Ngày 22 tháng 6 này là lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Dịp này Toà Thánh hô hào toàn thể Hội Thánh “Cầu xin ơn thánh hoá linh mục”.
Thánh hoá là một ơn. Chúng ta xin ơn ấy với Chúa. Chúa ban ơn, nhưng chúng ta phải cộng tác vào ơn ấy.
Thánh hoá là một lời mời gọi. Chúa mời gọi và chúng ta phải đáp lại.
Với nhận thức sơ đẳng đó, chúng ta, dù là thành phần nào của Dân Chúa, sẽ thấy mình được vinh dự góp phần vào việc thánh hoá linh mục: Linh mục của Chúa, linh mục của Hội Thánh, linh mục của cộng đoàn chúng ta.
Sự góp phần của chúng ta sẽ được thực hiện bằng cách nào? Toà Thánh đề nghị một việc cụ thể. Đó là cầu nguyện cho các linh mục được ơn thánh hoá mình và thánh hoá người khác.
Nếu cần đưa ra một hình ảnh khi cầu nguyện cho các linh mục, thì thiết tưởng nên chọn hình ảnh “mục tử tốt lành”. Chúng ta cầu nguyện cho các linh mục được ơn trở nên mục tử tốt lành theo mẫu gương Chúa Giêsu, Đấng đã tự giới thiệu mình: “Ta là mục tử tốt lành” (Ga 10,19).
Để hình ảnh mục tử tốt lành đúng là một bản lãnh mang những đặc điểm thực sự tốt lành, mà Phúc Âm diễn tả, tôi xin phép nhắc qua đôi chút.
Trước hết, mục tử tốt lành là người nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực có chất lượng cao.
Nuôi dưỡng đoàn chiên.
Lương thực thứ nhất là Lời Chúa. Chúa Giêsu phán: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn bằng mọi lời do miệng Chúa phán ra” (Mt 4,4). Lời Chúa là hạt giống mang sự sống thiêng liêng (Lc 8,11).
Lương thực thứ hai là Phép Thánh Thể. Chúa Giêsu phán: “Ta là bánh trường sinh… là bánh bởi trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 5,48-51).
Lương thực thứ ba là thánh ý Chúa Cha. Chúa Giêsu phán: “Lương thực của Ta là thi hành thánh ý Chúa Cha, Đấng đã sai Ta” (Ga 4,34).
Trên thực tế, nhiều đoàn chiên còn đang thiếu ba lương thực trên đây. Đó là một sự thực đáng buồn. Nhất là khi thiếu mà không biết mình thiếu. Nếu tình trạng này kéo dài hoặc sẽ tệ hơn, thì có nguy cơ đoàn chiên sẽ thiếu dinh dưỡng, bị bệnh hoạn và có thể tới chỗ tan rã. Trách nhiệm thuộc về nhiều phiá. Đây là điều mà việc thánh hoá linh mục đòi các cộng đoàn Hội Thánh phải suy nghĩ.
Mục tử không tự mình làm ra những lương thực thiêng liêng này, và không được phân phát ra một cách máy móc, nhưng phải cộng tác chặt chẽ với Chúa. Vì thế ngài phải biết kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, là mục tử tốt lành đứng đầu các mục tử.
Mục tử tốt lành là người kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu.
Kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu phán: “Ta là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Ta và Ta ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Ta, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
Kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu là có một sự hiểu biết sâu xa về Chúa Giêsu do đã gặp gỡ Ngài và sống với Ngài thực sự.
Khi thánh Phêrô tìm người thay thế Giuđa, ngài đã nói với cộng đoàn: “Trong số những anh em đã cùng chúng tôi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời, phải có người trở thành chứng nhân cùng với chúng ta làm chứng Người đã phục sinh” (Cv 1,21-22). Với những lời trên đây, thánh Phêrô, khi chọn người làm mục tử thay thế Giuđa, đã chỉ đưa ra một tiêu chuẩn là: Người đó đã phải cùng sống với Chúa Giêsu và đã tham dự cuộc đời cứu thế của Ngài: Một đời mặc lấy thân phận đoàn chiên, yêu thương đoàn chiên, cứu độ đoàn chiên và còn hơn nữa, như lời Ngài nói: “Ta còn có những chiên không thuộc đoàn này. Ta cũng phải đưa chúng về” (Ga 10,16). Ngài cũng khẳng định: “Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (10,11).
Muốn được như vậy, người mục tử phải có những tâm tình của Chúa Giêsu. Nhất là sự khiêm nhường.
Đến đây, tôi nhớ lại chuyện thánh Phêrô lớn tiếng cam kết với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, với Chúa, con sẵn sàng vào tù, và có chết cũng sẵn sàng” (Lc 22,33). Ông tưởng mình cần nói lên sự can đảm và cần làm gương cho anh em về sự can đảm. Nhưng Chúa Giêsu trả lời: “Này Phêrô, Ta bảo thật cho con biết, đêm nay gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối là anh không biết Ta” (Lc 22,34).
