Chủ Nhật 12 Quanh Năm A
Trong Chúa Nhật vừa qua, Đức Giêsu đã mời gọi từng người chúng ta lên đường loan báo cho mọi người về Tin mừng Nước Thiên Chúa. Đây là một vinh dự, nhưng Lời Chúa hôm nay cho thấy, sứ mạng của người tông đồ vẫn không thiếu những khó khăn. Được Thiên Chúa tuyển chọn và sai đi, nhưng người tông đồ không hề được miễn chước khỏi mọi đau khổ trở ngại. Nếu không muốn nói là đau khổ hình như luôn gắn liền với sứ mạng, và có khi trở thành một dấu chỉ để nhận ra khuôn mặt của người tông đồ chân chính.
Nhưng cho dù có gặp đau khổ, người tông đồ chân chính vẫn luôn bình an, vì họ luôn có Chúa ở cùng. Đồng thời, ngang qua những đau khổ đó, họ lại tiếp tục được mời gọi loan báo cho mọi người về tình yêu của Thiên Chúa.
1. Đau khổ trong đời sống con ngườiBài đọc một chúng ta vừa nghe thuật lại cuộc chiến trong nội tâm của ngôn sứ Giêrêmia, một trong bốn vị ngôn sứ lớn của Cựu Ước. Cuộc đời của ông thật là lắm nỗi gian truân. Ông đã được Chúa gọi đi làm ngôn sứ cho Ngài, cho dù ông không muốn, ông nói: “Người đã dụ dỗ tôi, và tôi đã để mình bị dụ dỗ” (Gr 20, 7). Thế nhưng, vâng lời Thiên Chúa, ông vẫn chấp nhận từ bỏ ý riêng để thực hiện sứ mạng của một vị ngôn sứ, một sứ mạng đầy những thử thách, cam go. Ông đã được Thiên Chúa sai đi “để nhổ và lật đổ, để hủy và để phá, để xây và cấy trồng” (Gr 1, 10b). Ông đã lên tiếng tố cáo sự tham nhũng, bất trung của nhà cầm quyền đối với giao ước. Theo lời Chúa, ông còn phải lên tiếng cảnh cáo dân về đời sống sa đọa của họ. Ông loan báo về những ngày hoạn nạn sẽ tới, nếu dân không thay đổi lối sống, trở về với Thiên Chúa.
Đứng trước những lời cảnh báo của vị ngôn sứ, chẳng những vua quan, dân chúng không chịu hối cải, nhưng còn xem ông như là kẻ chuyên loan báo tai họa. Và thế là họ tìm mọi cách làm hại ông. Ông đã bị bắt bớ, giam cầm, bỏ đói, hành hạ đủ cách đủ kiểu, chết đi, sống lại. Thậm chí cả bạn bè, thân hữu nhiều khi cũng tìm cách tránh xa ông. Trong nỗi đau khổ cùng cực đó, ông đã phải thưa lên với Giavê, Thiên Chúa: “Tất cả bạn hữu tôi rình tôi vấp ngã mà nói rằng: “Ước gì nó bị lừa dối để chúng ta thắng nó và sẽ trả thù nó”. Cả cuộc đời của vị ngôn sứ hình như luôn đối mặt với đau khổ, cho dù ông đã hết lòng vâng nghe theo lời Chúa. Đau khổ quả là một mầu nhiệm mà vị ngôn sứ không thể hiểu nổi.
Không riêng gì ngôn sứ Giêrêmia, những nỗi đau khổ do hiểu lầm, chống đối, ganh tỵ, thậm chí có khi còn bị kết án, tẩy chay …, bởi chính những người gần gũi mình nhất, hình như luôn gắn liền với sứ mạng của người tông đồ. Cùng chung một cảm nghiệm về đau khổ đó, tác giả Thánh Vịnh cũng kêu lên: “Tôi bị những người anh em coi như khách lạ, bị những người cùng con một mẹ xem như kẻ ngoại lai. Sự nhiệt tâm lo việc nhà Chúa khiến tôi mòn mỏi, điều tủi nhục người ta nhục mạ, Chúa đổ trên mình tôi”.
Đau khổ của ngôn sứ Giêrêmia, của các người công chính trong Cựu ước, tất cả như tập trung và báo trước cho hành trình thập giá của Đức Kitô. Với con đường thập giá, Đức Kitô đã mang vào thân thể Ngài tất cả sự tủi hổ, oan ức, cùng với biết bao nỗi đắng cay khi bị người thân, kẻ nghĩa phản bội, rồi bỏ Ngài mà trốn chạy ngay giữa lúc Ngài cần họ nhất.
