(Ga 9, 1-41)
Thưa quý vị.
Bài đọc thứ hai của Chúa Nhật hôm nay định tên định tuổi cho các căng thẳng trong thế giới chúng ta đang sống. Rõ ràng hơn, đó là sự vật lộn giữa thiện và ác, ánh sáng và bóng tối, tốt lành và xấu xa : “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ nhờ ơn Chúa, anh em là ánh sáng. Nên hãy sống như con cái ánh sáng …” Chẳng cần nhiều kinh nghiệm lắm cũng có thể nói rằng cuộc vật lộn này chưa hề suy giảm, chưa hề chấm dứt. Ngược với giọng điệu lạc quan của lá thơ, tình hình thế giới ngày càng lún sâu vào cuộc đấu tranh này, cho nên thánh Phaolô đã khuyên tín hữu thành Êphêsô : “Đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối, phải vạch trần những việc ấy ra mới đúng.” Thực tế lại đảo ngược mong ước của thánh Phaolô cho con cái của ngài tại thành Êphêsô. Vậy thì các tín hữu ở bất cứ đâu, bất cứ thời kỳ nào của lịch sử cũng phải cố gắng cảnh giác và mạnh mẽ thi hành những chi “đẹp lòng Thiên Chúa.”
Để không phải chỉ là những lời cổ võ, khích lệ suông, mà bài đọc thứ hai hô hào, bài Phúc Âm thuật lại cho chúng ta câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành người mù từ lúc mới sinh. Câu chuyện vừa là một phép lạ ngoạn mục, vừa là một lời cảnh báo sâu xa, ý nhị. Nó không những chữa lành người mù, nhưng nó còn cho anh ánh sáng (cho cả chúng ta nữa) để đối diện với kẻ thù của anh, những người ương ngạnh nói “không” cho các kinh nghiệm của anh. Chúng ta sẽ bàn sâu hơn về chuyện này, nhưng trước hết tôi xin đề nghị chúng ta đọc toàn bộ trình thuật như thánh Gioan đã viết, không cắt ngắn. Bởi vì đó là ý định của tác giả, nếu ngắn mà nói lên được hết ý nghĩa, thì viết dài làm chi ? Những bài đọc của các tuần lễ kế tiếp cũng thế. Nếu sợ mỏi chân, thì xin cứ ngồi mà nghe đọc cũng chẳng sao. Như vậy tốt hơn là cắt ngắn để rồi không quán triệt hết nội dung.
Ngay trong mấy dòng đầu của bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta những tia sáng đầy ý nghĩa. Thời ấy người ta tin rằng, bệnh tật, nghèo đói, tai họa đều do bởi tội lỗi gây nên. Họ đô cho Thiên Chúa mọi bất hạnh, mọi hên xui của cuộc đời. Chúa làm nên những sự đó cho con người ta, tốt cũng như xấu. Sự mù tối hôm nay là do bởi tội của cha mẹ, hoặc ngay cả bởi tội của đứa bé (Còn nằm trong dạ mẹ đã dám phạm tội rồi !). Các Tông đồ cũng đồng tình với não trạng đó khi đặt câu hỏi với Chúa Giêsu : “Thưa thày, ai đã phạm tội, người này hay cha mẹ anh, khiến anh sinh ra đã bị mù ?” Ngày này chúng ta tức cười vì tính ngây thơ của họ. Nhưng thực tế chúng ta vẫn mang tâm lý tương tự : “Chúa phạt nó, bởi nó đã làm điều gian ác đáng ghét !”, “Sống như vậy Chúa phạt phải rồi !”