Chỉ vài giờ sau, điều Chúa Giêsu vừa nói trước với Phêrô đã xảy ra. Sự thực đó cho Phêrô và mọi môn đệ thấy rằng: Nhiều khi các môn đệ thích khoe khoang mình can đảm vì Chúa. Nhưng trong can đảm đó lại có động lực kiêu căng. Mà Chúa thì lại ưa chuộng sự khiêm nhường. Khiêm nhường là một hình thức can đảm đầy thánh thiện. Vì thế Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ Ngài hãy học với Ngài, đặc biệt là về hiền lành và khiêm nhường (Mt 11,29). Chính Ngài đã cứu chuộc loài người bằng sự hiền từ khiêm tốn, vâng phục thánh ý Chúa Cha.
Để biết phân định sự thực và sự không thực về thánh ý Chúa Cha, người mục tử tốt lành rất cần ơn Chúa Thánh Thần.
Khát khao và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần.
Chúa Giêsu phán: “Khi nào Thần Khí chân lý đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13).
Thần Khí chân lý là Chúa Thánh Linh. Khi Ngài đến, Ngài sẽ giúp cho mục tử làm mục vụ một cách rất mới, có hồn, đầy uy tín. Bởi vì Thánh Thần sẽ cho mục tử nếm được phần nào mùi vị ngọt ngào của sự sống Thiên Chúa trong lời Chúa. Ngài sẽ cho mực tử nhìn thấy phần nào dung mạo đẹp đẽ của Thiên Chúa trong Phép Thánh Thể. Ngài sẽ cho mục tử cảm được phần nào lửa nồng nàn của tình xót thương Chúa ẩn tàng trong thánh ý Chúa. Những lúc đó, người mục tử sẽ phục vụ đoàn chiên với tất cả tâm hồn hoà tan trong quyền lực Thánh Linh, như thánh Phaolô xưa: “Khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy. Tôi nói, tôi giảng mà chẳng dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn. Nhưng chỉ dựa vào chứng xác thực của Thánh Linh và quyền năng Thiên Chúa” (1Cor 2,3-5).
Thời nay, tại đây, hơn bao giờ hết, người mục tử rất cần các ơn Chúa Thánh Thần. Như ơn sáng suốt khôn ngoan trong phân định việc nên làm với cách nên làm, và việc không nên làm với cách không nên làm, ơn tiên liệu, ơn đối thoại, ơn đào tạo, ơn biết an ủi nâng đỡ đoàn chiên.
Tôi cho là rất quan trọng ơn biết quên mình, biết cởi gỡ mình khỏi mọi nô lệ tội lỗi, biết sống tự do thực sự nội tâm, để đón nhận Nước Trời, ơn biết xây dựng hiệp nhất yêu thương trong sự trọng kính những khác biệt.
Đặc biệt, tôi khát khao ơn biết cầu nguyện, ơn biết xót thương đoàn chiên và đồng bào mình, và biết giới thiệu Tin Mừng qua những diễn tả mới mẻ, dễ hiểu và có sức thuyết phục. Làm sao để khi gặp linh mục và thấy linh mục làm mục vụ và việc xã hội, ngay cả khi thấy ngài thinh lặng cầu nguyện, hoặc thinh lặng hiện diện với tuổi tác và bệnh tật, mọi người thiện chí đều có cảm tưởng là một Đấng thiêng liêng đang hiện diện một cách tích cực trong cuộc sống ngài, và qua ngài mà Đấng ấy đang đến với lịch sử hôm nay. Với Đấng thiêng liêng ấy, linh mục hiện diện và đến như một tình thương, một hy vọng, một sức mạnh đổi mới trong dáng vẻ tu thân hiền từ và khiêm tốn.
Nghĩ tới đây, tôi cảm thấy vui, khi thoáng nhìn các mục tử trong Hội Thánh. Bản thân các ngài có rất nhiều giới hạn, kể cả tội lỗi. Nhưng các ngài vẫn đáng được chúng ta kính trọng yêu thương, nhất là rất đáng được mọi người chúng ta chân thành giúp đỡ bằng lời cầu nguyện. Nhận thức đó do đức tin, vượt qua những sự bề ngoài, sẽ đưa chúng ta đến vô vàn lợi ích, Thiên Chúa giàu tình yêu thương xót sẽ ban thưởng cho chúng ta.
Nhưng tôi chợt buồn, khi nghĩ về thảm kịch Chúa Giêsu, vị mục tử rất nhân lành đã bị nội bộ tôn giáo vu cáo, hành hạ, loại trừ và đòi giết chết. Lý do đưa ra là để bảo vệ tôn giáo! Tôi sợ thảm kịch như thế cũng có thể xảy ra đây đó, với nhiều hình thức khác nhau, vẫn dưới chiêu bài đạo đức: “Để bảo vệ đức tin và làm chứng cho đức tin” (!)
Với vài chia sẻ trên đây, tôi mong rằng: Lời Toà Thánh kêu gọi cầu xin ơn thánh hoá linh mục sẽ được hưởng ứng một cách sốt sắng sâu sắc và rộng khắp.
+GM GB. Bùi Tuần
Long Xuyên, ngày 8 tháng 6 năm 2001.