Mục Tử Với Đoàn Chiên

Chúa Nhật 4 Phục Sinh (Gioan 10, 11-18)

Hình ảnh mục tử sống giữa đàn chiên là hình ảnh rất thân quen đối với dân Do-Thái ngày xưa chuyên sống đời du mục. Hình ảnh nầy được Thánh Kinh Cựu Ước sử dụng nhiều lần để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Người.

Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su dùng lại hình ảnh nầy như một biểu tượng cao đẹp để diễn tả tình thương cao vời Người dành cho nhân loại với những nét lớn sau đây:

1. Thiên Chúa muốn sống hoà mình thân mật với chúng ta

Thiên Chúa là Chúa Tể càn khôn, là Tạo Hoá quyền năng cao cả, còn loài người chỉ là tạo vật thấp hèn. Cách biệt giữa Thiên Chúa và loài người thật quá bao la.

Thế nhưng Thiên Chúa muốn vượt qua mọi cách biệt để sống chan hoà với con người. Người không muốn duy trì quan hệ đẳng cấp kiểu vua-tôi, chủ-tớ với con người nhưng muốn sống hài hoà thân mật với hết thảy chúng ta.

Để diễn tả tình thân nầy, Chúa Giê-su tự ví mình như mục tử nhân lành sống giữa đoàn chiên nhân loại.

Đẹp thay hình ảnh người chăn chiên hiền lành đang ngồi giữa bầy chiên đông đúc: có chiên thì được ẵm vào lòng; có chiên thì được khoác lên vai; còn những chiên khác thì quấn quýt chung quanh, hếch những chiếc mõm hồng hồng dễ thương và giương những cặp mắt ngây thơ nhìn người mục tử.

Qua biểu tượng mục tử với đàn chiên, Chúa Giê-su tỏ cho thấy Thiên Chúa muốn vui sống giữa loài người và tương quan giữa đôi bên hết sức thân mật không còn khoảng cách.

2. Thiên Chúa nuôi dưỡng chúng ta cách chu đáo

Thánh vịnh 23 phác hoạ chân dung Thiên Chúa như Vị Mục Tử nhân lành tận tình nuôi dưỡng đoàn chiên cách chu đáo, chẳng để chiên phải thiếu thốn điều gì.

“Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi” (Tv 23, 1-3)

Các mục tử trên đời nầy nuôi chiên nhằm khai thác chiên: xén lông, xẻ thịt hoặc bán chiên lấy tiền, còn Mục Tử Giê-su thay vì khai thác trục lợi đoàn chiên thì lại hiến thân mình làm lương thực để chiên được dồi dào sức sống: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên tôi được sống và sống dồi dào” (Gioan 10, 10)

Người chấp nhận trao ban chính mình làm bánh nuôi sống nhân loại đang lầm than đói khát: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Gioan 6, 35),

3. Chúa là Đấng chăm sóc chúng ta tận tình

Qua miệng ngôn sứ Ê-dê-ki-en, Thiên Chúa tỏ cho thấy Người chăm lo săn sóc từng người chúng ta rất ân cần: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta. Chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh” (Edekien 34, 15-16)

Qua dụ ngôn người mục tử bỏ 99 con chiên nơi hoang địa để đi tìm con chiên lạc, Chúa Giê-su tỏ cho thấy Thiên Chúa chăm sóc chi li từng người một, không muốn bất kỳ một ai phải hư vong. (Luca 15, 4-7)

4. Chúa là Đấng hy sinh mạng sống để bảo vệ chúng ta

Khác xa người chăn thuê cao chạy xa bay khi thấy đàn sói hung tàn xông tới vồ xé bầy chiên, Mục tử Giê-su chấp nhận hy sinh mạng sống mình để bảo vệ đến cùng: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành… tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Gioan 10, 11-15)

Lạy Chúa Giê-su, Chúa là Mục tử có một không hai trên đời:

Chúa sống hoà mình thân mật với chiên,
nuôi dưỡng chiên chu đáo,
chăm sóc chiên tận tình,
và sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đoàn chiên.
Xin cho gương sống tuyệt vời nầy sẽ mãi mãi là lời mời gọi và là động cơ thúc đẩy chúng con trở nên mục tử nhân lành như Chúa.

Xin thương giúp cho các bậc cha mẹ trở thành mục tử tốt trong gia đình, các linh mục trở thành mục tử nhân lành trong giáo xứ, Thầy Cô trở thành mục tử cao quý ở trường học… để mỗi người chúng con tuỳ theo chức phận mình, biết tận tình nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ đoàn chiên Chúa trao cho chúng con theo gương người Mục Tử nhân lành là chính Chúa. Amen.

LM Inhaxiô Trần Ngà

\\

RAO GIẢNG ĐỨC GIÊSU ĐÃ PHỤC SINH

(Gioan 10: 11-18)

Các tông đồ là những người đã được thấy và đụng chạm vào Đức Giêsu Phục Sinh. Vì thế, sứ mạng của các tông đồ là làm chứng điều mắt các ngài đã thấy và tai các ngài đã nghe: Đức Giêsu đã phục sinh. Chỉ nhờ Đức Giêsu phục sinh mà tất cả con người được cứu độ.

1. Thiên Chúa đã phục sinh Đức Giêsu từ cõi chết

Hôm nay, qua dịp chữa lành người tàn tật và rồi bị tra hỏi, Phêrô có dịp rao giảng tin mừng Đức Giêsu phục sinh trước mặt những người lãnh đạo dân Do Thái. Phêrô nói: “Xin tất cả quý vị và toàn dân Israel biết cho rằng: nhân danh Đức Giêsu Kitô, người Nazaret, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị” (Cv.4, 10). Phêrô không chủ ý kết tội những người đóng đinh Đức Giêsu, nhưng ngài xác định rõ Đức Giêsu là Đấng chính các vị lãnh đạo dân đã đóng đinh Ngài.

