Ngay đêm Con Thiên Chúa đến trần gian trong thân phận bé thơ, lời kêu gọi của sứ thần đã thôi thúc các mục đồng, các đạo sĩ có lòng đơn sơ ngay chính tìm đến viếng thăm “nơi người ở”. Thật là diễm phúc!
Lời Chúa hôm nay chỉ ra cho chúng ta “nơi Người ở” không đâu xa, chính ngay trong con người của chúng ta.
Qua trang Tin Mừng: Chúa Giêsu được Gioan giới thiệu “Đây là Chiên Thiên Chúa”, hai môn đệ Gioan đã đi theo Người. Người muốn xác minh ý định của hai ông: “Các ông tìm gì?” Câu trả lời của hai ông lại là một câu hỏi “Thầy ở đâu?”, cho thấy thành ý ban đầu của họ là cứ tin tưởng mà đi theo, và thành ý nối tiếp là xin được hiểu con đường mình đang đi, nơi mình sẽ đến. Chúa Giêsu đã không từ chối thành ý đơn sơ của họ, ngược lại, Ngài tha thiết mời gọi: “Hãy đến mà xem”. Và cuối cùng, “Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy” ( x. Ga 1, 35 – 42 ).
Thế là đã có những ơn gọi “Kitô Hữu” đầu tiên trong Giáo Hội.
Ơn gọi Tân Ước dành cho những con người có lòng đơn sơ nhỏ bé cũng giống như ơn gọi trong Cựu Ước dành cho chú bé giúp lễ Samuen ngày xưa: “Dạ! Con đây”, “Dạ, con đây, Thầy gọi con”. “Lạy Ðức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”.
Và cũng vậy, khi đã ơn gọi đã hoàn tất, nghĩa là có kêu gọi, có đáp lời thì Thiên Chúa lại chọn cho mình một địa chỉ để cư ngụ: “Samuen lớn lên. Ðức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu”. ( x.1 Sm 3, 3b – 10 . 19 ).
Thiên Chúa cũng đã và đang mời gọi mỗi chúng ta và chờ nghe tiếng lòng đơn sơ của chúng ta đáp lời, để ‘Người ở với chúng ta, và chúng ta ở lại trong Người’.
Tôi bỗng nhớ chuyện người hành hương từ muôn nơi đổ về thánh địa, mong nhìn lại “nơi Người sinh ra, nơi Người lớn lên, nơi Người tử nạn, nơi Người Phục Sinh…”. Hình như ai cũng vui mừng, hãnh diện, và hân hoan trong lòng nếu được hành hương về Thánh Địa ít là một lần trong đời người. Thật là quí hóa. Nhưng từ Lời Chúa hôm nay, gợi cho tôi suy niệm rằng: Thánh Địa không ở đâu xa. Thánh Địa đang rất gần, đang ở đây: Thánh Địa chính là cõi lòng tôi, thân xác tôi. Đấng Emmanuen đã đến và đang ở trong mỗi con người. Chính trong thân xác yếu hèn đầy tội lỗi của mỗi con người lại là “nơi Người đã sinh ra, lớn lên, rao giảng Tin Mừng, tử nạn và phục sinh”.
Đó là chân lý của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người. Vì quả thật, nếu con người không yếu hèn, không tội lỗi, thân xác con người không mang tính hay chết, thì Thiên Chúa đã không sai Con của Người xuống thế làm người. Con Người đến trong thế gian vì con người, để ở với con người. Vậy địa chỉ của Con Thiên Chúa, chính là con người. Người đã đến, và mời gọi con người mở cửa cõi lòng mình và thân xác mình ra để cho Người được sống cùng, sống với.
Như vậy, ơn gọi Kitô Hữu qua Bí Tích Thánh Tẩy, chẳng khác nào một lời van xin tha thiết của Thiên Chúa với mỗi con người rằng: hãy chấp nhận cho Đức Giêsu Kitô “ở với”, “ở trong” con người của mỗi con người. Và khi đã chấp nhận là Kitô Hữu, hẳn là chấp nhận hiến thánh cả thân xác linh hồn lòng trí mình cho xứng đáng làm “nơi Người ở” và “ở lại với Người”.
Thánh Phaolô đã quả quyết:
“Anh em không biết thân xác anh em là chi thể của Chúa Kitô sao?” – “Anh em không biết thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong anh em mà anh em đã nhận lãnh nơi Thiên Chúa, vì anh em không còn thuộc về chính mình nữa sao?” Và Ngài khuyên bảo: “Anh em hãy xa lánh dâm dật… Hãy tôn vinh Chúa trong thân xác anh em” ( x. 1 Cr 6, 13c – 15a, 17 – 20 ).
Hóa ra, thân xác hay chết này, lòng trí ám muội này, con người tồi tệ này lại là địa chỉ của Thiên Chúa, là “nơi Người ở, nơi Người lớn lên, nơi Người rao giảng Tin Mừng, nơi Người tử nạn và Phục sinh” đó sao? Vâng! Thân xác con người là Thánh Địa mới. Thật là diễm phúc cho thân xác con người. Thân xác được cứu chuộc.
Thế thì, dù ở bậc độc thân với lời khấn khiết tịnh, hay ở bậc hôn nhân gia đình, mỗi Kitô Hữu đều phải gìn giữ cho thân xác mình nên tinh tuyền, nên xứng đáng là “nơi Người ở”.
