Chủ Nhật 30 Thường Niên, Năm A.
Bài đọc: Exodus 22:20-26; 1 Thessalonians 1:5-10; Matthew 22:34-40.
– Có quá nhiều lựa chọn hay phải giữ quá nhiều luật lệ làm chúng ta dễ bị hoang mang lẫn lộn. Chúng ta không biết phải lựa chọn làm sao, không biết phân biệt cái gì chính yếu, cái gì phụ thuộc. Thật là hữu ích khi có người biết rành rẽ lựa chọn hay chỉ cho chúng ta những điều chính yếu và làm sao để thi hành những điều chính yếu đó.
– Trong Phúc Âm hôm nay, Chúa tóm gọn Lề Luật trong hai giới răn, và gọn hơn nữa trong 4 chữ: Mến Chúa Yêu Người.
– Trong Bài đọc I, Sách Xuất Hành dạy cho chúng ta những bài học cụ thể phải yêu người làm sao qua những gì chúng ta phải làm cho khách ngọai kiều, cô nhi quả phụ, và những người nghèo.
– Trong Bài đọc II, Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta thấy cách phải dạy “Mến Chúa Yêu Người” làm sao cho có hiệu quả.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chúa yêu thương kẻ khốn cùng.
Tại sao Chúa dạy con người phải yêu thương người cùng khổ? Câu trả lời đơn giản là vì họ cũng là con của Thiên Chúa; bổn phận của Cha là phải che chở và bảo vệ con cái mình. Hơn nữa, mọi người đều là con Thiên Chúa; và vì thế, mọi người đều là anh chị em với nhau trong gia đình Thiên Chúa. Sách Xuất Hành cho chúng ta những ví dụ cụ thể phải yêu người làm sao:
(1) Khách ngoại kiều: là những người đến từ các nước khác, không phải là dân bản xứ. Ví dụ, người Việt Nam cư ngụ tạiCanadahay Hoa-Kỳ. Khách ngọai kiều phải chịu rất nhiều thiệt thòi về ngôn ngữ, tài chánh, quyền lợi … Chúa dạy: “Các ngươi không được ngược đãi và áp bức họ, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-Cập.” Người Việt-Nam chúng ta cũng là dân di cư như những người Do-Thái, chúng ta biết phải khổ cực thế nào trong những ngày tháng đầu tiên tỵ nạn nơi đất khách quê người. Vì thế, chúng ta không được kỳ thị những người tới sau hay những khách ngọai kiều khác. Chúng ta có bổn phận phải giúp họ ổn định cuộc sống vì chúng ta cũng đã được giúp đỡ để ổn định.
(2) Mẹ goá con côi: là những người vợ không có chồng và những đứa con không có cha. Những người này phải chịu rất nhiều thiệt hại: Người vợ góa phải chu tòan 2 bổn phận của mẹ và của cha, vừa phải làm việc kiếm tiền vừa phải lo lắng mọi sự trong gia đình. Đứa con côi cũng phải chịu thiệt hại không kém, lẽ ra phải được hưởng tình yêu và sự săn sóc của cả cha lẫn mẹ, giờ đây chúng chỉ còn người mẹ phải bươn chải kiếm ăn, không còn thời giờ nhiều để dạy dỗ chúng. Đó là lý do tại sao Chúa dạy: “Các ngươi không được ức hiếp. Nếu ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta, ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu. Cơn giận Ta sẽ bốc lên, Ta sẽ cho gươm chém giết các ngươi: thế là vợ các ngươi sẽ thành goá bụa, và con các ngươi sẽ thành côi cút.”
(3) Người nghèo: là những người không có đủ tiền để sinh sống, không có nhà để ở, không có lương thực để ăn … Thái độ chúng ta cần tránh khi giúp đỡ người nghèo là kết tội họ lười biếng không chịu làm việc, và lấy tiền xin được đi hút hay say xỉn. Chúng ta phải hiểu rằng nếu là một người bình thường, không ai thích phải ăn xin hay vô gia cư; nhưng cuộc sống có nhiều bất ngờ mà họ phải rơi vào tình trạng đó. Vì thế, bổn phận của chúng ta là giúp đỡ họ, còn họ dùng tiền của chúng ta vào việc gì, chúng ta không có quyền phán đóan. Sách Xuất Hành dạy cho chúng ta ít điều cụ thể để giúp người lâm cảnh túng thiếu:
– “Nếu ngươi cho một người trong dân Ta, một người nghèo ở với ngươi vay tiền, thì ngươi không được xử với nó như chủ nợ, không được bắt nó trả lãi.” Khi người nghèo phải đi vay nợ để sinh sống là họ đã hết tiền; nếu chúng ta bắt họ phải trả lời thì họ lấy đâu mà trả. Nếu họ trả được vốn là họ đã cố gắng lắm rồi.
– “Nếu ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm, thì ngươi phải trả lại cho nó trước khi mặt trời lặn. Nó chỉ có cái đó để đắp, để làm áo che thân; nó sẽ lấy gì mà ngủ? Nó mà kêu cứu Ta, Ta sẽ nghe nó, vì Ta vốn nhân từ.” Cầm đồ để mượn tiền là phương thế rất phổ thông xưa cũng như nay. Nếu cầm những đồ không phải dùng hằng ngày thì chủ nợ có quyền giữ đồ cầm; nhưng nếu là những đồ phải dùng hằng ngày như áo chòang để che thân cho ấm để ngủ, chủ nợ phải trả lại cho người cầm đồ trước khi mặt trời lặn.
