Năm Thánh, Cổng Thánh và Lòng Xót Thương của Thiên Chúa

Vào hôm thứ Ba ngày mồng 08 tháng 12 năm 2015 vừa qua, khi Đức Thánh Cha Phan-xi-cô mở Cổng Thánh tại Đền Thờ Thánh Phê-rô, thì phải nói một cách thực sự nghiêm túc rằng, „Năm Thánh Về Lòng Thương Xót“ cũng đã được cử hành trước đó rồi: Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã khai mạc Năm Thánh này vào hôm Chúa Nhật ngày 29 tháng 11 tại Trung Phi. Tuy nhiên: việc mở Cổng Thánh tại Đền Thờ Thánh Phê-rô vẫn luôn là một hành vi tượng trưng có sức diễn cảm mạnh mẽ, mà với nó, việc khai mạc Năm Thánh lại diễn ra một lần nữa.

Nghi thức mở Cổng Thánh đã trình bày những hình ảnh hết sức ấn tượng. Đi trong một đoàn rước, Đức Thánh Cha đã tiến tới chiếc Cổng Thánh đang được xây bít lại từ 15 năm nay, để đi vào tiền sảnh của Vương Cung Thánh Đường. Đó là một chiếc cổng lớn bằng đồng, đứng hoàn toàn ở phía bên phải của một dẫy năm chiếc cổng dẫn vào Đền Thờ Thánh Phê-rô. Đoàn rước bước đi trong thinh lặng, và hát một Thánh Vịnh, rồi Đức Thánh Cha ấn hai tay lên cánh cổng bằng đồng, và ngay lập tức cánh cổng được mở vào phía trong. Sau đó Đức Thánh Cha quỳ xuống trên ngưỡng của chiếc cổng này và kính cẩn cầu nguyện. Tiếp theo, với tư cách là người hành hương thứ nhất của Năm Hồng Ân ngoại thường này, Đức Thánh Cha đã bước qua Cổng Thánh.

Các Cổng Thánh đã xuất hiện từ năm 1500 tới nay tại tất cả bốn Vương Cung Thánh Đường Giáo Hoàng ở Rô-ma: Đền Thờ Thánh Phê-rô, Vương Cung Thánh Đường Thánh Gio-an Lateranô, Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả và Vương Cung Thánh Đường Thánh Phao-lô ngoại thành. Ba Cổng Thánh trong 4 Cổng Thánh vừa nêu sẽ do đích thân Đức Thánh Cha mở: 1.Tại Đền Thờ Thánh Phê-rô (đã được mở vào ngày mồng 08 tháng 12); 2.Tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Gio-an Lateranô, tức nhà Thờ Chính Tòa của Giáo phận Rô-ma (sẽ được mở vào ngày 13 tháng 12, tức Chúa Nhật thứ Ba Mùa Vọng, và là Chúa Nhật thứ nhất sau ngày khai mạc Năm Thánh); 3.Tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả (sẽ được mở vào ngày mồng 01 tháng Giêng năm 2016, nhân dịp Đại Lễ Mẹ Thiên Chúa).

Nghi thức mở Cổng Thánh cách long trọng để khai mạc một Năm Thánh có ý nghĩa như là việc mở ra những con đường mới dẫn tới Thiên Chúa. Trong Tông Sắc Công Bố Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nới rộng tính biểu tượng của Cổng Thánh mà Ngài mô tả như là Cổng của Lòng Thương Xót: „Ai bước qua Cổng này, người ấy sẽ có thể có được kinh nghiệm về Tình Yêu đầy an ủi của Thiên Chúa, Đấng tha thứ và ban tặng niềm hy vọng. Khi chúng ta bước qua Cổng Thánh, chúng ta sẽ để cho mình được ôm chầm lấy bởi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, và cam kết trở nên nhân hậu với những người sống cùng thời với chúng ta, giống như Thiên Chúa Cha vẫn hằng đối xử nhân hậu với chúng ta vậy“.