Đã và đang có những báo động đỏ về một cuộc suy đồi luân lý trầm trọng trên khắp thế giới, đặc biệt là suy đồi về Đức Trong Sạch. Con người ta đang để cho thân xác mình ra tự do buông tuồng theo hướng tự do dùng chính thân xác mình để tìm những lạc thú chóng vánh: tự do luyến ái, tự do sống thử, tự do đổi vợ đổi chồng, tự do kinh doanh trên thân xác phụ nữ, tự do ly dị, tự do phá thai… Người lỗi Đức Trong Sạch không chỉ là giới trẻ, mà còn là những người sống đời lứa đôi và kể cả những người sống đời dâng hiến.
Đáng tiếc cho những người ở bậc Giáo Dân, khi họ tự làm mờ nhạt đi, hoặc đánh mất sự thánh thiện của Hôn Nhân Công Giáo, dẫn đến tình trạng: cũng một hành vi nên công phúc, thánh thiện, đã biến thành một hành vi nên án phạt, tội lỗi.
Bởi vậy, không ít người cho rằng trong bậc sống hôn nhân thì thân xác không thể tinh tuyền được. Cách nào đó, cũng có lý của nó! Có thể, vì họ không được giáo dục kỹ về Đức Trong Sạch vợ chồng chăng? Hoặc còn tệ hơn nữa, họ lạm dụng Bí Tích Hôn Phối thành một bức màn che cho những tội về điều răn thứ sáu ngay đối với người bạn đời, mà họ cứ tưởng là không có tội. Thậm chí, có một số người làm cha mẹ cho rằng “lo tiến hành lễ hôn phối cho con, để tránh cho con mang tội dâm dục”, hoặc “để thực hiện hành vi vợ chồng mà không mắc tội…” Thực là sai lầm! Họ không biết rằng việc tìm thỏa mãn dục vọng thấp hèn trong đời sống vợ chồng là nguyên nhân trước tiên làm ô uế “nơi Người ở”, ô uế “đền thờ Chúa Thánh Thần”, và sau là nguyên nhân của những hướng ngoại, dẫn đến những đổ vỡ, tan nát, đau thương bất hạnh…
Tuy nhiên, không nên quá bi quan trước bóng tối đang dày đặc này, bởi chúng ta tin tưởng Lời Chúa hôm nay như một thông điệp vừa cấp bách vừa có hiệu quả. Và còn đó, chung quanh chúng ta, những chứng nhân âm thầm nhưng anh dũng trong các gia đình Công Giáo vẫn giữ vững một “Hội Thánh tinh tuyền thu nhỏ”. Một cô Việt kiều trong Giáo Xứ tôi về ăn Tết kể rằng: “Mấy người Mỹ hỏi em: “Có gia đình chưa?” – “Dạ có rồi” – “Được bao lâu rồi?” – “Được gần 20 năm rồi”. Họ ngạc nhiên lắm: “Sao mà giỏi thế!?! Sao giữ được lâu vậy?!? Sống với nhau 5 năm là đã quá lâu rồi!”
Hoặc, trong một cuộc “hội thảo về gia đình” nọ, có một thuyết trình viên nặng lời quá đáng với những người sống bậc lứa đôi. Đến giờ thu lại những sẻ chia trên giấy, ban tổ chức nhận được mấy mẩu giấy có ghi những hàng chữ dễ thương như sau: “Là những người sống đời lứa đôi, chúng tôi không chấp nhận bị mang tiếng là những người dâm dật, nhưng là những người khó khăn nhất trong việc chọn lựa giữa hai con đường thanh khiết và thấp hèn. Hãy cầu nguyện cho chúng tôi”.
Ơn gọi Kitô hữu, một ơn gọi quí giá, vì được Thiên Chúa chọn “con người” của bạn, của tôi đầy bất toàn, nếu không nói là đầy tội lỗi, nhơ uế… làm nơi định cư cho Thiên Chúa, làm Thánh Địa, để Ngài thực hiện ơn cứu rỗi cho chính bạn, chính tôi. Như vậy, Kitô hữu phải là người bằng lòng để cho Con Thiên Chúa “sinh ra, lớn lên, rao giảng Tin Mừng, Thương Khó và Phục Sinh” ngay trong thân xác hư đốn của mình, để thân xác ấy không còn hư đốn muôn đời nữa. Thiết nghĩ, chính khi đáp lại lời mời tinh tuyền cho xứng đáng “nơi Người ở” đã là một lời Tôn Vinh và Tạ Ơn Thiên Chúa vậy.
“Hãy đến xem nơi Người ở và ở lại với Người”. Đó là lời mời gọi, là ý định đầy yêu thương và cứu rỗi của Chúa dành cho những ai đơn sơ nhỏ bé tinh tuyền, trong sạch.
Ước gì mỗi chúng ta sẵn sàng đáp lại lời mời gọi ấy: “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa” ( Tv 39, 8a và 9a ).
Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa, tôn vinh Chúa, vì “con người hư hèn tồi tệ” của chúng con được Thiên Chúa chọn làm nơi định cư cho Con Thiên Chúa. Xin cho thân xác và lòng trí chúng con nên tinh tuyền xứng đáng là “nơi Người ở” và chúng con được “ở lại với Người luôn mãi”. Amen.
PM. Cao Huy Hoàng