Thứ Ba Tuần Thánh
Bài đọc: Isaiah 49:1-6; John 13:21-33,36-38.
Con người thường có khuynh hướng muốn nhìn thấy kết quả ngay; và dễ nản chí bỏ cuộc khi đã cố gắng hết sức mà vẫn không có kết quả gì. Trong những lúc như thế, con người dễ than thân trách phận, trách Trời, và trách người. Hậu quả là con người dễ bỏ đường lối của Thiên Chúa để chạy theo các cách thức của mình, của thế gian, hay của ma quỉ.
Các Bài Đọc hôm nay đưa ra những tấm gương để dạy con người phải biết hoàn toàn trông cậy nơi Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, Người Tôi Trung nhiều khi cảm thấy những cố gắng của mình hoài công vô ích; nhưng sau khi định thần nhìn lại, ông quyết định tiến tới vì ông biết Thiên Chúa sẽ cho ông phần thưởng sau cùng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chắc cũng phải nhụt chí khi phải đương đầu với sự phản bội của Judah, và nhất là của Phêrô, người Chúa đặt kỳ vọng rất nhiều vào ông; nhưng Chúa vẫn can đảm tiến tới. Ngài tin tưởng Thiên Chúa sẽ dành cho Ngài chiến thắng sau cùng; qua đau khổ của Thập Giá là sự sống lại hiển vinh.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Bài ca thứ hai về Người Tôi Trung của Thiên Chúa
1.1/ Phải ghi nhớ muôn đời những gì Thiên Chúa đã làm, và loan báo cho mọi người được biết: Người Tôi Trung tường thuật những gì Thiên Chúa đã làm cho ông: “Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây, hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người.” Tất cả những gì tôi sở hữu đến giờ này là do Người ban: tài năng, sức mạnh, sự hiểu biết. Người bảo vệ tôi như người dũng sĩ cất giấu các mũi tên bên mình, chứ không hoang phí một mũi tên nào.
Sẽ có những lúc Người Tôi Trung cảm thấy mệt mỏi, vì thấy những cố gắng của mình bị khoang phí và không mang lại kết quả như lòng mong ước, và phải thốt lên: “Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì.” Nhiều khi Người Tôi Trung còn phải lãnh nhận những hậu quả ngược lại điều mong ước: phản bội thay vì thương yêu, oán thù thay vì ân nghĩa.
1.2/ Phải tin tưởng hoàn toàn vào sức mạnh của Thiên Chúa:
(1) Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi: Những lúc chao đảo như thế, Người Tôi Trung cần định thần để nhớ lại đâu là nguồn sức mạnh đích thực của mình, và đâu là sứ vụ đã được trao phó: “Nhưng sự thật, đã có Đức Chúa minh xét cho tôi, Người dành sẵn cho tôi phần thưởng. Giờ đây Đức Chúa lại lên tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Jacob về cho Người và quy tụ dân Israel chung quanh Người. Thế nên tôi được Đức Chúa trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi.”
(2) Không chỉ giải thóat Israel, mà còn trở nên ánh sáng cứu độ cho tòan thế giới: Sứ vụ của Người Tôi Trung không chỉ giới hạn trong vòng dân tộc Do-thái, nhưng được mở rộng cho tòan thế giới, vì như Thiên Chúa phán: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Jacob, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.”
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu tuyên bố sự phản bội của Judah và của Phêrô.
2.1/ Sự phản bội của Judah Iscariot: Đức Giêsu cảm thấy tâm thần xao xuyến khi phải đương đầu với sự phản bội của Judah, và nhất là phải báo tin cho các tông đồ biết thời giờ đã điểm. Chúa có thể làm ngơ để chuyện gì phải đến sẽ đến, nhưng Chúa muốn chuẩn bị tâm hồn cho các ông để họ đừng ngỡ ngàng khi nó xảy ra; và nhất là biết những chuyện xảy ra đã được xếp đặt trước. Người tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai. Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giêsu thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giêsu. Ông Simon Phêrô làm hiệu cho ông ấy và bảo: “Hỏi xem Thầy muốn nói về ai?” Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu và hỏi: “Thưa Thầy, ai vậy?”
