Ngày 1.11.1950, đúng vào dịp lễ các thánh Nam Nữ, Đức Thánh Cha Piô XII long trọng tuyên bố cho toàn thể thế giới Công giáo rằng: “Thánh Mẫu Thiên Chúa là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria Trọn Dời Dồng Trinh, sau khi sống trọn cuộc đời trần thế, đã được triệu hồi cả hồn và xác vào trong vinh quang thiên quốc.” Kể từ lời tuyên bố trong thánh lễ tuyên tín long trọng hôm ấy, mầu nhiệm Đức Maria được Thiên Chúa đưa về trời cả hồn và xác, trở thành chân lý đức tin cho toàn thể thế giới Công giáo.
Chỉ trong một lời tuyên tín ngắn gọn và quan trọng để tuyên bố một tín điều, Đức Giáo Hoàng đã liệt kê cùng lúc đầy đủ bốn đặc ân vô cùng cao cả, ngoài Đức Maria không có bất cứ ai có được. Đó cũng là bốn chân lý tuyệt đối của lòng tin thuộc về đời sống và nhân đức riêng tư của Đức Maria mà mỗi người Kitô hữu phải tin:
– Đức Maria Thánh Mẫu Thiên Chúa, Mẹ được làm Mẹ Thiên Chúa.
– Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ không hề mắc tội tổ tông truyền từ ngay khi thành thai trong lòng mẹ.
– Đức Maria Đồng Trinh Trọn Đời, dù mang thai và sinh con, Mẹ vẫn trinh khiết vẹn toàn.
– Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, Mẹ được Chúa triệu hồi cả hồn và xác vào trong vinh quang thiên quốc, sống trong hạnh phúc vĩnh cửu.
Trong lịch Phụng Vụ, tháng Năm là tháng Hoa dâng kính Mẹ Maria, tháng Mười cũng dành kính Mẹ qua tràng chuỗi Mân Côi. Tháng Tám này, tuy Giáo Hội không chính thức dành để tôn kính Mẹ, nhưng lại là khoảng thời gian đặc biệt trong năm dành cho các cuộc hành hương kính Đức Mẹ. Cứ nhìn vào các cuộc hành hương được tổ chức trong và ngoài nước trong tháng 8 này thì chúng ta cũng thấy rõ lòng sùng kính và yêu mến Mẹ của người Công Giáo Việt Nam đặc biệt đến thế nào.
Ngày lễ hôm nay, Giáo hội mừng kính một tạo vật đầu tiên, Mẹ Maria đã được khải hoàn và bước vào quê hương thiên quốc.
Bầu khí phụng vụ mang một sắc thái vui tươi với những lời ngợi khen và chúc tụng Đức Trinh Nữ lên trời hiển vinh. Từ nay, Mẹ có vai trò quan trọng là Nữ Vương Trời Đất, Mẹ nhân loại.
Lên trời là lên ở đâu?
Lên trời là kiểu nói bị chi phối bởi cách suy nghĩ của chúng ta. Sống trong thời gian, các biến cố luôn xảy ra gắn liền với không gian. Trời không phải là môt nơi chốn, lên không phải là nơi đó cao hơn. Thời gian và không gian chẳng có ý nghĩa gì đối với Thiên Chúa vì Thiên Chúa siêu thời gian. Giáo hội mừng lễ Mẹ Lên Trời cả hồn lẫn xác là mừng việc Thiên Chúa đưa Mẹ ra khỏi trần gian bị tội lỗi làm nhiễm độc một ngày kia sẽ tiêu tan để tiến vào một thế giới mới trong đó Thiên Chúa ngự trị tuyệt đối. Mẹ được đưa về trời ở cùng Chúa Kitô trong vinh quang. Tín điều khẳng định: sự liên kết Đức Mẹ với Chúa Kitô Phục sinh trên trời cả hồn lẫn xác.
Mẹ chết rồi sống lại và về trời hay là không phải chết?
Thế kỷ 19, một số người cho rằng Mẹ không phải phải chết, họ cho rằng Mẹ không mắc nguyên tội nên không chết vì sự chết là hình phạt của tội nguyên tổ. Đa số cho rằng Mẹ đã chết và sau đó sống lại. ĐGH Piô XII không nói đến vấn đề này, không nói Mẹ không phải chết cũng không nói Mẹ đã chết và đã sống lại mà chỉ rằng sau khi chấm dứt cuộc đời dương thế người được cất về trời cả hồn lẫn xác.
