CHÚA NHẬT 29 MÙA THƯỜNG NIÊN A
Isaia 45: 4-6; Tv 96; I Thêxalônica 1: 1-5b; Matthêu 22: 15-21
Bài đọc thứ nhất trích từ sách Isaia là một ví dụ khá hay giúp ta biết đôi chút về bối cảnh lịch sử của đoạn Kinh Thánh và có thể làm sáng tỏ ý nghĩa của bản văn. Thoạt nhìn, có vẻ như dân Israel, đang bị lưu đày ở Babylon, sau cùng cũng sắp được tự do. Có vẻ như Thiên Chúa chọn một người trong số họ để dẫn đưa dân thoát khỏi cảnh nô lệ. Ngôn ngữ và hình ảnh này làm tăng thêm cảm tưởng rằng người lãnh đạo này, được gọi là vua Kyrô, là người được chọn, đặc biệt được chọn để thực hiện kế hoạch giải phóng của Thiên Chúa. Ông được gọi là “người được xức dầu”, được dịch từ chữ “Mesia” trong tiếng Dothái. Chữ “Mesia” trong tiếng Hylạp là “christos” – một danh hiệu mà chúng ta dịch là “Kitô”.
Kyrô là người được Thiên Chúa sức dầu tấn phong làm vua, như Đavit. Thiên Chúa nắm lấy tay phải vua, một cử truyền thống ngụ ý rằng Thiên Chúa đã ban cho vua quyền cao trọng trên dân Israel. Như Thiên Chúa gọi đích danh Giacóp – Israel thế nào, thì giờ đây Người cũng gọi đích danh Kyrô như thế (“Ta đã gọi ngươi đích danh”). Thế nhưng vị vua lãnh đạo Israel vĩ đại này là ai? Chúng ta sẽ nhầm lẫn nếu chúng ta cho là Thiên Chúa chỉ dùng một người trong dân Israel để mang lại tự do cho họ.
Kyrô không phải là một người Israel, ông là vua Ba Tư và Thiên Chúa sẽ dùng ông như một công cụ để giải phóng dân Israel. Ông đã đánh bại Babylon, dân tộc đã bắt Israel lưu đày. Sau khi chiến thắng, ông đã cho phép Israel trở về quê hương. Những gì Israel mong mỏi thì Thiên Chúa đã hoàn tất qua một thủ lãnh dân ngoại! Nếu Thiên Chúa chỉ hoạt động qua người Israel thì những dân tộc khác sẽ xem Thiên Chúa chỉ là Thiên Chúa của Israel mà thôi. Còn nếu Thiên Chúa của họ cũng có thể tác động qua những người khác nữa, thì Thiên Chúa của Israel cũng là Thiên Chúa của mọi dân tộc.
Chắc Israel đã làm được những điều lớn lao nên Thiên Chúa đã đáp lời họ, và thậm chí dùng một thủ lãnh dân ngoại để thực hiện thay cho họ. Không phải thế! Họ vô dụng và chẳng thể làm gì để được Thiên Chúa can thiệp. Vì thế, Thiên Chúa đã chủ động đi bước trước và giải đến thoát họ một lần nữa.
Tôi không nhớ có bao lần Thiên Chúa đã giúp tôi qua những người chẳng ăn nhập gì? Biết bao lần có một người (hay một đoàn thể) thuộc tôn giáo khác, hoặc ngay cả một người vô thần nói hay làm những điều mang lại cho tôi nhiều ý nghĩa; hướng dẫn tôi khi tôi phân vân; nâng đỡ khi tôi gặp khó khăn; giúp đỡ tôi ở buổi giao thời; khiến tôi ý thức về những nhu cầu xã hội,…? Một lần nữa ngôn sứ Isaia nhắc chúng ta đừng đóng khung Thiên Chúa vào trong thế giới quan nhỏ bé của mình hay quan niệm cố hữu Thiên Chúa là ai và Ngài hoạt động như thế nào. Chỉ có một Thiên Chúa là Đấng mang lại điều tốt lành cho chúng ta qua nhiều người và đôi khi thật bất ngờ, qua cả những công cụ nữa.