Phêrô còn rao giảng: “ngoài Ngài ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để nhờ danh đó mà tất cả chúng ta được cứu độ” (Cv.4, 12). Theo lời rao giảng của Phêrô, Đức Giêsu là người của Thiên Chúa; và Thiên Chúa đã dùng Ngài là phương tiện duy nhất cứu độ con người. Từ ngữ “phương tiện cứu độ duy nhất” ở đây có thể được hiểu theo nghĩa, nếu có một phương tiện cứu độ nào đó, thì vẫn nhờ và qua Đức Giêsu Kitô.

Đức Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất, phải chăng chỉ vì Thiên Chúa muốn vậy? Phải chăng Đức Giêsu cũng chỉ là một người như bao người khác, như bao trung gian khác, hay nơi Đức Giêsu còn có điều gì khác? Thiên Chúa muốn Đức Giêsu là trung gian cứu độ duy nhất, vì Đức Giêsu là người của Thiên Chúa, là Đấng Kitô, là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa.

2. Đức Giêsu là mục tử tốt lành

Đức Giêsu yêu thương con người. Ngài dùng hình ảnh quen thuộc đối với người Do Thái để diễn tả tình yêu và sự quan tâm của Ngài đối với con người. Ngài như một mục tử chăn chiên, Ngài muốn con người sống an lành và triển nở, như một mục tử tốt lành bảo vệ chiên khỏi nguy hiểm và chăn dắt để chiên được no đủ. Đức Giêsu đã dùng nhiều hình ảnh và nhiều cách để diễn tả tình yêu của Ngài đối với con người. Hình ảnh cây nho cành nho cũng là một hình ảnh rất thân thương được dùng để diễn tả tương quan giữa Đức Giêsu và con người.

Người chăn chiên tốt, là người dám hy sinh mạng sống vì đoàn chiên (Ga.10, 11); Đức Giêsu là người đã hiến mạng sống vì bạn hữu (Ga.15, 13). Bí tích Thánh Thể diễn tả cách thật đặc biệt tình yêu của Đức Giêsu đối với con người. Đức Giêsu yêu con người đến độ dám chết cho con người, dám hy sinh tất cả để con người được sống. Đức Giêsu là biểu tượng tình yêu của Thiên Chúa cho con người.

Thiên Chúa yêu thương con người một cách đặc biệt qua Đức Giêsu. Ngày nay Thiên Chúa vẫn dùng nhiều người như dấu chỉ Ngài hiện diện và yêu thương con người hiện tại. Trong Chúa Nhật thứ tư Phục Sinh, Giáo Hội cho tín hữu nghe bài phúc âm về Chúa Chiên Lành; và Giáo Hội cầu nguyện đặc biệt cho ơn thiên triệu tu sĩ và linh mục. Xin Chúa tiếp tục khơi dậy và đánh động, để ngày nay có nhiều người quảng đại dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa qua việc phục vụ anh em mình.

3. Chúng ta là con Thiên Chúa

Mỗi người đều được Thiên Chúa tạo dựng và sinh ra qua cha mẹ mình. Một khi người cha người mẹ sinh ra con, cho dù người con đó chấp nhận hay phủ nhận, kính trọng hay khinh thường, thì cha mẹ người đó vẫn là cha mẹ người đó; vì thế, Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người, cho dù người đó có biết hay không, có chấp nhận hay không, Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người, của Kitô hữu và của cả những người đang theo bất kỳ một tôn giáo nào.

Nếu vậy, Đức Giêsu Phục Sinh thêm gì cho hiểu biết và tương quan giữa con người và Thiên Chúa? Một khi người ta nhận ra chân tướng của Đức Giêsu, người ta sẽ nhận ra tương quan rất đặc biệt của Thiên Chúa đối với con người. Nếu Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa, hẳn Thiên Chúa phải yêu thương con người vô cùng nên Ngài mới cho Con Ngài nhập thể làm người. Con người không phải là tạo vật tầm thường, nhưng con người là một giá trị tuyệt vời đối với Thiên Chúa, chính vì thế Lời Thiên Chúa mới nhập thể làm người. Cái chết ô nhục của Đức Giêsu trên thập giá, làm người ta còn hiểu hơn tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Con người là gì, mà Thiên Chúa đã cam chịu để con người hành hạ Con của Ngài như vậy!

Chính Đức Giêsu, theo tin mừng Yoan, cũng khẳng định Thiên Chúa yêu thương con người như yêu chính Ngài (Ga.17, 23.20). Và chính Đức Giêsu cũng khẳng định Ngài yêu thương con người như Thiên Chúa yêu thương Ngài (Ga.15, 9). Một người có thể là con nhưng không được yêu thương, chẳng hạn có những người cha người mẹ bỏ con mình. Qua và nhờ Đức Giêsu, con người nhận ra Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng. Thiên Chúa yêu thương con người như yêu thương Đức Giêsu, Con Một Yêu Dấu của Ngài. Đức Giêsu là Đấng mặc khải Thiên Chúa.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

  1. Tại sao các tông đồ lại rao giảng Đức Giêsu đã phục sinh?
  2. Đức Giêsu phục sinh, điều này có đủ để chứng minh Ngài là Thiên Chúa không? Tại sao?
  3. Thiên Chúa tạo dựng con người, điều này đủ để chứng tỏ con người là con Thiên Chúa. Vậy Đức Giêsu mang gì thêm cho khẳng định “chúng ta là con Thiên Chúa”?

LM Phạm Thanh Liêm, SJ