Có thể hiểu rằng: Mẹ đã chết rồi sống lại cũng như chính Đức Kitô đã chết và sống lại và Mẹ sống lại là nhờ quyền năng Chúa Kitô. Sự chết là hình phạt do tội lỗi gây nên. Adam-Eva bất tử trong địa đàng, vì phạm tội bất tuân nên đau khổ sự chết tràn vào trần thế. Sự chết không phải là hình phạt đối với Mẹ. Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội nên không nhận lấy hậu quả sự chết của tội Adam. Nhưng sự chết đối với Mẹ là một sự tự hiến dâng làm của lễ như Chúa Kitô. Vì thế, thân xác của Mẹ không thể hư nát như thân xác chúng ta. Thiên Chúa đã đưa thân xác Mẹ vào cõi vinh quang cùng với hồn để Mẹ hưởng vinh phúc trên thiên quốc. Từ đây cái chết đã thay đổi ý nghĩa: chết là về với Chúa, là niềm vui. Chúa Phục Sinh, Lên Trời là do thiên tính vì Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Mẹ sống lại lên trời là do hồng ân Thiên Chúa ban. Ý thức như vậy nên phụng vụ Giáo Hội gọi sự Phục Sinh Lên Trời của Chúa Giêsu là Ascenciô (đi lên). Đối với Đức Mẹ là Assumptio (được nhắc lên). Hồn Xác Lên Trời là một hồng ân cao cả mà Thiên Chúa ban cho Mẹ. Mẹ là người diễm phúc nhất trong mọi người nữ. Thiên Thần đã ngợi khen: Đấng đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng bà. Và Mẹ đã hát lên bài ca Magnificat: phận nữ tỳ hẹn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Mẹ được hết mọi đời khen là diễm phúc chính là vì Đấng Toàn Năng đã làm cho Mẹ biết bao điều cao cả. Điều cao cả nhất là làm Mẹ Chúa Cứu Thế. Mẹ là cây sinh quả phúc và nhờ quả phúc ấy mà Mẹ được biết đến và được ca tụng. Mẹ là cây trường sinh mang quả đầu mùa mà Thiên Chúa đã trồng trong vườn địa đàng mới hầu đem lại sự sống đời đời cho mọi thế hệ loài người. Chính vì thế mà Thiên Chúa muốn cho cây mang quả trường sinh ấy được nhân lên trong vườn địa đàng mà Người muốn mở rộng diện tích tới tận cùng trái đất.
Hằng năm đến ngày rằm tháng bảy âm lịch (vào khoảng giữa tháng tám) các chùa đều tổ chức lễ Vu Lan để các Phật tử đến cúng dường, cầu nguyện cho các vong linh được siêu sanh tịnh độ, và cầu cho cha mẹ có được đời sống an lành phước lộc. Đại Lễ Vu Lan là dịp các Phật tử nhớ ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha. Trong ngày này, nhớ ơn mẹ, ở Nhật có tục lệ cài hoa hồng lên áo. Người nào còn mẹ được cài lên áo hoa hồng đỏ, người nào không còn mẹ thì cài hoa hồng trắng. Một vị thiền sư Việt Nam đi du học ở Nhật thấy tập quán này hay và có ý nghĩa nên du nhập tập quán này vào Việt Nam. Bài hát quen thuộc và phong trào “Bông Hồng Cài Áo” được Phật tử hưởng ứng và phổ biến rộng rãi từ đó.
Tình mẹ thương con bao la như trời như biển. Nói đến tình mẹ thì không có thứ tình cảm nào đậm đà và cao quý như tình mẹ thương con. Đã có biết bao nhiêu vần thơ, bao nhiêu câu hò, điệu hát ca tụng tình mẹ thiêng liêng.
“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào,
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào.”
Chẳng ai trong chúng ta lại không biết câu hát này. Với giai điệu thật mượt mà, sâu lắng, với ca từ thấm đẫm chất thơ gợi lên những hình ảnh thật bình dị, gần gũi, nhạc sĩ Y Vân đã viết thành một bài hát tuyệt vời ca ngợi tình mẹ.
Thương con mẹ nào có quản nắng mưa, có ngại gì sớm khuya vất vả… Tình mẹ mãi mãi là như thế, dẫu ở thời nào, dẫu thuộc nền văn minh văn hóa nào và dẫu ở đâu đâu tình mẹ cũng vẫn cứ mãi mãi là như thế.
Văn hoá Việt Nam gắn liền với cuộc sống và diễn tả tình cảm con người Việt Nam rất sâu sắc, nhất là diễn tả tình mẹ con, một thứ tình cảm thiêng liêng cao quý nhất, mà không ai trong chúng ta có thể chối từ. Ngay chính Con Một Thiên Chúa Nhập Thể Làm Người cũng đã nhận lấy con đường bình thường mà trân quý ấy. Maria, người nữ Sion đã vâng phục ngay từ ngày đầu khi thiên sứ truyền tin, nhận lấy những nhọc nhằn vất vả của vai trò làm Mẹ. Mẹ đã đảm nhận trọn vẹn thiên chức cao quý nhưng không thiếu khổ đau như bất cứ người mẹ nào trong nhân loại. Trong lòng tin, người mẹ ấy đã âm thầm vâng phục, đón nhận, lắng nghe và bước theo Con của mình trong hành trình cứu độ. Cuối cùng, người nữ ấy được Thiên Chúa đoái thương cất nhắc về Trời cả hồn lẫn xác, một trong bốn đặc ân cao cả Thiên Chúa đã ban cho Mẹ.
Mừng lễ Đức Mẹ Lên Trời một cách có ý nghĩa nhất, đó là ta hãy noi gương Đức Mẹ: xin Chúa Thánh Thần đến tràn ngập tâm hồn ta như Ngài đã đến trong lòng Đức Mẹ, giúp ta cảm nghiệm đ¬ược những ơn lành Chúa ban và giúp ta mau mắn đáp lại tình yêu thương đó.
Trong cuộc hành hương nội tâm hay lữ hành nơi dương thế, chúng ta tin rằng có Mẹ Maria luôn cầu bầu che chở, trong niềm hy vọng sẽ được về trời với Mẹ, chúng ta nhìn lên Mẹ như mẫu gương của lòng cậy trông, kiên nhẫn với tin yêu để chia sẻ với người, với đời tình yêu mà ta đã nhận được với lời tha thiết nguyện xin.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An