Như thế, với cái nhìn tự nhiên, đau khổ tự nó là một cái gì thật ghê gớm, đáng sợ không thể hiểu nổi và người ta càng không thể hiểu, khi những thấy cả những người công chính, thánh thiện cũng gặp phải biết bao đau khổ, thử thách. Tuy nhiên, lời Chúa hôm nay cho thấy, sức mạnh của đau khổ không phải là tuyệt đối. Chính nhờ đau khổ, chúng ta sẽ có dịp để cảm nghiệm rõ hơn về lòng thương xót của Thiên Chúa. Với kinh nghiệm của mình, tác giả Thánh vịnh mời gọi chúng ta: “Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh, vì Chúa nghe những người cơ khổ, và không chê bỏ con dân của Người bị bắt cầm tù”.
2. Đức Giêsu, Đấng giải thoát: Nhìn lại cả cuộc đời đau khổ của ngôn sứ Giêrêmia, của những người công chính trong Thánh Kinh, nhất là với cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, có những lúc làm cho chúng ta nghi ngờ về chính sự hiện diện của Thiên Chúa.
Nhưng cho dù đau khổ, thử thách có lớn lao đến mấy, Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện bên cạnh người mà Ngài đã chọn gọi. Chính niềm xác tín đó đã giúp ngôn sứ Giêrêmia kiên vững và trung thành trong suốt sứ vụ của mình. Giữa những thử thách và bắt bớ, giữa bao nỗi âu lo, buồn phiền, vị ngôn sứ vẫn luôn cảm nhận được “Thiên Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng”. Cùng một cảm nghiệm đó, tác giả Thánh Vịnh đã mời gọi chúng ta hiệp tiếng ngợi khen, chúc tụng Chúa: “Hãy hát mừng Chúa, hãy ca tụng Chúa, vì Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ”.
Người tông đồ, người công chính có thể vẫn còn gặp phải các sự dữ, vẫn còn phải đương đầu với mọi thử thách, gian truân, nhưng chắc chắn, họ không lâm cảnh cùng đường tuyệt vọng, bởi vì họ luôn xác tín vào lời hứa của Đức Giêsu: “Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn… Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần”.
Vâng, Thiên Chúa biết chúng ta rõ hơn là chúng ta biết bản thân mình. Và nhất là Người vẫn đang hết lòng yêu thương chúng ta. Đặc biệt với cuộc Vượt Qua của mình, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đã “gánh vác” lấy tội của chúng ta vào mình và đem lên thập giá, để rồi nhờ cuộc Phục Sinh của Ngài, chúng ta nhận được muôn vàn ơn phúc của Thiên Chúa, như lời thánh Phaolô trong bài đọc hai: “Vì nếu do tội của một người mà nhiều người phải chết, thì ơn nghĩa của Thiên Chúa và ân huệ ban do ơn một người là Đức Giêsu Kitô, làm cho nhiều người được ơn dư đầy hơn bội phần”.
3. Loan báo cho mọi người biết về tình yêu của Thiên Chúa:Nhận được tình yêu của Thiên Chúa, đến lượt mình, chúng ta được Đức Giêsu mời gọi trở nên chứng nhân cho tình yêu đó trước mặt mọi người: “Ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy là Đấng ngự trên trời”.
Lời loan báo này không giới hạn ở các lễ nghi phụng vụ giữa các tín hữu với nhau, nhưng cần được gởi đến cho tất cả mọi người thuộc mọi thời đại. Đức Giêsu nhắn bảo chúng ta: “Điều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà”. Khi nói: “Hãy nói nơi ánh sáng… hãy rao giảng trên mái nhà”, nghĩa là, Đức Giêsu muốn chúng ta loan báo Tin mừng của Thiên Chúa một cách mạnh mẽ, và công khai. Chúng ta cần loan báo và làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa bằng chính cuộc sống hiện tại của mình.
Tóm lại, Thiên Chúa vẫn luôn ở đó, hiện diện bên cạnh và trong chúng ta, nhất là mỗi khi chúng ta hiệp lễ. Ngài ở với chúng ta, cùng mang lấy gánh nặng của chúng ta, để rồi đến lượt mình, Ngài muốn mỗi người chúng ta cũng biết đưa bàn tay của mình ra, để chia sẻ gánh nặng với tha nhân. Nhờ đó, khi phải ra trình diện trước mặt Chúa, chúng ta sẽ được Đức Giêsu tuyên nhận trước mặt Cha Ngài. Amen.
Lm Trần Thanh Sơn