Hai tuần tới, chúng ta sẽ được tiếp tục được nghe bài đọc trích từ thư thứ I của thánh Phaolô gửi tín hữu Thêxalônica. Hôm nay, chúng ta nghe phần mở đầu của thư. Thánh Phaolô mở đầu thư theo kiểu Hylạp truyền thống: ngài giới thiệu mình (cùng với Xinvanô và Timôthê) và những ai người viết thư cho. Rồi người có lời chào và bày tỏ lòng biết ơn. Thông điệp của bức thư như sau: Thánh Phaolô và các bạn của ngài đã thiết lập giáo đoàn Thêxalônica. Ngài nhắc nhở rằng họ giờ đã là những Kitô hữu được rửa tội, sống trong sự sống của Thiên Chúa. Theo lời chào của thánh Phaolô, những người trở lại đạo thuộc giáo đoàn Thêxalônica đã sống mẫu mực. Nhưng cũng cho thấy các tín hữu Thêxalônica đang phải chịu những đau khổ vì niềm tin của họ và thánh Phaolô biết họ đang “nhẫn nại chịu đựng trong niềm hy vọng vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.
Nếu tôi thuộc về một Giáo hội đang phải chịu thử thách, thì một lá thư khen ngợi từ một người như thánh Phaolô sẽ tiếp tục nâng đỡ tinh thần và sự nhẫn nại của tôi trong những lúc khó khăn. Thánh Phaolô nhắc tín hữu Thêxalônica rằng Tin Mừng đến với “quyền năng của Thánh Thần” và khuyên họ không chỉ nghe lời của Tin Mừng mà còn thấy những tác động của Tin Mừng lên cuộc sống của con người. Nếu chúng ta đang bị thử thách thì thật là hay khi có người biết chuyện xưa của chúng ta, và nhắc ta biết trước đây Thiên Chúa đã trợ giúp chúng ta thế nào. Điều nhắc nhở như thế có thể giúp củng cố niềm hy vọng và khiến chúng ta thêm kiên vững.
Trong ánh sáng của những gì Phaolô đã làm cho tín hữu Thêxalônica, chúng ta có thể tự hỏi: Liệu có ai đang cần đến lời khích lệ của chúng ta không? Khi tôi cố giúp họ, liệu tôi có chỉ đơn giản an ủi họ rằng “nào, nào, anh sẽ ổn mà”? Hoặc nếu họ là những tín hữu, thì tôi có nhắc họ về niềm tin họ đã lãnh nhận và Thiên Chúa là nguồn sức mạnh và sự nhẫn nại của họ, như thánh Phaolô đã làm cho tín hữu Thêxalônica khi xưa hay không? Tôi có nói những lời khích lệ, không phải của riêng tôi nhưng là được quyền năng Thiên Chúa là sứ điệp Tin Mừng nâng đỡ? Dù họ không phải là những người tín hữu, tôi cho rằng họ cũng sẽ được an ủi vì tính nhạy cảm của chúng ta đối với hoàn cảnh khó khăn của họ, sự hiện diện của chúng ta với họ trong lúc khó khăn và cả những lời nguyện xác tín của chúng ta nữa.
Chúng ta vẫn thường nghe nói đến sự chết và thuế. Những ngày này ở trong nước, người ta bàn luận sôi nổi về việc ai sẽ phải nộp thuế và nộp bao nhiêu. Và cũng nóng bỏng không kém, cuộc tranh luận giữa những người Dothái thời Đức Giêsu về thuế. Khi các môn đệ phái Pharisêu và những người phe Hêrôđê chất vấn Đức Giêsu về việc họ có phải nộp thuế hay không, là họ đang cố dồn Ngài vào bước đường cùng bằng việc đưa ra một vấn đề đang gây chia rẽ sâu sắc giữa những người Dothái.
Dân Dothái oằn vai vì phải đóng hai loại thuế: “thuế đền thờ” cho chức sắc Dothái và thuế cho người Rôma. Người Rôma thu thuế đất, thuế bảo hộ và thuế thu nhập. Hêrôđê đại đế thu thuế nông nghiệp và bất kỳ hàng hóa dù được mua hay bán. Thuế cũng tùy vào tài sản và chức vụ và phải nộp ngay tại cổng thành. Để thêm phần sỉ nhục, những đồng tiền nộp thuế phải có khắc hình của hoàng đế Xêda, với danh hiệu ám chỉ tư cách thần linh của vua. Đây là một sự lăng mạ đối với dân độc thần Dothái, những người cấm bất cứ hình ảnh thần thánh nào.