Chúa Giêsu cho Judah biết sự phản bội của ông: Để khỏi gây hoang mang và ngộ nhận giữa các tông đồ, và cũng để cho Judah biết không có gì ông tính tóan qua được mắt Chúa, Ngài nói: “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy.” Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Judah, con ông Simon Iscariot. Có lẽ chỉ có 3 hay 4 người biết kẻ phản bội: Chúa Giêsu, đương sự, Phêrô và Gioan. Khi biết kế họach bị bại lộ; ngay khi Judah vừa ăn xong miếng bánh, Satan liền nhập vào y. Đức Giêsu bảo y: “Anh làm gì thì làm mau đi!” Judah liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối. Thánh sử Gioan muốn nhấn mạnh cho độc giả hiểu thế nào là “trời đã tối:” trời tối vì khi ăn Lễ Vượt Qua, trời bên ngòai đã vào đêm; nhưng tâm hồn của Judah từ lúc đấy cũng trở nên tăm tối, vì đã quay lưng lại với nguồn ánh sáng chân thật là Thầy mình.
2.2/ Chúa Giêsu nhận ra vinh quang Ngài nhận được giữa hai sự phản bội: Khi Judah đi rồi, cái chết trên Thập Giá chắc chắn sẽ xảy ra. Khi điều đó xảy ra là lúc Chúa Giêsu được tôn vinh. Vinh quang Chúa Giêsu có được là qua con đường Thập Giá: không qua gian khổ sẽ không đạt tới vinh quang. Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người: Chúa Giêsu đã cho Thiên Chúa danh dự và vinh quang tối cao vì Ngài vâng lời Thiên Chúa cho đến nỗi bằng lòng chết trên Thập Giá. Nhờ sự vâng lời của Ngài, kế hoạch của Thiên Chúa cho con người thành sự thật: con người nhận ra tất cả những gì Chúa Con nói là sự thật, và sẵn sàng hy sinh đáp trả tình yêu Thiên Chúa dành cho họ. Khi Thiên Chúa được tôn vinh, Ngài cũng sẽ tôn vinh Chúa Con. Ngài không những tôn vinh Chúa Con, mà còn siêu tôn Ngài bằng cách: cho sống lại, lên trời, trao vương quốc, và ban một danh hiệu trổi vượt hơn muôn ngàn danh hiệu (x/c Philippians 2:10-11).
2.3/ Sự phản bội của Phêrô: Chúa Giêsu biết rõ tính tình của Phêrô: nhanh nhẩu đoảng, hứa đấy rồi quên đấy. Ông rất nhiệt thành, nghĩ sao nói vậy; sống về trái tim hơn là về trí óc. Vì thế, Chúa nhắc nhở ông: “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.” Chúa Giêsu biết cả quá khứ, hiện tại, và tương lai của Phêrô. Đó là lý do tại sao Chúa nói với ông: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo.” Ông chưa sẵn sàng theo Chúa hẳn lúc này, nhưng sẽ đến ngày ông sẽ cùng đi con đường thập giá với Chúa; lúc đó, lời ông nói “Con sẽ thí mạng con vì Thầy!” thành hiện thực.
Có một sự khác biệt lớn giữa hai sự phản bội của Judah và của Phêrô: Sự phản bội của Judah là sự phản bội có tính toán; sự phản bội của Phêrô là sự phản bội vì yếu đuối, xảy ra cách đột xuất vì không chuẩn bị. Sự phản bội của Judah không dành chỗ cho hối hận và trở lại; sự phản bội của Phêrô tức khắc quay về khi nhận ra mình đã làm điều đó: “Ông òa lên khóc!” (Mark 14:72).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
Có những lúc chúng ta cảm thấy chán chường, mệt mỏi, và muốn bỏ cuộc; vì những cố gắng của chúng ta dành cho Chúa đã không mang lại kết quả tốt đẹp, lại còn đưa đến chia ly, phản bội. Khi phải đối diện với những giờ phút như thế, chúng ta phải nhớ lại hình ảnh Người Tôi Trung và Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly. Cứ can đảm tiến tới, vì Thiên Chúa luôn đồng hành, và Ngài là Người sẽ ban cho chúng ta phần thưởng sau cùng.
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng [audio:http://loinhapthe.com/LCHN/audio/Thu%20Ba%20Tuan%20Thanh%201.mp3] hoặc tải xuống
Nguồn: loinhapthe.com