhà anh em, và đó là nơi dễ thấy, dễ nhìn và giúp đỡ những ai đang thiếu thốn, những người đang cần đến thời gian và sự quan tâm của anh em.” Đó có thể là người bạn đời đang giận dỗi mình, là cha mẹ đau ốm, là người hàng xóm có bà mẹ bị mắc chứng An-dây-mơ (Alzheimer) hay bị ung thư, là những trẻ em cần được giáo dục đức tin, những người được dòng Vinhsơn Phaolô giúp đỡ, …
Trong thánh lễ này, chúng ta nài xin Chúa Giêsu xức dầu Thánh Thần của Người cho chúng ta một lần nữa. Chúng ta cầu xin cho mắt chúng ta mở ra để nhìn thấy những ai cần được giúp đỡ, có thể là chính người mà chúng ra đi qua mỗi ngày.
Những dạng thức thông tin mới, tivi, báo chí, hay Internet… mở rộng tầm nhìn của chúng ta. Nó mang người nghèo trên khắp thế giới đến ngay của nhà ta. Và vì thế mà chúng ta gom tiền để gửi cho Hội Cứu Tế Công Giáo giúp những nạn nhân bị lụt ở Pakistan, viết thư cho những nghị sĩ của chúng ta để yêu cầu giúp đỡ những người đang chịu hậu quả của dịch Aids ở Châu Phi, nhất là những trẻ em lâm cảnh mồ côi vì cơn dịch này, dành một ngày thứ Bảy để cùng với tổ chức Nhà Ở & Nhân Quyền đi xây dựng nhà cửa cho những bà mẹ độc thân và con cái của họ, … Phương tiện truyền thông mang hình ảnh của Lazarô đến ngay của nhà ta, ngay trong phòng khách của chúng ta. Điều này đúng với hầu hết chúng ta. Thế nhưng vấn đề ở đây là: chúng ta có nhìn thấy hay không? Nếu thấy, chúng ta đã làm gì hay chưa?
Khoảng 2 năm trước, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã thăm nước Mỹ và nói về vấn nạn người nhập cư. Ngài nói, chính cách đối xử với người nhập cư sẽ quyết định tương lai của giáo hội Công giáo ở Châu Mỹ. Đức Giám mục cũng nói: một khi biên giới quốc gia được tôn trọng thì quyền của công nhân bản xứ hay nhập cư cũng phải được tôn trọng như vậy. Ngài cũng nhắc chúng ta phải thừa nhận rằng điều kiện có tuyệt vọng thế nào mới khiến người ta muốn đến đây. Quốc hội đã không thể đưa ra một cải cách mang tính toàn diện cho vấn đề di dân, vì thế mà vẫn chưa có giải thích hợp cho những người tìm kiếm cách vô vọng để vào nước Mỹ làm việc cách hợp pháp. Những chính sách hợp pháp cho vấn đề di dân sẽ giúp giảm luồng di dân bất hợp pháp.
Các Đức Giám mục kêu gọi tôn trọng phẩm giá con người và tính nguyên vẹn của gia đình. Không được tấn công, bắt giữ hay trục xuất họ, không được chia tách họ khỏi vợ/chồng và con cái họ. Gần đây, một phụ nữ bị đuổi khỏi nơi làm việc và bị trục xuất để lại cho hàng xóm một đứa con sáu tuổi và một đứa mới lên ba. Các Giám mục, lên tiếng thay cho giáo huấn của Giáo hội về việc tôn trọng sự sống, khẳng định rằng những chính sách nhập cư hầu như không tôn trọng sự sống và gia đình.
Chính sách này của nước nhà đi ngược lại với những gì Đức Thánh Cha khuyến khích chúng ta – đón nhận những người nhập cư như anh chị em của chúng ta. Có thể chúng ta không biết danh tánh họ, nhưng Thiên Chúa biết tên từng người trong số họ và đứng về phía kẻ khốn cùng. Ngài cũng muốn chúng ta làm như vậy. Dụ ngôn mời gọi chúng ta lưu tâm đến những ai đang ở ngay trước cửa nhà chúng ta, dù họ sống với chúng ta hay chỉ là hàng xóm láng giềng, dù họ là những anh chị em mà chúng ta chỉ gặp trên tivi hay qua màn hình laptop.
Trong thánh lễ này, chúng ta hãy cầu nguyện: “Xin xức dầu đôi tay và cặp mắt để chúng con có thể nhìn ra những người Chúa cần chúng con giúp họ.” Và rồi chúng ta hãy để mắt đến những Lazarô ngoài đời, những người Chúa gửi đến cho chúng ta giúp đỡ. Nơi họ, những kẻ đói, người trần truồng, đau yếu và tù đày, được tin mừng nhắc đến những chỗ khác, chúng ta sẽ gặp Đức Giêsu, và chắc chắn sẽ gặp Người trong Bí tích Thánh Thể.
Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Gò Vấp