Hai nhóm người đương đầu với Đức Giêsu đại diện cho hai vị thế đương thời và đối lập. Người Pharisêu không tán thành luật dân ngoại áp đặt lên người Dothái, trong khi những người thuộc phía Hêrôđê lại cộng tác với người Rôma. Thuế đang được bàn đến có thể là thuế thân phải nộp cho người Rôma. Đóng thứ thuế đó là một nhắc nhớ không ngừng về sự áp bức của Rôma. Nếu Đức Giêsu đồng ý nộp thuế thì Ngài sẽ đánh mất lòng tin của dân Dothái đối với Ngài; còn nếu Đức Giêsu không đóng thuế thì người Rôma sẽ bắt giữ Ngài vì tội cổ xúy cho sự chống lại chính quyền.
Đức Giêsu chỉ đơn giản xin đồng tiền họ đang cầm trên tay. Trên đồng tiền có hình của hoàng đế Xêda, với tước hiệu của quyền lực chính trị và tước vị thần thánh. Nếu những kẻ chống đối Đức Giêsu có đồng tiền đó, có lẽ họ dùng nó để nộp thuế cho người Rôma. Vì thế Ngài gọi họ là những kẻ đạo đức giả – và quả thực là như thế.
Làm thế nào chúng ta có thể “trả về Xêda cái của Xêda, trả về Thiên Chúa cái của Thiên Chúa”? Chúng ta can dự vào cuộc sống của một đất nước không chỉ bằng cách đóng thuế. Chúng ta không tự chuẩn miễn cho mình không phẩi tham gia vào việc thăng tiến các thành phần trong cộng đồng dân sự của chúng ta. Chúng ta không thể sống một đời sống tôn giáo biệt lập – nhất định là không, nếu chúng ta tin rằng nước Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta. Như Thiên Chúa sức dầu tấn phong Kyrô thế nào, thì chúng ta cũng được mời gọi trở nên những đầy tớ và khí cụ của Thiên Chúa vì tự do của các dân tộc thế ấy. Mỗi chúng ta phải định lấy cách thức tham gia vào việc mang lại tự do ấy. Một số trong chúng ta được mời gọi trở nên tiếng nói và khí cụ sống động của Chúa trong đời sống dân sự. Những người khác sẽ có vai trò cụ thể hơn và, như thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu Thêxalônica, chia sẻ niềm tin của mình cho người khác với “niềm xác tín hơn”.
Tôi nghe có vài người quá ái quốc nói rằng: “Đất nước tôi đúng hoặc sai”. Nhưng khi luật quốc gia mâu thuẫn với luật Thiên Chúa thì việc chọn lựa của chúng ta phải thật rõ ràng. Chúng ta “trả về” cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài bằng cách tham gia vào việc xây dựng vương quốc Thiên Chúa trên trần gian: bảo vệ các quyền con người; cổ võ sự tôn trọng và phúc lợi của mỗi người trong cộng đoàn chúng ta và hoạt động cho hòa bình trong gia đình nhân loại. Chúng ta có thể “trả về Xêda” bằng việc hoạt động vì thiện ích chung. Chẳng lẽ đó không phải là điều chính quyền nhân loại có bổ phận phải làm sao? Khi chính quyền không thực hiện trách nhiệm của mình thì lòng trung thành căn bản chúng ta dành cho Thiên Chúa và chúng ta làm những gì mình phải làm để giúp cộng đồng nhân loại phản chiếu phẩm vị mà Thiên Chúa đã ban tặng cho các thành viên của cộng đồng nhân loại đó.
Mỗi người là một “đồng xu của Chúa”. Chúng ta thuộc về Thiên Chúa và Ngài đã in dấu thiêng liêng vào mỗi chúng ta. Đức Giêsu sẽ nói với những người đến hỏi Ngài rằng: “Hãy trả về Xêda những đồng tiền các ông có, nhưng nhớ rằng mỗi người trong các ông đều đáng giá đối với Thiên Chúa và các ông có bổn phận tuyệt đối trung thành với Thiên Chúa”. Khi hình ảnh thiêng liêng trong một người hay nhiều người bị xúc phạm thì mỗi chúng ta có bổn phận đến giúp đỡ những ai đang cần đến chúng ta. Khi làm như thế, chúng ta đang “trả về” Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa.
Lm Jude Siciliano, OP
Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Gò-Vấp