Mở ra với Giáo hội hoàn vũ:

Cho tới nay, chỉ tại Rô-ma mới có truyền thống mà theo đó những người hành hương sẽ có thể đi qua các Cổng Thánh tại các Vương Cung Thánh Đường. Trong Năm Thánh vừa qua, tức Năm Thánh 2000, đã có những Cổng Thánh như thế tại mỗi Giáo phận. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã quyết định rằng, trong Năm Thánh ngoại thường này, mỗi Giáo phận thuộc Giáo hội hoàn cầu đều sẽ có ít nhất một Cổng Thánh: Một Cổng tại nhà thờ Chính Tòa hay tại một nhà thờ hành hương có tầm quan trọng đặc biệt. Tất cả những ai thực sự mong muốn thì cũng đều có thể có được kinh nghiệm về hồng ân Năm Thánh. Vì thế, Đức Thánh Cha cũng đã giải thích rằng, theo một cách nào đó, giường bệnh hay cửa phòng giam cũng có thể được hiểu là những Cổng Thánh, nơi đó các tín hữu sẽ có thể hiệp thông với lời cầu nguyện của Giáo hội cũng như sẽ có thể tham dự vào Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Tại sao lại là một Năm Thánh về Lòng Thương Xót?

Một câu hỏi làm bận tâm nhiều người: Tại sao một Năm Thánh về Lòng Thương Xót lại được cử hành trong thời đại hôm nay?“ Đích thân Đức Thánh Cha đã đặt ra câu hỏi như thế và rồi cũng đích thân Ngài trả lời cho câu hỏi ấy. Và cụ thể là Ngài đã làm điều này khi Ngài công bố Năm Thánh về Lòng Thương Xót trong buổi Kinh Chiều ngày 11 tháng Tư vừa qua.

Một câu hỏi làm bận tâm nhiều người: Tại sao một Năm Thánh về Lòng Thương Xót lại được cử hành trong thời đại hôm nay? Hoàn toàn đơn giản, vì trong thời đại của rất nhiều những đổi thay lớn lao và mạnh mẽ, Giáo hội được kêu gọi hãy liên tục giới thiệu cho mọi người biết về những dấu chỉ của sự hiện diện cũng như những dấu chỉ về sự gần gũi của Thiên Chúa“.

Thời gian để tái khám phá ra sứ mạng của Giáo hội:

Thời gian này không phải là thời gian dành để tiêu khiển, nhưng trái lại, đây là thời gian để tỉnh thức, và tái đánh thức trong chúng ta khả năng nhìn vào những điều chính yếu. Đó là thời gian dành cho Giáo hội để tái khám phá ra ý nghĩa của sứ mạng mà Chúa Giê-su đã ủy thác cho Giáo hội trong ngày Đại Lễ Phục Sinh: trở nên dấu chỉ và khí cụ cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha (xc. Ga 20,21-23).

Thời gian để động chạm tới được sự trìu mến của Thiên Chúa:

Vì thế Năm Thánh sẽ giữ cho niềm mong muốn được luôn sống động, đó là niềm mong muốn được đụng chạm tới nhiều dấu chỉ của sự trìu mến mà Thiên Chúa đang giới thiệu với toàn thể thế giới, đặc biệt là cho những người đang phải sống trong đau khổ, trong cô đơn, bị bỏ rơi và không còn niềm hy vọng, đạt tới được ơn tha thứ của Thiên Chúa Cha và nhận ra rằng bản thân mình đang được Ngài yêu.

Thời gian để vui mừng về vị Mục Tử Tốt lành:

Một Năm Thánh để cảm nhận một cách sâu sắc hơn trong chúng ta trước niềm vui về việc chúng ta được tái kêu gọi bởi Chúa Giê-su, Đấng đã đến với tư cách là mục tử tốt lành. Một Năm Thánh để cảm nhận được sự ấm áp của Tình Yêu Ngài, khi Ngài mang chúng ta trên đôi vai Ngài để đưa chúng ta trở về lại nhà của Thiên Chúa Cha. Một Năm Thánh mà qua đó chúng ta sẽ được đụng chạm tới bởi con tim của Chúa Giê-su và được biến đổi bởi Lòng Xót Thương của Ngài, để chúng ta cũng trở nên những chứng nhân của Lòng Xót Thương.

Thời gian để chữa lành những vết thương:

Đó là lý do dẫn tới việc công bố Năm Thánh, vì Năm Thánh chính là thời gian của Lòng Xót Thương. Đó là thời gian rất tốt để chữa lành những vết thương, để không bao giờ trở nên mệt mỏi trong việc gặp gỡ những người mà họ đang trông chờ để được nhìn thấy những dấu chỉ về sự gần gũi của Thiên Chúa, và để giơ tay đụng vào Ngài, cũng như để giới thiệu cho tất cả mọi người biết về con đường tha thứ và con đường hòa giải.

(theo de.rv 12.12.2015 gs)

Đa-minh Thiệu

nguồn  http://www.simonhoadalat.com/