Chúa Nhật III Phục Sinh
W. E. Sangster là một mục sư Anh Giáo. Ngày kia ông cảm thấy có cái gì bất thường trong cổ họng, và chân ông thấy như mệt mỏi. Ông đi bác sỹ khám nghiệm và kết quả cho biết là ông bị chứng bệnh liệt cơ bắp. Các bắp thịt trong cơ thể của ông đang dần dần yếu đi và ông sẽ không nói được, và sẽ không nuốt được.
Khi biết như thế, ông đã dồn hết tâm lực vào công việc mục vụ khi còn có thể; và ông nghĩ rằng khi ông không còn có thể đứng hay rao giảng được, ông vẫn còn có thể viết. Ông đã viết sách và viết nhiều bài trên báo chí. Ông tổ chức nhiều nhóm cầu nguyện trong nước Anh. Ông nói với người khác là ông mới chỉ đang ở trường nhi đồng của đau khổ.
Như bác sỹ đã tiên đoán, chân ông trở nên bại liệt; ông không còn nói được nữa; tay ông trở nên run rẩy nhưng vẫn còn viết được. Vào buổi sáng Lễ Phục Sinh, vài tuần trước khi chết, ông đã viết thư cho cô con gái. Trong lá thư ông nói, “Thật là một sự buồn thảm khi thức dậy vào buổi sáng Phục Sinh mà lại không có thể hô to lên “Ngài đã sống lại! Tuy nhiên điều đáng buồn hơn nữa là nếu một người có thể nói được và còn âm giọng để nói mà họ lại không la to lên để công bố Tin Mừng Phục Sinh” (Donald L. Deffner, Seasonal Illustra-tions: Lasting Joy, 56).
Đức Kitô Sống Lại
Bài tin Mừng hôm nay tường thuật việc Đức Giêsu đã hiện ra với các môn đệ. Ngài đã giảng nghĩa cho họ hiểu rằng hết mọi lời đã ghi chép về Ngài trong luật Môisen, trong sách Tiên Tri và Thánh Vịnh, tất cả đều đã ứng nghiệm. Chính Ngài là Đấng Kitô phải chịu thương khó và ngày thứ ba sống lại từ cõi chết. Ngài muốn họ hiểu rằng Ngài không phải là ma hay là thần thánh nào khác. Ngài thực sự đang hiện diện sống động trước mặt họ bằng xương bằng thịt. Ngài ăn bánh và ăn cá nướng trước mặt họ. Tuy nhiên mục đích Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ không phải là chỉ muốn chứng minh cho họ biết là Ngài đã sống lại. Hơn thế, Ngài muốn họ hoàn toàn tin tưởng để trở nên nhân chứng đi công bố cho toàn thể nhân lọai về sự phục sinh của Ngài. Đức Giêsu muốn cho toàn thể nhân loại nhận biết rằng Ngài là Đấng Cứu Thế. Cái chết và sự sống lại của Ngài không những chỉ là một sự thực nhưng còn là con đường Thiên Chúa dùng để đem sự chữa lành và hòa giải cho thế gian.
Đức Kitô sống lại từ cõi chết đã là một sự thật trong lịch sử. Sự thật ấy đã được công bố và vẫn còn được Giáo Hội tiếp tục công bố cho toàn thể nhân loại. Thánh Phêrô trong bài đọc thứ nhất cũng đã xác tín rằng sự lạ ông làm không phải là do lòng đạo đức hay quyền lực riêng của ông. Nhưng là do bởi lòng tin tưởng nơi Đức Kitô Phục Sinh. Phêrô đã minh định với dân chúng rằng chính Đức Giêsu, “Đấng mà anh em đã nộp, đã chối bỏ trước Philatô, anh em đã chối bỏ Đấng Thánh, Đấng công chính, và xin tha tên sát nhân cho anh em, còn Đấng ban sự sống thì anh em lại giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã cho người từ cõi chết sống lại.” Tuy nhiên, Phêrô cũng đã chữa lỗi cho họ rằng họ đã hành động vì không biết. Điều quan trọng là họ cần phải ăn năn hối cải.
Ăn Năn Hối Cải
Sau khi đã chứng minh cho các môn đệ biết là Ngài thực sự đã sống lại, đi đứng và ăn uống trước mặt họ. Ngài đã truyền dạy các môn đệ phải “nhân danh Người rao giảng sự ăn năn hối cải để lãnh ơn tha tội cho muôn dân.” Các môn đệ cần phải ăn năn hối cải vì họ đã không hoàn toàn nhận ra chân tính cứu thế của Ngài khi Ngài còn ở với họ nơi trần gian; họ đã hèn nhát trốn chạy hay chối bỏ Ngài. Những vị lãnh đạo trong dân cần ăn năn hối cải vì họ đã không nhận ra Ngài là Đấng Cứu Thế và là Con Thiên Chúa nên đã quyết tâm khai trừ Ngài. Chính quyền đời cần ăn năn hối cải vì họ đã không nhận ra vương quyền thiêng liêng của Ngài; và họ đã không xét xử theo lẽ phải và lương tâm công chính. Toàn thể dân chúng phải ăn năn hối cải vì họ đã hùa theo đám đông để xin tha cho tên sát nhân Baraba và lên án và xử tử Đức Kitô. Tất cả cần ăn năn hối cải đặt niềm tin vào Đức Kitô Phục sinh để lãnh nhận ơn tha thứ.
Trách Nhiệm Công Bố
Tinh thần ăn năn hối cải này vẫn cần phải được rao giảng cho toàn thể nhân loại ở mọi thời đại. Nhân loại vẫn còn chưa hoàn toàn nhận biết Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế. Nhiều người, nhiều tập thể, nhiều quốc gia vẫn còn phạm tội, còn gây chiến tranh hận thù, còn chối bỏ đức Kitô và tinh thần của Ngài. Nhiều người còn sống và chủ trương sống thù nghịch với tinh thần của Đức Kitô Phục Sinh. Trách nhiệm công bố sự phục sinh của Đức Kitô và rao giảng ăn năn hối cải để được ơn tha thứ cho toàn thể nhân loại không phải chỉ thuộc về các linh mục tu sỹ hay giới tu trì. Tất cả mọi Kitô hữu, những người đã nhận biết và tin tưởng nơi Đức Kitô Phục Sinh, đều có trách nhiệm phải công bố và rao giảng. Công bố và rao giảng không phải chỉ xẩy ra trong thánh đường và nơi tòa giảng. Chúng ta phải công bố Tin Mừng Phục Sinh và sự ăn năn hối cải ở mọi phương diện. Trong bài đọc hai, thánh Gioan chỉ cho chúng ta phương cách công bố Tin Mừng Phục Sinh: Thứ nhất, chúng ta đừng phạm tội và hãy khuyến khích những người khác đừng phạm tội. Nếu lỡ phạm tội thì khiêm tốn trông cậy vào công nghiệp của Đức Kitô. Thứ hai là chúng ta trung tín yêu mến tuân giữ giới răn mà Đức Kitô đã truyền dậy. Thánh Gioan quả quyết rằng: “Ai nói mình biết Đức Giêsu Kitô mà không giữ giới răn Người tức là kẻ nói dối.”
NS. Trái Tim Đức Mẹ
Lm. Gioan Trần Khả