Quay lại với bản thân, chúng ta cũng nghĩ như vậy thôi. Khi chúng ta chịu đau khổ vì bệnh tật, lầm lẫn, bối rối, thất vọng … chúng ta thường buồn rầu nghĩ rằng mình đã bị bỏ rơi, bị tay Chúa đè nặng. Rồi chúng ta chán nản cảm thấy mình lẻ loi, cô đơn. Chúa không còn yêu thương mình nữa, một ý nghĩ thật là ghê gớm. Cộng thêm vào đó, có khi cha mẹ, họ hàng, bạn hữu, những người quen thân, chỗ dựa tinh thần đều có cùng tư tưởng : Chúa đã bỏ hắn rồi, hắn đã phạm tội, làm nhiều điều sai trái trước mặt Ngài nên Ngài phạt. Nếu như thực sự hắn có đức tin, Thiên Chúa đã cứu giúp hắn từ lâu …
Nhìn rộng ra, trên bình diện nhân sinh quan quốc tế, tư duy bất hạnh vì tội lỗi càng phổ biến hơn. Nghèo đói, bệnh tật, chết yểu là hậu quả của tội lỗi các người “không đủ ăn”. Người công chính chẳng khi nào phải chịu tai ương như vậy ! Bao lâu chúng ta còn tiếp tục suy nghĩ như thế bấy lâu chưa thể nhìn ra nguyên nhân đích thật của nó. Nguyên nhận đích thật của các “bệnh” xã hội chính là bất công kinh tế, chính trị, văn hóa … mà tầng lớp giàu có, thống trị bày ra đề kìm kẹp họ (có khi cả một quốc gia hay nhiều quốc gia) sống vĩnh viễn dưới mức nghèo khổ. Thái độ sai lầm ấy còn là thế lực ngăn cản các người bất hạnh thay đổi được điều kiện sống của mình. Từng mảng các thành phố, từng nhiều phần thế giới đã phải chịu áp bức như vậy, Chúa Giêsu chiếu rọi ánh sáng vào vấn đề khi Ngài tuyên bố : “Chẳng phải hắn và cũng chẳng phải cha mẹ hắn đã phạm tội.” Nguyên nhân là ở nơi khác. Có khi ở trên vai chính những người chỉ trích họ ! Đúng thật, Chúa đã không trừng phạt anh mù vì tội của anh ta. Ngài đã thực hiện phép lạ để giải thoát anh khỏi bệnh mù. Sau khi đã soi sáng các môn đệ, Ngài đã thay đổi hoàn cảnh sống của người mù. Như vậy, Ngài đã cứu chữa tới hai bệnh mù : Cho người mù thể lý được sáng mắt và cho các môn đệ được sáng lòng.
Xin lưu ý đến câu trả lời của Chúa Giêsu. Ngài đột ngột thay đổi từ “tôi” sang “chúng ta”. Chẳng phải vì lầm lẫn mà chính vì Ngài muốn chúng ta cũng phải tham dự vào công việc mang ánh sáng đến cho trần gian. Những tư tưởng tối tăm của chúng ta (như kể trên) đã được Phúc Âm Chúa chiếu rọi ánh sáng vào, thì đến lượt mình, chúng ta cũng phải mang ánh sáng đó đến cho những hoàn cảnh tương tự. Đó là điều công bằng, hợp lý và bác ái. Xin đừng moi móc ra những lý do để thoái thác trách nhiệm. Nhưng hãy cho thiên hạ thấy được “những việc Chúa làm”, bằng cách chấm dứt bất công, bóc lột, áp bức đã bao thế kỷ nay kìm kẹp những người thấp cổ bé miệng ở vào tình cảnh ngục tù.
Chưa hết, còn một khía cạnh khác cũng phải được ánh sáng Chúa của bài Tin Mừng hôm nay chiếu rọi. Đó là kỳ thị, màu da, tiếng nói, giới tính, cấp bậc xã hội, thành kiến giống nòi v.v. Xin cho mọi người nhìn biết đồng loại mình trong ánh sáng chân thật và cảm nghiệm được điều mà người mù hôm nay cảm nghiệm : “Ngài đã mở mắt cho tôi”. Thế nào đi nữa thì thế giới này sẽ tự sắp xếp, trong ánh sáng của Chúa, để đi đến mục tiêu hợp lý của nó, khi Thiên Chúa dựng nên nó, là mọi người đều là con cái Cha trên trời. Những ai mù tối, giơ chân đạp mũi nhọn chống lại thánh ý Chúa sẽ lãnh nhận hậu quả của việc mình làm.
ộ Pharisêo hôm hay đáng chúng ta suy gẫm !
Chúa Giêsu buộc người mù phải đến rửa ở hồ Silôe. Thánh Gioan giải thích từ Silôe có nghĩa là “sai đi”. Tức ngài muốn ngầm ý mọi người khi đã được chịu phép rửa tội cũng phải được sai đi mang sự sáng đến cho trần gian. Ai không chịu làm ánh sáng, người ấy mắc lỗi. Nhưng phải nói ngay rằng tự thân chúng ta chẳng thể làm được. Tiến trình khỏi bệnh mù hôm nay cho thấy rõ điều đó. Khi mắt người mù đã được mở, hắn chỉ nhận ra Chúa Giêsu như là một “ngôn sứ”. Thế thôi. Nhưng điều này đã đủ để anh ta gặp rắc rối với những người biệt phái và thế lực đền thờ. Họ trục xuất anh ta ra khỏi phòng họp, tức hội đường, tức bị vạ tuyệt thông. Vậy là anh ta bỗng dưng thấy mình thành quân vô đạo, đơn độc. Xét về mặt tôn giáo anh ta lúc này bị mù gấp đôi : Thể lý và tinh thần. Hoàn toàn cô đơn, thân xác và tôn giáo theo cách nhìn của người Pharisêo.
Cho nên Chúa Giêsu đã thương anh, tìm kiếm anh, và khơi dậy nơi anh lòng tin tưởng vào Ngài. Anh quỳ gối “thờ lạy” Ngài. Ngài đã là Đức Chúa của anh. Ngài đã dẫn dắt anh từ sự khâm phục đến hành động thờ phượng. Đức tin của anh đã hoàn toàn chính xác nhờ Chúa Giêsu hướng dẫn, đúng như Ngài tuyên bố với các môn đệ trước đó : “Thầy là ánh sáng thế gian.” Anh đã đi từ mù tối, tìm thấy ánh sáng và sâu xa hơn nữa nhận ra Chúa Giêsu là Thượng đế.
Thực ra, câu chuyện phản ánh kinh nghiệm của Cộng đoàn thánh Gioan. Họ là những người gốc gác Do thái chính hiệu. Họ theo Chúa Giêsu trong khuôn khổ Do thái giáo. Âm thầm tin tưởng vào Ngài, nhưng vẫn phải thực hành lề luật Do thái. Họ là thiểu số mờ nhạt trong cộng đồng dân cư, và giống như người mù trong Phúc âm, họ chỉ có thể gọi Ngài là một “ngôn sứ”. Nhưng họ cảm thấy điều đó chưa đủ, cần phải tiến xa hơn nữa. Ngôn sứ chỉ là một cá nhân tốt, rất tốt trong muôn người. Như thế rõ ràng là còn thiếu sót. Nhưng ngần ấy đã khiến họ “có vấn đề” với gia đình, với xã hội, với anh em, bạn bè. Và cũng giống như người mù. Họ bị cô lập, tẩy chay, trục xuất. Giờ này theo Chúa quả là điều rất khó. Lúc đầu tưởng là việc đơn giản, nhưng càng dấn thân vào niềm tin nơi vị “ngôn sứ”, càng thấy khó khăn. Khó khăn vì tin như thế chưa đủ, khó khăn vì bị làng xóm tẩy chay. Chúa đã tìm kiếm họ và giơ tay giúp đỡ họ tiến lên một bước : Xưng tụng Ngài là con Thiên Chúa hằng sống, Đấng Messia, ánh sáng trần gian. Đức tin của họ đã đến thời sung mãn, họ tách rời khỏi Do thái giáo, thành lập những Cộng đoàn mới để có thể thực hành lòng tin chính xác của mình.
Đó là gương sáng, một mẫu mực để chúng ta noi theo. Sự tối tăm của chúng ta đã được bí tích rửa tội thay thế. Chúng ta nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa của mình, giống như người mù, chúng ta thờ lạy Ngài. Nhưng dẫu rằng được rửa tội khi còn nhỏ, hay khi đã lớn, phép rửa ở hồ Silôe chỉ là bước khởi đầu. Một khi đã là ánh sáng trong Chúa, chúng ta còn phải sống như con cái ánh sáng. Nói thì dễ, nhưng hành động mới là điều cam go, khó khăn. Các tín đồ của Chúa tại thành Êphêsô đã kinh nghiệm như thế, cho nên thánh Phaolô đã phải viết thơ nhắc nhở, khuyên nhủ, khích lệ họ rất nhiều, như giọng văn của ngài chúng ta vừa nghe đọc. Tuy nhiên xin nhớ chúng ta không đơn côi. Chúa Giêsu luôn ở với chúng ta, tìm kiếm và thương giúp đức tin của chúng ta, vì Ngài đã thực hiện như vậy cho người mù trong Tin Mừng. Chúng ta nhìn lên ánh sáng của Ngài để được làm con cái ánh sáng. Trong đêm vọng Phục sinh, chúng ta sẽ tuyên hứa nghi thức suối Silôe, nhưng không phải để được rửa tội lại, mà để được sai đi mang ánh sáng của Đấng Cứu Chuộc, chiến đấu chống tội lỗi, phân biệt đâu là bóng tối đè bẹp, đâu là ánh sáng soi tỏ trần gian. Amen.
Fr. Jude Siciliano, OP.