Vẫn những câu chuyện nhằm nhắc nhở việc cánh chung, nhưng khi dùng dụ ngôn trong đoạn Tin Mừng tuần này, Chúa Giêsu đã đánh trúng tim đen của dân Do Thái. Quả vâỵ, ai mà chẳng biết “dân Chúa chọn” rất giỏi trong việc quay vòng vốn sao cho sinh lợi nhanh nhất! Câu chuyện bà góa soi đèn, quét nhà để cố tìm cho ra đồng bạc bị mất cũng thể hiện rõ nét tính cách cần kiệm, chắt chiu của người Do thái. Mà cũng lạ, Dân Chúa chọn sao giống dân du mục quá! Mặc dù họ không được xếp vào giòng bohemia hay gypsi, nhưng thử điểm lại lịch sử Ơn Cứu Độ, ta sẽ thấy họ chẳng có mấy thời gian yên ổn nơi Đất Chúa đã ban cho làm cơ nghiệp. Hết lưu đày rồi lại bị đô hộ, trải qua gần hai ngàn năm tha phương rồi mới về lập quốc, từ đó đến nay cũng chiến tranh liên miên… Có phải chính vì thế mà họ rất căn cơ trong chuyện tiền bạc? Hai người đầy tớ đầu đã rất Do thái khi mà chỉ trong một thời gian ngắn đã làm lời gấp đôi số vốn chủ giao. Người đầy tớ thứ ba lại càng Do thái hơn khi… không dư hơi để làm lời cho người khác hưởng!
Rồi tôi bỗng giật mình! Có phải Chúa dùng hình ảnh dân Do Thái để diễn tả cõi đời tạm bợ của tôi hôm nay? Cũng bấp bênh, phù du, ảo hóa, vô thường… Tiền bạc, danh vọng, sự nghiệp cứ thoắt ẩn thoắt hiện. Ngay cả nhan sắc rồi cũng tàn phai, trí khôn cũng đến hồi lú lẫn! Vậy mà tôi cứ như người lữ hành trên sa mạc mãi theo đuổi những ảo ảnh biến hóa không ngừng. Nén bạc Chúa giao bỗng dưng nặng trĩu! Tôi nhớ trong tác phẩm “Đời đáng sống” của Cha Giuse Đỗ Bá Ái có kể câu chuyện sau:
Ba người thợ nề đang làm việc trên giàn giáo, có một phóng viên đi ngang qua hỏi người thứ nhất: “Anh đang làm gì đó?”
“Anh không thấy sao, cái nghề tai chai đít phỏng này rồi sẽ bám riết tôi đến cuối đời!” – Anh ta gắt gỏng trả lời.
Chàng phóng viên lại hỏi anh thợ thứ hai cùng một câu ấy. Anh ta mệt mỏi đáp:
“Tôi đang kiếm tiền nuôi vợ nuôi con!”
Đến chỗ anh thợ thứ ba, thấy anh ta vừa làm vừa huýt sáo, chàng phóng viên lại hỏi câu y như trước. Anh ta vui vẻ trả lời:
“Tôi đang xây thánh đường, và hàng trăm năm sau người ta còn chiêm ngưỡng công trình của tôi!”
Nói rồi anh cất tiếng hát vang…
Với cùng một công việc, nhưng mỗi người có một cảm nghiệm khác nhau, và điều đó đã khiến cho công việc của họ trở nên nhẹ nhàng hay trĩu nặng. Tại sao người được 2 nén và 5 nén lại đi làm sinh lợi, còn người được 1 nén lại đem đi chôn? Chính vì người ấy cảm thấy quá ít mà lại không có lợi cho mình, làm sinh lời thì chẳng bõ công, mang theo bên mình thì… nặng nề, vướng vít! Còn đâu thời gian và công sức theo đuổi những việc riêng tư? 5 nén bỗng dưng nhẹ tênh mà 1 nén lại nặng trĩu! Tôi vẫn thường tự nhủ: Người này có năng lực, người kia có tiền của; họ được Chúa giao những nén bạc hấp dẫn. Còn tôi nào có gì? Không, tôi đã lầm!
– Nén bạc Chúa giao còn là lòng đạo đức.
– Nén bạc Chúa giao còn là lòng bác ái.
– Nén bạc Chúa giao còn là lòng tự trọng.
– Nén bạc Chúa giao còn là lòng biết ơn.
– Nén bạc Chúa giao còn là lòng hối hận.
– Nén bạc Chúa giao còn là lòng quảng đại, đức hy sinh…
Làm lợi những nén bạc này xem chừng chẳng đem lại giá trị kinh tế nào cả nên bấy lâu tôi đã chôn chặt nó đi. Lâu ngày, tôi cũng quên mất rằng tôi đã từng có nó! Chỉ đến khi “ông chủ” xuất hiện, tôi mới giật mình già hàm biện hộ: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?”(Matthew 25:44). Đã quá muộn! Tôi không còn cơ hội nữa.
Tôi lại nhớ cách đây không lâu, điện ảnh Mỹ sản xuất bộ phim 1012, truyện phim đề cập đến ngày 21/12/2012, ngày mà 5 hành tinh trong Thái Dương Hệ nằm thẳng hàng với nhau theo chu kỳ khoảng 26.000 năm mới lặp lại. Chi tiết này lại trùng khớp với ngày cuối cùng trong lịch của người Maya (một chủng tộc thổ dân châu Mỹ đã tự sát tập thể trước khi người châu Âu tìm ra Tân Thế Giới). Các nhà khoa học đã dự đoán sẽ có một trường hấp dẫn cực lớn xảy ra tạo nên bão từ khiến trục trái đất có thể bị thay đổi, băng ở các vùng cực tan ra tạo nên lụt lớn, sóng thần, các lục địa bị dịch chuyển… Điện ảnh Mỹ tất nhiên không thể bỏ qua một sự kiện giật gân như thế! Một cậu thanh niên xem xong cười xòa: “Khéo bịa, Chúa nói không thể biết trước ngày nào, giờ nào kia mà!” Một bà già móm mém trầu đủng đỉnh: “Ừ, thì thời ông Nô-ê người ta cũng nghĩ như vậy!”
“Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy” (Matthew 24:38-39)
Cũng thì Lời Chúa, nhưng mỗi người hiểu một cách khác nhau. Có lẽ không ai trong hai người kia tin những gì xảy đến trong này 21/12/2012 như trên phim là có thật. Tuy nhiên, họ chính là tiêu biểu cho những người đầy tớ trong dụ ngôn trên. Một đàng cảm thấy mình không có trách nhiệm gì với nén bạc kia, ông chủ về thì giao lại nguyên xi, ông chủ không về thì thôi, không liên quan gì đến mình. Một đàng đã sẵn sàng món tiền lời và đang mong ngóng ông chủ về để… báo công! Họ đã sống suốt cuộc đời với những nén bạc đó, đi đâu cũng mang bên mình để tìm dịp sinh lợi. Cuộc sống họ gắn liền với sự thưởng phạt của ông chủ.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết luôn thực thi Thánh Ý Chúa bằng cách gắn bó đời mình với nén bạc Chúa giao, luôn tìm cách sinh lợi trong bất cứ hoàn cảnh nào có thể. Để ngày sau chúng con được đứng trong hàng ngũ những người tôi tớ trung thành và nghe Chúa phán: “Hãy vào hưởng niềm vui của chủ ngươi”. Amen.
Pio X Lê Hồng Bảo