2/ Bài đọc II: Lòng mến Chúa và yêu người của các tín hữu Thessalonica
2.1/ Thánh Phaolô dạy và làm gương cho các tín hữu Thessalonica: Không ai có thể cho cái mình không có. Trước khi đi rao giảng cho dân thành Thessalonica, Thánh Phaolô đã được thấm nhuần đạo lý của Tin Mừng và tình yêu của Thiên Chúa đến độ ngài ao ước cho tất cả mọi người cũng được hiểu biết Tin Mừng và có được tình yêu Thiên Chúa như ngài. Ngài tâm sự với các tín hữu: “Khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa. Anh em biết, khi ở với anh em, chúng tôi đã sống thế nào để mưu ích cho anh em.”
Để thành công trong việc rao giảng, Thánh Phaolô nói không phải chỉ bằng lời, nhưng còn có quyền năng của Thánh Thần, và sự xác tín sâu xa của người rao giảng biểu lộ qua cách sống. Chính những điều này đã để lại ấn tượng sâu xa trên người nghe và giúp họ hóan cải và tin vào Tin Mừng: “Còn anh em, anh em đã bắt chước chúng tôi và noi gương Chúa, khi đón nhận lời Chúa giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Thánh Thần ban.”
2.2/ Các tín hữu làm gương cho mọi người bằng cuộc sống mến Chúa yêu người: Những lời giảng dạy và cuộc sống nhân chứng của Thánh Phaolô đã hóan cải các tín hữu Thessalonica và đào tạo họ trở nên những chứng nhân sống động cho người khác. Thánh Phaolô nhận định: “Anh em đã nên gương cho mọi tín hữu ở miền Macêđônia và miền Akaia. Quả thế, từ nơi anh em, lời Chúa đã vang ra, không những ở Macêđônia và Akaia, mà đâu đâu người ta cũng nghe biết lòng tin anh em đặt vào Thiên Chúa, khiến chúng tôi không cần phải nói gì thêm nữa.”
Rao giảng Tin Mừng không phải là để cho đi một số những kiến thức về Thiên Chúa, nhưng là để cho đi cả một niềm tin và tình yêu của người rao giảng. Phải làm sao để những gì đã họat động nơi người rao giảng cũng sẽ họat động nơi người nghe; để giúp họ tiếp tục rao giảng và làm chứng nhân sống động cho Tin Mừng. Điều này đã được thể hiện sống động nơi Thánh Phaolô và các tín hữu của ngài: “Khi nói với chúng tôi, người ta kể lại chúng tôi đã được anh em tiếp đón làm sao, và anh em đã từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với Thiên Chúa thế nào, để phụng sự Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa thật.”
3/ Phúc Âm: Mến Chúa Yêu Người là 2 giới răn quan trọng nhất.
3.1/ Điều răn nào là điều răn trọng nhất? Khi nghe tin Đức Giêsu đã làm cho nhóm Sa-đốc phải câm miệng, những người Pharisêu họp nhau lại. Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” Đức Giê-su đáp:
(1) Mến Chúa (Dt 6:5): “ Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất.” Người Do-Thái không xa lạ gì với câu trả lời này, vì đi chỗ nào họ cũng nhìn thấy câu này: thẻ kinh họ đeo trên trán hay đeo trên hai tay, trên cửa ra vào, là những lời dạy dỗ đầu tiên và liên tục nhắc nhở cho con cái. Vấn đề Chúa đặt ra không ở chỗ họ có biết hay không, nhưng ở chỗ họ thể hiện tình yêu Chúa thế nào trong cuộc sống!
(2) Yêu người (Leviticus 19:18): “ Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” Điều răn thứ hai cũng đã được ghi chép trong Sách Levi 19:18. Cái sáng tạo của Chúa Giêsu là lấy hai giới răn đã được ghi chép ở hai nơi, Levi và Đệ Nhị Luật, đưa về một nơi và tuyên bố là hai giới răn quan trọng nhất. Cũng như giới răn thứ nhất, vấn đề Chúa đặt ra không ở chỗ họ có biết hay không, nhưng ở chỗ họ thể hiện tình yêu Chúa thế nào trong cuộc sống!
Và Chúa kết luận: “Tất cả Luật Môsê và các sách Ngôn Sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.” Chúng ta có thể thêm vào mà không sợ sai: các Sách Tân Ước cũng đều tùy thuộc vào 2 điều răn này. Một khi con người đã thấu hiểu tình yêu Thiên Chúa qua những gì Ngài đã làm cho con người, và loan truyền tình yêu này cho tha nhân qua việc rao giảng Tin Mừng và qua chính cuộc sống chứng nhân, họ đã đắc đạo và không thiếu gì nữa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Mến Chúa Yêu Người phải trở nên cái địa bàn cho mỗi người chúng ta trong khu rừng của thế giới với bao nhiêu cám dỗ và học thuyết làm cho con người lẫn lộn.
– Mến Chúa Yêu Người không phải là lý thuyết xuông hay những lời chóp lưỡi đầu môi, nhưng phải biểu lộ qua lời rao giảng và cuộc sống chứng nhân. Trong khi rao giảng Tin Mừng, chúng ta phải làm sao để những gì đã họat động nơi chúng ta cũng sẽ họat động nơi người khác.
– Mến Chúa Yêu Người phải được biểu lộ cách cụ thể nơi những khách ngọai kiều, nơi mẹ góa con côi, và nơi những người nghèo không có phương tiện sinh sống.
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP