Chúa nhật 29 thường niên A
Mt 22, 15-21
Có thể nói Giêrusalem là nơi chứng kiến không ít những xách nhiễu của giới lãnh đạo Dothái cũng như phía chính quyền Rôma gây ra cho Chúa Giêsu. Tưởng rằng những dụ ngôn Chúa Giêsu đã dùng làm cho các thượng tế và kỳ mục Dothái “câm miệng không nói được gì”, những thủ lãnh của các phe nhóm khác lấy đó làm bài học răn mình. Nhưng không, họ lại càng giận dữ và cố tâm hại Người. Chúng ta biết người Pharisêu và nhóm Hêrôđê không ưa thích gì nhau, nhưng giờ đây, để đạt được mục đích nhằm hại Chúa Giêsu, họ không ngại liên minh với nhau, bàn kế lập mưu hầu đưa Chúa vào “tròng”. Tin mừng hôm nay đề cập đến trục liên minh ma quỷ này và chúng ta hãy xem Chúa Giêsu hoá giải nó như thế nào.
Pharisêu được xem là những người mẫu mực về đường nhân đức. Vào thời Chúa Giêsu, họ rất được kính trọng bởi lối sống đạo đức của họ. Chuyên chăm suy niệm Lời Chúa, cầu nguyện và tuân giữ lề luật cách tỉ mỉ vốn được xem là “thế mạnh” của nhóm này. Nếu nhóm Pharisêu chỉ đơn thuần chú trọng vào lãnh vực tôn giáo thì nhóm Hêrôđê, trái lại, tập trung vào đường lối chính trị. Họ lập thành những Fans chính trị để ủng hộ gia đình Hêrôđê cũng như kết thân với chính quyền Rôma. Chính vì thế, để tạo sức mạnh hầu có thể chống lại Chúa Giêsu – người mà họ biết nếu đứng riêng rẽ sẽ không có kết quả, họ quyết định liên minh với nhau nhằm bày mưu hãm hại Chúa Giêsu.
Quả không sai. Liên minh ma quỷ này đưa vấn đề rất ư nhậy cảm vào thời bấy giờ đó là vấn đề nộp thuế cho hoàng đế Caesar. Vì đây là dạng “ yes- no question”, nên bọn liên minh này rất đắc chí, họ nghĩ rằng đàng nào Chúa Giêsu cũng sập bẫy, và như thế, họ tha hồ đánh trống khua chiêng để lên án. Thật thế, cái bẫy họ giăng ra thật ác nghiệt. Chúa Giêsu trả lời “yes” cũng chết mà “no” cũng chết. Nếu Người trả lời “yes”, nghĩa là chấp nhận chuyện nộp thuế cho Caesar, vô hình trung, Người chấp nhận sự xâm lược của quân Rôma, hợp thức hoá sự hiện diện của họ trên mảnh đất linh thánh mà Giavê đã ban cho cha ông họ. Và đây là cái cớ để phe nhóm Pharisêu hô toáng lên rằng Giêsu là tên phản quốc, đi ngược lại lợi ích của dân tộc Dothái. Còn nếu Chúa Giêsu trả lời “no”, thì khỏi phải bàn nữa, Người đang chống lại hoàng đế, nhóm Hêrôđê sẽ không bỏ lỡ cơ hội tấu trình lên chính quyền Rôma, quy kết Người vào tội phản động, chống lại triều đình.
Mỉa mai thay, kẻ giăng bẫy chính là kẻ sập bẫy. Chúa Giêsu trả lời cho họ bằng một yêu cầu buộc họ phải thi hành. Chúng ta biết, dân Dothái thời Chúa Giê-su bị thống trị bởi đế quốc Rôma. Chính vì thế, người dân phải sử dụng đồng tiền Rôma trên đó có mang hình và ký hiệu hoàng đế Rôma. Đây là loại tiền bằng bạc, một đồng cân nặng 3,8 g và tương đương với 0, 875 quan vàng. Mặt phải của đồng tiền in đầu hoàng đế Tibêriô đội vòng nguyệt quế với dòng chữ: Tiberius Caesar Augustus, Divi Augusti Filius (Hoàng đế Tibêriô Augustô- con của thần August). Mặt trái của đồng tiền là hình hoàng hậu Livia hay thần chiến thắng trên một cỗ xe tứ mã với Tư tế Pontif. Và, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy nét châm biếm khôi hài của câu chuyện này chính ở chỗ kẻ đưa và giải thích huy hiệu trên đồng bạc Rôma không ai khác chính là những người thuộc nhóm Pharisêu -những người chống đối đến cùng sự hiện diện của hoàng đế và quân đội Rôma. Bọn người này một mặt rêu rao chống lại hoàng đế, nhưng những đồng tiền có huy hiệu hoàng đế từ trong túi họ chảy ra là bằng chứng tố cáo bộ mặt đạo đức giả của họ.
“Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Khi trả lời như thế, Chúa Giêsu cách nào đó minh định rằng, nước Thiên Chúa không đến để cạnh tranh với nước của Caesar, và việc Người đến thế gian này cũng không phải để chiếm lấy ngai vàng của Caesar. Caesar là của Caesar; Thiên Chúa là của Thiên Chúa, rất rõ ràng minh bạch. Khi trả chính trị về đúng vị trí vốn có của nó, loại bỏ chủ nghĩa tôn thờ, xem nó như bậc thần thánh, Chúa Giêsu muốn rằng đường lối chính trị tuy có những giá trị và trách nhiện riêng biệt nhưng không vì thế đứng ở thế đối lập với đường lối của Tin mừng; trái lại, nó cần phải được ánh sáng Tin mừng soi dẫn để luôn bước đi theo sự hướng dẫn của chân lý, nhằm đem lại những lợi ích thật sự cho cuộc sống nhân sinh- nơi mà nó được cắt đặt lên để thay mặt Thiên Chúa lãnh đạo. Cũng vậy, là con cái Thiên Chúa, hơn ai hết chúng ta là những công dân thuộc về một tổ quốc, một đất nước nhất định. Thế nên chúng ta cũng có bổn phận và trách nhiệm xây dựng vương quốc trần thế này mặc dù đó không phải là cùng đích vĩnh cửu. Chúa Giêsu hơn ai hết cũng đã trở nên một công dân gương mẫu khi Người cùng như cha mẹ đã chu toàn mọi nghĩa vụ công dân. Không thể có một tín hữu tốt nếu trước đó không là một công dân tốt đối với đất nước, gia đình và xã hội.
Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta nhìn lại trách nhiệm của mình đối với Thiên Chúa, đối với gia đình và xã hội. Chúng ta có một Thiên Chúa để tôn thờ, nhưng đồng thời chúng ta cũng có một tổ quốc để dấn thân phục vụ. Ước gì thông qua những nghĩa vụ của một công dân trần thế, chúng ta loan báo và chuẩn bị cho đời sống của một công dân Nước Trời mai sau.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb